Tổng quan bức tranh đầu tư sang nước ngoài trong Ngành Dệt May Trung Quốc


Trong hơn 40 năm cải cách và mở cửa, ngành Dệt May của Trung Quốc đã đi đầu trong việc xây dựng một hệ thống sản xuất hiện đại hàng đầu thế giới, trở thành nhà sản xuất, xuất khẩu sản phẩm dệt may lớn nhất thế giới. Trong những năm gần đây, ngành Dệt May của Trung Quốc đã dần bước vào một giai đoạn mới. Kể từ khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung manh nha hồi đầu tháng 5/2018, Mỹ đã thể hiện những nỗ lực nhằm chuyển trục trọng tâm sản xuất dệt may ra khỏi Trung Quốc bằng cách hướng các nhà nhập khẩu dệt may lớn dịch chuyển đơn đặt hàng thông qua các biện pháp thuế quan. Đây là nỗ lực của Mỹ nhằm kéo tâm điểm sản xuất dệt may sang Đông Nam Á và Nam Á. Thêm vào đó, đứng trước các yếu tố như: giá thành sản xuất dệt may tại Trung Quốc gia tăng, sự khuyến khích của Chính phủ dưới Sáng kiến “Một Vành đai, Một Con đường”, cùng sự tiến bộ không ngừng của hợp tác quốc tế, cũng như sự phát triển nhanh chóng của ngành dệt may ở nhiều nước ở Đông Nam Á và Châu Phi, ngày càng có nhiều công ty dệt may Trung Quốc chuyển dịch chuỗi sản xuất sang nước ngoài.

TỔNG QUAN VỀ ĐẦU TƯ RA NƯỚC NGOÀI TRONG NGÀNH DỆT MAY TRUNG QUỐC

Theo thống kê sơ bộ, tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của ngành dệt may Trung Quốc vào khoảng 10 tỷ USD. Đầu tư ra nước ngoài được phân bổ đến 100 quốc gia và khu vực, bao gồm các khu vực chính như Đông Nam Á, Châu Phi, Bắc Mỹ. Dệt May Trung Quốc đầu tư gần như toàn bộ vào các mắt xích dệt may. Các hình thức đầu tư nước ngoài chính bao gồm các hình thức FDI điển hình như đầu tư trực tiếp, đầu tư vào lĩnh vực sản xuất xanh, đầu tư sáp nhập và mua lại vốn cổ phần, hình thành liên doanh.

Hiện tại có hai hình thức chính cho đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp dệt may Trung Quốc. Một là đầu tư vào các quốc gia nằm trong sáng kiến “Một Vành đai, Một Con đường”, cũng như khai thác lợi thế lao động giá rẻ. Đông Nam Á và các nước châu Phi là hai khu vực dành được sự quan tâm của các doanh nghiệp dệt may Trung Quốc. Hai là đầu tư vào các dự án, công ty nắm giữ công nghệ cao. Ví dụ, Tập đoàn Shandong Ruyi đã mua lại Tập đoàn Kaby Cotton của Úc và Tập đoàn Fulida đã mua Công ty Bột giấy Hòa tan New Zealand của Canada. Về mặt nghiên cứu và phát triển công nghệ, Tập đoàn Jinsheng đã mua lại một phần tập đoàn dệt may khổng lồ thế giới Oerlikon. Công ty TNHH may mặc Tianyuan đã xây dựng dây chuyền sản xuất áo phông hoàn toàn tự động ở Arkansas, Mỹ với công nghệ mới nhất ở Mỹ. Trong lĩnh vực thiết bị đầu cuối, thương hiệu M&A, Youngor, Ruyi, Gloria, Anta và các nhóm công ty khác có nhiều nỗ lực tích cực hơn với hiệu suất vượt trội.

