Vinatex tổ chức Hội nghị Người đại diện vốn Tập đoàn Dệt May Việt Nam tại doanh nghiệp


Chiều 29/6 tại Hạ Long, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đã tổ chức Hội nghị Người đại diện vốn Tập đoàn Dệt May Việt Nam tại doanh nghiệp. Tới dự và chủ trì Hội nghị có ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex; ông Trần Quang Nghị – Phó Chủ tịch HĐQT Vinatex; ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Vinatex; ông Phạm Văn Tân – Phó Tổng Giám đốc thường trực Vinatex, lãnh đạo Cơ quan điều hành, các Ban chức năng của Tập đoàn cùng hơn 60 người đại diện vốn của Vinatex tại 43 đơn vị thành viên.

Toàn cảnh Hội nghị

Chủ tọa điều hành Hội nghị

Ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex cho biết, sau hơn 2 năm thử thách vì dịch bệnh, các đơn vị thành viên của Vinatex vẫn “vững vàng” vượt qua mọi khó khăn và sự có mặt đông đủ của những người đại diện vốn của Tập đoàn tại Hội nghị là cơ hội để Tập đoàn và các đơn vị thành viên ngồi lại cùng nhau để triển khai nhiệm vụ giai đoạn 2022 – 2025 cũng như lắng nghe ý kiến của người đại diện vốn từ thực tiễn hoạt động tại doanh nghiệp. Đây cũng là Hội nghị để đôi bên cùng xây dựng hướng đi, kế hoạch tài chính, chương trình hành động vì sự phát triển bền vững của Vinatex trong thời gian tới.

Ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Vinatex đã trình bày báo cáo đánh giá hoạt động người đại diện

Tại Hội nghị, ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Vinatex đã trình bày báo cáo đánh giá hoạt động người đại diện. Theo đó, hiện Vinatex có 62 người khai thác và quản lý 3.953 tỷ đồng vốn với giá trị bình quân 64 tỷ đồng/người đại diện. Năm 2021 đã tạo ra 11 tỷ lợi nhuận/người đại diện vốn.

Để đánh giá hoạt động của người đại diện vốn của Vinatex tại các doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Vinatex cho biết, Tập đoàn đánh giá theo 6 tiêu chí gồm: Đánh giá hoạt động hiệu quả – Đánh giá quản trị doanh nghiệp – Đánh giá đầu tư và phát triển bền vững – Phát triển thị trường – Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực – Chấp hành chế độ chính sách và báo cáo của người đại diện. Các tiêu chí này được xây dựng dựa trên 3 nguyên tắc: (1) Đánh giá người đại diện thông qua hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; (2) Đánh giá người đại diện dựa trên tính phát triển bền vững của doanh nghiệp, sự cải thiện của doanh nghiệp so với năm trước và so với các đơn vị cùng ngành nghề trong Tập đoàn; (3) Đánh giá người đại diện thông qua việc chấp hành pháp luật, chế độ chính sách của Nhà nước và Tập đoàn.

Qua đánh giá, người đại diện vốn của Vinatex tại các DN đều linh hoạt trong công tác thị trường và tổ chức sản xuất, giữ được người lao động cũng như cải thiện thu nhập cho NLĐ. Đồng thời đảm bảo dòng tiền, cải thiện hiệu suất khai thác tài sản. Tuy nhiên, có một số điểm mà người đại diện vốn cần phải cải thiện như: Quy hoạch cán bộ chủ chốt; Cải thiện hiệu suất khai thác tài sản; Đẩy mạnh đầu tư theo hướng phát triển bền vững… Đồng thời, trong thời gian tới Vinatex sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động SXKD để người đại diện vốn có thể hoàn thành nhiệm vụ bằng các giải pháp cụ thể như: công tác quản trị; chế độ đãi ngộ và giải pháp về vốn.

Bà Trần Thị Thu Hằng – Trưởng Ban Kiểm soát Vinatex đã trình bày báo cáo xếp hạng doanh nghiệp theo mô hình Z-Score đang được áp dụng trên toàn thế giới. Kết quả đánh giá xếp hạng doanh nghiệp sẽ được Vinatex sử dụng trong công tác điều hành và phân quyền đối với các đơn vị. Theo đó, đối với các DN xếp hạng 1 và 2, Vinatex sẽ xem xét giao quyền tự chủ trong một số vấn đề, ưu tiên tham gia các chương trình hỗ trợ của Tập đoàn về tài chính, đào tạo, thị trường…; Đối với các DN xếp hạng 3, Tập đoàn sẽ phối hợp với người đại diện vốn để trao đổi giải pháp; Đối với DN xếp hạng 4 Tập đoàn sẽ có các chính sách quan tâm, hỗ trợ đồng thời theo dõi, giám sát chặt chẽ; Đối với DN xếp hạng 5 Tập đoàn sẽ đưa vào diện giám sát đặc biệt, hỗ trợ đồng hành cùng DN trong việc cải thiện tài chính và mọi mặt về hoạt động của DN.

