Ký ức hào hùng về những ngày vừa sản xuất, vừa chiến đấu
Những ngày tháng Bảy, cả nước lại lặng mình tưởng nhớ các Anh hùng Liệt sỹ đã hi sinh cho ngày hòa bình, độc lập và tri ân cho người trở về sau đạn bom khói lửa, gửi lại một phần máu xương nơi chiến trường để bảo vệ bình yên cho Tổ quốc, cho nhân dân.
Tinh thần sục sôi chiến đấu
Từ những chàng trai xung phong ra chiến trường giết giặc, những cô gái hăng hái mở đường, những chú bé làm liên lạc… cả một dân tộc sục sôi tinh thần chiến đấu, bảo vệ độc lập dân tộc, trong đó có cả những cán bộ, công nhân viên ngành dệt may vừa sản xuất vừa chiến đấu, góp phần không nhỏ vào thắng lợi chung của cả dân tộc.
Hơn 80 năm đất nước chìm trong chế độ đô hộ của thực dân Pháp, nước mất nhà tan, người công nhân dệt sợi trong các nhà máy cũng như nhân dân cả nước cùng chịu bao cơ cực tủi nhục, sống kiếp nô lệ. Chính từ thực tế trong cuộc sống khắc nghiệt của người làm thuê, ý thức dân tộc và ý thức giai cấp của công nhân nhà máy đã nảy sinh, phát triển hòa quyện vào nhau ngày càng sâu sắc. Cách mạng tháng Tám thành công (tháng 8-1945) đã đưa đất nước đến độc lập, tự do, nhân dân lao động từ nô lệ trở thành người làm chủ Tổ quốc.
Các chị em thay nam giới chiến đấu bảo vệ nhà máy
Nhưng thực dân Pháp vẫn chưa dừng tham vọng xâm lược Việt Nam, chúng tấn công đánh chiếm lại các thành phố lớn của ta, rồi đánh dần ra một số tỉnh ở miền Nam Trung Bộ. Trước tình hình đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, hơn 400 công nhân đã gia nhập Vệ quốc đoàn, trở thành những chiến sỹ trung kiên của Trung đoàn 34, đơn vị chủ lực đầu tiên được tổ chức và hoạt động ở 3 tỉnh: Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, và đã lập được nhiều chiến công. Đặc biệt là tiểu đoàn 75 với hầu hết các chiến sỹ là công nhân nhà máy Dệt Nam Định. Có đồng chí đã trở thành “chiến sỹ dũng cảm của Thành Nam” như: Phạm Sơn, công nhân vận chuyển của nhà máy Dệt Nam Định nhiều lần một mình ôm bom vào phá cửa nhà băng, trèo lên tường cao ném lựu đạn qua cửa sổ vào trong nhà diệt nhiều địch. Hay đồng chí Hoàng Thiện Sênh, công nhân nhà máy Dệt Nam Định, chỉ mới 17 tuổi đã dũng cảm mang lựu đạn đến gần lễ đài ném vào giữa đám quân nhạc của địch để phá cuộc mít tinh đón tên Thủ hiến Bắc Việt Nguyễn Hữu Trí…
Trước nhiệm vụ thiêng liêng: “Đội bom mà sản xuất”
Ngày 7-5-1954, chiến thắng Điện Biên Phủ thành công vang dội đã buộc thực dân Pháp phải rút quân khỏi Việt Nam, nhưng thực dân Pháp vừa đi thì đế quốc Mỹ lại nhảy vào.
Sau khi chiếm đóng miền Nam Việt Nam, đế quốc Mỹ điên cuồng ném bom bắn phá miền Bắc, cả nước thành chiến trường. Chống Mỹ cứu nước trở thành nhiệm vụ thiêng liêng của mỗi người Việt Nam yêu nước như lời Hồ Chủ tịch kính yêu đã nói: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Không quân Mỹ đã trút xuống quê hương Nam Hà 16.003 tấn bom đạn, nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định cũng là một điểm lửa, có ngày Mỹ ném bom 2,3 trận xuống nhà máy. Vì vậy thời gian này nhiều người gọi nhà máy là “Cồn Cỏ của Thành Nam”. Từ tháng 7 năm 1965 đến tháng 12 năm 1972, máy bay Mỹ đã gây ra hậu quả rất nặng nề: 22% thiết bị máy móc và 70% nhà xưởng bị phá hủy, 151 cán bộ, công nhân viên chức hy sinh, 197 người bị thương.
