Công đoàn đồng hành cùng doanh nghiệp và người lao động trong dịch bệnh


Trong diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Công đoàn Dệt May Việt Nam cùng các công đoàn cơ sở đã có nhiều hoạt động đồng hành với doanh nghiệp và người lao động trong tháo gỡ khó khăn, chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Nhận diện khó khăn

Làn sóng thứ 4 của đại dịch Covid-19 là giai đoạn phức tạp và khó khăn lớn đối với Việt Nam. Dịch bùng phát mạnh tại những địa phương vốn là trung tâm kinh tế của cả nước như Bắc Giang, Bắc Ninh và mới đây là TP.HCM. Đây cũng là những tỉnh, thành phố có nhiều doanh nghiệp trong hệ thống đóng trú; những xáo trộn, khó khăn cho cả doanh nghiệp (DN) lẫn người lao động (NLĐ) là điều không thể tránh khỏi.

Do chính sách giãn cách, cách ly của địa phương, nhiều DN đã phải giảm mạnh sản xuất từ 50-70%, thậm chí phải dừng sản xuất 14 ngày do có F0. Nhiều NLĐ không thể đến làm việc do nhà máy hoặc nơi ở nằm trong khu phong tỏa, dẫn đến tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng.

Trước tình hình trên, Công đoàn Dệt May Việt Nam (CĐDMVN) và các công đoàn cơ sở (CĐCS) đã có những hoạt động chung tay cùng DN vừa duy trì sản xuất kinh doanh, vừa đảm bảo phòng chống dịch; chăm lo nhằm tháo gỡ một phần khó khăn cho NLĐ; đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng các phương án để bố trí cho NLĐ sản xuất và ăn nghỉ tập trung trong điều kiện nhà máy bị cách ly.

Tuyên truyền đầy đủ, kịp thời đến NLĐ

Cổng Thông tin điện tử, trang Facebook, chương trình Truyền hình, Truyền thanh của Tập đoàn DMVN, CĐDMVN, các nhóm Zalo của cán bộ công đoàn trong hệ thống thường xuyên đăng tải các thông tin về phòng chống dịch bệnh, chia sẻ các phương pháp hay, cách làm hiệu quả, những mô hình chăm lo thiết thực, những kinh nghiệm tổ chức sản xuất trong điều kiện không bình thường.

Cán bộ công đoàn Dệt May Thành Công sắp xếp, đóng gói thực phẩm cho NLĐ.

Các CĐCS cũng nắm bắt, đối thoại, giải quyết kịp thời những nguyện vọng chính đáng của NLĐ. Nhờ đó, tư tưởng NLĐ ổn định, thấu hiểu những khó khăn và đồng lòng cùng DN vượt qua thách thức.

Hỗ trợ CĐCS và NLĐ tháo gỡ khó khăn, phòng chống dịch bệnh

Trong những ngày qua, CĐDMVN đã hỗ trợ 1,06 tỷ đồng cho 27 CĐCS khu vực miền Nam để đồng hành cùng DN phòng chống dịch tại nơi làm việc.

Hỗ trợ 100 triệu đồng cho lực lượng sinh viên tình nguyện của trường Đại học Nguyễn Tất Thành tham gia phòng chống dịch trong các khu cách ly, thực hiện công tác điều tra truy vết khoanh vùng dập dịch….

Hỗ trợ kinh phí may trang phục tặng đội ngũ y bác sỹ tuyến đầu chống dịch tại TP.HCM 30 triệu đồng; các CĐCS cùng cá nhân đóng góp 170 triệu đồng.

Hỗ trợ cho 10 NLĐ là F0, hơn 200 F1 và gần 400 F2 tại các CĐCS phải nghỉ cách ly. Tổng số tiền chi hỗ trợ NLĐ (tính đến ngày 7/7/2021) là 500 triệu đồng.

Trong thời gian tới, CĐDMVN tiếp tục phối hợp với CĐCS rà roát các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh để kịp thời hỗ trợ cho NLĐ.

Thiết thực bảo vệ, chăm lo cho NLĐ

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại TP.HCM, gần 800 điểm bị phong tỏa, các chợ truyền thống phải đóng cửa, nhu yếu phẩm khan hiếm, đời sống NLĐ bị đảo lộn, hết sức khó khăn. Thấu hiểu những điều đó, các CĐCS phía Nam đã có sáng kiến “đi chợ giúp NLĐ”, thậm chí còn sơ chế, nấu ăn sẵn để NLĐ ổn định sinh hoạt, yên tâm sản xuất. Đồng thời, việc làm này còn giúp NLĐ không phải đi vào những nơi tập trung đông người như chợ đầu mối, siêu thị… tránh việc có thể mang virus lây nhiễm cho gia đình và công ty.