Ông Phạm Văn Tân – Phó Tổng Giám đốc thường trực Vinatex trình bày về báo cáo đánh giá và giải pháp nâng cao hiệu quả vốn đầu tư

Ông Phạm Văn Tân – Phó Tổng Giám đốc thường trực Vinatex cũng trình bày về báo cáo đánh giá và giải pháp nâng cao hiệu quả vốn đầu tư. Theo đó, năm 2021 công ty mẹ sử dụng 5.863 tỷ đồng cho hoạt động SXKD, trong đó đầu tư vào lĩnh vực dệt may là 3.953 tỷ đồng, chiếm 67% giá trị đầu tư. Trong đó, ROI của công ty mẹ năm 2021 là 9,3%, còn ngành Dệt May là 12,4% – lĩnh vực có tỷ suất sinh lợi nhuận cao nhất.

Theo Phó Tổng Giám đốc Vinatex, mục tiêu của việc đánh vốn đầu tư nhằm đạt được một số mục tiêu gồm: (1) Tăng quy mô vốn và tài sản tại các DN thành viên nhằm: tạo điều kiện cho đầu tư phát triển, nâng cao năng lực so với các DN cùng ngành ngoài Tập đoàn; Củng cố năng lực tài chính; Cải thiện mức độ tài chính; Thay đổi hình ảnh đối với các tổ chức tín dụng. (2) Thực hiện thoái vốn tại các đơn vị không nằm trong chiến lược phát triển dài hạn nhằm: Giảm bớt đầu mối quản lý; Tập trung nguồn lực cho các mục tiêu quan trọng; (3) Nâng cao năng lực quản trị Tập đoàn bằng các giải pháp dịch vụ dùng chung: Cần tiếp cận với các giải pháp quản trị mới, vượt quá năng lực triển khai của một đơn vị riêng lẻ; Các giải pháp quản trị tân tiến nhưng đòi hỏi quy mô triển khai và tổng mức đầu tư lớn.

Ông Trần Quang Nghị – Phó Chủ tịch HĐQT Vinatex phát biểu tham luận

Hội nghị cũng đã được nghe những chia sẻ của ông Trần Quang Nghị – Phó Chủ tịch HĐQT Vinatex, ông Đặng Vũ Hùng – TV HĐQT Vinatex cùng một số người đại diện vốn tại TCT Dệt May Nam Định, TCT Nhà Bè, TCT May 10 và TCT CP Dệt May Hòa Thọ… Đồng thời, nhằm ghi nhận sự đóng góp của người đại diện vốn tại các đơn vị cho hoạt động SXKD của Vinatex năm 2021, ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Vinatex đã ký quyết định khen thưởng cho các đơn vị với tổng số tiền khen thưởng là 3,9 tỷ đồng.

Lãnh đạo Tập đoàn trao các quyết định khen thưởng cho người đại diện vốn tại các doanh nghiệp

Kết luận Hội nghị, ông Lê Tiến Trường ghi nhận những ý kiến đóng góp đến từ lãnh đạo Tập đoàn và người đại diện vốn tại các Tổng Công ty lớn. Với những đánh giá mới lần đầu được công bố chắc chắn sẽ có những vấn đề cần chia sẻ từ chính những người đại diện vốn cho Vinatex (chủ yếu là Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc), đồng thời đây chính là tiền đề để giúp những người đại diện vốn có cơ chế tốt hơn trong việc điều hành hoạt động SXKD tại các đơn vị.

Đặt ra một số vấn đề trong thời gian tới, Chủ tịch HĐQT Vinatex cho rằng, hiện đang có nguy cơ thiếu người kế cận trong đội ngũ người đại diện vốn, đồng thời sức hút của DN dệt may đối với cán bộ chủ chốt là chưa cao. Do đó, trong thời gian tới Vinatex và các đơn vị cần phải có sự chuẩn bị trong việc quy hoạch người đại diện vốn từ những nhân tố có năng lực, cũng như điều chỉnh lại hệ thống thang bảng lương để có thể chi trả tốt hơn cho các vị trí lãnh đạo. Ngoài ra, cần xây dựng các chương trình phúc lợi cho cán bộ chủ chốt như ESOP.

“Quy mô doanh nghiệp và quy mô vốn của các DN trong hệ thống của Vinatex còn nhỏ. Tốc độ tăng trưởng của các DN còn chậm so với các DN trong cùng ngành. Mong muốn của Tập đoàn là các đơn vị trong hệ thống có hệ thống tài chính cân bằng, có thể cân đối tài chính trong dài hạn. Đồng thời, Tập đoàn sẽ tiếp tục nhận được nhiều đóng góp của lãnh đạo trong HĐQT Vinatex và các đơn vị thành viên nhằm xây dựng sự quản lý thông suốt của Vinatex đối với người đại diện vốn tới các công ty cấp 1, cấp 2”- Ông Lê Tiến Trường nhấn mạnh.

Lãnh đạo Tập đoàn bày tỏ kỳ vọng, các đơn vị thành viên nỗ lực đưa các khoản đầu tư về đúng ngành dệt may, quản trị số minh bạch, xây dựng hệ thống truyền thông nội bộ tới từng người lao động để có thể hoạt động trên một nền tảng chung nhằm cải thiện hiệu quả, xây dựng hệ thống SXKD xuyên suốt, đoàn kết, vững mạnh.

Quang Nam


Các tin khác