Vinatex gặp mặt báo chí đầu năm 2020


Nhằm thông tin tới báo chí những kết quả đã đạt được trong năm 2019, kế hoạch năm 2020, tầm nhìn 2025, chiều 03/01/2020, tại Hà Nội, ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đã chủ trì buổi gặp mặt báo chí, đồng thời chia sẻ những câu chuyện về những “nút thắt”, khó khăn của ngành Dệt May Việt Nam trong quá trình tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo đó, năm 2019 là một năm rất khó khăn đối với ngành DMVN, đặc biệt là ngành Sợi, nhưng với sự quyết tâm và nỗ lực, kim ngạch xuất khẩu của toàn Ngành vẫn đạt hơn 39 tỷ USD. Không nằm ngoài ảnh hưởng đó, Vinatex đã có một năm “vượt khó”, với tổng doanh thu thực hiện năm 2019 ước đạt 49.200 tỷ đồng; Kim ngạch xuất khẩu tính đủ năm 2019 ước đạt 2.900 triệu USD; Lợi nhuận trước thuế đạt 1.394 tỷ đồng. Tuy mức tăng trưởng, lợi nhuận thấp hơn năm 2018, nhưng kết quả SXKD năm 2019 vẫn đứng thứ 2 trong chuỗi 5 năm 2015 – 2019 và cao hơn trung bình 3 năm 2015 – 2017 gần 20%.

Năm 2020, dự báo bức tranh kinh tế sẽ còn tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, tương lai cuộc xung đột thương mại Mỹ – Trung vẫn chưa rõ ràng… Do đó, kế hoạch SXKD năm 2020 của Tập đoàn dự kiến đạt 46.258,3 tỷ đồng; Doanh thu (chưa VAT) đạt 50.922 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế đạt 1.552 tỷ đồng; Thu nhập bình quân đạt 8,26 triệu đồng/người/tháng…

Toàn cảnh buổi Gặp mặt báo chí đầu năm 2020

Tại buổi gặp gỡ báo chí, ông Lê Tiến Trường cũng đã có những chia sẻ với các phóng viên về tiềm năng sản xuất vải của Ngành Dệt May Việt Nam và định hướng phát triển của Ngành để nâng cao sức cạnh tranh với các đối thủ khác. Ông Lê Tiến Trường cho biết, đây không phải là một buổi Họp báo của Tập đoàn với các cơ quan thông tấn báo chí, mà ông gọi đó là một buổi “nói chuyện thân mật”, chia sẻ cởi mở về những câu hỏi mà bấy lâu nay báo chí vẫn đặt ra cho ngành DMVN.

Mở đầu buổi nói chuyện, ông Lê Tiến Trường cho rằng, thời gian qua có rất nhiều bài báo nói về kỳ vọng của ngành Dệt May khi có CPTPP, cũng như sau này có thêm EVFTA. Tuy nhiên, để được hưởng ưu đãi của những Hiệp định này, đòi hỏi các DN trong Ngành phải đáp ứng được các quy tắc về xuất xứ. Nhưng, để đáp ứng được những quy tắc này, Việt Nam cần phải đầu tư vào khâu sản xuất Vải, thì mới có thể mong hưởng được ưu đãi về thuế suất khi xuất khẩu sang các nước trong khối CPTPP và EU. Theo ông Lê Tiến Trường, nếu tính đến đầu tư để sản xuất vải, cần phải tính kỹ đến khả năng cạnh tranh về mẫu mã, chất lượng, thời gian giao hàng, giá thành, … với các nhà sản xuất lớn như Trung Quốc (chiếm 54% lượng vải toàn cầu), Ấn Độ (chiếm 20%)…

Trong khi đó, thị trường yêu cầu xuất xứ từ Sợi trở đi là CPTPP thì Việt Nam mới chỉ có quy mô xuất khẩu bằng 18% lượng xuất khẩu của ngành DMVN, mỗi năm lượng tiêu thụ tại thị trường này vào khoảng dưới 1 tỷ mét vải cả dệt thoi và dệt kim. Do đó, nếu tính đến bài toán đầu tư để sản xuất vải dành riêng cho thị trường này thì còn quá nhỏ, khó tạo ra được hiệu quả trong kinh doanh. Còn nếu đầu tư với quy mô lớn, rõ ràng sẽ khó có thể cạnh tranh được với các nhà sản xuất hiện hữu tại Trung Quốc, Ấn Độ, … do không có hỗ trợ về miễn thuế như khối CPTPP.

