Bản tin pháp luật tháng 12/2022 (Số 142)


Bản tin pháp luật Tháng 12/2022 (Số 142)

  1. NGHỊ ĐỊNH:
  2. Nghị định số 99/2022/NĐ-CP ngày 30/11/2022 của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm

Theo đó, quy định 04 trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm bao gồm:

– Đăng ký thế chấp tài sản, cầm cố tài sản, bảo lưu quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan;

– Đăng ký theo thỏa thuận giữa bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm hoặc theo yêu cầu của bên nhận bảo đảm, trừ cầm giữ tài sản;

– Đăng ký thông báo xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ mà có nhiều bên cùng nhận bảo đảm hoặc trong trường hợp bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có thỏa thuận;

– Đăng ký thay đổi nội dung đã được đăng ký; xóa đăng ký nội dung đã được đăng ký đối với 03 trường hợp nêu trên…

(Hiện nay, các trường hợp phải đăng ký biện pháp bảo đảm gồm: Thế chấp quyền sử dụng đất; Thế chấp tài sản gắn liền với đất nếu đã được chứng nhận quyền sở hữu trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…; Cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay; Thế chấp tàu biển.)

Nghị định 99/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ 15/01/2023 và thay thế Nghị định 102/2017/NÐ-CP (Quy định về thực hiện thủ tục trực tuyến tại khoản 2 Điều 56 Nghị định 99/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/01/2024; quy định đăng ký với bất động sản có hiệu lực từ thời điểm được quy định tại pháp luật về bất động sản).

  1. Nghị định số 107/2022/NĐ-CP ngày 28/12/2022 của Chính phủ về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ

Theo đó ERPA là Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ, được ký ngày 22/10/2020 giữa Bộ NN&PTNT và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD); Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế chuyển giao lại cho Bộ NN&PTNT khoảng 95% lượng giảm phát thải ký kết và lượng bổ sung (nếu có) để sử dụng cho Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam.

Chuyển nhượng kết quả giảm phát thải là việc Bộ NN&PTNT chuyển quyền sở hữu lượng giảm phát thải khí nhà kính từ rừng tự nhiên cho Quỹ Đối tác các-bon lâm nghiệp ủy thác qua Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế theo ERPA (gồm lượng giảm phát thải ký kết 10,3 triệu tấn CO và lượng giảm phát thải bổ sung tối đa 5 triệu tấn CO2 (nếu có).

Về định mức chi giảm phát thải khí nhà kính, Nghị định 07/2022/NĐ-CP quy định:

– Đối với khoán bảo vệ rừng, mức khoán tối thiểu bằng mức hỗ trợ của ngân sách nhà nước cho khoán bảo vệ rừng, tối đa không lớn hơn 2 lần mức hỗ trợ của ngân sách nhà nước cho khoán bảo vệ rừng theo đối tượng nhận khoán trên cùng địa bàn cấp tỉnh. Mức cụ thể do UBND cấp tỉnh quy định;

Đối với hoạt động hỗ trợ phát triển sinh kế: Định mức hỗ trợ là 50.000.000 đồng/cộng đồng dân cư/năm;

Như vậy, khi bán tín chỉ các-bon, cộng đồng dân cư ở 6 tỉnh Bắc Trung Bộ được hỗ trợ 50 triệu đồng/năm.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký (28/12/2022).

  1. Nghị định số 109/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học

Theo đó,

– Cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) được thành lập doanh nghiệp theo pháp luật về doanh nghiệp, phù hợp với định hướng phát triển của cơ sở GDĐH; cơ sở GDĐH được góp vốn bằng tài sản trí tuệ là kết quả nghiên cứu khoa học và công nghề có nguồn gốc từ NSNN để liên doanh, liên kết nếu đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật; cơ sở GDĐH công lập được chuyển giao quyền sử dụng….

Nhóm nghiên cứu mạnh trong cơ sở GDĐH là tập thể các nhà khoa học do một nhà khoa học có uy tín, có năng lực, trình độ chuyên môn cao tại cơ sở GDĐH đứng đầu dẫn dắt phát triển một hướng nghiên cứu có tỉnh liên ngành, dài hạn, có tính tiên phong, đột phá; có mục tiêu, kế hoạch, nội dung nghiên cứu trong từng giai đoạn cụ thể để tạo ra các sản phẩm có giá trị khoa học và thực tiễn cao, gắn với đào tạo tiến sĩ và nghiên cứu sau tiến sĩ. Nhóm nghiên cứu mạnh được hưởng các chính sách ưu đãi theo Điều 10 của Nghị định này.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/3/2023 và thay thể Nghị định 99/2014/NĐ-CP.

  1. Nghị định số 110/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ

Theo đó, bãi bỏ toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật sau:

Nghị định số 19/2014/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2014 của Chính phủ ban hành Điều lệ mẫu của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu;

Nghị định số 115/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ quy định chế độ giám sát, kiểm tra việc thực hiện chiến lược, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ được giao của doanh nghiệp nhà nước.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/12/2022.

