Bản tin pháp luật Tháng 08/2020 (Số 116) 


Kính gửi: Các Anh/Chị Lãnh đạo Tập đoàn, Trưởng, Phó và chuyên viên các Ban chức năng.

Ban Tổng hợp pháp chế xin gửi tới các Anh/Chị Bản tin pháp luật Tháng 08/2020 (Số 116) được tổng hợp bởi Ban Tổng hợp pháp chế- Tập đoàn Dệt May Việt Nam, ngoài gửi email bản tin này cũng được được đăng trên Website của Tập đoàn tại chuyên mục: “Bản tin pháp luật”.

NGHỊ ĐỊNH CỦA CP VÀ QUYẾT ĐỊNH CỦA TTCP:

Nghị định số 91/2020/NĐ-CP ngày 14/8/2020 của Chính phủ về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác.

Theo đó, bổ sung mức phạt liên quan đến gửi tin nhắn quảng cáo, thư điện tử quảng cáo và gọi điện thoại quảng cáo tại Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020.

Cụ thể, phạt tiền từ 20 triệu đến 30 triệu đồng đối với tổ chức có các hành vi sau (cá nhân có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt bằng ½ so với tổ chức):

  • Thực hiện quá 01 cuộc gọi quảng cáo tới 1 số điện thoại trong vòng 24h mà không có sự thỏa thuận với người sử dụng;
  • Gọi điện quảng cáo ngoài khoảng thời gian từ 08h đến 17h mỗi ngày mà không có sự thỏa thuận khác với người sử dụng;
  • Không có biện pháp kiểm tra việc đã đồng ý trước một cách rõ ràng của người sử dụng khi gửi tin nhắn quảng cáo, thư điện tử quảng cáo, gọi điện quảng cáo;…

Nghị định 91/2020/NĐ-CP có hiệu lực 01/10/2020 và thay thế Nghị định 90/2008/NĐ-CP ngày 13/8/2008, Nghị định 77/2012/NĐ-CP ngày 05/10/2012.

Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo đó, cá nhân thực hiện hành vi buôn bán tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả sẽ bị phạt tiền từ 300 ngàn đồng đến 30 triệu đồng tùy thuộc vào số lượng tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả;

(Hiện hành, mức phạt tiền đối với hành vi trên thấp nhất là 200 ngàn đồng và cao nhất là 20 triệu đồng tùy số lượng).

Ngoài ra, mức phạt tiền sẽ tăng gấp đôi nếu cá nhân vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Nhập khẩu tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả;
  • Tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả của thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thuốc phòng bênh, thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, mũ bảo hiểm;
  • Tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả của chất tẩy rửa, hóa chất, chế phẩm, diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, phân bón, thuốc thú y…

Lưu ý: Mức phạt tiền đối với tổ chức thực hiện hành vi buôn bán tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả sẽ gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Nghị định 98/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/10/2020.

 Quyết định 1201/2020/QĐ-TTg ngày 06/8//2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA).

Theo đó, TTCP sẽ thực hiện phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cho các cơ quan, tổ chức liên quan, quyết định biện pháp chỉ đạo, điều hành và các biện pháp khác triển khai thực hiện đầy đủ và có hiệu quả Hiệp định.

Những nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch:

  • Công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về EVFTA và thị trường của các nước EU;
  • Công tác xây dựng pháp luật, thể chế;
  • Nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực;
  • Chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp;
  • Chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Quyết định có ban hành kèm theo Phụ lục Danh sách chỉ định các cơ quan đầu mối để triển khai thực hiện Hiệp định EVFTA.

Quyết định 12012/2020/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 6/8/2020.

 Quyết định 22/2020/QĐ-TTg ngày 10/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc giảm tiền thuê đất của năm 2020 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Theo đó, các đối tượng đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo hình thức trả tiền thuê đất hàng năm phải ngừng kinh doanh từ 15 ngày trở lên do ảnh hưởng của dịch Covid-19 được giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2020.

Quy định này không thực hiện giảm trên số tiền thuê đất còn nợ của các năm trước năm 2020 và tiền chậm nộp (nếu có).

Mức giảm này áp dụng cho cả trường hợp người thuê đất có nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh khác nhau nhưng chỉ ngừng một hoạt động sản xuất kinh doanh tại khu, thửa đất đang được nhà nước cho thuê đất.

