Vinatex bảo tồn nguồn lực doanh nghiệp trước thị trường bất định
Sáng 31/5 tại Hà Nội, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.
Toàn cảnh Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của Vinatex
Dự Đại hội có ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex; ông Trần Quang Nghị – Phó Chủ tịch HĐQT Vinatex; ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Vinatex; bà Phạm Thị Thanh Tâm – Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy, lãnh đạo HĐQT, Cơ quan điều hành, các Ban chức năng của Tập đoàn và 23 cổ đông sở hữu và đại diện cho 88% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tại Đại hội. Tham dự Đại hội còn có đại diện lãnh đạo Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Itochu (Nhật Bản) – các cổ đông lớn của Vinatex.
Ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Vinatex báo cáo hoạt động của Cơ quan điều hành năm 2022
Báo cáo hoạt động của Cơ quan điều hành, ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Vinatex cho biết, năm 2022 tổng cầu dệt may của thế giới suy giảm 6%, các thị trường xuất khẩu dệt may có mức tăng trưởng thấp, ngành sợi giá bông tăng giảm với biên độ rộng và bất thường, nhu cầu sợi thấp; đơn hàng ngành may nhỏ lẻ, giá thấp, tiến độ cung ứng nguyên phụ liệu chậm… cùng với các yếu tố về địa chính trị, xung đột Nga – Ukraine đã ảnh hưởng trực tiếp tới xuất khẩu dệt may, nhất là nửa cuối của năm 2022.
Nhận định thấy thị trường “đảo chiều”, thực hiện chỉ đạo của HĐQT, Cơ quan điều hành đã tăng cường kết nối giữa các đơn vị, bám sát diễn biến, đẩy mạnh công tác dự báo thị trường nhằm điều hướng kịp thời, linh hoạt trong công tác chỉ đạo điều hành, nhờ đó năm 2022 Vinatex đã đạt nhiều kết quả khả quan. Cụ thể, doanh thu hợp nhất đạt 19.588 tỷ đồng, vượt 8% kế hoạch ĐHĐCĐ giao, bằng 115% so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận hợp nhất đạt 1.212 tỷ đồng, vượt 27% kế hoạch…
Trước bối cảnh năm 2023, tăng trưởng của thế giới thấp hơn năm 2022, sức mua của các thị trường chính như Mỹ, Châu Âu tiếp tục suy giảm, các yếu tố bất lợi của thị trường trên đà tiếp diễn, ngành Dệt May Việt Nam đã trải qua 4 tháng đầu năm “trầm lắng” với kim ngạch xuất khẩu giảm 20% so với cùng kỳ 2022 và giảm sâu nhất trong số các quốc gia xuất khẩu dệt may. Các thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành đều giảm như: Mỹ, Trung Quốc giảm trên 30%, EU giảm 12%. Xây dựng 3 kịch bản về kết quả SXKD năm 2023 dựa trên diễn biến thị trường, Tổng Giám đốc Vinatex nhấn mạnh, tập thể HĐQT, Cơ quan điều hành, CBNV-NLĐ toàn Tập toàn sẽ nỗ lực, quyết tâm cao nhất để hoàn thành mục tiêu với kịch bản tốt, mặc dù phải đối diện với nhiều thách thức trong bối cảnh hoạt động SXKD còn nhiều khó khăn. Theo đó, Vinatex đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 17.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 610 tỷ đồng, trong đó doanh thu công ty mẹ đạt 1.900 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 210 tỷ đồng.
Năm 2023 trước những yếu tố bất lợi về thị trường, lãnh đạo Cơ quan điều hành cho biết, Vinatex đặt ra 5 giải pháp trọng tâm trong đó bao gồm:
(1) Bám sát diễn biến thị trường để có biện pháp phù hợp thực hiện kế hoạch SXKD: Phối hợp xây dựng giải pháp để đơn vị hoàn thành kế hoạch; Nâng cao vai trò của các ban kinh doanh để có định hướng về thị trường và sản xuất; Củng cố hệ thống quản trị rủi ro và giám sát đặc biệt.
(2) Hình thành chuỗi sản xuất dệt kim trọn gói: Xây dựng cơ chế, đảm bảo tăng cường chức năng điều phối, kết nối giữa các ban SXKD; Xây dựng trung tâm phát triển sản phẩm dệt kim của Tập đoàn.
(3) Phát triển nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng vận hành: Tiếp tục triển khai kế hoạch đào tạo phù hợp chiến lược phát triển của Tập đoàn; Đẩy mạnh việc tổ chức các lớp đào tạo nội bộ và kiểm soát tốt việc ứng dụng sau đào tạo; Bước đầu xây dựng nền tảng vận hành hoạt động đào tạo trong toàn Tập đoàn.
(4) Tiếp tục nhiệm vụ chuyển đổi số cho công tác quản trị sản xuất, nhân sự, tài chính kế toán: Phối hợp với nhà cung cấp thiết bị để có giải pháp kết nối, quản trị dữ liệu, đảm bảo tốc độ xử lý thông tin; Nâng cao hoặc đầu tư mới các nền tảng quản trị tài chính kế toán, nhân sự đảm bảo các yêu cầu quản trị phức tạp.
