Hướng đến ngày Giỗ Tổ ngành May


Mỗi năm vào ngày 12/12 Âm lịch, tất cả thợ may khắp nơi ở Việt Nam lại thành kính tổ chức Giỗ Tổ để ngưỡng vọng công đức Tổ nghề và các vị tiền bối đã có công lưu truyền thủ nghệ. Giỗ Tổ nghề May đã trở thành thông lệ truyền thống về đạo lý uống nước nhớ nguồn của những người lao động về nghề May.

Lễ Giỗ Tổ thì hầu như mọi người trong ngành hay ngoài ngành đều biết. Tuy nhiên, trên thực tế rất ít ai biết được nguồn gốc lễ Giỗ bắt nguồn từ đâu và Tổ Nghiệp là ai.

Nguồn gốc của Giỗ Tổ nghề May

Nghề may là nghề truyền thống có từ lâu đời của người Việt Nam và bắt nguồn từ khi con người biết trồng dâu nuôi tằm. Thế nhưng, để xác định được vị Tổ nghề thì rất khó. Riêng ở Hội An, các bậc cao niên truyền lại rằng: vị Tổ nghề may là Bà Nguyễn Thị Sen.

Lễ giỗ tổ nghề may tại làng Trạch Xá

Theo thần tích, Bà Nguyễn Thi Sen sinh ra và lớn lên ở làng Trạch Xá, xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, trấn Sơn Tây (ngôi làng được Quý Minh Đại Vương là thần tướng dưới thời Hùng Vương lập lên). Vào tuổi trăng tròn bà là người con gái xinh đẹp, nết na, đảm đang, giỏi giang việc trồng dâu, dệt vải, may mặc, thêu thùa.

Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Vua Đinh Tiên Hoàng lập 5 hoàng hậu là Đan Gia, Trinh Minh, Kiều Quốc, Cồ Quốc và Ca Ông, trong đó tứ phi Hoàng Hậu Cồ Quốc chính là Thánh tổ nghề May – Nguyễn Thị Sen.

Nhân dịp Vua Đinh Tiên Hoàng về trấn Sơn Tây kén chọn hiền tài giúp nước, đến làng Trạch Xá – Tổng Hòa Lâm – Huyện Ứng Hòa, đã cảm mến và kết duyên cùng bà Nguyễn Thị Sen. Theo vua về kinh đô Hoa Lư, bà được phong là Tứ Phi Hoàng Hậu.

Tại cung vua, bà được giao quản bộ May trang phục Hoàng Triều. Với trí thông minh, sự khéo léo và sáng tạo, bà đã cùng các cung phi tạo nên các loại quần áo của Hoàng tôn, Công tử, Hoàng hậu và Triều nghi, thứ nào cũng vừa trang trọng vừa tiện lợi. Đặc biệt đã đào tạo được đội ngũ người may, người thêu thùa đông đảo. Bà dạy cho các cung nữ từng đường kim, mũi chỉ phát triển nghề may trong cung vua mà trước đây chưa hề có.

Vào năm Kỷ Mão (979) Vua Đinh Tiên Hoàng bị gian thần sát hại. Buồn chán trước cảnh triều đình rơi vào binh đao tranh quyền, đoạt vị, bà đã đưa các con từ giã Hoàng cung trở về làng Trạch Xá quê hương. Tại đây, bà đã mang nghề may trong cung truyền dạy cho dân làng và từ đó nghề may đã phát triển đời này nối tiếp đời sau, đến nay đã được hơn ngàn năm. Bà mất vào ngày 12 tháng Chạp.

Để con cháu muôn đời biết về công đức của tiền nhân, người dân làng Trạch Xá đã lập đền thờ suy tôn bà là Đức Thánh Tổ nghề May và tổ chức Lễ hội Giỗ Tổ nghề May vào ngày 12 tháng Chạp âm lịch hàng năm.

Mâm cúng Giỗ Tổ ngành May 

Lễ cúng Tổ nghề may thường được diễn ra vào buổi sáng.Đối với những thợ may muốn tổ chức lễ cúng ở tiệm thì lễ vật thường là một cành hoa, con gà, đĩa trầu cau, ly rượu và chén nước. Nhiều tiệm còn cúng đầu heo, heo quay hay vịt là tuỳ theo ý nguyện và hiệu quả làm ăn trong năm. Bàn cúng được lập nơi khang trang (thường đặt ở vị trí gần bàn may).

Riêng đối với những làng nghề lâu năm như làng Trạch Xá thì Giỗ Tổ nghề May được tổ chức rất cầu kì và trang nghiêm. Lễ vật gồm: trái cây ngủ quả, hoa lay ơn, nhang rồng phụng 5 tấc, đèn cầy, gạo, muối, trà pha sẵn, rượu nếp, trầu cau, giấy cúng Giỗ tổ ngành May, xôi, gà luộc, heo quay con, bánh bao, bánh chưng/bánh tét, chả lụa,…

Lễ cúng giỗ tổ nghề may tại Trạch Xá/Ảnh: Báo Phụ Nữ TP. HCM

Khi chuẩn bị lễ vật xong, lên hương đèn, chủ nhà may hay người thợ chính ăn mặc chỉnh tề làm chủ bái, khấn vái với nội dung cảm tạ công ơn của vị Tổ nghề khai sáng ra nghề may mặc và những bậc tiền hiền đã góp phần nâng cao, cải tiến nghề nghiệp của mình, để có đời sống sung túc và cầu mong nghề nghiệp ngày càng thuận lợi, phát đạt. Lễ cúng xong, thợ thầy cùng vui hưởng, chuyện trò, trao đổi công việc.

Bài: Hoàng Hân (tổng hợp)/ Ảnh: Internet 


Các tin khác