Tập đoàn Dệt May Việt Nam mở rộng phát triển các doanh nghiệp tại Thừa Thiên Huế
Ngày 25/7 tại Thừa Thiên Huế, Lãnh đạo Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đã có buổi làm việc với Bí thư và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế. Tiếp đoàn làm việc của Vinatex có đ/c Lê Trường Lưu – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; đ/c Phan Ngọc Thọ – Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy; đ/c Nguyễn Văn Phương – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, cùng các đ/c trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Lãnh đạo các Sở, Ban, ngành địa phương.
Về phía Tập đoàn Dệt May Việt Nam có đ/c Lê Tiến Trường – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vinatex; đ/c Trần Quang Nghị – Phó Chủ tịch HĐQT Vinatex; đ/c Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Vinatex, cùng các đồng chí trong Cơ quan điều hành, Lãnh đạo các Ban chức năng của Tập đoàn, lãnh đạo Công ty CP Dệt May Huế, Công ty CP Vinatex Phú Hưng, Công ty CP Sợi Phú Bài.
Tại buổi làm việc, thay mặt cho Cơ quan điều hành, ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Vinatex đã trình bày về chiến lược đầu tư phát triển của Vinatex từ nay đến 2025 tầm nhìn 2030, tập trung xây dựng Vinatex trở thành một điểm đến có khả năng cung ứng trọn gói nhu cầu của khách hàng doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Từng bước vươn lên thang bậc cao hơn của chuỗi giá trị về thiết kế và thương hiệu. Đặc biệt, tỉnh Thừa Thiên Huế là khu vực có các DN Vinatex chi phối lớn tại khu vực miền Trung bao gồm: Công ty CP Sợi Phú Bài với 2 nhà máy có quy mô 8 vạn cọc sợi, Công ty CP Vinatex Phú Hưng với 2 nhà máy có quy mô 4,4 vạn cọc sợi, Công ty CP Dệt May Huế với 7 nhà máy, gồm 1 Nhà máy Sợi 5 vạn cọc, 1 Nhà máy Dệt Nhuộm quy mô 100 tấn vải/tháng và 5 Nhà máy May với khoảng hơn 4000 lao động. Hiện 3 công ty đóng góp 230 triệu USD/năm ~ 17,7% KNXK của tỉnh (khoảng 1,3 tỷ USD/năm), chiếm 30% KNXK Dệt May của tỉnh (khoảng 780 triệu USD năm 2021). Đây đều là những đơn vị mạnh của Vinatex, có sự phát triển ổn định, có thương hiệu trong nước và quốc tế. Trước bối cảnh đòi hỏi các DN cần phải phát triển và mở rộng quy mô để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường, nhưng thực tế hiện các đơn vị đều không còn quỹ đất để mở rộng đầu tư.
Tổng Giám đốc Vinatex bày tỏ mong muốn Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh tạo điều kiện để Vinatex thuê dài hạn 30,78 ha tại KCN Phú Bài 4 để hình thành hệ sinh thái sản xuất sợi xanh của Vinatex và 3 đơn vị thành viên, trong đó: Công ty CP Dệt May Huế 11 ha, Công ty CP Vinatex Phú Hưng 6,78 ha, Công ty CP Sợi Phú Bài 6 ha, Vinatex 7 ha để hình thành trung tâm dịch vụ chia sẻ cung cấp dịch vụ toàn diện cho việc sản xuất, kinh doanh Sợi. Ngoài ra, giao Vinatex và Công ty CP Dệt May Huế là chủ đầu tư tại 19 ha đất khu vực Hương Trà để xây dựng hệ thống xử lý nước thải, hướng tới phát triển trung tâm Dệt Nhuộm, hình thành chuỗi cung ứng trọn gói tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Tổng Giám đốc Vinatex cam kết, các dự án của Vinatex và các đơn vị thành viên đều là các dự án sản xuất xanh, sử dụng năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường, đáp ứng các yêu cầu khắt khe nhất của thế giới về sản xuất dệt may xanh, tuần hoàn, quy hoạch trở thành hệ sinh thái sản xuất sợi xanh, tái chế đầu tiên của Việt Nam và Vinatex.
Sau khi nghe trình bày của Tổng Giám đốc Vinatex, Ban Thường vụ cùng lãnh đạo các Sở ngành của tỉnh đều thống nhất ủng hộ chiến lược đầu tư phát triển của Vinatex tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu đã đánh giá cao sự phát triển của các doanh nghiệp thành viên của Vinatex tại tỉnh Thừa Thiên Huế, không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế của tỉnh và tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương. Trong thời gian tới Vinatex tiếp tục nghiên cứu xây dựng thêm trung tâm thời trang, trung tâm bán hàng đặt tại một số vị trí trung tâm của tỉnh.
Đồng chí Lê Trường Lưu đề nghị Tập đoàn quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, phát triển đảng viên, tổ chức đoàn thể tại các đơn vị trực thuộc của Tập đoàn đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Quan tâm thêm mô hình nhà ở cho công nhân; đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu trong lĩnh vực dệt may; thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với người lao động, với tỉnh Thừa Thiên Huế trong tiến trình phát triển của mình. Tỉnh cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Tập đoàn đầu tư các dự án trên địa bàn Thừa Thiên Huế….
Đ/c Lê Tiến Trường – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vinatex cho biết rất trân trọng sự ủng hộ của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh trong chiến lược đầu tư phát triển của Vinatex tại tỉnh Thừa Thiên Huế
Phúc đáp những ý kiến của Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, đ/c Lê Tiến Trường – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vinatex cho biết, Tập đoàn Dệt May Việt Nam rất trân trọng sự ủng hộ của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh trong việc tạo điều kiện để xây dựng trung tâm dệt nhuộm. Bởi nếu không phát triển ngành Dệt Nhuộm thì sẽ không thể có đủ năng lực cạnh tranh, xây dựng chuỗi cung ứng hoàn chỉnh của ngành Dệt May trước những yêu cầu về dệt may xanh, dệt may tuần hoàn của thế giới. Vinatex cam kết, sẽ đầu tư 4.000 tỷ trong vòng 7 – 8 năm tới với 3 giai đoạn, quy mô tăng thêm 20 vạn cọc sợi có tự động hóa cao, sản xuất các mặt hàng sợi tuần hoàn, sợi tái chế đảm bảo các tiêu chuẩn về nhà máy xanh. Với ngành Dệt Nhuộm, hiện công nghệ nhuộm đã tiết kiệm nước tới 50%, nước thải đã được sử dụng công nghệ sinh học để xử lý, do đó các yêu tố về môi trường sẽ được đảm bảo nếu như được Tỉnh ủy, UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư.
Quang Nam