Triển vọng phục hồi ngành dệt may


Triển vọng của ngành dệt may sẽ dần sáng sủa hơn trong năm 2022 khi nền kinh tế hoạt động trở lại rõ ràng hơn. Việc thực hiện bao phủ tiêm vắc xin khá nhanh có thể sẽ là điều kiện cần để các doanh nghiệp trong ngành có thể từng bước quay lại hoạt động sản xuất thông thường. Theo ước tính, đến khoảng giữa năm 2022 thì các hoạt động sản xuất thông thường có thể quay trở lại, nhưng công suất có thể cần thêm thời gian so với thời kỳ trước đại dịch. 

Thực tế khó khăn

Đại dịch Covid – 19 đã làm chậm đà phát triển của nền kinh tế Việt Nam trên hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế thực, với việc GDP lần đầu tiên tăng trưởng âm 6.17% trong Quý 3/2021, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,04%; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,02%; khu vực dịch vụ giảm 9,28%.

Tính chung 9 tháng đầu năm GDP chỉ tăng 1.42% so với cùng kỳ năm trước do dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,74%, đóng góp 23,52%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,57%, đóng góp 98,53%; khu vực dịch vụ giảm 0,69%, làm giảm 22,05%.

Năm 2021, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam ước đạt 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020 và tăng 0,3% so với năm 2019 là thời điểm trước đại dịch, thấp hơn nhiều mức tăng trưởng bình quân hàng năm trước địa dịch luôn ở mức cao 10%-15%.

Những số liệu thống kê cho thấy ngành dệt may đang trải qua giai đoạn hết sức khó khăn mặc dù đã có những chuyển biến tốt hơn so với năm trước. Sự khó khăn này chủ yếu đến từ việc các nhà máy phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng, đặc biệt tại khu vực phía nam, theo các biện pháp kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ.

Nếu để ý rằng nhu cầu của các thị trường dệt may lớn trên thế giới đã tăng trưởng trở lại thì có thể hình dung rằng khó khăn của ngành dệt may còn đến từ sự cạnh tranh khốc liệt từ các thị trường xuất khẩu truyền thống.

Cụ thể, tổng cầu dệt may trên thế giới mặc dù chỉ bằng 91% so với năm 2019 nhưng đã tăng 116% so với 9 tháng năm 2020. Tại các thị trường xuất khẩu chủ yếu như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, tổng cầu dao động ở mức 73% – 91% so với cùng kỳ năm 2019 tính theo số liệu của 6 tháng đầu năm, nhưng đều đã đạt mức 100%-123% (trừ Trung Quốc chỉ đạt 81%) so với cùng kỳ năm 2020. Điều này cho thấy rằng sau khi vắc xin được phổ biến tại các thị trường này, nền kinh tế mở cửa và hoạt động trở lại đã dẫn tới nhu cầu hàng dệt may tăng lên rõ rệt.

Trong khi Việt Nam chậm lại, các quốc gia cạnh tranh chính như Trung quốc, Ấn độ và Bangladesh, có kim ngạch xuất khẩu đều tăng nhanh so với cùng kỳ năm trước. Ví dụ, Trung Quốc tăng 12% so với cùng kỳ, trong đó hàng may mặc tăng 40% và hàng dệt tăng 29%. Còn Ấn Độ thì có mức tăng trưởng 52% so với cùng kỳ năm ngoài và vượt 13% so với năm 2019 là thời kỳ trước đại dịch. Bangladesh cũng có mức tăng trưởng 13% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, có thể thấy rằng, khó khăn của Việt Nam đã bất ngờ mang lại thuận lợi trong tăng trưởng tại các thị trường cạnh tranh, đặt biệt là Ấn Độ. Nếu biết rằng năm 2020, Việt Nam là nước có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 2 trên thế giới thì điều này càng giúp chúng ta nhận diện tốt hơn đâu là lý do căn bản. Năm 2020, Việt Nam được cho là quốc gia kiểm soát dịch bệnh tốt, nhưng sự bùng phát dịch bệnh trở lại trong năm 2021, đặc biệt là lần bùng phát thứ 4 vào Quý 3/2021, đã gần như làm gián đoạn hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong ngành, ảnh hưởng lớn tới vị thế xuất khẩu của Việt Nam.

Kề từ tháng 10 năm 2021, các biện pháp nới lỏng nền kinh tế đã được thực hiện. Mặc dù vậy, ước tính tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong đó có ngành dệt may sẽ tiếp tục khó khăn. GDP cả năm được phần lớn các tổ chức trong và ngoài nước điều chỉnh xuống trong khoảng từ 2-3% trong khi hồi đầu năm các dự báo tương đối khả quan ở mức 6-7%.