Để có được nguồn thực phẩm tươi sống, giá rẻ hơn so với thị trường, các cán bộ công đoàn đã phải nỗ lực gấp nhiều lần, thay nhau “canh” tại các chợ đầu mối, tìm kiếm, giới thiệu cho nhau các nhà cung cấp để có được nguồn hàng tốt. Nhiều cán bộ công đoàn đã phải thực hiện xét nghiệm thường xuyên để có giấy chứng nhận đảm bảo cho việc ra vào chợ đầu mối mua nhu yếu phẩm cho NLĐ. Một số đơn vị mua lương thực, thực phẩm bằng hình thức giao hàng không tiếp xúc, vì thế các cán bộ công đoàn lại phải trực tiếp vận chuyển, sắp xếp một lượng hàng rất lớn, rất nặng vào Công ty. Một số CĐCS còn chủ động tìm kiếm và kêu gọi sự chung tay từ các nhóm từ thiện, các mạnh thường quân để có nhu yếu phẩm hỗ trợ thêm cho NLĐ khó khăn.

Dù tiếp cận nguồn thực phẩm chất lượng, giá bình ổn trong điều kiện hiện tại rất khó, nhưng nhờ sự “lăn xả” của các cán bộ công đoàn, mà bữa cơm của bản thân và gia đình NLĐ vẫn đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Có đơn vị bổ sung thêm trà, gừng, chanh, sả, sữa, vitamin để NLĐ có thêm sức đề kháng chống lại dịch bệnh.

Không chỉ tại Công ty, mà ngay cả với những NLĐ bị cách ly tại các khu vực bị phong tỏa, CĐCS cũng nhanh chóng, kịp thời hỗ trợ để đảm bảo họ có đủ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm sử dụng trong 14 ngày.

Chị Trần Thị Thanh Phượng – Chủ tịch CĐCS Tổng Công ty Việt Thắng cho biết: “Hoạt động này góp phần làm giảm nguy cơ lây lan bệnh dịch, bên cạnh đó NLĐ được mua hàng thực phẩm an toàn, chất lượng, đảm bảo giá rẻ hơn thị trường, và quan trọng không bị mất thời gian nhiều. Cụ thể, NLĐ muốn mua hàng phải trật tự đi từ lối vào để đến quầy rau củ đầu tiên, mỗi người chỉ được đi 1 vòng để chọn lựa, kết thúc ở lối ra của quầy thanh toán. Cùng với việc hàng hóa được chia sẵn thành gói nhỏ với giá dao động từ 5000-20.000đ/phần, công nhân sẽ “đi chợ” rất nhanh và thuận tiện, giảm được sự tập trung đông người và đảm bảo giãn cách an toàn”.

Chị Nguyễn Thị Kim Oanh – Công nhân Tổng Công ty Việt Thắng chia sẻ: “Rau do công đoàn bán rất tươi, giá cũng hợp lý. Trong bối cảnh dịch bệnh như này, công đoàn tạo điều kiện cho công nhân lao động được mua bán một cách thuận tiện, an toàn như vậy rất là ý nghĩa, công nhân chúng tôi rất ủng hộ mô hình này”.

Cũng như vậy, chị Huỳnh Thị Hồng Thắm – Công nhân Tổng Công ty Việt Thắng bộc bạch: “Giá hàng hóa tại cửa hàng công đoàn Tổng Công ty rẻ hơn thị trường 20%, lại đa dạng và tươi ngon, thậm chí có loại được chế biến sẵn rất tiện dụng. Có thể đi chợ ngay trong khuôn viên Tổng Công ty thì chúng tôi không cần lo lắng đi mua thực phẩm ở bên ngoài nữa.”

Nhằm giải quyết bất cập của nhiều CNLĐ do ở xa hoặc làm các công việc như lái xe, giao hàng… cứ 3 ngày phải đến trung tâm xếp hàng chờ xét nghiệm một lần để đủ điều kiện đi qua các vùng, các tỉnh, trong khi những điểm xét nghiệm thường quá tải, nguy cơ lây nhiễm cao và mất nhiều thời gian, các CĐCS đã đề xuất chuyên môn ký hợp đồng với lực lượng xét nghiệm của quân đội. Dù kinh phí có thể cao hơn nhưng thuận tiện, tiết kiệm thời gian và quan trọng là an toàn hơn do không phải tập trung ở nơi quá đông người.

Với những việc làm thiết thực, ý nghĩa nêu trên, các công đoàn sơ sở đã vừa bảo vệ, chăm lo cho NLĐ, vừa đồng hành hỗ trợ DN phòng, chống dịch hiệu quả.

