Triển vọng kinh tế 2022 và cơ hội phục hồi của ngành dệt may


Bạn sẽ thấy thú vị khi theo dõi trang tin điện tử của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) imf.org/en/Publications/WEO, thấy IMF đánh giá triển vọng kinh tế thế giới cả 2 năm 2021, 2022 cứ sau 3 tháng, lần sau lạc quan hơn lần trước. Nếu tăng trưởng toàn cầu năm 2021, 2022 được dự báo vào tháng 1 năm 2021 lần lượt là 5,5% và 4,2%, thì tháng 3/2021 là 6% và 4,4% và tháng 7/2021 là 6% và 4,9%. Việt Nam cũng đặt kỳ vọng năm 2022 tiếp tục bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế, phấn đấu đạt quy mô GDP khoảng 9,3 9,4 triệu tỷ đồng, tăng 6-6,5% so cùng kỳ, GDP bình quân đầu người đạt 3900 đô-la Mỹ.

Triển vọng đối với thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển đã giảm xuống cho năm 2021, nhất là đối với Châu Á vì đợt bùng phát dịch bệnh do biến chủng delta từ giữa năm tới giờ vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Việt Nam cảm nhận quá rõ điều này với tăng trưởng GDP quý 3 âm 6,17% do dãn cách kéo dài và nhiều chuyên gia ước tính GDP cả năm khá lắm cũng chỉ tăng dưới 3%.

Ngược lại, dự báo tăng trưởng năm 2022 được điều chỉnh tăng do các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU đã sớm mở cửa trở lại và phản ánh tính tích cực và hiệu quả của các biện pháp phòng, chống dịch cũng như chính sách tài khóa hỗ trợ phục hồi kinh tế ở khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam với gói hỗ trợ khôi phục kinh tế, nếu tính tất cả các nguồn, vào khoảng 10,45 tỷ USD, tương đương 2,84% GDP theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và tất nhiên là độ trễ của nó sẽ rơi vào quý đầu năm 2022. Điều này có lẽ cũng phù hợp với đánh giá của nhiều chuyên gia y tế là cuối cùng thì SARS-CoV-2 cũng sẽ thành cúm mùa khi vắc xin đạt độ phủ nhất định và miễn dịch cộng đồng được kích hoạt. Hơn nữa, khi đó, các gói chính sách theo Đề án phục hồi kinh tế cho giai đoạn 2022 – 2023 được Quốc hội quyết định theo đề nghị của Chính phủ tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV trong tháng 10 này.

Cá nhân tôi, từ góc độ chuyên gia nhiều năm làm việc trong lĩnh vực chính sách vĩ mô, tài chính công, cũng đã đề xuất là Nhà nước nên điều chỉnh lại kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm và kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 để tăng chi chống dịch và đầu tư trong những năm phục hồi kinh tế 2022-2023 bằng cách tăng bội chi ngân sách nhà nước và giảm dần trong 2 năm cuối 2024-2025 để không vượt trần của kế hoạch 5 năm, dành dư địa cho các chính sách giãn hoãn, miễn giảm một số sắc thuế, phí để hỗ trợ sản xuất. Đây là bài toán “con gà, quả trứng” vì nếu có chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh tốt, hiệu quả thì kinh tế sẽ sớm phục hồi, doanh nghiệp lại có khả năng đóng góp cho ngân sách nhà nước và nhà nước  lại có nguồn tăng chi cho phòng, chống dịch, chăm sóc y tế và an sinh xã hội cho người dân.

Một đại lý cho nhãn hàng thời trang G2000 của Hongkong cho biết, họ cho hưởng chiết khấu 50% giá bán để thuê mặt bằng, tổ chức bán hàng. Như vậy, có thể hiểu trong 50% còn lại là giá nguyên vật liệu, công may, chi phí thiết kế, sáng tạo, logistics vào khoảng 30-35% và lãi định mức của nhà sản xuất chắc cũng phải 20-15%. Còn chuỗi siêu thị Metro ở Việt Nam trước đây, đối với mặt hàng tiêu dùng, họ phải hưởng lãi 30-35% mới cho hàng lên kệ. Trước đây, Hewlett Packard đã từng chiết khấu tới 75% giá bán các máy in nổi tiếng của mình. Theo fitsmallbusiness.com/amazon-seller-fees, giá bán của Amazon thường phải rẻ hơn thị trường 10-15% và Amazon sẽ hưởng từ 6-45% giá bán, nhưng hầu hết các nhà bán hàng trả cho Amazon 15% giá bán gọi là phí giao dịch, riêng hàng may mặc và phụ kiện là 17%, túi sách, giày dép là 15%, cao nhất là 45% đối với các mặt hàng Amazon tự kinh doanh. Đó có thể là các case study cũng không có gì lại đối với ngành dệt may Việt Nam, vấn đề là làm như thế nào.

Vì thế, giá thành sản phẩm là tối quan trọng và các doanh nghiệp trên thế giới đều sống chết cắt giảm chi phí và xây dựng thương hiệu để định vị phân khúc thị trường cho sản phẩm hàng hóa của mình. Việc vươn lên chuỗi giá trị cao hơn và thiết kế, sáng tạo, xây dựng chuỗi phân phối là mong muốn của mọi doanh nghiệp thay vì chỉ gia công, lắp ráp với tiền công rẻ mạt. Tự động hóa, robot hóa, số hóa là chìa khóa cho vấn đề giảm giá thành, nâng cao chất lượng, thay đổi nhanh mẫu mã, cá thể hóa fashion… nhất là ở những công đoạn có tính chất, mô hình công việc phù hợp. Chắc ngành dệt may Việt Nam cũng có những vấn đề tương tự.

Đại dịch SARS-CoV-2 đã làm thay đổi thế giới, thay đổi cách nhìn của chúng ta về tương lai. Tất cả có vẻ mỏng manh, dễ vỡ. Nên cách tiếp cận của chúng ta với nhiều vấn đề của đời sống kinh tế có lẽ cũng phải khác đi. Đó là hãy mạnh dạn thuê ngoài outsource để tiết kiệm chi phí và các công ty outsource sẽ thực hiện yêu cầu của bạn theo ngân sách, giá cả mà bạn yêu cầu.

Theo Textile Industry – Growth, Trend, Covid-19 Impact, and Forecasts (2011-2026) trên mordorintelligence.com, thì đại dịch Covid-19 đã thách thức mạnh mẽ ngành dệt may. Châu Á, là một trong những thị trường lớn nhất của ngành dệt may trên thế giới, đã phải hứng chịu những tác động tiêu cực của dãn cách xã hội kéo dài ở phần lớn các nước, trong đó có Việt Nam cùng với sự sụt giảm đột ngột nhu cầu quốc tế đối với sản phẩm dệt may từ châu Á. Tổn thất này đặc biệt cao ở các nước mà ngành dệt may chiếm tỷ trọng lớn hơn trong xuất khẩu. Tuy nhiên, nhờ sớm mở cửa trở lại của các thị trường xuất khẩu lớn như EU, Hoa Kỳ và Nhật Bản với các gói kích cầu tiêu dùng, cùng với sự phục hồi của chuỗi cung ứng và chi phí logistics sẽ dần trở lại mặt bằng như trước, trợ lực bởi các gói hỗ trợ thiết thực của Nhà nước trong chính sách tài khóa và tài chính – tiền tệ và việc tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực phát triển, cải cách hành chính, tin tưởng ngành dệt may Việt Nam sẽ có đà phục hồi tốt trong năm 2022.

Bài:  TS Trần Văn

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội


Các tin khác