Thúc đẩy xây dựng các khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam


Vừa qua, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI) và Tổ chức Sáng kiến Thương mại bền vững (IDH) đã phối hợp tổ chức Hoạt động hưởng ứng chương trình thúc đẩy khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam.

Chương trình thúc đẩy các khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam do VBCSD-VCCI triển khai dưới sự chỉ đạo của VCCI, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong giai đoạn 2021-2025. Chương trình hướng tới bốn mục tiêu chính: Xây dựng Bộ chỉ số phát triển bền vững dành cho các khu công nghiệp, hỗ trợ xây dựng bản đồ khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam; Đánh giá thực trạng, phát hiện những mặt tồn tại và hỗ trợ các khu công nghiệp nâng cao năng lực theo hướng phát triển bền vững ở các khía cạnh quản trị, môi trường và lao động – xã hội; Thu hút sự quan tâm và đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước theo hướng bền vững; Hỗ trợ thành lập các hiệp hội các khu công nghiệp bền vững ở cấp độ trung ương và địa phương.

Đánh giá về tầm quan trọng của hợp tác công tư trong thúc đẩy khu công nghiệp bền vững, ông Phạm Hoàng Hải, đại diện VBCSD-VCCI cho biết, Chính phủ đóng vai trò “đầu tàu” kiến tạo các cơ chế, chính sách hỗ trợ thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp, các ngành nghề; trong khi đó doanh nghiệp là động lực, chủ thể của nền kinh tế. Một cơ chế hợp tác công tư mạnh, theo định hướng phát triển bền vững cũng giống như “liều thuốc tăng lực” cho chính các khu công nghiệp để có thể tận dụng hiệu quả hơn các hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước, phát huy tốt hơn các nguồn lực của chính mình, từ đó thu hút nhiều hơn các nguồn vốn đầu tư bền vững trong nước và quốc tế.

Ông Pramit Chanda, Giám đốc Chương trình Dệt may toàn cầu của Tổ chức IDH khẳng định: “Với IDH, Việt Nam là một quốc gia quan trọng mà IDH ưu tiên hỗ trợ trong thời gian tới. Sự hỗ trợ của IDH sẽ ưu tiên tập trung vào các khu công nghiệp cam kết phát triển theo hướng bền vững”.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam nhấn mạnh: “Xu thế toàn cầu của ngành dệt may cũng như nhiều ngành khác chính là xu thế phát triển xanh, bền vững. Muốn đáp ứng những tiêu chí này, doanh nghiệp cần thực hiện quản trị số, minh bạch trong quản lý môi trường rác thải, tái tạo nguồn nước. Việt Nam đang thiếu nguồn nước và nguồn nước và đang bị ô nhiễm, đây là thách thức với các doanh nghiệp cũng như các khu công nghiệp. Việc tái tạo nguồn nước, rác thải đòi hỏi chi phí, công nghệ thiết bị và chủ khu công nghiệp phải nhận thức được vấn đề này, cùng với đó, cần có sự đồng hành của cơ quan quản lý, chính quyền địa phương”.


Các tin khác