Bản tin pháp luật Tháng 01/2021 (Số 120)


Bản tin pháp luật Tháng 01/2021 (Số 120):

  1. NGHỊ ĐỊNH:
  2. Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.

          – Công ty đại chúng theo quy định tại khoản 4 Điều 135 Luật Chứng khoán 2019 được chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ sở hữu cổ phần theo phương thức chào bán chứng khoán ra công chúng theo quy định tại Nghị định này;

          Bên cạnh đó, điều kiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của công ty đầu tư chứng khoán bao gồm: Tổng giá trị cổ phiếu đăng ký chào bán tối thiểu 50 tỷ động; có phương án phát hành và phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán; phải được giám sát bởi ngân hàng giám sát; cổ phiếu chào bán ra công chúng phải được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán sau khi kết thúc đợt chào bán; công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán có tối thiểu 02 người điều hành;…

          – Công ty đại chúng trong thời gian thực hiện thủ tục huỷ tư cách công ty đại chúng cho đến thời điểm được UBCKNN thông báo huỷ tư cách công ty đại chúng được thực hiện chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ sở hữu cổ phần theo phương thức chào bán chứng khoán ra công chúng theo quy định tại Nghị định này.

          – Công ty đại chúng có cổ phiếu đã mua trước thời điểm 01/01/2021 được bán cổ phiếu quỹ, dùng cổ phiếu quỹ làm cổ phiếu thường theo quy định của Luật Chứng khoán 2006 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

          – Quy định một số biện pháp cấm thực hiện các hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán có thời hạn hoặc vĩnh viễn bao gồm: Cấm chào bán, phát hành chứng khoán có thời hạn hoặc vĩnh viễn; cấm niêm yết, đăng ký giao dịch chứng khoán có thời hạn hoặc vĩnh viễn; cấm hoạt động kinh doanh, cung cấp dịch vụ về chứng khoản và thị trường chứng khoán; cấm thực hiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán có thời hạn hoặc vĩnh viễn….

          Nghị định số 155/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021.

  1. Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp.

          Nghị định quy định chi tiết về hồ sơ, trình tự, thủ tục ĐKDN; Cơ quan đăng ký kinh doanh và quản lý nhà nước về doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh, với một số điểm mới nổi bật sau:

          – Mã số doanh nghiệp đồng thời là mã số đơn vị tham gia đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp (khoản 1 Điều 8);

          – Cấp ĐKDN theo quy trình dự phòng là việc cấp ĐKDN không thực hiện thông qua Hệ thống thông tin quốc gia về ĐKDN và áp dụng trong các trường hợp sau:

          + Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp đang trong quá trình xây dựng, nâng cấp;

          + Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp gặp sự cố kỹ thuật;

          + Chiến tranh, bạo loạn, thiên tai và trường hợp bất khả kháng khác (khoản 1 Điều 13).

          – Doanh nghiệp được hoản trả phí công bố nội dung ĐKDN nếu không được cấp Giấy chứng nhận ĐKDN. Theo đó, việc đề nghị công bố nội dung DKDN và nộp phí công bố nội dung ĐKDN thực hiện tại thời điểm doanh nghiệp nộp hồ sơ ĐKDN. Trong trường hợp không được cấp Giấy chứng nhận ĐKDN thì doanh nghiệp sẽ được hoàn trả phí công bố nội dung ĐKDN.

          – Quy định rõ tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về ĐKDN với các tình trạng sau:

          + Tạm ngừng kinh doanh;

          + Không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký;

          + Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do cưỡng chế về quản lý thuế;

          + Đang làm thủ tục giải thể, đã bị chia, bị hợp nhất, bị sáp nhập;

          + Đang làm thủ tục phá sản;

          + Đã giải thể, phá sản, chấm dứt tồn tại;

          + Đang hoạt động (Điều 41).

          – Bổ sung một số trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện. Cụ thể là các trường hợp:

          + Nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện là giả mạo;

          + Chi nhánh, văn phòng đại diện ngừng hoạt động 01 năm mà không thông báo với Phòng Đăng ký kinh doanh và Cơ quan thuế;

          + Theo quyết định của Tòa án, đề nghị của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của luật (khoản 1 Điều 77).