Hồ sơ giảm thiền thuê đất bao gồm:

  • Giấy đề nghị giảm tiền thuê đất năm 2020 theo Mẫu tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định 22/2020.
  • Quyết định cho thuê đất hoặc Hợp đồng thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (bản sao).

Quyết định 22/2020/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 10/8/2020.

II.THÔNG TƯ:    

Thông tư số 73/2020/TT-BTC ngày 7/8/2020 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 134/2017/TT-BTC ngày 19/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trên thị trường chứng khoán.

Theo đó, mỗi lần thực hiện giao dịch chứng khoán trực tuyến, nhà đầu tư phải thực hiện xác thực theo quy định tại Điều 8 Thông tư 134/2017;

Cụ thể, khi đặt lệnh qua điện thoại, nhà đầu tư phải sử dụng số điện thoại đặt lệnh và phải cung cấp thông tin để xác thực hai yếu tố theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 8 Thông tư 134/2017.

Giao dịch chỉ được thực hiện khi thông tin nhà đầu tư cung cấp trùng khớp với thông tin nhà đầu tư đã đăng ký và lưu trong hệ thống giao dịch chứng khoán trực tuyến.

NĐT được lựa chọn giải pháp xác thực do tổ chức cung cấp dịch vụ giao dịch chứng khoán trực tuyến cung cấp khi đăng ký sử dụng dịch vụ giao dịch chứng khoán trực tuyến

Khi NĐT có nhu cầu thay đổi giải pháp xác thực thì được đăng ký lại.

Thông tư 73/2020/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ 01/10/2020.

 Thông tư số 77/2020/TT-BTC ngày 7/8/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 81/2020/NĐ-CP ngày 8/7/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2018/NĐ-CP ngày 04/12/2018 của Chính phủ quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Theo đó, chế độ công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành trái phiếu bao gồm:

  • Công bố thông tin trước đợt phát hành trái phiếu (Điều 3);
  • Công bố thông tin về kết quả phát hành trái phiếu (Điều 4);
  • Công bố thông tin định kỳ (Điều 5);
  • Công bố thông tin bất thường và công bố thông tin về trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm theo chứng quyền, mua lại trái phiếu trước hạn, hoán đổi trái phiếu (Điều 6).

Doanh nghiệp phát hành trái phiếu trước khi Nghị định 81/2020 có hiệu lực thi hành (ngày 01/9/2020) thực hiện chế độ công bố thông tin định kỳ, công bố thông tin bất thường và công bố thông tin về trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm theo chứng quyền, mua lại trái phiếu trước hạn, hoán đổi trái phiếu (nếu có) theo quy định tại Điều 5, Điều 6 Thông tư 77/2020.

Thông tư 77/2020/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 28/9/2020.

III. CÔNG VĂN:

Công văn 5575/TCHQ-GSQL ngày 21/8/2020 của Tổng cục Hải quan về việc chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) trong Hiệp định EVFTA.

Về áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ của EU trong Hiệp định EVFTA, theo thông báo chính thức của EC tại công thư số Ares(2020) 1982973:

EU sẽ áp dụng cơ chế chứng nhận xuất xứ theo khoản 1(c), Điều 15, Nghị định thư 1 Hiệp định EVFTA.

Cụ thể là tự chứng nhận xuất xứ theo hệ thống REX (Registered Exporter System), (Quy định này được hướng dẫn tại khoản 1 (c), Điều 19, Thông tư 11/2020/TT-BCT ngày 15/6/2020)

EU đồng thời thông báo không áp dụng cơ chế chứng nhận xuất xứ tại khoản 1 (a) và khoản 1 (b), Điều 15, Nghị định thư 1 của Hiệp định EVFTA (được hướng dẫn tại khoản 1 (a) và khoản 1 (b) Điều 19 Thông tư 11/2020).

Với thông báo này của EC, Việt Nam sẽ cho hưởng ưu đãi đối với lô hàng có xuất xứ từ EU trên cơ sở chứng từ tự chứng nhận xuất xứ được phát hành bởi nhà xuất khẩu đã đăng ký mã số REX hoặc bởi bất kỳ nhà xuất khẩu nào chứng nhận cho lô hàng trị giá không quá 6.000 euro.

Công văn 5575/TCHQ-GSQL được Tổng cục Hải quan ban hành ngày 21/8/2020.


Các tin khác