Tiêm vaccine phòng Covid-19, những điều nên biết


Hiện nay và giai đoạn sắp tới sẽ có rất nhiều người Việt Nam được tiêm vaccine phòng Covid – 19. Chúng ta đều biết việc tiêm phòng vaccine nói chung có thể giúp chúng ta chung sống hòa bình với bệnh tật, và việc tiêm vaccine phòng Covid-19 nói riêng sẽ giúp thế giới chặn đứng được đại dịch đang hoành hành gây thiệt hại lớn cả về sinh mạng con người và nền kinh tế.

Tuy nhiên, vẫn có những phản ứng, dù không phổ biến, trước việc tiêm vaccine phòng Covid-19 đại trà. Có một số người ngại ngần không muốn tiêm. Có một số người sắp tiêm đã phải hỏi người quen là nhân viên y tế xem có nên tiêm không, nên tiêm loại nào, bị bệnh gì thì không nên tiêm,…

Dưới đây là một số thông tin hữu ích với những người có quan tâm đến việc tiêm vaccine phòng Covid-19.

Vaccine phòng Covid-19 trên thế giới:

Ông Thabani Maphosa – Giám đốc điều hành các chương trình quốc gia của Liên minh vaccine Gavi phát biểu “Không ai được an toàn cho đến khi tất cả chúng ta đều an toàn”. Trong điều kiện hiện nay, trên toàn thế giới, tại mỗi quốc gia, hay đối với từng người dân sẽ khó được an toàn khi chưa đảm bảo được tiêm vaccine phòng Covid-19. Đại dịch đã chứng minh cuộc sống sẽ như thế nào khi không được tiếp cận với vaccine hoặc phương pháp điều trị. Theo ước tính của Airfinity, toàn thế giới cần khoảng 11 tỷ liều để tiêm cho 70% dân số toàn cầu, ngưỡng cần thiết để đạt miễn dịch cộng đồng. Số liệu của Our World in Data ước tính cho đến ngày 27/5/2021, toàn thế giới đã sản xuất được 1,78 tỷ liều (chưa được 20% so với nhu cầu).

Theo WHO, vấn đề quan trọng là “đảm bảo tiếp cận vaccine công bằng và bình đẳng”, đồng thời “đảm bảo cho mọi quốc gia đều nhận được vaccine và có thể triển khai vaccine để bảo vệ người dân của họ, bắt đầu từ những người dễ bị tổn thương nhất”. Tuy nhiên theo dữ liệu của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), 86% tổng số liều vaccine trên toàn thế giới tính đến ngày 30/3 được tiêm cho những người ở các nước có thu nhập cao và trên trung bình, trong khi chỉ 1% liều được tiêm cho những người nghèo nhất thế giới. Ông Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom kêu gọi “Chúng ta cần động lực khổng lồ để tiêm chủng ít nhất 10% dân số ở mọi quốc gia trong tháng 9 và 30% người dân trước khi kết thúc năm 2021”.

Vaccine phòng Covid-19 tại Việt Nam:

Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiên quyết thực hiện có hiệu quả “chiến lược vaccine”, cụ thể là đẩy nhanh hơn nữa việc tiếp cận mua, nhập khẩu các nguồn vaccine theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; nhận chuyển giao công nghệ, đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu và sản xuất vaccine trong nước; tổ chức tiêm chủng cho hiệu quả, chủ động phòng ngừa sự cố và giải thích rõ khi có sự cố.

Bộ Y tế đã đạt được kết quả có khoảng 110 triệu liều vaccine cam kết cung cấp cho Việt Nam trong năm 2021. Trong đó gồm: 38,9 triệu liều từ chương trình Covax Facility, 30 triệu liều từ AstraZeneca, 31 triệu liều từ Pfizer/BioNTech. Ngoài ra, Bộ Y tế đã đăng ký với Covax để mua thêm khoảng 10 triệu liều vaccine phòng Covid-19 theo cơ chế chia sẻ chi phí. Theo Bộ Y tế, cần mua tổng cộng 150 triệu liều, tổng chi phí hơn 25.000 tỷ đồng (trong đó hơn 4.000 tỷ là tiền vận chuyển).