(5) Phát triển bền vững: Thực hiện tốt các chính sách liên quan đến người lao động, đảm bảo việc làm, thu nhập bình quân và các chính sách phúc lợi khác; Đẩy mạnh công tác đổi mới công nghệ đối với công tác đầu tư mới và công tác đầu tư chiều sâu.
Chủ tịch HĐQT Vinatex Lê Tiến Trường đưa ra các mục tiêu trong điều hành năm 2023
Báo cáo hoạt động của Hội đồng quản trị năm 2022, ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex cho biết, năm 2022 HĐQT đã tổ chức 12 cuộc họp toàn thể và 2 cuộc lấy ý kiến qua thư điện tử, ban hành 18 Nghị quyết và 03 Quyết định, đồng thời giám sát chặt chẽ đối với Cơ quan điều hành, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động SXKD, quản lý vốn của Vinatex tại các DN. Nhiều giải pháp cụ thể về thị trường, quản trị sản xuất, tài chính, nhân lực… đã được Cơ quan điều hành triển khai và ghi nhận hiệu quả về hoạt động SXKD.
Chủ tịch HĐQT Vinatex Lê Tiến Trường nhận định, năm 2023, GDP thế giới được dự báo tăng trưởng thấp hơn 2022, do chính sách thắt chặt tiền tệ và xung đột địa chính trị. Nếu như các cuộc khủng hoảng trước đây có thể là khủng hoảng nợ hoặc khủng hoảng đình lạm, thì năm 2023 thế giới có thể đứng trước thách thức khi xảy ra cả 2 cuộc khủng hoảng trên diện rộng. Với khủng hoảng nợ là các ngân hàng tại Châu Âu và Mỹ sụp đổ, thì khủng hoảng đình lạm đã thể hiện rất rõ khi lạm phát ở các quốc gia vẫn neo cao, trong khi lãi suất ở mức thấp. Với cuộc khủng hoảng “kép” này, có khả năng sẽ mất tới 40 tháng để xử lý và thị trường xấu có thể kéo dài tới năm 2024.
Đối với Việt Nam, suy giảm dệt may của Việt Nam cao nhất do đồng tiền Việt Nam đắt hơn 20% so với các quốc gia cạnh tranh, đồng thời lãi suất ở Việt Nam neo ở mức cao (9 – 11% trong 4 tháng đầu năm, trong khi các quốc gia khác duy trì ở mức 3,5 – 7%). Cùng với đó, giá điện của Việt Nam đã tăng 3% kể từ ngày 4/5/2023 cũng đã kéo theo nhiều “áp lực” lên đối với các DN dệt may. Tuy nhiên, với những điều kiện trên nếu như các DN duy trì đơn giá thấp để cạnh tranh với Bangladesh thì sẽ lỗ ít nhất 15%. Bài toán này đặt ra nhiều thách thức, bởi các DN dệt may trong nước đang mất đi rất nhiều lợi thế trước các đối thủ để có thể duy trì khách hàng, đơn hàng cho hoạt động SXKD.
Trong các yếu tố năng lực cạnh tranh vĩ mô, Việt Nam đứng trước thách thức lớn khi Trung Quốc mở cửa. Với chính sách “thúc đẩy” hoạt động sản xuất sau đại dịch, Trung Quốc đã áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ cho ngành Dệt May trong nước. Đồng thời, các DN dệt may của quốc gia này có quy mô sản xuất đứng top 1 thế giới, do đó khi cầu suy giảm, nguồn cung dồi dào hơn thì Việt Nam khó có thể cạnh tranh với quốc gia này. Bên cạnh việc Trung Quốc mở cửa trở lại, xu hướng dịch chuyển đơn hàng từ các thị trường nhập khẩu cũng đang hiện rõ bởi quy mô đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh. Ngoài các yếu tố trên, chi phí tiền lương trung bình hàng tháng cho công nhân may mặc của Việt Nam đang ở ngưỡng 300 USD/người/tháng, cao hơn so với trung bình toàn cầu ở ngưỡng 200 USD/người/tháng. Nếu so sánh cụ thể hơn, thì lợi thế về tiền lương của Việt Nam cao hơn so với Bangladesh ở mức 95 USD/người/tháng hay Campuchia 190 USD/người/tháng, Ấn Độ 145 USD/người/tháng.
Trước các yếu tố tác động mạnh đến năng lực cạnh tranh của ngành Dệt May Việt Nam khiến cho kim ngạch xuất khẩu bị suy giảm (mức giảm lớn nhất trong các quốc gia xuất khẩu dệt may lớn), Chủ tịch HĐQT Vinatex đưa ra các mục tiêu xuyên suốt trong điều hành, cụ thể:
- Xây dựng trong nội tại Tập đoàn mục tiêu chiến lược Một điểm đến cung ứng giải pháp trọn gói về dệt may và thời trang.
- Liên tục dự báo và đưa ra giải pháp thích ứng với thị trường bất định, trong đó chú trọng các giải pháp bảo tồn nguồn lực doanh nghiệp vượt qua năm kinh doanh có nhiều khó khăn, nhất là nguồn lực con người chất lượng cao và tài chính.
