Khai mạc Triển lãm Quốc Tế Ngành Công Nghiệp Dệt & May, Thiết Bị & Nguyên phụ liệu 2019


Từ ngày 23 – 25 / 10/2019, tại Trung tâm hội nghị triển lãm ICE, Hà Nội, sẽ diễn ra Triển lãm Quốc Tế Ngành Công Nghiệp Dệt & May – Thiết Bị & Nguyên phụ liệu 2019 (HanoiTex 2019 & HanoiFabric 2019).

Sự kiện do Tập Đoàn Dệt May Việt Nam (VINATEX), Phòng Thương Mại & Công Nghiệp Việt Nam, Công Ty CP Triển Lãm Hội Nghị và Quảng Cáo Việt Nam (VCCI Expo), Công Ty Triển Lãm CP Hong Kong, Công Ty Tổ Chức Triển Lãm CP Việt Nam đồng tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ Công Thương, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) và Hội Dệt May Thêu đan TP. HCM (Agtex).

Sáng 23/10/2019 Triển lãm HanoiTex 2019 & HanoiFabric 2019 chính thức khai mạc. Triển lãm thực sự là nền tảng tốt nhất để tìm nguồn cung ứng thiết bị, công nghệ, vật liệu và vật tư tiên tiến, cập nhất mới nhất về thông tin thị trường thế giới.

Tới dự buổi Lễ có ông Cao Quốc Hưng – Thứ trưởng Bộ Công Thương, cùng đại diện các Cục, Vụ trong Bộ; Ông Lê Tiến Trường – TV HĐQT, TGĐ Vinatex, đại diện các ông/bà trong Cơ quan điều hành, Trưởng, Phó các Ban chức năng của Tập đoàn; Ông Andrew Kay – TGĐ Công Ty Triển Lãm CP Hong Kong; Ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Vitas; Ông Lê Nho Thướng – UV BCH TLĐLĐVN, Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam; Ông Phạm Xuân Hồng – Chủ tịch Hội Dệt May Thêu đan TP. HCM, cùng đại diện các Sở, ban, ngành TP. Hà Nội;  Đại sứ quán nước ngoài và tổ chức quốc tế tại Việt Nam, cùng đông đảo cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương tới tham dự và đưa tin về sự kiện.

Hiện nay, Việt Nam đang là một thay thế phù hợp cho sản xuất kinh doanh hàng dệt may, khi cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ diễn biến phức tạp. Do đó, Việt Nam đã trở thành nhà xuất khẩu sản phẩm dệt may đứng thứ ba trên toàn thế giới.

Đại diện Bộ Công Thương, Vinatex, Vitas, Agtex và Công Ty Triển Lãm CP Hong Kong cắt băng khai mạc Triển lãm

Thực tế, trong thời gian qua, nhiều công ty trong nước và quốc tế đã chuyển các nhà máy sản xuất hàng dệt may của họ đến Miền Bắc, làm cho miền Bắc Việt Nam trở thành cơ sở sản xuất phát triển nhanh nhất tại Việt Nam. Triển lãm HanoiTex 2019 & HanoiFabric 2019, như một tất yếu, thu hút được hơn 179 nhà triển lãm trong nước và quốc tế giới thiệu các sản phẩm và công nghệ của họ.

Những đơn vị tham gia Triển lãm đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Đức, Hồng Kong, Indonesia, Ý, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Đài Loan, Anh, Mỹ, Việt Nam… Cũng trong khuôn khổ Triển lãm, sẽ diễn ra các buổi hội thảo. Các diễn giả của Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) và Trung tâm Thông tin Thương mại và Công nghiệp (VITIC) sẽ chia sẻ nhiều thông tin hữu ích về cơ hội SXKD, cũng như xu hướng đổi mới thiết bị, SX bền vững… trong các hội thảo.