Và những điều bạn cần biết khi quyết định tiêm vaccine phòng Covid-19

Tính đến ngày 28/5/2021, Israel tiêm vaccine phòng Covid-19 được 62,7% dân số, Anh 56%, Chile 53%, Hungary 54%, Mỹ 50%, Đức 42%, Pháp 35%, …….Việt Nam hơn 1%.
Như vậy rõ ràng các nước tiên tiến nhất trên thế giới đã đạt được tỷ lệ tiêm vaccine cao. Chúng ta cần tiêm vaccine để bảo vệ chính mình, góp phần đạt được miễn dịch cộng đồng, hạn chế việc lây nhiễm. Khi bạn có kháng thể, nếu bị nhiễm, lượng virus sẽ bị hạn chế sinh sôi nảy nở trong cơ thể, do đó việc lây nhiễm sang người xung quanh cũng hạn chế. Tiêm vaccine là cách gián tiếp bảo vệ những người có bệnh nguy hiểm và hệ miễn dịch bị suy yếu.
Cũng có vaccine cần phải tiêm 2 lần, vì theo kết quả nghiên cứu của nhà sản xuất, liều thứ hai có thể thúc đẩy hệ miễn dịch sản xuất tối đa kháng thể.

Vaccine phòng Covid-19 an toàn đối với người được tiêm. Theo báo cáo của Pfizer/BioNTech thì với người được tiêm vaccine, sau 6 tháng vẫn còn đủ kháng thể bảo vệ, và theo một nghiên cứu mới nhất của Mỹ, khả năng bảo vệ có thể kéo dài hơn nữa, với một số người là một năm, một số người là suốt đời. Sau khi được tiêm vaccine, tùy theo cơ địa nhưng nói chung khoảng sau 2 đến 3 tuần thì có kháng thể. Những người đã từng bị nhiễm Covid – 19 rồi thì vẫn rất nên tiêm vaccine, bởi thực tế cho thấy bạn vẫn có thể bị nhiễm lại sau vài tháng. Vaccine có thể bảo vệ bạn được lâu hơn. Khi bạn đã tiêm vaccine mà sau đó lại bị nhiễm Covid-19 thì vẫn có khả năng lây virus sang người khác, nhưng sẽ ít hơn vì bạn đã có thể có kháng thể.

Bạn nên hoãn tiêm vaccine khi bị sốt trên 38,5 độ C; khi bạn dương tính với Covid-19, thì chỉ nên tiêm vaccine sau 14 ngày; các trường hợp ốm nặng khác cần xin chỉ dẫn của bác sĩ.

Trong trường hợp bạn mới tiêm vaccine khác thì nên tiêm cách nhau 2 tuần. Tức là bạn có thể tiêm vaccine Covid-19 vào 2 tuần trước hoặc sau khi tiêm vaccine khác.

Vaccine Covid-19 có thể gây phản ứng phụ. Giống như hầu hết các vaccine khác, sau khi tiêm vaccine Covid-19 bạn có thể có 1 trong những triệu chứng sau: sốt nhẹ, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, bị cứng chỗ tiêm, hoặc có nhiều người không cảm thấy gì hết. Nhưng nếu có phản ứng phụ thì sẽ hết sau 48 tiếng.

Với phụ nữ đang mang thai, bạn cần tư vấn với các bác sỹ chuyên khoa.
Với những người bị dị ứng thông thường (như dị ứng phấn hoa…) thì tiêm vaccine không có hậu quả gì. Trừ khi bạn đã từng bị dị ứng dạng sốc phản vệ thì phải tham khảo, tư vấn kỹ càng với bác sĩ.

Trong trường hợp bạn đang cố gắng mang thai hoặc muốn mang thai trong tương lai, bạn có thể tiêm vaccine Covid-19. Hiện không có bằng chứng cho thấy việc tiêm chủng vaccine Covid-19 gây ra bất kỳ vấn đề nào đối với việc mang thai, kể cả sự phát triển của nhau thai. Ngoài ra, không có bằng chứng cho thấy tác dụng phụ của vaccine, kể cả vaccine Covid-19 liên quan tới các vấn đề về thụ thai.

Hiện nay có tất cả 96 vaccine Covid-19 đang được phát triển ở trong các giai đoạn khác nhau. Tại Việt Nam theo Cục Quản lý Dược đã có 9 loại vaccine được phê duyệt, 44 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, được nhập khẩu và kinh doanh bảo quản vaccine, trong 9 loại vaccine đã được cấp phép sử dụng, có hơn một nửa cần phải bảo quản từ 2 – 8oC, còn lại là ở nhiệt độ âm.

(Tổng hợp từ nguồn Internet)


Các tin khác