- Tham gia vào chuỗi cung ứng với vị thế vững chắc, là đối tác ưu tiên của các nhà sản xuất – phân phối lớn trên thế giới. Đây là giải pháp dài hạn xây dựng niềm tin trên cơ sở thực lực của doanh nghiệp, năng lực đem lại hiệu quả tối ưu cho toàn chuỗi.
- Thực hiện các cam kết và sáng kiến về môi trường, xã hội, quản trị công ty (ESG), xây dựng năng lực cạnh tranh bằng hình ảnh doanh nghiệp trách nhiệm với toàn bộ người tiêu dùng và thế giới nói chung. Tập trung cho các chỉ tiêu xanh, sản xuất sạch, nguyên liệu và sản phẩm tuần hoàn.
- Đào tạo đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu mới của thị trường và công nghệ. Lấy nhân lực làm đột phá để tạo tăng trưởng chủ yếu từ nhân tố năng suất tổng hợp trong quá trình phát triển tới đây. Đồng thời, tái cấu trúc hệ thống công việc, làm tăng độ hấp dẫn, linh hoạt, đi đôi với cải thiện thu nhập để đáp ứng tốt yêu cầu của nguồn lao động chất lượng cao.
Bên cạnh nhận định và đưa ra các dự báo về thị trường năm 2023, Chủ tịch HĐQT Vinatex Lê Tiến Trường cũng trình bày về định hướng cơ bản trong đề án tái cơ cấu Vinatex giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, bổ sung gấp rút chiến lược thành phần mới cho Tập đoàn và doanh nghiệp chủ lực, xây dựng “vũ khí” cạnh tranh trong giai đoạn bùng nổ kinh tế số, sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn…
Trong dài hạn, Vinatex vẫn kiên định với mục tiêu, định hướng trở thành một điểm đến (one-stop) có khả năng cung ứng trọn gói giải pháp xanh cho khách hàng doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành dệt may thế giới, với quy mô hàng đầu Việt Nam và khu vực. Mục tiêu cho giai đoạn 2021 – 2025 là trở thành nhà cung cấp sản phẩm dệt kim phổ thông trọn gói với quy mô sản xuất 30.000 – 35.000 tấn vải/năm. Đồng thời, từng bước nâng cao sản lượng sợi dùng trong nội bộ với mục tiêu 50% sợi nội bộ và 50% vải dệt kim được sử dụng cho ngành may với sản lượng 60 – 70 triệu sản phẩm may mặc/năm. Bên cạnh đó, duy trì sản xuất quy mô lớn dựa trên lợi thế của thiết bị công nghiệp và là mắt xích sản xuất trong chuỗi cung ứng với tốc độ tăng trưởng kinh doanh cao hơn mức tăng của nhu cầu dệt may thế giới từ 3 – 5%/năm.
Đại hội bỏ phiếu bầu TV HĐQT Vinatex và TV Ban kiểm soát theo đề cử của cổ đông SCIC
Đại hội đã bầu ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Vinatex trở thành thành viên HĐQT Vinatex, miễn nhiệm và bầu bổ sung TV Ban Kiểm soát
Đại hội đã bầu ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Vinatex trở thành thành viên HĐQT Vinatex với tỷ lệ phiếu bầu đạt 100%; Miễn nhiệm bà Nguyễn Lê Trà My thôi thành viên BKS và bầu bà Đào Thị Minh Hòa – chuyên viên Ban Đầu tư 4, SCIC thay thế vị trí thành viên BKS Vinatex với tỷ lệ phiếu bầu đạt 100%.
Tại Đại hội, cổ đông đã tham gia trao đổi ý kiến xoay quanh các vấn đề về việc Vinatex đảm bảo chính sách tiền lương cho NLĐ trong bối cảnh khó khăn của thị trường, ổn định tâm lý và lực lượng lao động; Cải thiện chế độ khen thưởng, phúc lợi khi kết quả SXKD vượt kế hoạch; Kiến nghị cổ đông lớn SCIC, đại diện cho phần vốn của Vinatex về việc hoàn thành kế hoạch tăng vốn điều lệ và các cơ chế hoạt động của Vinatex trong giai đoạn tới…
Đại hội biểu quyết thông qua các tờ trình
Lãnh đạo Tập đoàn Dệt May Việt Nam chụp ảnh lưu niệm cùng các cổ đông
Cũng tại Đại hội, bà Trần Thị Thu Hằng – Trưởng Ban kiểm soát Vinatex đã trình bày báo cáo của Ban Kiểm soát và tờ trình lựa chọn đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính năm 2023; Ông Vương Đức Anh – Chánh VP HĐQT trình bày các tờ trình về báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2022 (riêng và hợp nhất), kế hoạch SXKD năm 2023; Phương án phân phối lợi nhuận năm 2022; Tiền lương, thù lao HĐQT, BKS năm 2022 và kế hoạch năm 2023; Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Dệt May Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030… với 100% cổ đông tại Đại hội biểu quyết thông qua.
Quang Nam