Vinatex tổ chức Hội thảo chuyên đề tháng 5


Sáng 29/5, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) tổ chức Hội thảo chuyên đề tháng 5 theo hình thức trực tuyến. Tham dự Hội thảo có ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex; lãnh đạo Cơ quan điều hành và các Ban chức năng của Tập đoàn; lãnh đạo các đơn vị thành viên trọng yếu của Vinatex dự tại hơn 20 điểm cầu.

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến

Cập nhật các thông tin về thị trường xuất khẩu chính của ngành dệt may, ông Vương Đức Anh – Chánh Văn phòng HĐQT Vinatex cho biết: Tại thị trường Mỹ, GDP quý 1/2024 tăng thấp hơn dự kiến, đạt 1,6% so với mức dự kiến 2,4%. Lạm phát ở mức 3,4%, mặc dù lạm phát hạ nhiệt so với tháng trước tuy nhiên vẫn chưa giảm về gần mức mục tiêu 2%. Do đó, tại kỳ họp tháng 5, FED quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25 – 5,5%; Tại thị trường EU, lạm phát duy trì ở mức 2,6% trong tháng 4/2024 (không thay đổi so với tháng 3/2024), do đó Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể sẽ có đợt cắt giảm lãi suất lần đầu vào tháng 6/2024 ở mức 25 điểm (xác suất 70%). Với thị trường Trung Quốc, GDP tháng 4/2024 tăng 5,3% so cùng kỳ (vượt dự báo thị trường là 4,5%).

Tại Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) dệt may tháng 4 đạt 3,15 tỷ USD, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, KNXK dệt may đạt 12,6 tỷ USD, tăng 7,5% so cùng kỳ 2023. Có sự tăng trưởng này là nhờ KNXK dệt may duy trì đà tăng ở tất cả các thị trường xuất khẩu chủ lực: Trung Quốc tăng 13,1%, Mỹ tăng 6,3%, EU tăng 1,5%, Nhật Bản tăng 10%… so với cùng kỳ.

Nhận định các yếu tố tác động ảnh hưởng tới xuất khẩu dệt may Việt Nam nửa cuối năm 2024, đại diện Văn phòng HĐQT Vinatex cho biết, tổng cầu dệt may năm 2024 dự báo tăng 5 – 6% so với 2023 nhưng vẫn thấp hơn 2019. Do đó, đơn hàng, đơn giá sẽ chưa được cải thiện nhiều; Các yếu tố về xung đột địa – chính trị vẫn căng thẳng, đe dọa sự phục hồi kinh tế và chuỗi cung ứng; Kết quả các cuộc bầu cử lớn trong 2024 (đặc biệt bầu cử Mỹ) tiềm ẩn những thay đổi lớn về chính sách; Các quốc gia đang thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy XK dệt may, cạnh tranh lấy lại thị phần như: giảm giá, chính sách hỗ trợ trong nước đặc biệt là Trung Quốc; Chi phí đầu vào sẽ tăng do cước vận tải biển, tiền lương, tiền điện và lãi suất ngân hàng tăng…

Cũng tại Hội thảo, ông Hoàng Mạnh Cầm – Phó Chánh VP HĐQT Vinatex cập nhật một số thông tin về đạo luật chống lao động cưỡng bức (ULFPA) của Mỹ và các vấn đề liên quan đến nguyên liệu bền vững. Theo đó, Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ (CBP) có xu hướng gia tăng các cuộc kiểm tra hàng hóa đến từ nhiều quốc gia như: Trung Quốc, Nicaragua, Philippines, Việt Nam… Mới đây, Bộ An ninh nội địa Hoa Kỳ (DHS) đã bổ sung 26 nhà sản xuất bông Trung Quốc vào danh sách thực thể UFLPA (có hiệu lực từ 17/5). Do đó, các DN dệt may Việt Nam cần thẩm định chuỗi cung ứng, đảm bảo các quy định về nguồn gốc xuất xứ các mặt hàng dệt may khi xuất khẩu vào thị trường này.

