Bản tin pháp luật Tháng 08/2021 (Số 127)


Bản tin pháp luật Tháng 08/2021 (Số 127)

  1. NGHỊ ĐỊNH:

Nghị định số 79/2021/NĐ-CP ngày 16/8/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 97/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ

            Theo đó có một số sửa đổi, bổ sung sau:

            – Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 16 Nghị định 97/2018/NĐ-CP như sau: Giá trị tài sản bảo đảm tiền vay tối thiểu bằng 120% dư nợ của khoản vay lại trong trường hợp cho vay lại doanh nghiệp và bằng 100% dư nợ của khoản vay trong trường hợp cho vay lại đơn vị sự nghiệp công lập.

            – Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 31 Nghị định 97/2018/NĐ-CP như sau: Trong vòng 30 ngày kể từ khi ký kết hợp đồng cho vay lại đối với bên vay lại là đơn vị sự nghiệp công lập hoặc doanh nghiệp, bên vay lại và cơ quan được uỷ quyền cho vay lại ký kết hợp đồng bảo đảm tiền vay và cơ quan được uỷ quyền cho vay lại gửi Bộ Tài chính bản sao hợp đồng bảo đảm tiền vay đã ký kết.

            – Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 32 Nghị định 97/2018/NĐ-CP như sau: Bên vay lại là đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp báo cáo cho cơ quan được uỷ quyền vay lại một năm hai lần, lần 1 không quá 31/7 cho kỳ báo cáo từ 01/01 đến 30/6 năm thực hiện và lần hai không muộn quá 15/2 cho kỳ báo cáo từ 01/7 đến 31/12 năm thực hiện về tình hình cho vay lại.

            – Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 35 Nghị định 97/2018/NĐ-CP như sau: Đối với nợ quá hạn từ 02 kỳ đến 03 kỳ, bên vay lại là doanh nghiệp vay lại theo phương thức cơ quan được uỷ quyền cho vay lại chịu rủi ro tín dụng, chậm nhất 15 ngày trước kỳ trả nợ tiếp theo gần nhất, phải duy trì số dư tài khoản với mức tối thiểu như sau:

            + Bằng 02 kỳ trả nợ tiếp theo nếu nợ quá hạn 02 kỳ;

            + Bằng 03 kỳ trả nợ tiếp theo nếu nợ quá hạn 03 kỳ.

            – Nghị định này bãi bỏ khoản 3 Điều 17 Nghị định 97/2018/NĐ-CP.

            Nghị định này sẽ chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2021.

  1. THÔNG TƯ:
  2. Thông tư số 05/2021/TT-BCT ngày 02/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Công thương quy định chi tiết một số nội dung về an toàn điện

            Theo đó, các đối tượng được huấn luyện, sát hạch, xếp bậc và cấp thẻ an toàn điện gồm:

            – Người làm công việc vận hành, thí nghiệm, xây lắp, sửa chữa đường dây điện hoặc thiết bị điện ở doanh nghiệp, bao gồm cả treo, tháo, kiểm tra, kiểm định hệ thống đo, đếm điện năng; điều độ viên.

            – Người vận hành, sửa chữa điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo thuộc tổ chức hoạt động theo Luật Điện lực và các luật khác có liên quan, phạm vi hoạt động ở khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo.

            – Bổ sung đối tượng: Người lao động làm nghề vận hành, sửa chữa, dịch vụ điện cho các tổ chức, doanh nghiệp.

            Thông tư này sẽ chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/9/2021 và thay thế Thông tư số 31/2014/TT-BCT.

  1. Thông tư số 06/2021/TT-BCT ngày 06/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Công thương sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2014/TT-BCT ngày 29/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Công thương quy định về thực hiện giá bán điện

            Theo đó, có một số nội dung liên quan như sau:

            – Sửa đổi Điều 11 về giá bán điện tại khu công nghiệp mua điện từ hệ thống điện quốc gia đồng thời với các nguồn điện khác: Đơn vị bán lẻ điện tại các khu công nghiệp kết hợp mua điện từ hệ thống điện quốc gia đồng thời với các nguồn điện khác (nhà máy phát điện tại chỗ; mua điện từ các nguồn điện tại chỗ như điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) để bán lẻ điện cho các khách hàng sử dụng điện trong khu công nghiệp có trách nhiệm xây dựng đề án giá bán điện cho các đối tượng khách hàng sử dụng điện trong khu vực gửi Sở Công thương thẩm tra, sau đó trình UBND cấp tỉnh phê duyệt hằng năm.