  1. Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập

Theo đó, các công việc hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan hành chính (CQHC), đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) sau đây sẽ thực hiện ký kết, áp dụng chế độ, chính sách theo pháp luật lao động, dân sự và các quy định khác có liên quan:

Lái xe, bảo vệ (trừ bảo vệ tại các cơ quan, đơn vị như Văn phòng TW Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ …);

Lễ tân, phục vụ; tạp vụ; trông giữ phương tiện; bảo trì, bảo dưỡng, vận hành trụ sở, trang thiết bị, máy móc phục vụ hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị;

– Các công việc, hỗ trợ phục vụ khác thuộc danh mục vị trí việc làm hỗ trợ phục vụ trong CQHC và ĐVSNCL không được xác định là công chức, viên chức theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, còn thực hiện hợp đồng với các vị trí công việc hỗ trợ, phục vụ trong CQHC thực hiện quản lý, chính sách như công chức và các công việc chuyên môn, nghiệp vụ thuộc danh mục vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành trong ĐVSNCL.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/02/2023 và Điều 3 Nghị định số 61/2018/NĐ-CP và khoản 2 Điều 7 Nghị định số 06/2013/NĐ-CP sẽ hết hiệu lực thi hành.

  1. THÔNG TƯ:
  2. Thông tư số 72/2022/TT-BTC ngày 30/11/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về ngưng hiệu lực của Thông tư số 31/2022/TT-BTC về Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu

Theo đó ngưng hiệu lực từ ngày 01/12/2022 đến hết 29/12/2022 đối với Thông tư số 31/2022/TT-BTC về Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Trong thời gian này, các văn bản sau đây có hiệu lực thi hành:

Thông tư số 65/2017/TT-BTC ngày 27/6/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam;

Thông tư số 09/2019/TT-BTC ngày 15/02/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại các Phụ lục của Thông tư số 65/2017/TT-BTC ngày 27/6/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2022 đến hết 29/12/2022.

  1. Thông tư số 74/2022/TT-BTC ngày 22/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về hình thức, thời hạn thu, nộp, kê khai các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quy định của Bộ Tài chính

Theo đó, cá nhân, tổ chức nộp phí, lệ phí thực hiện nộp phí, lệ phí bằng 01 trong 04 hình thức sau:

(i) nộp phí, lệ phí theo hình thức không dùng tiền mặt vào tài khoản chuyên thu phí, lệ phí của tổ chức thu phí, lệ phí mở tại tổ chức tín dụng. Đối với phí, lệ phí do NHNN thu, người nộp phí, lệ phí nộp vào tài khoản chuyên thu phí, lệ phí của tổ chức thu phí, lệ phí mở tại tổ chức tín dụng hoặc tại NHNN.

(ii) nộp phí vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách của tổ chức thu phí mở tại Kho bạc Nhà nước.

(iii) nộp phí, lệ phí qua tài khoản của tổ chức nhận tiền khác với tổ chức thu phí, lệ phí (áp dụng đối với trường hợp thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo quy định của Chính phủ).

(iv) nộp phí, lệ phí bằng tiền mặt cho tổ chức thu phí, lệ phí. Tổ chức thu phí nộp toàn bộ tiền phí thu được vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách mở tại Kho bạc Nhà nước theo quy định tại các Thông tư thu phí của Bộ Tài chính. Tổ chức thu lệ phí nộp toàn bộ tiền lệ phí thu được vào ngân sách nhà nước theo tháng theo quy định của pháp luật quản lý thuế.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/12/2022.

  1. Thông tư số 76/2022/TT-BTC ngày 22/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 111/2020/TT-BTC ngày 29/12/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về xử lý tài chính, xác định giá trị đơn vị sự nghiệp công lập, bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần

Theo đó, ĐVSN công lập chuyển đổi phân loại nợ phải trả theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định 150/2020/NĐ-CP. Cụ thể:

– ĐVSN công lập có trách nhiệm đối chiếu, xác nhận toàn bộ các khoản nợ phải trả các tổ chức, cá nhân (bao gồm các khoản nợ đến hạn và chưa đến hạn) trước khi xác định giá trị ĐVSN công lập.

– Trường hợp đến thời điểm xác định giá trị ĐVSN công lập mà vẫn còn một số khoản nợ phải trả có đầy đủ hồ sơ nhưng chưa được đối chiếu, xác nhận thì:

+ Người đứng đầu ĐVSN công lập chuyển đổi phải giải trình rõ nội dung các khoản nợ, xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan; phải hoàn tất việc đối chiếu công nợ trước thời điểm đơn vị được cấp GCN đăng ký doanh nghiệp cổ phần lần đầu và báo cáo bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh, ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TPHCM xem xét, quyết định theo giá trị đang theo dõi trên sổ sách kế toán;

+ Đồng thời phải công bố công khai trong quyết định phê duyệt giá trị đơn vị cũng như phương án chuyển đổi làm cơ sở bán đấu giá cổ phần. (Hiện hành, theo Thông tư 111/2020/TT-BTC thì nợ phải trả các tổ chức, cá nhân bao gồm các khoản nợ đến hạn, khoản nợ chưa đến hạn và khoản nợ quá hạn thanh toán tại thời điểm xác định giá trị).