ĐẶC ĐIỂM HỢP TÁC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

Thứ nhất, các lĩnh vực như dệt, nhuộm, kéo sợi, sản xuất sợi hóa học là ưu tiên đầu tiên. Trong vài năm trở lại đây, chính sách áp dụng cơ chế hạn ngạch trong nhập khẩu bông khiến nhiều doanh nghiệp kéo sợi Trung Quốc chuyển dịch ra nước ngoài. Ước tính, các doanh nghiệp kéo sợi của Trung Quốc như Tập đoàn Dệt Tianhong, Tập đoàn Shan­dong Lutai và Blum Oriental hiện đầu tư vào Việt Nam, với dự án đầu tư khoảng 3 triệu cọc sợi. Dự án nhà máy kéo sợi bông của Tập đoàn Kohl ở Mỹ và dự án kéo sợi bông của Tập đoàn Jinsheng ở Uzbekistan đều đã được đưa vào sản xuất. Do Việt Nam, Campuchia, Myanmar v.v… có chi phí lao động thấp hơn và môi trường giao dịch thuận lợi, nhiều Tập đoàn Dệt May Trung Quốc nhắm tới các quốc gia này là địa điểm lý tưởng để đầu tư. Trong những năm gần đây, các công ty như Dishang Group, Lutai và Hualida đã dần dần chuyển sản xuất hàng dệt may sang các cơ sở ở nước ngoài ở Đông Nam Á và Nam Á.

Ngoài kéo sợi bông, một số cơ sở dệt và nhuộm cũng đang đẩy nhanh chuyển dịch ra nước ngoài. Ví dụ, Cixi Jiangnan Chemical Fiber đã đầu tư vào dự án xơ sợi polyester tái chế ở Nam Carolina, Mỹ và Tập đoàn Hengyi đã đầu tư dự án sản xuất 10 triệu tấn xơ hóa học ở Brunei.

Thứ hai, từ quan điểm đầu tư, khu vực Đông Nam Á hiện là khu vực quan trọng nhất trong các hoạt động đầu tư nước ngoài với các doanh nghiệp dệt may Trung Quốc. Mô hình thứ tự đầu tư ưu tiên hiện tại là: Đông Nam Á + Châu Phi + các nước khác. Xét về thứ hạng của các quốc gia và khu vực thu hút đầu tư, Việt Nam đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư là 1,071 tỷ đô la Mỹ, chiếm 17,2%. Mỹ hiện là điểm đến được đầu tư nhiều nhất trong nhóm các quốc gia phát triển phương Tây, với tổng vốn đầu tư trực tiếp là 214 triệu USD. Ethiopia và Ai Cập là hai quốc gia nhận được đầu tư nhiều nhất trong nhóm nước Châu Phi. Với sự thúc đẩy của Sáng kiến “Một Vành đai, Một Con đường”, doanh nghiệp dệt may Trung Quốc đã tăng cường đầu tư đáng kể vào các quốc gia dọc theo vùng địa lý theo sáng kiến này.