Khó khăn do dịch bệnh và do sự đóng cửa nền kinh tế để đảm bảo các biện pháp chống dịch của Chính phủ là bất khả kháng. Nhưng ngay cả khi mở cửa trở lại, ngành dệt may, do đặc thù sử dụng nhiều lao động, cũng đồng thời phải đối mặt với một hệ quả tiếp theo là chi phí liên quan tới trang thiết bị phòng chống dịch bao gồm chi phí test covid để có thể đi làm trở lại và sự thiếu hụt nguồn lực lao động do công nhân chưa thực sự sẵn sàng trở lại làm việc, hoặc ngay cả khi sẵn sàng thì vẫn có một khoảng trống thời gian do phải huấn luyện lại do họ đã lâu không vận hành máy móc.

Triển vọng tích cực

Tuy nhiên, triển vọng của ngành dệt may sẽ dần sáng sủa hơn trong năm 2022 khi nền kinh tế hoạt động trở lại rõ ràng hơn. Việc thực hiện bao phủ tiêm vắc xin khá nhanh có thể sẽ là điều kiện cần để các doanh nghiệp trong ngành có thể từng bước quay lại hoạt động sản xuất thông thường. Theo ước tính, đến khoảng giữa năm 2022 thì các hoạt động sản xuất thông thường có thể quay trở lại, nhưng công suất có thể cần thêm thời gian so với thời kỳ trước đại dịch.

Để có thể thực hiện tốt việc quay trở lại, cần nhận thức rằng khó khăn sẽ còn tiếp tục và không thể giải quyết nhanh. Theo đánh giá chung, sự hồi phục hoàn toàn chỉ có thể diễn ra sau ít nhất 3 năm với điều kiện năm 2022 các hoạt động sản xuất thông thường quay trở lại. Điều này không hẳn là do vấn đề năng lực sản xuất mà còn do yếu tố cạnh tranh do các đơn hàng được chuyển sang các thị trường khác sẽ khó quay trở lại ngay lập tức.

Trong tình hình như vậy, việc xác định các mục tiêu lớn cho giai đoạn 3 năm và chiến lược cụ thể cho từng năm là quan trọng. Theo quan điểm cá nhân, năm 2022 nên là năm tập trung vào khôi phục sản xuất, đảm bảo sự vận hành trơn tru của hệ thống máy móc và sự quay lại làm việc của công nhân và người lao động. Song song với quá trình đó là sự phục hồi các thị trường khách hàng truyền thống có thể đã tạm giảm đi do hoạt động dịch chuyển đơn hàng.

Trong các năm tiếp theo, các hoạt động liên quan tới cấu trúc tài chính có thể sẽ là bài toán quan trọng cần được giải. Điều này là do sự giảm sút của doanh thu xuất khẩu do sự bứt phá tạm thời của các thị trường cạnh tranh truyền thống. Các chi phí sản xuất có thể sẽ tăng lên bao gồm chi phí sửa chữa và vận hành máy móc thiết bị, chi phí nhân sự cũng có thể tăng do nhu cầu lao động trở lại sẽ lớn, bao gồm cả đào tạo mới và đào tạo lại, và chi phí tài chính cũng có thể là một yếu tố quan trọng khác khi kỳ vọng về lạm phát kéo theo việc tăng lãi suất sẽ đi liền với quá trình hồi phục của nền kinh tế.

Triển vọng phục hồi của ngành cũng có thể được nhìn thấy qua kỳ vọng của giới đầu tư vào cổ phiếu của Tập đoàn Dệt May Việt Nam– mã chứng khoán VGT – đã có sự tăng trưởng hơn 4 lần về giá so với thời điểm đại dịch toàn cầu bùng nổ. Mức tăng trưởng này cao hơn so với mức tăng trưởng chung của thị trường (hơn 2 lần) cho thấy nhà đầu tư vẫn đặt niềm tin với hoạt động kinh doanh của Tập đoàn nói riêng và của ngành dệt may nói chung trong bối cảnh khó khăn kinh tế. Thị trường định giá cổ phiếu VGT ở mức 18 lần PE và khoảng 1.4 lần giá trị sổ sách. Con số này có phần nhỉnh hơn thị trường chung, cho thấy kỳ vọng tích cực của giới đầu tư vào kết quả kinh doanh của toàn ngành và Tập đoàn trong những năm tới.

Bài: PGS.TS Quách Mạnh Hào, giảng viên trường Đại học Lincoln (Anh)


Các tin khác