Đảm bảo việc tuân thủ pháp luật và các quy định cho thiết bị đeo thông minh đang phát triển nhanh


Mức độ phổ biến của thiết bị đeo thông minh thực sự đã tăng vọt trên thị trường toàn cầu vào năm 2020, vượt quá những dự đoán được đưa ra trước đó vào năm 2014

Một vài năm gần đây, các thiết bị đeo thông minh (SWD_Smart Wearable Devices) đã và đang tạo ra một sự lan truyền lớn. Bắt đầu chủ yếu từ các quốc gia phương Tây, các thiết bị đeo thông minh đã mở rộng phạm vi tiếp cận đến các quốc gia đang hoặc thậm chí là kém phát triển để nâng cao cuộc sống hàng ngày của con người theo nhiều cách khác nhau, đồng thời bằng cách nào đó nó đang phá bỏ quan niệm cũ khi cho rằng thiết bị đeo thông minh không dành cho người tiêu dùng đại trà.

Thiết bị đeo thông minh được phổ biến đến mức mà thị trường toàn cầu của các thiết bị này năm 2020 đã vượt quá dự đoán được đưa ra vào năm 2014. Ngày nay, thị trường thiết bị đeo thông minh trên toàn thế giới đạt hơn 25 tỷ USD so với dự đoán được đưa ra vào năm 2014 là 22,90 tỷ USD. Trên thực tế, theo SGS – nhà cung cấp giải pháp một cửa cho các nhà sản xuất SWD – năm 2019 hơn 245 triệu thiết bị đã được bán ra. Sự tăng trưởng này dự kiến sẽ tiếp tục với ước tính khoảng 368,9 triệu người dùng công nghệ đeo thông minh vào năm 2024, dự kiến mỗi người chi tiêu ở mức ít nhất là 79,75 USD.

Trong ngành công nghiệp quần áo thời trang, thị trường quần áo có khả năng tăng từ 1,60 tỷ USD năm 2019 lên 5,30 tỷ USD năm 2024 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm CAGR là 26,20%.

Nhưng chính xác thì sự lan truyền này là về cái gì?

Thuật ngữ ‘thiết bị đeo được’, đôi khi được gọi là công nghệ có thể đeo được,dùng để chỉ các mặt hàng được đeo trên người có chứa các thành phần điện hoặc điện tử như đồng hồ thông minh, giày thông minh, quần áo và phụ kiện thông minh. Tuy nhiên, SWD đưa công nghệ đeo lên một tầm cao mới, với các thiết bị đeo này giờ đây có thể giao tiếp không dây với các thiết bị khác.

Công ty SGS cho biết, các thiết bị đeo tốt nhất thuộc lĩnh vực sức khỏe và fitness (cơ thể có thể lực tốt và sức khỏe lành mạnh) đang được cải tiến, đây là lĩnh vực chính trên thị trường SWDs vì tính theo doanh số bán hàng thì các thiết bị theo dõi fitness vẫn là danh mục sản phẩm lớn nhất. Các thiết bị theo dõi fitness cũng được nhúng vào quần áo thông qua một bộ xử lý nhúng để theo dõi số liệu thống kê sức khỏe, thúc đẩy việc mở rộng phạm vi của các thiết bị này.

Tuy nhiên, nếu đó không phải là sự tăng trưởng tích cực của thị trường quần áo thể thao, thì ngành công nghiệp thiết bị đeo thông minh có lẽ sẽ không bao giờ phát triển mạnh mẽ được như ngày hôm nay. Với quy mô thị trường trị giá hơn 270 tỷ USD, trang phục thể thao và trang phục athleisure (trang phục vừa thể thao vừa thường ngày) đã được hưởng lợi từ việc dân số thế giới ngày càng ý thức về sức khỏe và chắc chắn đó là triển vọng tăng trưởng trong lĩnh vực trang phục athleisure vốn có xu hướng mang lại nhiều đổi mới hơn cho các sản phẩm may. Trong thời gian gần đây ‘Quần áo thông minh’ hay ‘Quần áo có thể mặc được’ là một trong những kết quả của những đổi mới này, chúng đang được liên kết nhanh với thói quen của những người đam mê thể dục trên toàn thế giới khi mà xu hướng giữ sức khỏe và vóc dáng cho người lớn cũng như việc tham gia thể thao cho thanh niên đã trở nên toàn cầu hóa.

