Triển khai đánh giá 360 độ Cơ quan Vinatex


Sáng 4/3, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) tổ chức chào cờ đầu tháng 3 và triển khai chương trình đánh giá 360 độ đối với toàn bộ CBNV Cơ quan Tập đoàn tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh theo hình thức trực tuyến.

Buổi chào cờ tại Văn phòng Tập đoàn tại Hà Nội

và Văn phòng Tập đoàn tại TP. HCM

Ông Lê Tiến Trường – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vinatex cho biết, năm 2023 Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã triển khai đánh giá 360 độ đối với cán bộ quản lý lãnh đạo từ cấp Phó trưởng ban trở lên. Với hình thức đánh giá qua phiếu ẩn danh có tính khách quan, bước đầu chương trình đã có những kết quả trong việc đánh giá về chuyên môn, kỹ năng xử lý vấn đề… của cán bộ quản lý cấp trung và cấp cao của Tập đoàn, từ đó mỗi cá nhân có thể nhìn nhận, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và tinh thần trách nhiệm đối với công việc.

Năm 2024, chương trình đánh giá được cải thiện hơn với việc mở rộng đánh giá tới toàn bộ chuyên viên tại 2 Văn phòng Tập đoàn, chủ thể (người được đánh giá) lần này bao gồm 31 cán bộ quản lý, 56 chuyên viên; đối tượng (người tham gia đánh giá) là 87 CBNV Cơ quan Tập đoàn. Theo Chủ tịch HĐQT Lê Tiến Trường, năm 2024 các chức danh tại Cơ quan điều hành, Kế toán trưởng, Trưởng Ban Kiểm soát sẽ tương đương và là đồng cấp với chức danh Tổng Giám đốc và Chủ tịch HĐQT. Đây là những cán bộ quản lý trực tiếp làm việc với 2 vị trí lãnh đạo cao nhất của Tập đoàn và sẽ có nhìn nhận đánh giá khách quan hơn so với năm 2023 là cán bộ cấp dưới đánh giá cấp trên. Ngoài ra với vị trí chuyên viên, trọng số đánh giá cũng sẽ được đảm bảo đủ 4 thành phần, gồm chuyên viên trong Ban (chiếm 25%), lãnh đạo Ban trực tiếp của chuyên viên (25%), tự đánh giá (25%) và lãnh đạo, chuyên viên các Ban chức năng khác chiếm 25% còn lại.

Chủ tịch HĐQT Vinatex Lê Tiến Trường cho biết, đánh giá 360 độ để mỗi cá nhân thấy được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, từng bước cải thiện năng lực và kỹ năng chuyên môn

Việc đánh giá theo mẫu biểu diễn ra vào ngày 4/3 và hoàn thành trước 12h trưa ngày 5/3, dựa trên 3 tiêu chí: kiến thức chuyên môn, kỹ năng giải quyết vấn đề và trách nhiệm đối với công việc. Sau đó, hệ thống sẽ tự động lập bảng kết quả gồm: điểm đánh giá của cá nhân, điểm của cá nhân so với phổ điểm từng tiêu chí đánh giá, điểm cá nhân so với phổ điểm chung và gửi kết quả đến từng cá nhân. Thang kết quả vẫn được giữ nguyên so với năm 2023 gồm: Xuất sắc – Tốt – Đủ năng lực – Còn thấp hơn yêu cầu.

Kết quả của đánh giá để mỗi cá nhân nhận thấy được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, từng bước cải thiện năng lực và kỹ năng chuyên môn. Đồng thời, đây cũng sẽ là tiền đề để Lãnh đạo Tập đoàn có những bước quy hoạch về công tác nhân sự đối với các vị trí quản lý, chuẩn bị cho Đại hội đồng cổ đông nhiệm kỳ 2025 – 2030 được diễn ra vào năm 2025.

Chủ tịch HĐQT Vinatex Lê Tiến Trường đề nghị một số yêu cầu trong việc triển khai đánh giá 360 độ: (1) đánh giá trên tinh thần khách quan, dân chủ về đồng nghiệp, cấp trên; (2) công tâm khi tự đánh giá bản thân, nhìn nhận lại quá trình làm việc, những điểm đã làm được và chưa làm được gắn với vị trí công tác của mỗi cá nhân; (3) nhìn nhận đúng với vị trí công việc đang đảm nhiệm, khối lượng công việc của từng người được đánh giá.

PV


Các tin khác