Tinh thần học tập và văn hóa doanh nghiệp là nền tảng của sự phát triển


Theo Wilhelm von Humboldt – người sáng lập ra Đại học Humboldt tại Berlin năm 1810, người mở ra kỷ nguyên của đào tạo đại học kết hợp nghiên cứu và ứng dụng, được xem là khởi nguồn của thời kỳ phát triển công nghiệp vượt bậc của nước Đức – thì : “Khoa học là cái chưa hoàn toàn tìm thấy, không bao giờ có thể tìm thấy hết (trọn vẹn), và phải không ngừng tìm kiếm nó”.

Ngày nay, nhân loại thừa nhận quản lý là một khoa học, chính vì vậy, định đề “liên tục tìm kiếm” của Humboldt cũng sẽ là điều cần luôn nhớ và áp dụng trong quản lý. Cũng theo Humboldt thì “Chỉ có khoa học (theo nghĩa rộng), bắt nguồn từ chiều sâu nội tâm và có thể gieo trồng vào chiều sâu đó mới chuyển hóa được tính cách; và với nhân loại thì tính cách và hành động quan trọng hơn là kiến thức và lời nói suông”.

Nhấn mạnh đến “hành động” trên cơ sở nền kiến thức và tính cách tiên tiến, bắt nguồn từ chiều sâu tâm hồn sẽ là động lực chính của đổi mới và phát triển, nhất là khả năng nhảy vọt lên một tầng nấc mới do sự tiến bộ đột biến đủ về lượng của “khoa học”.

Với doanh nghiệp và khoa học quản lý trong doanh nghiệp thì “chiều sâu tâm hồn” chính là tinh thần xuyên suốt trong mỗi thành viên. Nó bền vững khi có mục tiêu rõ ràng, trên nền tảng một triết lý nhân văn vì con người, vì cộng đồng và tiến bộ xã hội.

Chiều sâu tâm hồn, triết lý nhân văn đó được gieo vào những ý tưởng khoa học trong quản lý sẽ hình thành những tính cách mới. Tập hợp các tính cách và ứng xử này sẽ trở thành văn hóa doanh nghiệp.

Với cách tiếp cận như vậy, rõ ràng “chiều sâu tâm hồn” hay tinh thần là điều kiện cần để tiếp thu và ứng dụng các kiến thức khoa học. Và như vậy, việc nhập khẩu các mô thức quản lý doanh nghiệp từ các nước phát triển mà không có tinh thần và niềm tin, kể cả việc nhập khẩu cán bộ quản lý sẽ không đem lại sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp.

Vậy những khía cạnh nào, đặc trưng nào cần xây dựng để hình thành “mảnh đất màu mỡ” để gieo trồng các hạt giống của khoa học quản lý tiên tiến vào doanh nghiệp?

Một danh mục các kỹ năng được tiếp thu từ khuyến nghị của Đại học Princeton tại Mỹ cho mỗi người có trình độ cử nhân trở lên đáng quan tâm trong việc hình thành nền móng cho sự phát triển của khoa học quản lý trong môi trường Vinatex, đó là:

  1. Khả năng suy nghĩ, nói, viết rõ ràng;
  2. Khả năng lý luận có phê phán một cách có hệ thống;
  3. Khả năng ý tưởng hóa các vấn đề và giải quyết chúng;
  4. Khả năng tư duy độc lập;
  5. Khả năng có sáng kiến và lao động độc lập;
  6. Khả năng làm việc và học hỏi trong sự hợp tác với người khác;
  7. Khả năng đánh giá thế nào là một sự việc hoàn hảo;
  8. Khả năng phân biệt cái quan trọng và tầm thường, cái dài hạn và cái phù du;
  9. Làm quen với nhiều cách tư duy khác nhau;
  10. Có chiều sâu tri thức trong một lĩnh vực chuyên môn;
  11. Khả năng phát hiện các mối liên hệ giữa các ngành, trong đó có Dệt May; ý tưởng và văn hóa;
  12. Khả năng học tập suốt đời.

