Vinatex nhiệm kỳ 2020 – 2025: Giai đoạn lửa thử vàng


Vinatex chính thức bước sang giai đoạn 5 năm lần thứ hai (nhiệm kỳ 2020-2025) của thời kỳ hoạt động theo phương thức cổ phần hóa. Ngay từ những ngày đầu của giai đoạn 5 năm lần thứ nhất (nhiệm kỳ 2015-2020), nhiều tín hiệu vui được dự báo, và thành công cũng đến sáng ngời khoảng giữa thời gian đó. Chỉ đến gần 2 năm cuối cùng của giai đoạn này, những thử thách khắc nghiệt đã đến dồn dập, khiến cho toàn bộ ngành DMVN cũng như Vinatex đều phải căng mình chống chọi với cơn bão bất ngờ.

Cuộc chiến cam go vẫn còn tiếp diễn

Vào năm 2015, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) khi đó như đang đứng trước một vận hội mới, có thể tận dụng để tạo nên bước ngoặt phát triển vượt bậc. Các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á-Âu, Liên minh châu Âu, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương,… là những điểm sáng, tạo động lực để ngành DMVN, nhất là Vinatex mạnh dạn chuyển mình, nâng quy mô và thay đổi về căn bản phương thức sản xuất, tăng giá trị và cải thiện vị trí trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu.

Quả vậy, Vinatex đã phát triển với tốc độ tăng trưởng bình quân trong 3 năm từ 2015-2018: Sợi tăng 8,3%; May tăng 3,5%. Tính trong cả nhiệm kỳ 2015-2020, Vinatex đã đạt doanh thu hàng năm tăng trưởng trung bình 12,6%, lợi nhuận tăng 2,5%, cổ tức chia trung bình 5%, riêng năm 2018 chia cổ tức 6%.

Nhưng với việc hai hiệp định Thương mại tự do quan trọng là TPP không thực hiện được, phải dịch chuyển thành CPTPP, và Hiệp định EVFTA bị chậm thực thi đã khiến cho những thuận lợi mà Vinatex cũng như các DN khác trong ngành kỳ vọng đã không trở thành hiện thực. Đặc biệt, hai yếu tố rủi ro có tác động mạnh nhất lên sức khỏe của Vinatex và toàn ngành DMVN là cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và đại dịch Covid-19 là hoàn toàn không được dự tính trước trong kịch bản phát triển của nhiệm kỳ 2020-2025.

Như vậy, từ giữa năm 2019, ảnh hưởng xấu của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã phát tác, khiến doanh thu sụt giảm nhiều, nhất là trong ngành Sợi. Việc đại dịch Covid-19 bùng phát buộc Trung Quốc đóng băng sản xuất vào đầu năm 2020 đã làm ngành Sợi của Việt Nam, vốn xuất khẩu nhiều sang Trung Quốc, thực sự điêu đứng và giảm đến 40% lượng xuất khẩu sợi sang nước này. Trong vòng hai thập niên qua, có thể nói 2 năm 2019-2020 là hai năm khó khăn nhất đối với ngành Sợi. Tính đến hết năm 2020, ngành Sợi phải gồng mình chịu lỗ trong suốt 30 tháng. Đây là một cuộc chiến cực kỳ cam go và sẽ còn tiếp diễn đối với ngành Sợi.

Ngành May tuy không rơi vào tình cảnh thê thảm như Sợi, nhưng cũng ảnh hưởng sức tăng trưởng trong năm 2019 và sụt giảm doanh thu từ 20%-25% trong hai quý đầu năm 2020. Cho tới quý 3, quý 4 năm 2020, với tình hình căng thẳng Mỹ – Trung Quốc, đại dịch Covid-19 vẫn chưa thể được kiểm soát hoàn toàn, người tiêu dùng trên toàn thế giới thắt chặt chi tiêu, cũng như có những đòi hỏi cao hơn, khắt khe hơn về mặt hàng thời trang, thì nhiều khả năng các đơn hàng may mặc sẽ tiếp tục bị hủy, hoãn, hoặc phải thay đổi, và cũng khó có thể dự đoán chính xác doanh thu ngành May sẽ sụt giảm tới đâu.

Đáp ứng nhanh với thay đổi

“Vinatex buộc phải xác định kinh doanh trong một thị trường bất định, khó có thể dự báo chính xác và không thể lập kế hoạch dài hơi như trước. Trong giai đoạn 5 năm lần thứ hai sau cổ phần hóa (nhiệm kỳ 2020-2025), Tập đoàn cần liên tục cập nhật tình hình biến đổi của thị trường, đưa ra phương án mới và xoay chuyển sản xuất kịp thời. Với kế hoạch 5 năm lần này, Vinatex cần xây dựng dựa trên cái nhìn thực tế, khoa học, với nhiều phương án khả thi hơn.” – Ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex cho biết.