          – Bổ sung một số trường hợp không được đăng ký, thông báo thay đổi nội dung ĐKDN. Doanh nghiệp không được đăng ký, thông báo thay đổi nội dung ĐKDN trong các trường hợp sau đây:

          + Đã bị Phòng Đăng ký kinh doanh ra Thông báo về việc vi phạm của doanh nghiệp thuộc trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc đã bị ra Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;

          + Đang trong quá trình giải thể theo quyết định giải thể của doanh nghiệp;

          + Theo yêu cầu của Tòa án hoặc Cơ quan thi hành án hoặc Cơ quan điều tra, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự;

          + Doanh nghiệp đang trong tình trạng pháp lý “Không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký” (khoản 1 Điều 65).

          Nghị định 01/2021/NĐ-CP có hiệu thực thi hành kể từ ngày 04/01/2021.

  1. Nghị định số 02/2021/NĐ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ quy định về cờ truyền thống, cờ hiệu, biểu tượng, Hải quan hiệu, phù hiệu, biển tên, trang phục, chứng minh hải quan và dấu hiệu đặc trưng phương tiện tuần tra, kiểm soát, giám sát Hải quan.

          Theo quy định biểu tượng hải quan là một hình tròn, có nền xanh nước biển, bên trong có hình lá chắn nền màu đỏ, trong hình lá chắn phía trên có ngôi sao 5 cánh màu vàng, ở giữa có hình lồng chìa khóa, mỏ neo, cánh én đều là màu vàng; phía trên có hàng chữ in hoa “HẢI QUAN VIỆT NAM” màu vàng; phía dưới có hàng chữ Hải quan Việt Nam được viết bằng tiếng Anh in hoa “VIET NAM CUSTOMS” màu vàng; bên cạnh của hình tròn ngoài có 2 cành vạn tuế vàng; ngoài cùng của biểu tượng có viền màu đỏ.

          Đối với phù hiệu của hải quan là cành tùng đơn bằng kim loại màu vàng, đeo trên ve cổ áo trang phục xuân- hè, thu-đông và lễ phục. Riêng phù hiệu của lãnh đạo của Tổng cục Hải quan có thêm 01 ngôi sao bằng kim loại màu vàng gắn ở cạnh phía trong của cành tùng.

          Đối với biển tên của công chức, viên chức hải quan màu trắng trên nền màu xanh nước biển có ghi họ và tên, số hiệu…

          Phụ lục của Nghị định hướng dẫn cụ thể về mẫu cờ hiệu, Hải quan hiệu, cờ truyền thống, biểu tượng, phù hiệu Hải quan, cấp hiệu, trang phục thu-đông, trang phục xuân-hè của Hải quan Việt Nam.

          Nghị định số 02/2021/NĐ-CP sẽ chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/03/2021 và thay thế Nghị định số 10/2005/NĐ-CP.

  1. THÔNG TƯ:
  2. 1. Thông tư số 111/2020/TT-BTC ngày 29 tháng 12 năm 2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về xử lý tài chính, xác định giá trị đơn vị sự nghiệp công lập, bán cổ lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần

            Tài sản bằng tiền gồm tiền mặt, tiền gửi và các giấy tờ có giá (tín phiếu, trái phiếu… theo quy định của pháp luật hiện hành) của đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi thành công ty cổ phần được xác định như sau:

            – Tiền mặt được xác định theo biên bản kiểm quỹ tại thời điểm xác định giá trị.

            – Tiền gửi được xác định theo số dư đã đối chiếu xác nhận hoặc sổ phụ với ngân hàng, kho bạc nơi ĐVSN công lập mở tài khoản.

            – Tiền mặt và tiền gửi là ngoại tệ được xác định theo nguyên tắc:

            + Tỷ giá ngoại tệ được xác định theo tỷ giá mua ngoại tệ của ngân hàng thương mại nơi ĐVSN công lập chuyển đổi có giá trị giao dịch ngoại tệ lớn nhất tại thời điểm xác định giá trị.

            + Trường hợp ĐVSN công lập chuyển đổi không có giao dịch ngoại tệ tại thời điểm xác định giá trị thì xác định theo tỷ giá trung tâm do Ngân hàng nhà nước công bố áp dụng tại thời điểm xác định giá trị.

            – Các giấy tờ có giá được xác định theo giá giao dịch trên thị trường tại thời điểm xác định giá trị; nếu không có giao dịch thì xác định theo mệnh giá của giấy tờ đó.

            Đơn vị sự nghiệp công lập phải công bố công khai thông tin về quá trình chuyển đổi thành công ty cổ phần trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được các quyết định, văn bản xử lý các vấn đề về tài chính, lao động… và báo cáo về tình hình tiến độ triển khai công tác chuyển đổi theo kế hoạch định kỳ hàng quý.