Hiện tại, Châu Phi đang trở thành một điểm nóng mới cho nhà đầu tư nước ngoài với các doanh nghiệp dệt may Trung Quốc. Các doanh nghiệp dệt may như Ánh Dương Giang Tô, Yimian và Luwang đã đầu tư vào Châu Phi. Trong Hội nghị thượng đỉnh tại Bắc Kinh dưới khuôn khổ Diễn đàn hợp tác Trung Quốc – Châu Phi năm 2018, Chính phủ Trung Quốc đã đề xuất thực hiện 7 hành động lớn. Đầu tiên là thực hiện các hành động thúc đẩy công nghiệp và khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường đầu tư công nghiệp vào Châu Phi, đặc biệt là trong các lĩnh vực sản xuất truyền thống hay lĩnh vực mới nổi. Mục tiêu này chắc chắn là động lực mạnh mẽ cho sự hợp tác toàn diện trong lĩnh vực dệt may giữa Trung Quốc và Châu Phi. Thứ hai, một nhóm các doanh nghiệp xương sống của dệt may Trung Quốc đã cam kết trở thành doanh nghiệp đa quốc gia bằng cách tích cực đầu tư dệt may ra toàn cầu, cũng như tích hợp các nguồn lực sản xuất chất lượng cao. Ví dụ, Tập đoàn Tianhong đã tích cực đầu tư, thành lập các cơ sở sản xuất tại Việt Nam, Campuchia và Nicaragua, với năng lực sản xuất khoảng 4 triệu cọc sợi và 1.400 máy dệt. Các công ty tiêu biểu tiếp tục thúc đẩy đầu tư quốc tế bao gồm Tập đoàn Lutai. Từ năm 2014, Lutai đã thành lập các cơ sở sản xuất tại Campuchia, Myanmar và Việt Nam, bao gồm đầy đủ các khâu từ kéo sợi, dệt, nhuộm, hoàn tất, gia công sản xuất may mặc. Hiện tại, các nhà máy chế biến quần áo may sẵn của Lutai ở Campuchia và Myanmar có công suất sản xuất hàng năm lần lượt là 6 triệu chiếc và 3 triệu chiếc áo sơ mi, nhà máy may của Tập đoàn này tại Việt Nam được xây dựng theo ba giai đoạn với công suất sản xuất theo kế hoạch là 9 triệu chiếc giai đoạn 3 và hai giai đoạn đầu là 6 triệu chiếc. Ngoài ra, Lutai cũng đã thành lập một cơ sở kéo sợi, dệt và nhuộm tại Việt Nam. Giai đoạn đầu tiên gồm 60 ngàn cọc sợi và giai đoạn thứ hai với công suất 76 ngàn cọc sợi đã được đưa vào sản xuất. Dự án nhuộm vải với năng lực sản xuất 30 triệu mét đang được xây dựng. Với việc thành lập một số cơ sở sản xuất trong và ngoài nước, Tập đoàn Lutai đã cải thiện hiệu quả, khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng cho khách hàng trên toàn thế giới.

Trong bối cảnh dân số Trung Quốc ngày càng già hóa, cùng với chi phí sử dụng lao động ngày càng tăng, lao động Việt Nam với mức lương hàng tháng chỉ bằng một nửa, thậm chí 1/3 so với lao động Trung Quốc, cùng với chất lượng lao động khá tốt và môi trường chính trị tương đối ổn định, được coi là địa điểm sản xuất lý tưởng thứ hai của các doanh nghiệp dệt may Trung Quốc. Ngoài ra, Việt Nam có lợi thế ở điểm đã hình thành mạng lưới quan hệ đối tác với các quốc gia nhập khẩu lớn thông qua các Hiệp định thương mại tự do. Gần đây, các doanh nghiệp Trung Quốc dần dần có xu hướng tránh các rào cản thương mại, do đó khá ưu tiên lựa chọn những quốc gia có lợi thế về thuế quan. Ngoài ra, Việt Nam còn có mức ưu đãi hấp dẫn về miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Theo chính sách của Việt Nam, đối với các doanh nghiệp có khoản đầu tư 300 triệu USD, hoặc doanh thu hàng năm là 500 triệu USD, hoặc cung cấp hơn 3.000 việc làm sẽ được hưởng ưu đãi miễn thuế trong 4 năm đầu của dự án và giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Những lợi thế này khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn với doanh nghiệp Trung Quốc trong công cuộc dịch chuyển sản xuất, nhất là đối với các công ty Trung Quốc chuyên xuất khẩu dệt may tới Mỹ. Tuy nhiên, một thực tế cho thấy khi Việt Nam thu hút được càng nhiều doanh nghiệp FDI, chi phí lao động và tiền thuê đất đai, nhà xưởng ở Việt Nam ngày càng tăng nhanh. Nhiều doanh nghiệp dệt may Trung Quốc than phiền hiện tại giá thuê nhà xưởng ở Việt Nam được duy trì ở mức 4 USD/m2, không khác nhiều so với các thành phố hạng nhất ở Trung Quốc. Ngoài ra, Việt Nam đã bắt đầu có dấu hiệu của sự thiếu hụt lao động, khi không chỉ các doanh nghiệp dệt may cạnh tranh nhau, mà các ngành khác như điện, điện tử còn cạnh tranh lao động và thu hút nhiều hơn lao động của ngành dệt may. Việt Nam còn những điểm yếu khác như việc hạn chế về năng lực, thiếu công nhân lành nghề và tắc nghẽn cơ sở hạ tầng.

