Để NLĐ và sản xuất Dệt May – Da giày an toàn hơn


Với mục tiêu tôn trọng hơn nữa quyền của người lao động (NLĐ), và tận dụng ưu thế các Hiệp định thương mại tự do quan trọng, Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững và Hiệp hội Dệt may Việt Nam khởi động “Chương trình an toàn công trình nhà máy dệt may và da giày (LABS) tại Việt Nam”.

Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH) và Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) vừa khởi động “Chương trình an toàn công trình nhà máy dệt may và da giày (LABS) tại Việt Nam” vào ngày 6/8/2019 tại Hà Nội.

Nhằm hỗ trợ các nhà máy đạt được yêu cầu về an toàn về kết cấu xây dựng, hệ thống điện và phòng cháy chữa cháy tại các nhà máy dệt may và da giày theo các tiêu chuẩn quốc tế cũng như các quy định liên quan của Việt Nam.

Ngành dệt may và da giày đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam với tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2018 đạt 36,26 tỷ USD và dự kiến sẽ đạt 40 tỷ USD vào năm 2019.

Với tốc độ tăng trưởng liên tục và ổn định từ 12% đến 16%/năm trong giai đoạn 2010 đến 2018, ngành dệt may và da giày luôn đứng thứ 2 hoặc thứ 3 trong cơ cấu kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và tạo công ăn việc làm cho hơn 3 triệu lao động, trong đó hơn 80% lao động nữ.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp ở Việt Nam đạt được các yêu cầu từ các nhãn hàng và nhà phân phối quốc tế về an toàn công trình nhà máy, Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH) đã hợp tác với một số các nhãn hàng và nhà phân phối quốc tế lớn như Bestseller, Gap, Li & Fung, PVH, Target, VF Corporation, Walmart… để xây dựng nên bộ tiêu chuẩn chung, thống nhất áp dụng bởi các nhãn hàng này về yêu cầu an toàn công trình nhà máy dệt may và da giày và chương trình LABS để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu này.

Tham gia sự kiện có hơn 100 đại biểu, đại diện của các bộ, ban, ngành liên quan như Bộ Xây dựng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại diện các hiệp hội liên quan như Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam (LEFASO), Hiệp hội Bông vải sợi Việt Nam (VCOSA), đại diện Đại sứ quán Hà Lan, các tổ chức hỗ trợ phát triển quốc tế, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế, đại diện các nhãn hàng và nhà phân phối quốc tế, các công ty dịch vụ liên quan và đại diện các nhà máy dệt may và da giày.

PV


Các tin khác