            Đối tượng mua cổ phần lần đầu của doanh nghiệp chuyển đổi là nhà đầu tư trong nước, nước ngoài; nhà đầu tư chiến lược; tổ chức công đoàn tại đơn vị sự nghiệp chuyển đổi; người lao động trong đơn vị chuyển đổi.

            Thông tư số 111/2020/TT-BTC sẽ chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2021.

  1. Thông tư số 116/2020/TT-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng tại Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.     

            Phụ lục I ban hành kèm Thông tư này hướng dẫn cụ thể xây dựng Điều lệ công ty, đảm bảo phù hợp với quy định cảu Luật Doanh nghiệp năm 2020, Luật Chứng khoán năm 2019, Nghị định số 155/2020/NĐ-CP và các quy định pháp luật có liên quan.

            Ngoài ra Thông tư này còn ban hành 04 mẫu Quy chế gồm: Quy chế nội nội bộ về quản trị công ty; Quy chế hoạt động của Hội đồng quản trị, Quy chế hoạt động của Ban Kiểm soát; Quy chế hoạt động của Uỷ ban kiểm toán.

            Thông tư số 116/2020/TT-BTC sẽ chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2021 và thay thế Thông tư số 95 /2017/TT-BTC.

  1. Thông tư số 118/2020/TT-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn nội dung về chào bán, phát hành chứng khoán, chào mua công khai, mua lại cổ phiếu, đăng ký công ty đại chúng và huỷ tư cách công ty đại chúng do Bộ Tài chính ban hành.

            – Thông tư này quy định về mẫu Bản cáo bạch, Bản thông báo chào bán cổ phiếu ra công chúng (Phụ lục 13); Bản thông báo chào bán trái phiếu ra công chúng (Phụ lục 14); Bản thông báo phát hành cổ phiếu của công ty đại chúng để chào mua công khai (Phụ lục 15); Bản thông báo phát hành cổ phiếu để hoán đổi theo hợp đồng hợp nhất, sáp nhập (Phụ lục 16); Bản thông báo phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu (Phụ lục 17); Bản thông báo phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động trong công ty (Phụ lục 18); Bản thông báo phát hành cổ phiếu để thực hiện quyền của chứng quyền (Phụ lục 19); Bản thông báo chào mua công khai (Phụ lục 20).

            – Doanh nghiệp sẽ bị huỷ tư cách công ty đại chúng trong các trường hợp sau: Không đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng sau khi chia, bị hợp nhất, bị sáp nhập, giải thể, phá sản doanh nghiệp; Công ty đại chúng bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Không còn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng sau khi tách, nhận sáp nhập doanh nghiệp; Chuyển đổi loại hình doanh nghiệp từ công ty cổ phần sang công ty trách nhiệm hữu hạn.

            – Thông tư cũng quy định công ty đại chúng không được thay đổi ý định hoặc phương án mua lại cổ phiếu như đã báo cáo và công bố thông tin ra công chúng, trừ trường hợp bất khả kháng. Khi thay đổi phương án mua lại cổ phiếu, công ty đại chúng phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đồng thời công bố thông tin trên các trang thông tin điện tử trong vòng 24 giờ, kể từ khi ra quyết định.

            Thông tư này sẽ chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2021 và thay thế Thông tư số 162/2015/TT-BTC.

  1. Thông tư số 07/2021/TT-BTC ngày 25 tháng 01 năm 2021 của Bộ Tài chính quy định về thời điểm nộp chứng tử chứng nhận xuất xứ hàng hoá nhập khẩu trong Hiệp định thương mại tự do giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu.

            – Người khai hải quan nộp chứng từ tại thời điểm làm thủ tục hải quan theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 Thông tư số 38/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018.

            – Trường hợp chưa có chứng từ tại thời điểm làm thủ tục hải quan thì để được áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt:

            Người khai hải quan phải khai chậm nộp trên tờ khai hải quan nhập khẩu và được khai bổ sung, nộp chứng từ khai bổ sung trong thời hạn không quá 02 năm kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu và trong thời hạn hiệu lực của chứng từ.

            – Tổng cục Hải quan quyết định việc áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt nếu người khai hải quan nộp chứng từ sau thời hạn hiệu lực nêu trên vì lý do bất khả kháng hoặc các lý do hợp lệ khác nằm ngoài sự kiểm soát của nhà nhập khẩu hoặc các trường hợp xuất trình muộn khác.

            Đối với trường hợp xuất trình muộn khác, hàng hóa phải được nhập khẩu trong thời hạn hiệu lực của chứng từ.

            Thông tư số 07/2021/TT-BTC sẽ chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11/03/2021.


Các tin khác