Hiện nay, các sản phẩm áo sơ mi, quần sooc và quần legging cóthể giúp con người luyện tập theo nhiều cách hơn và khi nó sắp lọt vào danh sách trang phục yêu thích của mọi người, thì rõ ràng là các nhà nghiên cứu và các nhà phát triển chắc chắn sẽ tìm cách để cho các sản phẩm này trở nên công nghệ hơn…

Cách đây không lâu, Tập đoàn Apple đã tung ra một chiếc đồng hồ thông minh có thể theo dõi lượng calo đốt cháy của một vận động viên khi tập thể dục. Nhưng giới hạn tiếp theo của thiết bị đeo là không liên quan gì đến cổ tay. Thay vào đó, tập trung vào các trang phục thể thao mà người sử dụng hay đổ nhiều mồ hôi, các sản phẩm này ngày càng trở nên thông minh hơn từ quần legging thích ứng với các bài tập lunge (Lunge là bài tập cơ bản của thể hình, động tác tương thích khá nhiều với cuộc sống thường nhật như đi bộ, lên xuống cầu thang hay chạy nhảy) đến áo sơ mi có thể theo dõi nhịp tim hoặc áo lót hoàn hảo cho các bài tập cường độ cao như HIIT, chạy và đối kháng.

Làm thế nào để đảm bảo các quy định trong sản phẩm SWD?

SWD kết hợp cả thành phần liên quan đến điện và không điện và về bản chất chúng được phân loại là các sản phẩm đa chủng loại. Linh kiện điện được đưa vào trong quần áo và các phụ kiện liên quan do đó cần phải tuân theo các yêu cầu quy định đối với cả sản phẩm điện và điện tử (EE) và các quy định liên quan đối với kết cấu xung quanh.

Các sản phẩm không đáp ứng với các tiêu chuẩn này có nguy cơ bị thu hồi. Trong một vài trường hợp, lý do thu hồi là linh kiện điện tử hoặc linh kiện không dùng điện ví dụ như tại Mỹ vào năm 2014 vòng đeo tay theo dõi sức khỏe đã bị thu hồi vì chúng gây kích ứng và phồng rộp da của người dùng.

Do vậy điều quan trọng đối với các nhà sản xuất SWD là phải đảm bảo sản phẩm tuân thủ tất cả các quy định liên quan được thực thi tại thị trường mục tiêu của họ. Điều này có thể làm cho quá trình sản xuất phức tạp hơn vì các sản phẩm cần phải được kiểm tra theo: Tuân thủ bắt buộc; Kiểm duyệt quốc tế – CE hoặc FCC; Bằng sáng chế và phát minh – Chứng nhận Bluetooth, Wi-Fi; và Thử nghiệm hiệu suất và độ tin cậy – cụ thể cho từng loại sản phẩm (ví dụ: kiểm tra hiệu suất cho giày)

Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn mua một bộ quần áo có hỗ trợ công nghệ để theo dõi nhịp tim của mình nhưng nó lại gặp trục trặc về mặt tuân thủ nguyên tắc hiện tại? Dưới đây là tầm quan trọng của ‘các tuân thủ bắt buộc’ có thể được chia thành 4 loại

  • Sản phẩm an toàn
  • Tương thích điện từ (EMC)
  • Tần số vô tuyến
  • Tuân thủ nguyên tắc liên quan đến hóa chất

Các nhà sản xuất thiết bị đeo thông minh hoạt động tại các thị trường EU cần đảm bảo tuân thủ các chất hóa học bắt buộc theo quy định của pháp luật, bao gồm REACH (Quy định, Đánh giá, Ủy quyền và Hạn chế Hóa chất), các chỉ thị về pin và đóng gói cùng các quy định về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) và gây dị ứng. Về các linh kiện điện và điện tử EE, các quy định của EU bao gồm:

  • Chỉ thị 2011/65 / EU Hạn chế Các chất Nguy hiểm (RoHS)
  • Chỉ thị 2012/19 / EU về rác thải Thiết bị Điện và Điện tử (WEEE)
  • Quy định về tần số vô tuyến và khả năng tương thích điện từ (EMC)

Mặt khác, khi hoạt động tại Hoa Kỳ, các nhà sản xuất thiết bị đeo thông minh phải cân nhắc:

  • Chất độc trong đóng gói (TPCH)
  • Dự luật 65 của California
  • Luật Công cộng Hoa Kỳ 104-142 đối với pin
  • Các quy định được thực thi bởi Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC)

SGS cho biết “Hầu hết các quốc gia cũng sẽ có các tiêu chuẩn an toàn mà sản phẩm phải tuân theo”. Các quy định này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm và các nhà sản xuất nên hợp tác với một nhà cung cấp dịch vụ thử nghiệm và chứng nhận có kinh nghiệm để đảm bảo rằng họ đang tuân thủ pháp luật một cách chính xác.

Ensuring compliance and regulation in rapidly growing smart wearable devices

Người dịch: Nguyễn Thị Hường


Các tin khác