Thanh niên, công nhân lên đường nhập ngũ chống Mỹ cứu nước
“Đội bom mà sản xuất” là hình ảnh công nhân nhà máy Dệt thời kỳ này. Vừa hăng hái sản xuất, chi viện cho chiến trường miền Nam, lực lượng nhà máy còn tham gia chiến đấu tất cả các trận cùng quân và dân thành phố, đánh trả quyết liệt máy bay giặc khi chúng tới gây tội ác. Có trận tự vệ nhà máy bổ sung, tăng cường 18 pháo thủ cho một đơn vị pháo cao xạ của bộ đội trên địa bàn thị xã Phủ Lý. Không chỉ nam công nhân tham gia chiến đấu mà các chị em công nhân cũng rất hăng hái trên mọi mặt trận, rất nhiều chị đã hy sinh khi tuổi đời còn trẻ, như đồng chí Vũ Thị Minh Nguyệt, Đảng viên Đảng bộ nhà máy Dệt Nam Định, chị đã cùng đồng đội đánh trả máy bay giặc 21 trận, trận thứ 22 chiến đấu bảo vệ cầu Phủ Lý, diễn ra vào chiều ngày 7/7/1967, chị bị thương nhưng không cho đồng đội biết, vẫn tiếp tục chiến đấu cho đến hơi thở cuối cùng. Liệt sỹ Vũ Thị Minh Nguyệt, người thợ dệt mới 26 tuổi đang tràn đầy sức sống, trong sản xuất chị luôn đạt danh hiệu lao động tiên tiến, trong chiến đấu chị luôn có mặt ở nhiều nơi địch bắn phá ác liệt nhất. Hình ảnh chị góp phần tô đẹp thêm truyền thống kiên cường bất khuất của đội ngũ công nhân nhà máy, làm rạng rỡ thêm truyền thống phụ nữ Việt Nam: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.
Kiên cường bảo vệ sự sống của nhà máy
Ngày 1/7/1960, theo Quyết định của Bộ Công Nghiệp, phân xưởng Tơ tách khỏi nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định và trở thành một nhà máy độc lập. Nhiệm vụ chủ yếu là sản xuất song công tác quân sự được nhà máy chuẩn bị tích cực với tinh thần sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Năm 1964, nhà máy đã có 01 đại đội tự vệ nhưng tổ chức còn lỏng lẻo, nặng về hình thức, sau ngày 5/8/1964, công tác xây dựng và củng cố lực lượng tự vệ được Đảng ủy và ban giám đốc đặc biệt quan tâm. Lực lượng tự vệ đã phát triển lên thành một tiểu đoàn, lãnh đạo nhà máy tham gia ban chỉ huy tiểu đoàn. Năm 1967, nhà máy có 01 tiểu đoàn tự vệ (gồm 03 đại đội) và 01 trung đội trực chiến lưu động gồm 283 cán bộ chiến sỹ trong đó có 131 là nữ dưới sự chỉ đạo của Tỉnh đội.