THAY ĐỔI VÀ THỬ THÁCH

Hiện tại, tình hình thị trường trong nước và quốc tế đặt ra bài toán khó giải cho ngành Dệt May Trung Quốc. Đặc biệt, xung đột thương mại Mỹ – Trung chưa có hồi kết khiến dệt may Trung Quốc phải điều chỉnh cơ cấu công nghiệp, cũng như chuyển đổi và nâng cấp ngành. Dự kiến trong 10 năm, Đông Nam Á và Nam Á có khả năng xây dựng ngành dệt may hoàn thiện hơn và khi đó ngành Dệt May Trung Quốc sẽ đối mặt với nguy cơ mất dần đơn hàng cho các đối thủ cạnh tranh.

Thêm vào đó, tính cạnh tranh trên thị trường dệt may thế giới ngày càng khốc liệt. Trong bối cảnh tổng cầu thế giới đạt tăng trưởng yếu, dệt may Trung Quốc đang đối mặt với một loạt các vấn đề khác như chi phí sản xuất gia tăng, thiếu hụt công nhân cũng như những hạn chế về ô nhiễm môi trường khiến lợi thế cạnh tranh của dệt may Trung Quốc trên tầm quốc tế bị suy yếu đáng kể. Cùng lúc đó, những thay đổi trong chính sách thương mại toàn cầu đang tác động sâu sắc đến nhiều thành phần tham gia thị trường. Chẳng hạn như Hiệp định EVFTA sẽ làm tăng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang EU; hay việc EU cho 1 số quốc gia như Bangladesh hưởng lợi từ chính sách thuế ưu đãi GSP. Bên cạnh đó, cách mạng công nghệ toàn cầu và cuộc cách mạng tiêu dùng đã bắt đầu hình thành, đặt ra nhiều thách thức cho toàn bộ chuỗi cung dệt may thế giới. Trong thời kỳ tới, Trung Quốc sẽ tập trung vào các lĩnh vực mang giá trị thặng dư cao hơn như đẩy mạnh đầu tư các nhà máy sản xuất thông minh, nâng tỷ lệ tự động hóa ở các nhà máy dệt, nắm bắt các công nghệ cốt lõi, kiểm soát tài nguyên, tập trung vào các khâu thiết kế và xây dựng thương hiệu quốc tế.

Đối với ngành Dệt May Trung Quốc, dự án “Một Vành đai, Một Con đường” đã và đang giúp tập trung những nguồn lực phong phú cho sự phát triển của ngành dệt may. Dự án sẽ tổng hợp nhiều nguồn lực chính trị, ngoại giao và kinh tế, vô hình chung trong trung và dài hạn sẽ xây dựng được một môi trường kinh tế và địa lý an toàn, ổn định cho các doanh nghiệp dệt may Trung Quốc tại các quốc gia dọc theo tuyến dự án. Thế giới hiện tại đang trải qua một sự thay đổi lớn trong 100 năm qua. Dưới sự thúc đẩy chung của đổi mới, khoa học và công nghệ cũng như hợp tác đầu tư, chuỗi công nghiệp toàn cầu, chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị đan xen sâu sắc, phân công lao động toàn cầu đang được định hình lại và cạnh tranh quốc tế ngày càng khốc liệt. Tuy nhiên, xu hướng chung của sự phát triển thế giới vẫn là “chia sẻ mở, hợp tác trên cơ sở cùng có lợi”. Để thực hiện thành công mục tiêu chiến lược xây dựng một cường quốc dệt may, Trung Quốc cần phải thực hiện phân bổ và kiểm soát các nguồn lực vượt trội trên toàn cầu với tầm nhìn xa.

Theo VTGF (Đón đọc Tạp chí Dệt May & Thời trang Việt Nam số tháng 11/2019 tại đây!)


Các tin khác