Ông Lê Tiến Trường – TGĐ Vinatex chia sẻ với báo giới về những khó khăn của ngành DMVN

Theo ông Lê Tiến Trường, việc sản xuất vải trong nước hiện nay không còn là câu chuyện để đáp ứng được QTXX, mà mục đích của nó là để tăng năng lực cạnh tranh cho toàn ngành. Nhưng không phải vì thế mà tất cả các DN đều phải đầu tư để làm vải. Hiện các DN có chuỗi cung ứng hoàn chỉnh đều đang đi theo con đường “ngách” và cần có sự đảm bảo của chuỗi cung ứng. Lấy dẫn chứng từ Việt Tiến, ông Lê Tiến Trường cho biết, hiện Việt Tiến là đối tác lớn của Uniqlo và Nike trên thế giới, và tới đây Việt Tiến cũng sẽ đầu tư vào sản xuất vải để phục vụ cho các thương hiệu đã có cam kết sử dụng vải của doanh nghiệp. Do đó, theo Tổng Giám đốc Vinatex, thì việc có được sự đảm bảo của những đối tác đứng đầu chuỗi cung ứng (những người có vai trò quyết định về mẫu mã, sản lượng, kênh phân phối), có đầu ra cho sản phẩm mới là con đường các DN dệt may Việt Nam cần đi, thay vì đầu tư dàn trải, bởi chúng ta không thể cạnh tranh với giá vải nhập từ Trung Quốc, Ấn Độ, ….

Không những thế, ông Lê Tiến Trường cũng chia sẻ về những khó khăn của DN dệt may hiện nay, về việc tiếp cận nguồn vốn vay, khi tất cả các khoản vay ngoại tệ để mua máy móc thiết bị nước ngoài phải quy đổi ra VNĐ, với mức giá cho vay tương đối cao. Chi phí logistic của Việt Nam hiện cũng đứng gần chót so với thế giới. Cụ thể, nếu so sánh với Ấn Độ, chỉ tiêu về hiệu quả dịch vụ cảng biển hiện đứng thứ 83/141, tiếp tục giảm 5 bậc so với năm 2018, trong khi Ấn Độ xếp thứ 49; Nguồn vốn cho DNVVN (DN dệt may chủ yếu trong nhóm này) hiện đứng thứ 97, giảm 12 bậc so với 2018 trong khi Ấn Độ là 23; Vốn đầu tư cho mạo hiểm (như các ngành thiết kế thời trang, sản xuất bán hàng theo thương hiệu Việt) cũng giảm từ hạng 51 xuống 61 trong khi Ấn Độ là 22 năm 2019. (Nguồn: Báo cáo đánh giá của WEF-2019 đăng trên weforum.org ngày 09.10.2019). Do đó, theo ông Lê Tiến Trường, Chính phủ cần có những chính sách tổng thể đẩy nhanh việc cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia, giúp doanh nghiệp có vị thế cạnh tranh tương đối bình đẳng với các doanh nghiệp tại các quốc gia sản xuất dệt may trong Top 5.

Trong bối cảnh thế giới có rất nhiều quốc gia mới nổi, nhất là khu vực Châu Phi, hiện ngành May của Việt Nam cũng đứng trước không ít những thách thức. Theo lãnh đạo Vinatex nhận định, ngành May của Việt Nam vẫn có những cơ hội trong thời gian tới, bởi chúng ta đã có kinh nghiệm quản trị do đi trước trong ngành này so với các quốc gia cạnh tranh như Myanmar, Bangladesh, Campuchia… Do đó, trong thời gian tới, các DN dệt may VN cần phải tập trung đầu tư công nghệ nhằm đẩy mạnh việc quản trị theo xu hướng của cuộc CMCN 4.0 để có thể tiếp tục duy trì lợi thế này.

Chia sẻ từ nhiều câu chuyện xung quanh Zara hay Uniqlo, đúc kết lại buổi trò chuyện, Tổng Giám đốc của Tập đoàn Dệt May Việt Nam cho biết, nếu như các DN không có những hướng đi, chiến lược riêng trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng biến động khó lường, thì câu chuyện khó khăn của năm 2019 sẽ còn tái diễn, đó chính là việc đơn hàng sẽ nhỏ đi về quy mô, thời gian giao hàng nhanh hơn, cũng như giá các đơn hàng sẽ giảm, chứ không phải “dễ thở” như những năm trước đây.

Bài và Ảnh: Quang Nam


Các tin khác