Bám trụ nhà máy, bám trụ trận địa chiến đấu đến cùng là khẩu hiệu hành động của mỗi công nhân, tự vệ nhà máy. Trong bom rơi đạn nổ, các chiến sỹ tự vệ công nhân không sợ hy sinh, kiên cường đánh trả máy bay Mỹ để bảo vệ sự sống của nhà máy, trả thù cho đồng bào hai miền Nam, Bắc bị giặc Mỹ giết hại. Trong trận chiến đấu ngày 2/7/1965, đồng chí Đinh Kim Long đã lấy thân mình làm giá súng cho đồng đội bắn; có đồng chí đã dũng cảm băng qua bom đạn để cứu sống một cháu bé mới sinh được 20 ngày; các nữ chiến sỹ cùng bộ đội tháo gỡ bom nổ chậm để đảm bảo an toàn lao động, giao thông thông suốt…
Vừa chiến đấu vừa sản xuất chi viện cho miền Nam
Năm 1956, Bộ Quốc phòng quyết định chuyển các xưởng may quân trang từ chiến khu Việt Bắc, Khu Ba, Khu Bốn, Liên khu Năm về tập hợp tại Gia Lâm, Hà Nội và sát nhập lại thành “Xưởng May 10”. Năm 1961, Xưởng May 10 được đổi tên thành “Xí nghiệp May 10”. Nhiệm vụ chính của May 10 trong giai đoạn này vẫn là sản xuất quân trang cho bộ đội miền Bắc, quân giải phóng miền Nam và bộ đội Pathet Lào. Xí nghiệp cũng đã tổ chức một trung đội tự vệ trực chiến 24/24h trong ngày để chống trả máy bay địch. Tháng 7/1968, đội tự vệ của xí nghiệp hiệp đồng với đơn vị bạn đã góp phần bắn rơi 01 máy bay phản lực Mỹ ở xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, Thành phố Hà Nội. Ngoài việc chiến đấu bảo vệ sản xuất, May 10 hàng năm đều thực hiện đúng chỉ tiêu nghĩa vụ quân sự đối với Tổ quốc. Năm 1972, xí nghiệp hoàn thành tốt hai đợt tuyển quân: đợt 1 gồm 8 công nhân viên chức, đợt 2 gồm 9 cháu là con em cán bộ của xí nghiệp.
Ngày 13/4/1959, Nhà máy Dệt kim Đông Xuân được thành lập. Từ những ngày đầu vừa phải sản xuất, khôi phục nhà xưởng, lại xây dựng trận địa pháo, cán bộ công nhân viên nhà máy đã phối hợp với cơ khí Mai Động bắn rơi máy bay F.111 của Mỹ.
Buổi chiều ngày 8/3/1965, đã diễn ra Lễ khánh thành Nhà máy Dệt 8/3. Những lời căn dặn của Hồ Chủ tịch luôn in sâu vào trong tư tưởng, tình cảm của các thế hệ cán bộ, công nhân viên nhà máy: Nhà máy Dệt 8/3 ra đời là thành quả đổi bằng mồ hôi, xương máu của bao chiến sỹ, đồng bào đã ngã xuống trong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do lại được mang tên ngày Quốc tế Phụ nữ, vì vậy mỗi cán bộ, công nhân viên chức nhà máy phải làm việc hết sức mình để xứng với niềm vinh dự và trách nhiệm lớn lao đó.
Trước yêu cầu ngày càng lớn của sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, nhiều nam công nhân Dệt 8/3 đã lên đường nhập ngũ. Năm 1966, lực lượng bán vũ trang của nhà máy có 1621 người, tự vệ chiến đấu 791 người. Năm 1967, thanh niên Dệt 8/3 đã được tổ chức thành một đại đội (trên 100 đồng chí) lấy tên là đại đội 8/3 lên đường vào Nam chiến đấu, trong đó có nhiều đồng chí anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Phần lớn cán bộ công nhân Dệt 8/3 là phụ nữ (chiếm 75%), nhưng các chị em cán bộ, công nhân đã vươn lên đảm nhiệm, hoàn thành tốt những trọng trách mới. Năm 1967, nhà máy đã đào tạo 175 chị em để thay thế nam giới ra mặt trận.
Công nghiệp miền Nam trước ngày hoàn toàn giải phóng vốn là một nền công nghiệp thực dân mới, một nền công nghiệp què quặt, lệ thuộc nước ngoài. Nó không có một cơ sở công nghiệp nặng nào đáng kể, không có cơ sở ngành khai khoáng, luyện kim, chế tạo cơ khí, chủ yếu là công nghiệp nhẹ như chế biến thực phẩm, thức uống, thuốc lá, dệt. Trong những năm tháng kháng chiến, công nhân dệt đã tổ chức những cuộc bãi công đòi quyền lợi, đồng thời thể hiện được ý thức giác ngộ cách mạng của giai cấp công nhân.