Ông Cao Quốc Hưng – Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu Khai mạc Triển lãm

Phát biểu khai mạc Triển lãm, ông Cao Quốc Hưng – Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết: “Nhiều năm qua, Triển lãm Quốc tế Ngành công nghiệp Dệt May – Thiết  bị và Nguyên phụ liệu đã trở thành một điểm hẹn quen thuộc để các nhà cung ứng, các nhà sản xuất chia sẻ thông tin, tìm kiếm cơ hội hợp tác, thúc đẩy quá trình đổi mới, tái cấu trúc sản xuất.

Với quy mô hơn 5700 m2, 179 nhà cung ứng đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới như: Trung Quốc, Đức, Hồng Kong, Indonesia, Ý, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Đài Loan, Anh, Mỹ, Việt Nam, Hanoitex 2019 sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam có cơ hội giới thiệu, tham quan, tìm hiểu, lựa chọn thiết bị có trình độ công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, được sản xuất từ các nước công nghiệp tiên tiến để định hướng đầu tư thêm công nghệ mới nhằm sản xuất và cung cấp thêm nguồn nguyên phụ liệu dệt may với số lượng và chất lượng cao, tăng dần tỷ lệ nội địa hoá, chủ động đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng trong và ngoài nước, đáp ứng quy tắc xuất xứ đòi hỏi của các Hiệp định Thương mại, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, góp phần vào việc phát triển ngành Dệt May Việt Nam, hội nhập hiệu quả hơn với khu vực và quốc tế.

Đây cũng là cơ hội thuận lợi để các tổ chức, doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực tài chính, đầu tư, sản xuất – kinh doanh trong và ngoài nước gặp gỡ đối tác, quảng bá thương hiệu, tìm kiếm bạn hàng, mở rộng thị trường và xây dựng chiến lược đầu tư, hợp tác lâu dài.”

Ông Lê Tiến Trường – TGĐ Vinatex cho rằng, HanoiTex 2019 & HanoiFabric 2019 là cơ hội để các DN dệt may trong nước tiếp cận với những công nghệ hiện đại trên thế giới

Với cương vị là đơn vị tổ chức, ông Lê Tiến Trường – Tổng Giám đốc Vinatex cho biết: “Một trong những yếu tố góp phần làm nên thắng lợi trên thị trường quốc tế của Dệt May Việt Nam là sự sáng tạo, đổi mới, và dám đầu tư mạnh mẽ vào trang thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh. Triển lãm Quốc Tế Ngành Công Nghiệp Dệt – May, Thiết Bị – Nguyên Phụ Liệu 2019 – HanoiTex & HanoiFbric được tổ chức thường niên nhiều năm qua, có những đóng góp ý nghĩa cho sự phát triển vũ bão của Ngành. Năm nay, HanoiTex & HanoiFbric diễn ra ngay sau hội chợ Thiết bị Dệt May thế giới tổ chức 4 năm 1 lần ITMA tại Barcelona là cơ hội đem tới các công nghệ thiết bị cập nhật nhất, phù hợp điều kiện Việt Nam, nhất là với các doanh nghiệp chưa có điều kiện tham dự ITMA 2019. Với 179 nhà triển lãm đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Đức, Hồng Kong, Indonesia, Ý, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Đài Loan, Anh, Mỹ, Việt Nam sẽ giới thiệu các sản phẩm và công nghệ tiên tiến nhất của mình. Triển lãm này là nền tảng tốt nhất cho các doanh nghiệp Dệt May Việt Nam để tìm nguồn cung ứng thiết bị, công nghệ, vật liệu và vật tư tiên tiến, cập nhất mới nhất về thông tin thị trường thế giới, để tiếp tục phát triển mạnh mẽ, bền vững.

Nghiên cứu mới nhất của tập đoàn Dệt May Việt Nam về ảnh hưởng của cách mạng CN 4.0 đến ngành dệt may đã khẳng định trong 1 thập kỷ tới việc có ảnh hưởng đến 85% lao động dệt may như dự báo 7/2016 của ILO là chưa xảy ra, nhưng với điều kiện doanh nghiệp phải kịp thời cập nhật xu thế, đổi mới trang thiết bị, nhất là đổi mới hạ tầng kinh doanh (business platform) để theo kịp các yêu cầu mới của chuỗi cung ứng 4.0. Hy vọng rằng, triển lãm lần này sẽ đem lại các ý tưởng cho các chủ doanh nghiệp trong kế hoạch đổi mới của 5 năm tới với mục tiêu duy trì và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành dệt may.”