Tạo dựng trong doanh nghiệp một tinh thần chủ động và tự do học tập các vấn đề cần cho doanh nghiệp; tự do dạy – kèm cặp giữa các nhân viên; tự do bàn bạc, tranh luận về các vấn đề chuyên môn; tự do phát kiến, sáng tạo và có cơ chế thu thập – phân tích – ứng dụng các sáng kiến hữu ích; tự do hình thành “thị trường” trao đổi sáng kiến giữa các doanh nghiệp trong Tập đoàn.

Trong giai đoạn trước mắt, mục tiêu của Vinatex là tập trung xây dựng một tinh thần học tập, cầu thị, hướng tới cái mới, tránh chủ nghĩa hình thức trong học tập và chia sẻ kinh nghiệm.

Có một câu chuyện vui nhưng rất đáng được quan tâm, và có lẽ cũng có nhiều trường hợp chúng ta thấy chính mình trong câu chuyện này:

Doanh nghiệp A đi thăm quan học tập tại doanh nghiệp B. Sau khi về, A được cấp trên và các doanh nghiệp khác hỏi thăm rằng thấy doanh nghiệp B như thế nào ?. Tất cả đều khen: hay lắm, tốt lắm, nhiều cái mới lắm. Nhưng khi nội bộ A họp để xem xét có thể triển khai, áp dụng được kinh nghiệm nào của B không, thì phần lớn đều là kinh nghiệm hay nhưng chỉ phù hợp với B. Nếu đem áp dụng ở A thì còn thiếu nhiều yếu tố, hoặc không phù hợp với văn hóa của A.

B lại đi thăm C, C cũng có cuộc thăm quan học tập A. Kết quả, cả 3 DN A, B, C đều được các bạn đồng nghiệp khen hay, tốt, như một màn “đáp lễ” vòng quanh, còn thực chất không ai cải tiến được gì.

Điểm cốt lõi của khoa học là sự trung thực, khoa học công nghệ hay khoa học quản lý cũng vậy. Trước hết, cần luôn đảm bảo sự trung thực trong tinh thần doanh nghiệp, và sau đó là ý thức cầu thị, sẵn sàng tiếp thu cái mới. Đây sẽ là cột trụ cho sự phát triển bền vững, nhân văn. Một doanh nghiệp không khuyếch trương cho văn hoá đổi mới sáng tạo không thể nào có được sức mạnh của riêng mình. Không có tầm nhìn xa sẽ không có bước nhảy lớn. Sự sinh động của một doanh nghiệp về lâu dài tuỳ thuộc tri thức, hay human capital (vốn nhân lực) có năng lực cao. Khoa học, trong đó có khoa học quản lý không đồng nghĩa với sở hữu tri thức, cái đã biết rồi, mà là sự liên tục tìm kiếm cái mới, vươn tới cái mới từ nền tảng điều kiện của doanh nghiệp.

Quá trình phát triển của các doanh nghiệp trong Vinatex gắn liền với quá trình đổi mới liên tục, cạnh tranh gay gắt, tìm kiếm đường đi, thị trường, khách hàng của riêng mình. Chính vì thế đã thành nề nếp trong sinh hoạt của doanh nghiệp là hoạt động tham quan, học hỏi, tìm hiểu lẫn nhau, cập nhật kinh nghiệm hay, cách làm mới. Đó là tiền đề thuận lợi cho việc xây dựng một môi trường học tập và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp. Điểm còn yếu và thiếu đó là chúng ta chưa hình thành hệ thống đánh giá nguồn nhân lực đáp ứng văn hoá đổi mới sáng tạo, mà cốt lõi là các năng lực cá nhân.

Việc dựa trên gợi ý 12 đặc điểm cần có của cán bộ có trình độ đại học của Đại học Princeton có thể là một đột phá trong xây dựng tiêu chí đánh giá, kèm cặp, bồi dưỡng cán bộ. Hình thành các “Nhóm đặc nhiệm – Task force” để giải quyết các vấn đề mới, cũng như tạo ra các sáng tạo của riêng doanh nghiệp là bước đầu tiên để xây dựng môi trường đổi mới sáng tạo. Từ các hạt nhân này sẽ có sự lan toả rộng ra trong doanh nghiệp để có được TÌNH THẦN HỌC TẬP VÀ VĂN HOÁ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO như là nguồn vốn con người quan trọng trong tương lai.

Ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT


Các tin khác