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06/02/2023.

  1. Thông tư số 77/2022/TT-BTC ngày 26/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về bãi bỏ toàn bộ Thông tư số 90/2020/TT-BTC ngày 11/11/20220 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định các biểu mẫu sử dụng để xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan

Theo đó, bãi bỏ toàn bộ Thông số 90/2020/TT-BTC ngày 11/11/20220 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định các biểu mẫu sử dụng để xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan.

Các mẫu biên bản và mẫu quyết định sử dụng để xử phạt trong lĩnh vực hải quan thực hiện theo Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/12/2022.

  1. Thông tư số 06/2022/TT-BXD ngày 30/11/2022 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành QCVN 06:2022/BXD Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia an toàn cháy cho nhà và công trình

Tiêu chuẩn này bao gồm các nội dung sau:

Phân loại kỹ thuật về cháy, ngăn chặn cháy lan, cấp nước chữa cháy, chữa cháy và cứu nạn.

Các phụ lục:

+ Phụ lục A: Quy định bổ sung đối với một số nhóm nhà cụ thể;

+ Phục lục B: Phân loại vật liệu xây dựng theo đặc tính kỹ thuật về cháy và yêu cầu về an toàn cháy đối với vật liệu;

+ Phục lục C: Hạng nguy hiểm cháy và cháy nổ của nhà, công tình và các gian phòng có công năng sản xuất và kho;

+ Phụ lục D: Bảo vệ chống khói;

+ Phụ lục E: Khoảng cách phòng cháy chống cháy;

+ Phụ lục F: Giới hạn chịu lửa danh định của một số cấu kiện;

+ Phụ lục G: Khoảng cách đến các lối ra thoát nạn và chiều rộng lối ra thoát nạn;

+ Phụ lục H: Bậc chịu lửa và các yêu cầu bảo đảm an toàn cháy cho nhà, công trình, khoang cháy;

+ Phụ lục I: Các hình minh họa.

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/01/2023 và thay thế Thông tư số 02/2021/TT-BXD.

III. QUYẾT ĐỊNH:

  1. Quyết định số 26/2022/QĐ-TTg ngày 16/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Bù trừ và lưu ký Chứng khoán Việt Nam

– Tổng công ty Bù trừ và lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSDC) là DNNN tổ chức dưới hình thức Công ty TNHH MTV do NN nắm giữ 100% vốn điều lệ để kế thừa quyền lợi, trách nhiệm của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD).

VSDC có chức năng đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán CK, giám sát hoạt động đăng ký, bù trừ và thanh toán giao dịch CK.

– VSDC bắt đầu hoạt động khi được cấp Giấy chứng nhận DKDN.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký (16/12/2022).

  1. Quyết định số 28/2022/QĐ-TTg ngày 20/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg ngày 19/4/2019 quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền đã qua sử dụng

Một trong những điểm mới là bổ sung quy định về trình tự, thủ tục nhập khẩu dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng theo phương thức đơn giản hóa, cụ thể:

– DN được đưa hàng hóa về bảo quản sau khi nộp hồ sơ nhập khẩu và tài liệu theo quy định và chỉ được làm thủ tục nhập khẩu tại một địa điểm làm thủ tục hải quan.

– Trong thời hạn không quá 12 tháng kể từ ngày đưa lô hàng đầu tiên về bảo quản, DN phải nộp cơ quan hải quan chứng thư giám định.

Trong thời gian đưa hàng hóa về bảo quản, DN chỉ được lắp đặt, vận hành dây chuyền công nghệ để phục vụ hoạt động giám định, không được đưa vào sản xuất.

Trường hợp cần thêm thời gian lắp đặt, vận hành và giám định, chậm nhất 30 ngày trước thời hạn, DN gửi văn bản đề nghị gia hạn thời gian (Mẫu số 03) có xác nhận của tổ chức giám định được chỉ định về Bộ KH&CN và cơ quan hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu và chỉ được gia hạn 01 lần, thời gian gia hạn không quá 6 tháng so với thời điểm đã cam kết.

Nếu kết quả giám định không đáp ứng yêu cầu quy định, DN bị xử lý theo quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực hải quan và buộc phải tái xuất.

– Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc sau khi hoàn thành thủ tục thông quan hoặc bị từ chối thông quan, DN gửi báo cáo về Bộ KHCN và UBND cấp tỉnh nơi thực hiện dự án theo Mẫu số 04.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/3/2023.

 

 

 

 


Các tin khác