Ông Lê Tiến Trường giới thiệu những công nghệ mới về ngành Dệt May cho Thứ trưởng Bộ Công Thương cùng đại biểu tham dự buổi Khai mạc Triển lãm. 

Sau Lễ khai mạc, dưới sự chủ trì của ông Cao Hữu Hiếu – Giám đốc điều hành Vinatex và ông Andrew Kay – TGĐ Công Ty Triển Lãm CP Hong Kong đã có buổi Họp báo gặp gỡ, giải đáp những thắc mắc của các cơ quan thông tấn báo chí. Nhiều câu hỏi đã được gửi tới BTC Triển lãm. Theo đó, mặc dù nền kinh tế có nhiều biến động, ảnh hưởng trực tiếp tới ngành Dệt May, nhưng HanoiTex 2019 & HanoiFabric 2019 vẫn được tổ chức nhằm đưa những công nghệ tiên tiến của Thế giới tới các đơn vị trong Ngành, tạo tiền đề cho ngành Dệt May Việt Nam phát triển chuỗi cung ứng, cũng như đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của các Hiệp định FTAs.

Ông Cao Hữu Hiếu cùng ông Andrew Kay chủ trì buổi Họp báo về HanoiTex 2019 và HanoiFabric 2019

Được biết, sau HanoiTex 2019 & HanoiFabric 2019, sự kiện SaigonTex 2020 & SaigonFabric 2020 kế tiếp sẽ diễn ra từ ngày 8 đến 11/4/2020 tại SECC, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam.

Các công ty và thương hiệu nổi tiếng thế giới tham gia Triển lãm:

Cụm gian hàng quốc gia: Liên đoàn dệt  Đài Loan (Taiwan Textile Federation), Hiệp Hội Máy Máy Đài Bắc Mới (New Taipei Sewing Machine Association (NTSMA)), Hiệp hội Máy Dệt Hàn Quốc( Korea Textile Machinery Association (KOTMA)), Hiệp hội Máy May Công Nghiệp Hàn Quốc (Korea Sewing Machinery Industry Association (KOSMIA)).

INL International, Taesin, Nawon, Hoang Ha, Quan Bang, Hashima, Quan Bang, Ningbo Cixing, Dung Hung, JIAKE LOHVE, PGM, Shanghai Remoo, Maikatech, Tae Gwang- Phon Thinh, HIKARI, Dotec, Kingtex, Toboyo, VJC, Sungwoo, Mitsubishi, Bealed Machinery, Heng Tai, Goldfai, Schmetz Asia, A Nguyen (Organ Needle), Thach Anh Vang, Viet Tien Tung Shing (VTS)  giới thiệu các sản phẩm đền từ các thương hiệu nổi tiếng trong ngành may mặc như: JUKI, BROTHER, PEGASUS, KANSAI, HAMS, HASHIMA-KM, NAOMOTO, RACING, EASTMAN, SICAMA, HOHSING, PMM, ISEW, JUITA, BEALEAD, NGAI SHING, HENZ,…

Vải và Nguyên phụ liệu nội địa: Keen Ching zipper (KCC), Glorytex, Ever-Glory, Dong Phuong, Lycra, Hong Dat, Oishi. Ever – Glory lần đầu tham gia triển lãm Hanoi Fabric, cung cấp đầy đủ các dịch vụ quản lý chuỗi cung ứng về phát triển và thiết kế vải, lấy mẫu, tìm nguồn cung ứng, kiểm soát chất lượng, sản xuất, hậu cần, thủ tục hải quan và phân phối…

Bài và ảnh: Kiều Bích Hậu – Quang Nam


Các tin khác