Vinatex tổ chức hội thảo chuyên đề thị trường tháng 5


Sáng 19/5, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đã tổ chức hội thảo chuyên đề cập nhật, thông tin thị trường tháng 5 theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến. Tham dự hội thảo có ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex; ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Vinatex; lãnh đạo trong Cơ quan điều hành, các ban chức năng và các doanh nghiệp thành viên.

Tại hội thảo, ông Vương Đức Anh – Chánh Văn Phòng HĐQT Vinatex đã thông tin cập nhật thị trường dệt may. Theo đó, xuất khẩu dệt may Việt Nam trong tháng 4 tiếp tục giảm 20,6% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu dệt may của các quốc gia cạnh tranh như Trung Quốc trong quý I/2023 giảm 6,7% so với cùng kỳ. Giá trị xuất khẩu hàng may mặc trong quý I/2023 của Bangladesh đạt 12,25 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ 2022 (11,52 tỷ USD). Tuy nhiên, trong tháng 3 và tháng 4 năm 2023, xuất khẩu hàng may mặc của Bangladesh lần lượt đạt 3,89 tỷ USD và 3,32 tỷ USD, ghi nhận mức giảm trong 2 tháng liên tiếp so với cùng kỳ 2022 (-1% trong tháng 3 và -15,5% trong tháng 4). Xuất khẩu hàng may mặc của Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận mức tăng nhẹ 0,26% trong quý 1/2023 so với cùng kỳ, đạt 4,92 tỷ USD so với 4,9 tỷ USD. Xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Srilanka giảm 13,8% xuống còn 1,27 tỷ USD trong quý I/2023 so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý I/2023, KNXK may mặc của Campuchia giảm 22,56% so với cùng kỳ 2022 xuống còn 1,65 tỷ USD.

Trong bối cảnh đó về mặt tỷ giá thì đồng tiền của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2023 tăng giá 0,7% so với USD; đồng tiền của Pakistan, Ai Cập tiếp tục giảm giá 20%; đồng tiền của Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỹ giảm giá gần 5%; đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc tiếp tục giảm xuống 7 Nhân dân tệ đổi 1 USD, thấp hơn 10% so với giai đoạn trước đại dịch.

Ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Vinatex phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Vinatex cho biết, tình hình sản xuất kinh doanh quý II dự báo tiếp tục theo chiều hướng xấu. Các doanh nghiệp cần bố trí sản xuất linh hoạt theo hướng đơn hàng nhỏ, khó, yêu cầu kỹ thuật và chất lượng cao. Cùng với đó là phải đảm bảo chất lượng, tăng năng suất, giảm bớt các chi phí không cần thiết. Tập đoàn sẽ cập nhật thường xuyên những thông tin về diễn biến thị trường cho các đơn vị.

Ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex kết luận hội thảo

Kết luận hội thảo, ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex dự báo, nguy cơ khủng hoảng nợ, đình lạm kéo dài hơn năm 2007. Thị trường có tâm lý nghi ngại về khả năng khủng hoảng kinh tế tại Mỹ, EU. Nhu cầu sản phẩm dệt may cơ bản giảm, đồng thời có sức ép dịch chuyển qua quốc gia rẻ hoặc gần thị trường hơn Việt Nam. Cầu tiếp tục thấp trong quý III/2023. Cung tiếp tục tăng trong năm 2023 do Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu để phục hồi kinh tế. Đơn hàng nhỏ, đặt hàng gấp dẫn đến xu thế tìm nguồn cung ứng ở gần để rút ngắn thời gian giao hàng. Giá cả tiếp tục ở mức cạnh tranh gay gắt. Trung Quốc chưa đủ nhân lực làm May dẫn tới có thể tìm kiếm nhà sản xuất ngắn hạn khâu May tại Việt Nam.

“Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp cần thông tin kịp thời đến người lao động tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn có thể kéo dài đến hết năm 2023, thậm chí đến năm 2024; Tổ chức sản xuất theo hướng linh hoạt, đáp ứng đơn hàng nhỏ lẻ, thay đổi nhanh, khó, thời gian gấp; Ngành Sợi xúc tiến lại thị trường Trung Quốc… Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tối thiếu hóa vốn lưu động; Tạm dừng các chương trình mở rộng, chỉ xem xét đầu tư chiều sâu. Nghiên cứu Phương án tổ chức sản xuất giảm quy mô, bảo tồn sức mạnh cốt lõi” – ông Lê Tiến Trường nhấn mạnh.

PV


Các tin khác