Ngày 2/11/1958, 200 đại biểu công nhân ngành dệt ở Sài Gòn – Chợ Lớn, Gia Định họp Đại hội đấu tranh lần 3 đòi chính quyền Diệm có biện pháp giải quyết nạn thất nghiệp. Ngày 23/10/1974, 1200 công nhân nhà máy Dệt Sicôvina Phong Phú tuyệt thực để đòi ban giám đốc phải tăng phụ cấp đắt đỏ và trợ cấp xã hội. Bên cạnh đó công nhân ngành dệt may đã hòa mình cùng với công nhân các ngành công nghiệp khác tham gia vào lực lượng vũ trang ngày càng đông và chiến đấu ở những vị trí quan trọng, góp phần làm thất bại các kế hoạch quân sự của địch.
Ngày 30/4/1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của nhân dân ta kết thúc thắng lợi, cả nước bước vào thời kỳ lịch sử mới, thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước.
Sẵn sàng bảo vệ biên cương Tổ quốc
Từ ngày 17/2/1979, bọn phản động Trung Quốc ồ ạt đưa quân xâm lược nước ta. “Tổ quốc gọi, tuổi trẻ máy Tơ sẵn sàng”, hàng trăm thanh niên công nhân nhà máy Tơ đã gia nhập Quân đội nhân dân Việt Nam. Trên cơ sở được tổ chức từ trước, lực lượng tự vệ đã nhanh chóng được tổ chức lại cho phù hợp với tình hình mới, được biên chế thành 05 đại đội theo từng bộ phận sản xuất gồm 1116 người, được huấn luyện chu đáo vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu. Khi có lời kêu gọi của Ban chấp hành Trung ương Đảng và Lệnh tổng động viên, gần 500 lá đơn của anh chị em tự vệ được gửi về ban lãnh đạo nhà máy mong muốn được cầm súng chiến đấu chống quân xâm lược Trung Quốc, trong đó có lá đơn được viết bằng máu.
Tại nhà máy Dệt 8/3, nhà máy đã khẩn trương củng cố, phát triển lực lượng tự vệ và triển khai các phương án sẵn sàng chiến đấu. Từ 01 tiểu đoàn, đến năm 1979, tự vệ nhà máy đã phát triển thành 01 trung đoàn, với số lượng 2500 chiến sỹ. Nhà máy còn huy động 500 cán bộ, công nhân viên tham gia đắp phòng tuyến sông Cầu, cử 50 người đi huấn luyện quân sự dự nhiệm, tiễn 60 người lên đường nhập ngũ, bảo vệ biên cương Tổ quốc.
Ngay trong quý II/1979, nhà máy Dệt Nam Định đã thành lập “Tiểu đoàn xung kích phục vụ quốc phòng” gồm 437 chiến sỹ do đồng chí Lê Vĩnh Lộc là tiểu đoàn trưởng kiêm Bí thư chi bộ. Tiểu đoàn hành quân lên biên giới Lạng Sơn xây dựng phòng tuyến bảo vệ biên giới (tiểu đoàn đã làm được 4km đường, 500 hầm hố, đắp 4 ụ pháo). Kết thúc thời hạn, tiểu đoàn được Bộ chỉ huy mặt trận tặng cờ “Đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, trong tiểu đoàn có 300 chiến sỹ được khen thưởng.
Nhìn lại những trang sử sản xuất và chiến đấu đầy hào hùng của các cán bộ, công nhân viên ngành Dệt May Việt Nam, chúng ta thấy thật tự hào và biết ơn sự hy sinh thầm lặng của các chiến sỹ. Chiến tranh đã khiến hàng lớp lớp người con đất Việt ra đi không bao giờ trở lại. Cảm ơn những ngày này để những người sống trong nền hòa bình độc lập kính cẩn nghiêng mình trước vong linh các anh hùng liệt sỹ, để mỗi chúng ta tự soi rọi lại chính mình, để thế hệ trẻ tự hào về sự nghiệp của cha ông, lấy đó làm động lực phấn đấu rèn luyện tu dưỡng xây dựng quê hương đất nước.
Theo VTGF