Vinatex tổ chức hội thảo chuyên đề tháng 8


Chiều 26/8, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) tổ chức Hội thảo chuyên đề: “Cập nhật tình hình kinh tế, thị trường dệt may và Giới thiệu Luật chuỗi cung ứng của Đức” theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tại hơn 40 điểm cầu.

Toàn cảnh Hội thảo

Trình bày về Triển vọng và dự báo về kinh tế thế giới, ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex cho biết, nền kinh tế thế giới vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức với lạm phát cao hơn dự kiến, đặc biệt là ở Mỹ và các nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Các điều kiện tài chính toàn cầu đang trở nên chặt chẽ hơn, sức mua hộ gia đình giảm và chính sách tiền tệ thắt chặt hơn sẽ khiến tăng trưởng giảm xuống 2,3% trong năm nay và 1% trong năm tới. Việc tiếp tục đóng cửa do chính sách Zero Covid của Trung Quốc và khủng hoảng bất động sản ngày càng trầm trọng đã đẩy tăng trưởng xuống 3,3% trong năm nay – mức chậm nhất trong hơn bốn thập kỷ, không kể đại dịch. Khu vực đồng tiền chung châu Âu, tăng trưởng đã được điều chỉnh xuống 2,6% trong năm nay và 1,2% vào năm 2023, phản ánh tác động lan tỏa từ cuộc chiến Ukraine và chính sách tiền tệ thắt chặt hơn.

Ông Vương Đức Anh – Chánh Văn phòng HĐQT Vinatex trình bày cập nhật thị trường dệt may

Hội thảo đã nghe ông Vương Đức Anh – Chánh Văn phòng HĐQT Vinatex trình bày cập nhật thị trường dệt may. Theo đó, tháng 7/2022, kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam đạt 4,2 tỷ USD, tăng 10% so cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 7 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam đạt 26,9 tỷ USD, tăng 17% so cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường xuất khẩu chính của ngành Dệt May Việt Nam gồm Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện nay do tình trạng lạm phát tại các nước trên thế giới đang tăng cao dẫn đến sức mua giảm và hàng thời trang tồn kho của các hãng ngày càng tăng. Điều này dẫn đến tình trạng số đơn đặt hàng mới giảm, giãn tiến độ các đơn đặt hàng đã đặt.

“Thị trường may có thể khó khăn từ quý 4/2022 đến hết năm 2023, tuy nhiên từ năm 2024 thị trường có thể quay lại đà tăng trưởng. Vì vậy các doanh nghiệp trong ngành cần đánh giá tổng thể thị trường, không chỉ có gam tối để có phương án tổ chức sản xuất kinh doanh phù hợp” – ông Vương Đức Anh nhận định.

Bà Sakia Anders đại diện GIZ trình bày nội dung về Giới thiệu Luật chuỗi cung ứng của Đức

Tại hội thảo bà Sakia Anders đại diện GIZ đã trình bày nội dung về Giới thiệu Luật chuỗi cung ứng của Đức. Theo đó, Đạo luật này sẽ có hiệu lực từ tháng 1 năm 2023 với mục tiêu cải thiện công tác bảo vệ các quyền con người trong chuỗi cung ứng toàn cầu và ngăn chặn tình trạng lao động trẻ em, cưỡng bức lao động, cấm những chất có hại cho con người và môi trường. Chống phân biệt đối xử, trả lương đủ sống và thời gian làm việc đúng mức cũng là trọng tâm của Đạo luật. Đạo luật cũng yêu cầu các doanh nghiệp Đức xây dựng một cơ chế quản lý rủi ro hiệu quả và phù hợp cho các chuỗi cung ứng của mình và lồng ghép cơ chế đó vào tất cả những chu trình sản xuất, kinh doanh quan trọng. Các doanh nghiệp ở Việt Nam cũng có thể bị tác động gián tiếp, nếu là một phần của chuỗi cung ứng của một doanh nghiệp Đức.

Ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex kết luận Hội thảo

Phát biểu kết luận hội thảo, ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex cho biết, quý 4/2022 thị trường sẽ còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động SXKD của doanh nghiệp dệt may. Trong đó, ngành Sợi đã có nhu cầu mua nhưng với mức giá không hiệu quả. Vì vậy cần phải tiếp tục coi thanh khoản ở tất cả các đơn vị là ưu tiên lớn nhất. Với ngành May, các đơn vị may dệt kim sẽ gặp khó khăn, rất cần sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp may mạnh khác. Ngoài ra, những doanh nghiệp may dệt kim có nhiều đơn hàng cần quan tâm hơn nữa đến các đơn vị làm vải để có thể tiếp cận được một số đơn hàng FOB có trên thị trường. Các đơn vị phải chuẩn bị từ xa để tránh tình trạng đứt thanh khoản. “Nhiệm vụ bảo toàn kết quả đạt được của 6 tháng đầu năm đang hết sức khó khăn đòi hỏi các đơn vị phải linh hoạt, chủ động tìm giải pháp ứng phó phù hợp. Trong tháng 9, Vinatex sẽ cố gắng cập nhật thị trường sớm hơn để các đơn vị có thể làm kế hoạch cho năm 2023” – Chủ tịch HĐQT Vinatex nhấn mạnh.

PV


Các tin khác