            – Sửa đổi Điều 15 về giá bán buôn điện cho khu công nghiệp, cụm công nghiệp:

+ Giá bán buôn điện tại thanh cái 110 Kv của trạm biến áp 110 Kv khu công nghiệp, cụm công nghiệp áp dụng đối với trường hợp đơn vị bán lẻ điện mua buôn điện tại thanh cái 110 Kv của khu công nghiệp, cụm công nghiệp (trạm 110 Kv do bên mua đầu tư) để bán lẻ cho khách hàng sử dụng điện trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Giá bán buôn điện áp dụng cho mỗi trạm biến áp 110 Kv được xác định bằng cách tham chiếu theo tổng dung lượng của máy biến áp 110 Kv lắp đặt tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

+ Giá bán buôn điện tại thanh cái trung áp của trạm biến áp 110 Kv hoặc tại điểm rẽ nhánh của đường dây trung áp vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp áp dụng đối với trường hợp đơn vị bán lẻ điện mua buôn điện để bán lẻ điện cho khách hàng sử dụng điện trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở phía trung áp.

+ Giá bán buôn điện do Công ty điện lực bán cho đơn vị bán lẻ điện ở phía trung áp của các trạm biến áp hạ áp bằng mức giá bán lẻ điện áp dụng cho các ngành sản xuất tại cấp trung áp tương ứng.

+ Giá bán buôn điện tại thanh cái 110 Kv trạm biến áp 220 Kv hoặc tại điểm rẽ nhánh của đường dây 110 Kv vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp áp dụng bằng mức giá bán lẻ điện tại cấp 110 Kv trở lên đối với trường hợp đơn vị bán lẻ điện mua buôn điện để bán lẻ điện cho khách hàng sử dụng điện trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại cấp điện áp 110 Kv.

            Thông tư này sẽ chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/9/2021.

  1. Thông tư số 06/2021/TT-BLĐTBXH ngày 07/7/2021 của Bộ Trưởng BLĐTBXH sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ trưởng BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc

            Theo đó:

            – Bổ sung quy định về thời gian được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ tối đa trong năm như sau: Tối đa 10 ngày với NLĐ sức khoẻ chưa phục hồi sau thời gian ốm đau do mắc bệnh cần chữa dài ngày; Tối đa 07 ngày với NLĐ sức khoẻ chưa phục hồi sau thời gian ốm đau do phải phẫu thuật; Tối đa 05 ngày với các trường hợp khác.

            – Sửa đổi quy định về điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động: Từ ngày 01/01/2021, điều kiện hưởng lương hưu suy giảm khả năng lao động của NLĐ được thực hiện theo quy định tại Điều 55 Luật BHXH được sửa đổi, bổ sung tại điểm b khoản 1 Điều 219 BLLĐ năm 2019.

            – Việc xác định mốc tuổi để tính số năm nghỉ hưu trước tuổi làm cơ sở tỉnh giảm tỷ lệ hưởng lương hưu quy định tại khoản 3 Điều 56 Luật BHXH bắt buộc thực hiện theo khoản 3 Điều 7 của Nghị định 135/2020/NĐ-CP quy định về tuổi nghỉ hưu, trong đó căn cứ vào thời điểm nghỉ hưu trước tuổi của NLĐ để xác định mốc tuổi theo tuổi nghỉ hưu đã được quy định tại khoản 2 Điều 4 và khoản 2 Điều 5 của Nghị định 135/2020/NĐ-CP.

            – Bổ sung quy định về mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần.

            – Thay đổi cách tính lương hưu của người nghỉ hưu trước tuổi, cụ thể: Từ ngày 01/01/2021, mốc tuổi để tính số năm nghỉ hưu trước tuổi làm cơ sở tính giảm tỷ lệ hưởng lương hưu được thực hiện theo khoản 3 Điều 7 Nghị định 135/2020/NĐ-CP.

            Thông tư này chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/9/2021.

  1. Thông tư số 13/2021/TT-NHNN ngày 23/8/2021 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một điều của Thông tư số 26/2013/TT-NHNN ngày 05/12/2013 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành biểu phí dịch vụ thanh toán qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

            Theo đó, bổ sung Điều 1a vào Thông tư số 26/2013/TT-NHNN như sau: “Giảm 50% mức phí thanh toán tại điểm 1.1, 1.2 Mục 1 “Phí giao dịch thanh toán qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng” tại Phần III “Phí dịch vụ thanh toán trong nước” Biểu phí dịch vụ thanh toán qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư này trong khoảng thời gian từ ngày 01/9/2021 đến hết ngày 30/6/2022.”.

III. QUYẾT ĐỊNH

  1. Quyết định số 26/2021/QĐ-TTg ngày 12/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần

            Theo đó:

– Danh mục ngành, lĩnh vực đơn vị SNCL thực hiện chuyển thành CTCP, Nhà nước nắm giữ trên 50% VĐL là: Khai thác, sản xuất, cung cấp nước sạch, thoát nước đô thị, nông thôn.

