Vinatex chia sẻ kinh nghiệm giữ vững mục tiêu kép trong năm 2021


Ngày 8/12, tại Hà Nội, đại diện Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đã tham dự Hội nghị Giữ vững mối liên kết bảo đảm chuỗi cung ứng hàng Việt Nam, hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Hội nghị do Bộ Công Thương tổ chức và được kết nối với các điểm cầu trực tuyến tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Hội nghị nhằm đánh giá, đưa ra các giải pháp để triển khai thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong bối cảnh mới, bảo đảm chuỗi cung ứng cho hoạt động sản xuất và phân phối hàng hóa thiết yếu khi nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội trong các làn sóng dịch Covid-19.

Tham luận tại Hội nghị, ông Vương Đức Anh, Chánh Văn phòng HĐQT Vinatex cho biết, mặc dù phải chịu ảnh hưởng do dịch Covid – 19 mang lại trong quý 3, tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của ngành Dệt May Việt Nam 10 tháng 2021 vẫn đạt 32,4 tỷ USD, tăng 11% so cùng kỳ năm 2020 và cũng gần tương đương cùng kỳ của năm 2019. Nếu 2 tháng cuối năm, mỗi tháng tối thiểu xuất khẩu đạt 3 tỷ USD, dự kiến cả năm 2021 xuất khẩu dệt may Việt Nam có thể đạt 39 tỷ USD, xấp xỉ kim ngạch xuất khẩu 39,4 tỷ USD của năm 2019 trước dịch.

Ông Vương Đức Anh, Chánh Văn phòng HĐQT Vinatex tham luận tại Hội nghị

Sau 9 tháng năm 2021, Vinatex đã vượt 35% kế hoạch năm và phục hồi về mức trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát năm 2019, lợi nhuận năm 2021 dự kiến cao gấp trên 2 lần năm 2020 và có thể cao hơn nếu vừa qua khu vực may phía Nam của Tập đoàn không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bù lại năm nay lĩnh vực sản xuất nguyên liệu đóng góp 60% hiệu quả của Tập đoàn.

“Quan điểm chỉ đạo chung của Tập đoàn trong suốt thời gian vừa qua là Sáng tạo – Tự chủ – Đoàn kết, đề cao văn hoá doanh nghiệp Tự do sáng tạo – tự chủ, tự cường – quyết định tự trọng. Cùng với mục tiêu trên hết là bảo toàn được lực lượng lao động và giữ được vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu”- ông Vương Đức Anh nhấn mạnh.

Cũng tại Hội nghị, ông Vương Đức Anh đã chia sẻ 3 bài học kinh nghiệm từ dịch Covid-19 của Vinatex:

Bài học thứ 1: Tạo được sự thống nhất

Thông qua các hình thức tuyên truyền, vận động, giải thích chủ trương từ lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn đến doanh nghiệp thành viên thông qua hình thức tuyên truyền sáng tạo như qua kênh phát thanh của công đoàn, phổ biến trong chào cờ, trong giờ nghỉ tại từng phân xưởng sản xuất. Nhờ đó, nhìn chung giữ được tinh thần tốt cho người lao động, làm việc vất vả hơn nhưng lại có năng suất cao hơn, kỷ luật lao động tốt hơn, gắn bó hơn với doanh nghiệp, tỷ lệ nghỉ việc 6 tháng đầu năm thấp hơn bình quân các năm trên 30%. Đây chính là điều kiện tiên quyết để có thể thực hiện thành công mục tiêu kép, trong đó chống dịch lúc này đang là mục tiêu ưu tiên.

Bài học thứ 2: Sáng tạo

Ngay khi có chủ trương sản xuất 3 tại chỗ và “một cung đường hai điểm đến” vào tháng 5/2021, Tập đoàn đã tổ chức hội thảo đánh giá khả năng thực hiện qua đó xác định ngành may về cơ bản không thể áp dụng 3 tại chỗ do công nhân đông, cơ sở vật chất không đảm bảo an toàn khi bố trí ở lại, nếu bố trí ít thì cũng không giải quyết được đơn hàng; ngành sợi – dệt có thể đáp ứng sản xuất 3 tại chỗ đảm bảo được trên 80% sản lượng so với bình thường.

Bài học thứ 3: Lựa chọn mục tiêu ưu tiên

Lãnh đạo các DN đều xây dựng các phương án kinh doanh theo kịch bản bị cách ly theo chỉ thị 16,chỉ thị 15… Qua đó lựa chọn ưu tiên khách hàng, đơn hàng cần được bảo vệ, tổ chức các đơn hàng ngành sợi với sản lượng tối đa do ngành sợi đang có hiệu quả. Tổ chức cụm các doanh nghiệp sản xuất cùng loại mặt hàng để kịp thời chi viện cho nhau khi có mắt xích bị cách ly.

Đối với mảng bán lẻ trong nước, mặc dù quy mô thị trường tiêu thụ hàng dệt may trong nước còn nhỏ (chỉ chiểm khoảng 10% năng lực toàn ngành, quy mô khoảng 5 tỷ USD/năm) nhưng hệ thống kinh doanh thời trang bán lẻ của Tập đoàn cũng có những điều chỉnh phù hợp theo xu hướng gia tăng mua sắm trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh còn tiếp diễn.

Trung tâm thời trang Vinatex thuộc Tập đoàn DMVN và các đơn vị thành viên đã phát triển kênh bán hàng ở những sàn thương mại tập trung lớn như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo. Đồng thời thiết kế nhiều chương trình bán hàng đa dạng, nhiều combo khuyến mãi và chương trình chăm sóc khách hàng chu đáo hơn để giữ được lượng khách hàng trung thành. Các cửa hàng truyền thống sẽ có cơ hội thúc đẩy kinh doanh lớn hơn bằng cách kết hợp kinh doanh ngoại tuyến với các chiến lược online để có thể thu hút nhiều khách đến cửa hàng của họ hơn, tức chính là vận dụng mô hình O2O (hướng khách hàng từ online đến cửa hàng offline), góp phần hưởng ứng cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Vinatex cùng các đơn vị thành viên sẽ tiếp tục phối hợp xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ sợi-dệt-nhuộm-may hướng tới trở thành một điểm đến trọn gói cho khách hàng trong ngành dệt may thời trang. Với mục tiêu giai đoạn 2022-2025 là hình thành năng lực cung ứng đủ lớn cho ngành hàng dệt kim, đáp ứng được yêu cầu ban đầu của các chuỗi cung ứng quy mô lớn của thế giới, trên nền tảng của ngành sợi đã khá phát triển trong 5 năm qua, cùng với một ngành may quy mô và có uy tín.

Tin tổng hợp


Các tin khác