Cửa hàng công đoàn của Tổng Công ty Việt Thắng tăng cường các mặt hàng nhu yếu phẩm phục vụ CNLĐ với giá rẻ trong bối cảnh dịch.

Lắng nghe, vận động, trấn an NLĐ

Các DN trong hệ thống đã có những ca F0, tâm lý chung của NLĐ lúc đó là hoảng loạn, lo lắng. Như tại Xí nghiệp May Việt Long (Tổng Công ty Việt Tiến), khi phát hiện có ca F0, nhiều công nhân có biểu hiện muốn rời công ty về nhà ngay vì sợ lây nhiễm. Trước hình hình có thể xảy ra hỗn loạn, tổ chức công đoàn đã đứng ra trấn an, ổn định tâm lý cho NLĐ, giải thích với họ về nguy cơ nếu đi ra khỏi nhà máy lúc này rất có thể sẽ làm lây lan virus cho gia đình và cộng đồng. Khi đó, tình hình dịch bệnh sẽ mất kiểm soát, thành phố sẽ “vỡ trận”. Nhờ đó NLĐ đã hiểu vấn đề, tiếp tục sản xuất, chờ đợi cơ quan chức năng đến truy vết, xét nghiệm trong toàn xí nghiệp.

Ngoài ra, với những công nhân, NLĐ không phải giãn cách, cách ly, các cán bộ công đoàn đã vận động, khuyến khích họ làm thêm việc, thêm giờ, bù cho những người không thể đến làm việc, để năng suất không bị giảm sút, đảm bảo tiến độ giao hàng.

Sẵn sàng phương án “3 tại chỗ”

Trong điều kiện vừa sản xuất vừa bảo đảm an toàn phòng chống dịch, phương án “ăn, ngủ, làm việc” tại nhà máy được nhiều DN đã hoặc đang chuẩn bị triển khai như: May Hữu Nghị, Dệt May Liên Phương, Quốc tế Phong Phú, Tổng Công ty Phong Phú và 6 đơn vị trong cụm Việt Thắng. Để chuẩn bị cơ sở vật chất một cách đầy đủ nhất cho NLĐ, các CĐCS đã phải bắt tay vào chuẩn bị từ những đồ dùng vật dụng như giường chiếu, TV đến thuốc xịt muỗi, xà bông, bột giặt…. Hệ thống nhà vệ sinh cũng được bổ sung thêm thiết bị phục vụ tắm giặt. Ngoài ra, bếp ăn cũng phục vụ 3 bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng mỗi ngày cho NLĐ. CNLĐ trước khi chuyển vào ở tại công ty đều được xét nghiệm 2 lần và phải có kết quả âm tính.

Mặc dù chi phí cho phương án này khá cao, ví dụ như May Hữu Nghị do có F0, nhà máy bị trưng dụng thành nơi cách ly cho 1.200 lao động, chi phí 2 lần xét nghiệm và đầu tư cơ sở vật chất ước tính gần 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, để đảm an toàn cho NLĐ, ổn định sản xuất cũng như chia sẻ gánh nặng do “quá tải” tại các khu cách ly, DN đều sẵn sàng chi trả. Bản thân NLĐ cũng chia sẻ và tự nguyện hợp tác với DN, cùng “đồng tâm, đồng lòng, đồng lực” thực hiện mục tiêu kép, vừa sản xuất vừa chống dịch.

DN và NLĐ là lực lượng chính góp phần phát triển kinh tế xã hội, song trong bối cảnh dịch bệnh, họ lại là những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Toàn Tập đoàn, trong đó, tổ chứcCông đoàn luôn mong muốn được chia sẻ, đồng hành cùng DN và NLĐ vượt qua khó khăn. Những hành động mà công đoàn các cấp thực hiện tưởng như nhỏ bé, song nó lại mang một sức mạnh to lớn – sức mạnh của sự gắn kết và cộng đồng trách nhiệm để DN, tổ chức công đoàn và NLĐ cùng đoàn kết vượt qua khó khăn.

Hy vọng rằng, dịch bệnh nhanh chóng được kiếm soát, NLĐ Dệt May sớm được tiêm vaccine, DN thành công trong duy trì, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, CNLĐ lại được trở về với cuộc sống bình yên trong trạng thái bình thường mới. Trong tâm thức của mỗi cán bộ, công nhân Dệt May, chắc chắn sẽ luôn nhớ về những tháng ngày kiên trì, nỗ lực vượt qua đại dịch, để thêm trân quý,  tự hào khi được sống và làm những việc ý nghĩa, vì sự phát triển bền vững của ngành.

Vĩnh Hồng


Các tin khác