Quả vậy, với thực tế các nền kinh tế mạnh của thế giới đều có GDP tăng trưởng âm khiến thị trường suy giảm ngày càng sâu. Và ngay ở Việt Nam, trong thời điểm Covid-19 thì GDP chỉ tăng 0,36%, một con số thấp nhất kể từ khi nước ta có thống kê mức tăng trưởng. “Trong nhiệm kỳ mới, với tình hình thị trường suy giảm sâu, bất định và khó lường, khó dự đoán, Vinatex đặt mục tiêu vào giữa nhiệm kỳ sẽ đạt mốc kết quả SXKD bằng năm 2019, từ đó có đà tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng GDP. Giải pháp cho giai đoạn tới là quản trị tinh gọn, hiện đại, tăng năng lực cạnh tranh của Tập đoàn, xây dựng chuỗi cung ứng hoàn chỉnh với tiêu chí sản xuất xanh, bền vững, tận dụng công nghệ 4.0 trong quản trị và sản xuất kinh doanh. Thu hút nhân tài, cải tiến cơ chế đãi ngộ, tạo động lực để người tài cống hiến và phát triển Tập đoàn hiệu quả vượt bậc.” – Ông Lê Tiến Trường cho biết thêm.

Vậy Vinatex nói riêng và toàn ngành DMVN nói chung sẽ làm gì trong giai đoạn khắc nghiệt này? Trong bức tranh có nhiều màu tối phía trước, liệu Dệt May Việt Nam, nhất là Vinatex sẽ đưa ra các phương án cụ thể nào có tính khả thi nhất, dựa trên năng lực sẵn có và tính sáng tạo, vượt khó đã thành truyền thống của mình? Ông Đặng Vũ Hùng – Tổng Giám đốc Vinatex chia sẻ rằng, trong thời gian qua, Vinatex đã có những chương trình khai thác thị trường Úc và Canada, thậm chí là EU bởi vẫn còn những khách hàng tiềm năng ở đây. Thị trường Canada có tín hiệu tốt, tăng trưởng tới trên 22% năm 2017, và tăng trưởng tới 40% năm 2018. Trong vòng 3 năm, lượng xuất khẩu hàng may mặc từ Việt Nam sang Canada đã tăng gấp 10 lần (từ 20 triệu USD lên 200 triệu USD). Trong thời gian tới, giải pháp cụ thể để nâng cao vị thế Vinatex, theo ông Đặng Vũ Hùng sẽ là 9 cụm giải pháp: (1) Tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn diện từ Sợi –  Dệt – Nhuộm hoàn tất – May để thỏa mãn yêu cầu xuất xứ của Hiệp định thương mại tự do CPTPP cũng như EVFTA. (2) Đầu tư các trung tâm phát triển sản xuất trên nền tảng ý tưởng sáng tạo Việt Nam để phục vụ thị trường thế giới. (3) Thành lập các trung tâm xúc tiến thương mại thu hút mạnh mẽ các tổ hợp sản xuất hàng thời trang. (4) Có chiến lược phát triển đa dạng sản phẩm, chuyên môn hóa cao. (5) Sử dụng lợi thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong hoạt động sản xuất kinh doanh. (6) Ứng dụng CNTT trong quản trị điều hành. (7) Đầu tư logistic chuyên nghiệp để giảm chi phí. (8) Phát triển các trung tâm kinh doanh sản phẩm của Vinatex ra các vùng quan trọng. (9) Đầu tư phát triển nguồn lực chất lượng cao để có đủ năng lực đáp ứng nhanh sự thay đổi của môi trường kinh doanh hàng may mặc trong nước và quốc tế.

——————————

Ngày 18/8/2020, tại Hà Nội, Đại hội đồng cổ đông nhiệm kỳ 2020-2025 của Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã tín nhiệm bầu ra 05 thành viên Hội đồng quản trị của nhiệm kỳ mới, gồm các ông: Trần Quang Nghị, Lê Tiến Trường, Đặng Vũ Hùng, Vũ Hồng Tuấn, Lê Khắc Hiệp. Thông qua kết quả kiểm phiếu, HĐQT đã họp và thống nhất bầu ông Lê Tiến Trường giữ chức Chủ tịch HĐQT, ông Trần Quang Nghị giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT, ông Đặng Vũ Hùng giữ chức Tổng Giám đốc.