Trong dịp này, lãnh đạo các doanh nghiệp dự Hội thảo đã đưa ra một số nhận định về cơ hội SXKD trong 6 tháng cuối năm, xu hướng của thị trường cũng như tình hình thực tế đơn hàng tại doanh nghiệp. Theo đó, xu hướng chung hiện nay đơn giá chưa được cải thiện, nhất là với các đơn hàng FOB. Về cơ bản đơn hàng đã có đủ tới hết quý 3/2024, nhưng đơn hàng quý 4/2024 vẫn chưa chắc chắn vì các khách hàng còn thận trọng theo dõi các diễn biến của thị trường. Cùng với đó, dưới góc độ tài chính, một số đơn vị cũng đã đưa ra một số giải pháp khi tỷ giá USD/VNĐ có xu hướng gia tăng, cũng như một số phương án về quản trị dòng tiền, quản trị hàng tồn kho để giảm thiểu rủi ro tài chính…

Chủ tịch HĐQT Vinatex Lê Tiến Trường kết luận Hội thảo

Kết luận Hội thảo, ông Lê Tiến Trường đã đưa ra một số nhận định, dự báo thị trường trong 6 tháng cuối năm. Cụ thể, về yếu tố thuận lợi: Kinh tế vĩ mô Mỹ, EU không xấu đi so với dự báo, xu thế kiểm soát được tình hình khá rõ, nhất là ở EU và UK; Tiêu dùng và thu nhập ở Mỹ, EU đều có xu thế tăng; Tồn kho giảm khá mạnh so với 2023, nhưng vẫn còn cao hơn trước dịch Covid-19; Trung Quốc có xu thế chấm dứt các hỗ trợ cho DN phục hồi, đưa mặt bằng cạnh tranh trở về mức thị trường; Việc kiểm soát xuất xứ từ Trung Quốc nghiêm ngặt hơn; VNĐ là một trong các đồng nội tệ giảm giá nhiều nhất trong 5 tháng đầu năm…

DN cũng sẽ tiếp tục phải đối mặt với các yếu tố bất lợi – nguy cơ: Thị trường Nhật Bản đang tốt hơn so với thực trạng vĩ mô, có thể dẫn đến đảo chiều bất ngờ; Thị trường Mỹ chưa có đợt giảm lãi suất, dẫn tới cầu chưa tăng đột biến; Một số khách hàng truyền thống gặp khó khăn, có thể phá sản; Lãi suất trong nước có xu thế tăng lên; VNĐ trong 6 tháng cuối năm ít có khả năng phá giá, thậm chí là có khả năng tăng giá; Lương tối thiểu, các vấn đề mới của BHXH có thể tạo ra một số diễn biến không có lợi trong lao động; Ngành sợi vẫn chưa ra khỏi giai đoạn khủng hoảng.

Về xu hướng của thị trường: Hàng rẻ chiếm ưu thế tuyệt đối. Vẫn duy trì giá bán giảm để xử lý tồn kho về mức trước dịch; Các hãng thời trang cơ bản đã vượt qua khó khăn, lợi nhuận tăng trưởng rất tốt so với các nhà sản xuất; Sản phẩm cotton có xu thế quay lại tại Mỹ, tăng trưởng so với hàng từ MMF; Mặt hàng cơ bản với loạt khá lớn, đơn giá thấp nhưng khách hàng không đặt sớm; Lưu ý xu thế may gia công của khách hàng Trung Quốc để tận dụng xuất xứ.

Khuyến cáo một số chương trình hành động cho các DN triển khai kế hoạch SXKD từ nay đến hết năm 2024, Chủ tịch HĐQT Vinatex đề nghị các DN tính toán để có thể chốt được đơn hàng trong những tháng cuối năm, nhất là với thị trường Mỹ, EU; cân đối để chuyển đổi đồng USD sang VNĐ có thể lên giá nhẹ cuối năm; tích cực truyền thông về xuất xứ minh bạch của hàng dệt may từ Việt Nam… Đặc biệt, DN cần luôn chủ động, quyết liệt đảm bảo các yếu tố trọng yếu trong quản lý năng suất, quản lý giá thành để nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu khách hàng, thị trường.


Các tin khác