7 ĐIỀU THÚ VỊ VỀ HỌA TIẾT GINGHAM, HỌA TIẾT KẺ SỌC “ĐINH” CỦA MÙA HÈ


Kiểu hoạ tiết kẻ caro Gingham mà chúng ta quá quen thuộc vào mùa hè cũng có lắm điều thú vị. Cùng Harper’s Bazaar tìm hiểu nhé!

Mùa hè này, bên cạnh những họa tiết nhiệt đới của cọ và trái cây, họa tiết kẻ caro kiểu gingham cũng xuất hiện nhan nhản. Đặc biệt, mùa hè 2020, gingham quay trở lại mãnh liệt vì đi đôi với trào lưu vintage và retro đang thịnh. Bạn biết gì về họa tiết này? Hãy cùng Harper’s Bazaar tìm hiểu 7 điểm hay, lạ nhất về lịch sử họa tiết gingham.

Họa tiết gingham là gì?

Không phải họa tiết kẻ carô nào cũng được gọi là gingham. Họa tiết gingham bắt buộc phải phối những đường kẻ trắng với những đường kẻ đồng màu khác, tạo hiệu ứng ô vuông màu đậm nhạt đan xen.

Thuở ban đầu, gingham vốn ám chỉ chất liệu cotton in họa tiết kẻ sọc. Nhưng đến thế kỷ 20, họa tiết gingham đặc thù hơn hẳn nhờ cách phối cặp màu trắng đỏ và trắng xanh vô cùng nổi tiếng. Bây giờ, gingham có nhiều kiểu phối màu như beige, xanh lá cây, nâu… Miễn sao là những tông màu này được kết hợp với sắc trắng.

Những biến tấu của họa tiết gingham. Ảnh: Masterclass

Cái tên gingham đến từ đâu?

Thật khó để điểm danh chính xác xuất thân của họa tiết gingham. Có nguồn cho rằng gingham đến từ chữ  genggang, nghĩa là kẻ sọc trong tiếng Mã Lai. Sau đó chuyển sang từ gingang ở tiếng Hà Lan, khi những thương lái Hà Lan tìm mua và nhập khẩu chất liệu này vào châu Âu khoảng thế kỷ 17. Từ đó, nó biến hóa thành chữ gingham trong tiếng Anh ngày nay.

Một nguồn khác lại cho rằng gingham được biến tấu từ tên thành phố Guingamp của Pháp. Cũng tại Pháp, kiểu họa tiết này còn được gọi là họa tiết vichy, theo tên địa danh Vichy. Vô cùng phức tạp và rắc rối!

Ảnh: Urban Outfitters

Nguồn gốc gây tranh cãi

Chúng ta biết rằng vải in họa tiết gingham du nhập vào châu Âu, từ Indonesia và Ấn Đồ, vào thế kỷ 17. Còn trước đó, nó đến từ đâu? Rất nhiều quốc gia lên tiếng cho rằng họa tiết này bắt nguồn từ văn hóa của mình.

Bộ lạc Masaï ở châu Phi tuyên bố mình đã dùng khăn có họa tiết kẻ carô từ hàng ngàn năm. Người Đức tuyên bố họa tiết này có gốc gác từ tỉnh Bayern, còn Ý cho rằng nó xuất thân từ miền Bắc Ý. Tại Pháp, họa tiết gingham được dân Pháp “đổi tên” luôn thành họa tiết vichy, do được sản xuất tại vùng Vichy!

Indonesia cũng có một phiên bản chất liệu dệt họa tiết carô, gọi là khăn krama. Còn tại Ấn Độ, chiếc khăn này gọi là khăn gamucha được dùng để lau khô người.

Từ bàn ăn ra đường phố

Lịch sử của hoạ tiết Gingham bắt đầu từ … bàn ăn! Người ta tin rằng những người đầu tiên biết đến hoạ tiết kẻ caro bắt mắt này đã dùng chúng cho chiếc khăn trải bàn. Ví dụ, tại Campuchia cổ đại, những chiếc khăn có họa tiết kẻ carô này, gọi là khăn krama, được dùng để trang trí bàn ăn.

Tại Mỹ, họa tiết gingham gắn liền với những chiếc khăn picnic tông màu trắng đỏ. Đây cũng là lý do mà hoạ tiết gingham thường gắn liền với phong cách rustic.