1/ Ông LÊ TIẾN TRƯỜNG – Chủ tịch HĐQT Vinatex

Ngày sinh: 04/01/1973

Trình độ chuyên môn: Kỹ sư cơ khí, Thạc sỹ Quản trị Nhân lực

Ông Lê Tiến Trường từng tu nghiệp sau đại học tại INSEAD (Pháp), Ashridge (Anh), AIT (Thái Lan), Harvard (Mỹ). Trước Đại hội đồng cổ đông nhiệm kỳ 2020-2025, ông Lê Tiến Trường đã đảm nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT – Tổng Giám đốc Vinatex kể từ tháng 01/2015. Ông đã có hơn 20 năm làm việc trong ngành Dệt May Việt Nam và hơn 10 năm công tác tại Tập đoàn Dệt May Việt Nam.

Ông từng giữ các chức vụ Giám đốc điều hành, Phó Tổng Giám đốc Thường trực, Thành viên Hội đồng Thành viên – Tổng Giám đốc trước khi Tập đoàn Dệt May Việt Nam thực hiện cổ phần hóa. Ông là một nhà quản lý có tầm nhìn, tư duy chiến lược, có khả năng nắm bắt và nhận định vấn đề nhanh để từ đó đưa ra các quyết định, chỉ đạo sáng suốt trong quản lý và điều hành Tập đoàn.

2/ Ông TRẦN QUANG NGHỊ – Phó Chủ tịch HĐQT Vinatex

Ngày sinh: 19/10/1960

Trình độ chuyên môn: Thạc sỹ Quản trị kinh doanh

Ông Trần Quang Nghị đã có 40 năm kinh nghiệm trong ngành Dệt May, là một người được trưởng thành từ thực tế, có hiểu biết sâu sắc và toàn diện về ngành. Trước khi tham gia quản lý, điều hành tại Tập đoàn Dệt May Việt Nam, ông Trần Quang Nghị đã có thời gian dài làm việc tại Tổng Công ty Cổ phần Phong Phú, từng giữ chức vụ Tổng Giám đốc và sau này là Chủ tịch HĐQT, góp công sức không nhỏ để giúp đưa Phong Phú trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu của Tập đoàn nói riêng và ngành Dệt May Việt Nam nói chung.

Trong nhiệm kỳ trước, ông Trần Quang Nghị đã đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn. Trên cương vị đó, ông là người lãnh đạo, nhà quản lý đầy nhiệt huyết, quyết liệt trong quản trị và điều hành, là người đưa ra định hướng, chiến lược và mục tiêu phát triển của Tập đoàn trong suốt 05 năm qua.

3/ Ông ĐẶNG VŨ HÙNGThành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vinatex

Ngày sinh: 24/7/1971

Trình độ chuyên môn: Tiến sĩ chuyên ngành Dệt tại Vương quốc Bỉ

Ông Đặng Vũ Hùng là người được đào tạo chuyên sâu về ngành Dệt May và đã có gần 20 năm kinh nghiệm trong Ngành. Trong quá trình công tác của mình, ông đã từng đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Nhà máy Sợi OE – Công ty Dệt Phong Phú, sau đó là Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Phong Phú. Hiện nay, ông đang kiêm nhiệm các chức danh: Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quốc tế Phong Phú, Phó Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty May 10 – CTCP, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Dệt 8-3, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Dệt May Miền Bắc,… Bằng những kinh nghiệm của mình, ông đã và đang là người định hướng, dẫn dắt nhiều đơn vị thành viên, đặc biệt là các đơn vị ngành May, dịch chuyển tư duy và phương thức sản xuất để phát triển và mang lại hiệu quả cao.

4/ Ông VŨ HỒNG TUẤN – Thành viên HĐQT Vinatex

Ngày sinh: 09/8/1967

Trình độ chuyên môn:  Cử nhân chuyên ngành Ngân sách nhà nước, Thạc sỹ Quản trị kinh doanh.

Ông Vũ Hồng Tuấn đã có 30 năm công tác và từng đảm nhiệm các vị trí: Thanh tra viên chính – Bộ Tài Chính; Trưởng ban Quản lý rủi ro, Trưởng ban Pháp chế, và hiện đang là Trưởng ban Tổ chức cán bộ của Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).

5/ Ông LÊ KHẮC HIỆP – Thành viên HĐQT Vinatex

Ngày sinh: 06/05/1956

Trình độ chuyên môn: Tiến sỹ Vật Lý                      .

Ông Lê Khắc Hiệp tốt nghiệp trường Đại học Tổng hợp Kharkov – Ucraina (Liên Xô cũ) với học vị Tiến sĩ vật lý. Ông gia nhập Vingroup từ năm 2004 và giữ nhiều vị trí quan trọng như Tổng Giám đốc, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vincom (nay là Tập đoàn Vingroup), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán Vincom. Hiện nay, Ông là Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup kiêm Thành viên HĐQT Vinatex.

Bài: Mai Khanh – Hoàng Hân


Các tin khác