            – Danh mục ngành, lĩnh vực đơn vị SNCL thực hiện chuyển thành CTCP, Nhà nước nắm từ 50% VĐL trở xuống hoặc không giữ cổ phần khi chào bán lần đầu hoặc nắm giữ từ 35 đến 50% VĐL bao gồm:

            + Vệ sinh môi trường, xử lý nước thải;

            + Chiếu sáng công cộng;

            + Dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực: lập quy hoạch đô thị, kế toán, kiểm toán, thuế, thẩm định giá, nghiên cứu thị trường, thăm dò dư luận xã hội, tư vấn quản lý kinh doanh;

            + Dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật cho nghiên cứu khoa học công nghệ, dịch vụ liên quan đến sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường chất lượng sản phẩm, hàng hoá; dịch vụ thông tin, tư vấn, đào tạo, bồi dưỡng, phổ biến, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ trong lĩnh vực kinh tế – xã hội;

            + Dịch vụ thông tin thị trường lao động, dịch vụ việc làm, hỗ trợ phát triển quan hệ lao động, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (trừ các Trung tâm dịch vụ việc làm thuộc Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và thuộc Bộ LĐ-TB&XH);

            + Quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ;

            + Quản lý, bảo trì bến tàu, bến xe;

            + Đào tạo và sát hạch lái xe (không hoạt động theo mô hình trường học);

            + Kinh doanh mặt bằng hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại, đầu tư;

            + Dịch vụ hỗ trợ, cung cấp thông tin thị trường, quảng bá du lịch;

            + Quản lý bất động sản, quản lý chợ, trung tâm thương mại;

            + Kinh doanh nhà khách, nhà nghỉ; dịch vụ lưu trú ngắn ngày và phục vụ hội họp;

            + Phát triển hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp (không bao gồm lĩnh vực phát triển quỹ đất).

            Quyết định này sẽ chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2021 và thay thế Quyết định số 31/2017/QĐ-TTg ngày 17/7/2017.

  1. Quyết định số 3089/QĐ-TLĐ ngày 24/8/2021 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc hỗ trợ bữa ăn cho đoàn viên, người lao động đang thực hiện “3 tại chỗ” của doanh nghiệp tại địa bàn các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách toàn tỉnh, thành phố theo Chỉ thị 16/CT-TTg

Theo đó, đối tượng được hưởng là đoàn viên, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn, thực hiện “3 tại chỗ” để sản xuất.

– Mức hỗ trợ là 1.000.000 đồng/người, hỗ trợ 01 lần.

– Thời điểm thực hiện hỗ trợ được tính từ ngày 24/8/2021.

– Cách thức triển khai:

+ Công đoàn cơ sở báo cáo số lượng đoàn viên, người lao động được doanh nghiệp huy động thực hiện “3 tại chỗ” duy trì sản xuất với công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.

+ Trường hợp doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn nhưng chưa có tổ chức công đoàn thì công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở làm việc với doanh nghiệp kiểm tra, xác định số lượng đoàn viên, người lao động thực hiện “3 tại chỗ” duy trì sản xuất để hỗ trợ.

+ Công đoàn cơ sở thống nhất với chủ doanh nghiệp về phương thức tổ chức, khẩu phần bữa ăn, chuyển kinh phí hỗ trợ cho doanh nghiệp để tổ chức bữa ăn theo chính sách chung của doanh nghiệp; đồng thời giám sát việc tổ chức thực hiện bữa ăn và công khai tới đoàn viên, người lao động.

            Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24/8/2021.

  1. Quyết định số 1425/QĐ-TTg ngày 24/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc chỉ định các cơ quan đầu mối để triển khai thực hiện Hiệp định tự do giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UKVFTA)

            Danh sách các cơ quan đầu mối để triển khai thực hiện Hiệp định UKVFTA gồm Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Văn hoá, Thể thao và Dư lịch, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp, Bộ Giao thông vận tải.

            Cụ thể chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan này theo Phục lục danh sách chỉ định các cơ quan đầu mối để triển khai Hiệp định UKVFTA ban hành kèm theo Quyết định này.

            Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24/8/2021.

  1. CÔNG VĂN
  2. Công văn số 2844/LĐTBXH-PC ngày 25/8/2021 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về hướng dẫn một số vướng mắc trong việc thực hiện chính sách

Theo đó, đối với doanh nghiệp tổ chức sản xuất theo phương châm “3 tại chỗ” nhưng có một số NLĐ không đồng ý với phương án lưu trú theo yêu cầu “3 tại chỗ” của doanh nghiệp thì NLĐ và doanh nghiệp thống nhất để xác định theo một trong các cách:

– Doanh nghiệp cho NLĐ ngừng việc và trả lương ngừng việc cho NLĐ theo quy định tại Khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động.

Trong trường hợp này, NLĐ được hỗ trợ chính sách ngừng việc khi đáp ứng đủ các điều kiện theo chương V (Điều 17 đến Điều 20) của Quyết định 23/2021/QĐ-TTg .

– Thống nhất với NLĐ tạm hoãn hợp đồng lao động theo Điểm h Khoản 1 Điều 30 Bộ luật Lao động hoặc hai bên thỏa thuận nghỉ không hưởng lương theo Khoản 3 Điều 145 Bộ luật Lao động.

– Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật lao động như: thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động theo Khoản 3 Điều 34 Bộ luật Lao động; thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với NLĐ theo Điểm c Khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động.

Văn bản này được ban hành để trả lời Sở LĐTBXH tỉnh Đồng Nai, nhưng có thể áp dụng với các địa phương tương tự.


Các tin khác