Tại Pháp, do vải vichy/gingham được sản xuất dễ dàng, ở giá thành phải chăng, nên chúng được dùng cho nhiều mục đích trang trí nhà cửa. Những cafe và bistro Pháp sử dụng khăn trải bàn mang họa tiết kẻ carô này để thu hút thực khách. Còn thương hiệu mứt Bonne Maman, để nhấn mạnh rằng sản phẩm của mình ngon như “mứt mẹ làm”, đã mang họa tiết gingham gợi nhớ món ăn của mẹ lên nắp lọ mứt.

Ảnh: IG bonnemaman_fr

 Nước Mỹ làm rạng danh họa tiết gingham

Sau khi vải gingham được nhập khẩu từ Ấn Độ và Indonesia trong một thời gian dài, các nhà máy dệt vải của châu Âu và Mỹ đã tìm được cách dệt vải ở địa phương bắt đầu từ thế kỷ 18. Đặc biệt, do nước Mỹ rất mạnh về ngành sản xuất cotton, nên chất liệu rẻ và xinh này càng được ưa chuộng.

Người Mỹ dùng chất liệu cotton in họa tiết gingham cho mọi mục đích. Từ khăn picnic (ở trên), đến màn cửa, vải bọc nệm ghế, đồng phục học sinh và váy áo cho các bà mẹ. Có thể nói, vải cotton in họa tiết gingham chính là chất liệu đậm văn hóa đồng quê Mỹ. Doanh số từ việc sản xuất và bán vải gingham biến nó thành thứ thành phẩm quan trọng đối với nền kinh tế Mỹ.

Chính vì vậy, nước Mỹ, dù sinh sau đẻ muộn so với châu Âu, vẫn “cố gắng” tuyên bố chủ quyền với họa tiết gingham. Họ cho rằng chính nước Mỹ đã làm rạng danh cách phối màu đỏ/trắng và xanh/trắng cho họa tiết gingham!

Cô bé Dorothy trong phim Phù thủy xứ Oz đã vĩnh viễn xây dựng hình tượng họa tiết gingham như một phần của văn hóa đồng quê Mỹ

 Trở thành biểu tượng thời trang

Họa tiết gingham vốn chỉ là thứ quê mùa, dành cho những bà nội trợ hay vải trang trí không gian sống. Tuy nhiên sau khi nó xuất hiện trên thời trang của các minh tinh thì bỗng nhiên họa tiết này được đánh giá là thời thượng và trendy.

Một trong những bộ váy hoạ tiết gingham kinh điển là chiếc đầm caro xanh trắng mà Dorothy (Judy Garland thủ vai) trong Phù thuỷ xứ Oz (ảnh trên). Chiếc váy này đạt giá 1,47 triệu euro trong một buổi đấu giá năm 2015.

Đây cũng là hoạ tiết yêu thích của nhiều biểu tượng thời trang, từ Audrey Hepburn đến Công nương Diana.

Ảnh: pinterest.com

Ảnh: style.nine.com.au

Năm 1959, nữ minh tinh Brigitte Bardot tổ chức đám cưới với Jacques Charrier ở Paris. Thay vì diện váy cưới truyền thống, cô gái này đã chọn một thiết kế gingham màu hồng/trắng từ nhà couturier Jacques Estérel. Ngay lập tức, nhiều người đổ xô đi tìm mua chất vải tương tự, khiến cho các mẫu vải gingham bán hết sạch tại Pháp.

Ảnh: tpe.lec.ac-grenoble.fr

Vì sao họa tiết gingham được ưa chuộng?

Có lẽ vì nó quá dễ mặc, lại mang vẻ trẻ trung (youth) và cổ điển (nostalgia) cho người mặc.

Đối với phụ nữ, họa tiết gingham đồng nghĩa với khái niệm “good girl”. Do đậm nét đồng quê, các cô gái ngay lập tức trông thục nữ, nhu mì khi khoác lên mình họa tiết gingham. Các chị, các mẹ không cảm thấy mình quá phô trương khi diện váy áo gingham bó sát.

Cánh đàn ông cũng có thể diện áo kẻ carô gingham. Nam tính, nhưng thân thiện. Chỉn chu, nhưng mộc mạc. Chất liệu cotton dễ giặt và bảo quản.

Dù xuất hiện trên áo tắm, họa tiết gingham vẫn ngay lập tức mang vẻ ngây thơ kiểu good girl cho người mặc. Ảnh: Free People

Hoàng Hân (tổng hợp)


Các tin khác