Hà Nội chờ đón Tết, hoa chen người đi…
Thong thả tản bước dưới làn mưa xuân rơi nhè nhẹ, chẳng đủ ướt tóc, nhưng sao thấy thấm đẫm cả tâm hồn của người con Hà Nội. Hoa đào, hoa mai, hoa tươi… tô điểm cho sắc Xuân Hà thành thêm huyền bí. Chợt văng vẳng đâu đây giai điệu du dương mà trầm ấm: “Cành hoa tim tím bé xinh xinh báo xuân nồng/Rừng đào phong kín cánh mong manh hé hoa lòng/Hà Nội chờ đón tết, hoa chen người đi, liễu rũ… mà chi”. Chợt nhớ Đoàn Chuẩn, người nhạc sĩ lãng tử, hào hoa đã mang đến cho người yêu nhạc những giai điệu da diết, dịu êm.
“Đêm tân xuân Hồ Gươm như say mê. Chuông reo ngân, Ngọc Sơn sao uy nghi. Ngàn phía đến lễ đền. Chạnh lòng tôi nhớ đến người em…”. Hẳn là phải lắng đọng cảm xúc lắm, yêu đời và yêu người lắm, người nhạc sĩ tài hoa này mới viết lên những ca từ đẹp đến thế, dạt dào đến thế.
Đoàn Chuẩn là một trong số những nhạc sĩ sáng tác không nhiều, chỉ vào khoảng hơn 10 ca khúc. Nhưng “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, không có ca khúc nào dở, thậm chí có những bài rất hay. Hầu như tất cả ca khúc của Đoàn Chuẩn đều viết về mùa thu, chỉ có ca khúc “Gửi người em gái” là viết về mùa xuân – một cái Tết Hà Nội cách đây hơn 50 năm…
“Gửi người em gái” là một trong những sáng tác cuối cùng của Đoàn Chuẩn, với cái tên ban đầu là “Gửi người em gái miền Nam” được viết vào mùa xuân năm Bính Thân (1956) và tài tử Ngọc Bảo đã hát trên Đài tiếng nói Việt Nam. Trong bài hát này, Đoàn Chuẩn mượn bối cảnh thời cuộc để gửi gắm tình cảm dạt dào của mình về một mối tình mê đắm.
Sinh năm 1924 tại Cát Hải (Hải Phòng), mẹ của Đoàn Chuẩn là một góa phụ trẻ nhưng rất nổi tiếng bởi “một tay gây dựng cơ đồ”: chủ hãng nước mắm nổi tiếng Vạn Vân (dưa La, cà Láng, nem Báng, tương Bần, nước mắm Vạn Vân, cá rô Đầm Sét). Thời trai trẻ, “Đoàn công tử” ăn chơi nức tiếng phố biển và Hà thành. Nhạc sĩ Phạm Duy kể lại khi mới ngoài 20 tuổi, ông đã nhiều lần thấy công tử họ Đoàn lái xe Ford mui trần kiểu Vedette màu trắng đi học đàn tại Hà Nội.
Đam mê âm nhạc, Đoàn Chuẩn học Tây Ban cầm với nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ (tác giả ca khúc Giáo đường im bóng) và học Hạ Uy cầm với Wiliam Chấn. Tài hoa và lãng tử, sau những cuộc tình đắm say, nhạc sĩ đã cho ra đời những nhạc phẩm bay bổng như: Thu quyến rũ, Gởi gió cho mây ngàn bay, Cánh hoa duyên kiếp, Lá thư…, những ca khúc chỉ sử dụng gam trưởng (majeur) đã khiến ông được người đời xưng tụng là “Ông vua nhạc tình”.
Nhân vật đã khiến Đoàn Chuẩn viết Gửi người em gái là con gái đầu lòng của một công chức hỏa xa. Kháng chiến, cha nàng là tự vệ thành Hà Nội. Rồi nàng (khi ấy mới 12 tuổi) theo cha rút ra chợ Đại. Ở chợ Đại được ít lâu nàng lại phải trở về Hà Nội để cùng mẹ chăm sóc 5 đứa em. Cô bé tuổi dậy thì ấy đã phải làm thuê, đánh máy chữ, đan áo len… nhưng bù lại nàng có một vẻ đẹp kiêu sa và một giọng hát mê hồn. Chính giọng hát này đã khiến Đoàn Chuẩn ngất ngây khi chứng kiến nàng đoạt giải nhất cuộc thi hát do Đài Pháp Á tổ chức, và dù đã vào tuổi “tam tuần” nhưng chàng vẫn quyết định tìm gặp nàng. Vậy là tài tử, giai nhân cứ quấn quýt lấy nhau. Chàng giúp nàng học nhạc, giúp nàng hát phụ diễn trước mỗi suất chiếu phim ở rạp chiếu bóng Hà Nội, nàng đã hát rất hay những Lá thư, Đường về Việt Bắc, Chuyển bến… Biết bao thanh niên Hà thành mê đắm nàng nhưng con tim tơ non ấy đã dành trọn cho chàng nghệ sĩ. Rồi cha nàng mất ở vùng tự do, chú nàng cũng là bộ đội đã cho người vào thành đón nàng ra vùng tự do vào cuối mùa xuân 1954. Những ngày tháng tiếp theo là những chuỗi ngày đau đớn, cô đơn đến xót xa của Đoàn Chuẩn… Giải phóng Thủ đô, họ vui mừng gặp lại nhau, tình yêu như đậm đà thêm sau những tháng ngày xa cách. Tuy nhiên, ngày vui ngắn chẳng tày gang, cái tin nàng đã có người dạm hỏi khiến chàng đau đớn, hụt hẫng.
Chàng bất lực nhìn “tà áo xanh” xa rời khỏi tầm tay mình. Nỗi đau cũng là niềm cảm hứng miên man để chàng sáng tác liên tiếp những tình khúc: Tà áo xanh, Lá đổ muôn chiều, Vàng phai mấy lá, Chiếc lá cuối cùng… Và nhất là “Gửi người em gái” với những cung bậc da diết trong một mùa xuân cô đơn. Mỗi ca từ là nỗi nhớ nhung da diết của nhạc sĩ với mỹ nữ: “Tôi có người em gái tuổi chớm dâng hương, mắt nồng rộn ý yêu thương. Đôi mắt em nói nhiều, tha thiết như dáng Kiều, ôi tình yêu… Em tôi đi màu son trên đôi môi. Khăn san bay lả lơi trên vai ai. Trời thắm gió trăng hiền. Hà Nội thêm dáng những nàng tiên…”. Cái đẹp ấy cứ theo mãi trái tim nồng ấm của người nghệ sĩ, để rồi tiếc nuối theo ông đến tận cuối ca khúc: “Người đi trong dạ sao đành. Đường quen lối cũ, ân tình nghĩa xưa ?”.
Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đã về với thiên thu nhưng những gì ông để lại – tuy không nhiều – đã có thể trở thành những tình khúc bất tử, trong đó có hơn 10 bài mùa thu và một mùa xuân duy nhất, thật đẹp, thật lãng mạn… Nhẹ bước trong sắc xuân Hà thành nghìn năm tuổi, thấy tình xuân và tình người dường như hòa quyện trong sự giao hòa của trời đất, thấy “Hà Nội đón tết…” thật ý nghĩa và bình yên.
An Bình