Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: “Tháo gỡ khó khăn cho Ngành phát triển”


Chủ trì cuộc làm việc để bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của Ngành Dệt May, Da Giày Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế cũng như đại dịch Covid-19, vào chiều 23/11/2020 tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Chính phủ sẽ ban hành ngay lập tức các biện pháp để tháo gỡ khó khăn cho Ngành phát triển.”

Toàn cảnh buổi làm việc

Đại diện lãnh đạo một số Bộ, Ngành T.Ư; Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), một số doanh nghiệp lớn trong Ngành, Hiệp hội Dệt May Việt Nam, Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam đã cùng dự buổi làm việc quan trọng này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ trong cuộc làm việc, Ngành Dệt May, Da Giày là những Ngành trực tiếp bị ảnh hưởng lớn trong bối cảnh hiện nay. Sau cuộc làm việc này, đối với những biện pháp trong quyền hạn, Pháp luật cho phép, Chính phủ sẽ ban hành ngay lập tức các biện pháp để tháo gỡ khó khăn cho Ngành phát triển.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao vai trò của ngành DMVN trong việc đảm bảo an sinh xã hội và tạo ra thặng dư rất lớn cho đất nước

Thủ tướng khẳng định vị thế, vai trò của Ngành Dệt May rất quan trọng vì giải quyết việc làm cho rất đông người lao động, chỉ riêng tại các Doanh nghiệp có quy mô trên 100 lao động đã lên tới trên 2,7 triệu người, không kể lực lượng lao động tham gia sản xuất phụ trợ, logistic, cung cấp dịch vụ cho ngành và người lao động. Với trên 7.000 doanh nghiệp, gần như 100% các địa phương trên cả nước có doanh nghiệp dệt may. Ảnh hưởng xã hội, đảm bảo việc làm và an sinh xã hội là nhiệm vụ rất quan trọng của ngành Dệt May. Quy mô xuất khẩu ngành lên tới gần 40 tỷ USD năm 2019, chiếm tỷ trọng 17% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, là ngành có kim ngạch lớn thứ 2. Trong khi đó, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến việc làm cho người lao động.

Ngành Dệt May cũng có vị thế quan trọng trong xuất khẩu sản phẩm. Vừa qua, trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 và các Hội nghị Cấp cao liên quan, Việt Nam đã tham gia ký Hiệp định RCEP, do đó Ngành phải có giải pháp đón bắt thời cơ khi Việt Nam tham gia ba Hiệp định Thương mại tự do quan trọng là CPTPP, EVFTA và RCEP.

Ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã báo cáo tại Hội nghị: “Năm 2020, với đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, các chuỗi cung ứng đứt gãy, cầu hàng hoá sụt giảm, các quốc gia đóng cửa ảnh hưởng nghiêm trọng tới các ngành kinh tế trong đó có dệt may. Trong 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu Dệt May Việt Nam đạt 25,6 tỷ USD, giảm 12% so cùng kỳ năm trước. Mặc dù đây là lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của ngành giảm sau 25 năm tăng trưởng liên tục nhưng mức giảm của Dệt May Việt Nam không lớn như các quốc gia khác, đặc biệt trong bối cảnh tổng cầu dệt may thế giới giảm 25% và các quốc gia cạnh tranh được hỗ trợ bởi đồng tiền của các quốc gia này giảm giá so với đồng USD, trong khi đồng Việt Nam giữ giá so với đồng USD khiến hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam đắt hơn so với các quốc gia. Dự báo năm 2020, ngành Dệt May Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 33,5 tỷ đến 34 tỷ USD, giảm khoảng 14-15% so năm 2019, cao hơn dự báo vào tháng 4 chỉ đạt 30 tỷ đến 31 tỷ USD. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Tập đoàn Dệt May Việt Nam vẫn đảm bảo duy trì việc làm cho toàn hệ thống, không có người lao động nào phải nghỉ việc vì không có việc làm. Thu nhập bình quân dự kiến thực hiện năm 2020 là 7,95 triệu đồng/người/tháng. Để đạt được kết quả đó, các doanh nghiệp trong Tập đoàn đã linh hoạt triển khai trong công tác tổ chức sản xuất, sẵn sàng tiếp nhận các đơn hàng có GTGT thấp, tập trung nghiên cứu và phát triển nhanh các đơn hàng mới phục vụ chống dịch, … Đối với  sản phẩm hàng may mặc, sản lượng sản phẩm sản xuất các loại lên tới 537 triệu sản phẩm, tăng 200% so với cùng kỳ năm trước.”

Ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex báo cáo về hoạt động SXKD của Tập đoàn năm 2020

Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 – CTCP cảm ơn Thủ tướng đã quyết định sửa Nghị quyết 20 (về việc áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19) rất kịp thời. Qua đó, giúp doanh nghiệp “xoay chuyển tình thế”, từ việc có thể giảm mạnh doanh số thì năm nay, May 10 tăng trưởng 3%, không những không phải sa thải mà còn tuyển thêm nhiều lao động từ tháng 5 trở lại đây. Doanh nghiệp cũng bày tỏ vui mừng khi nước ta ký được các Hiệp định thương mại tự do, như EVFTA, nhờ đó mà ngành hưởng lợi trực tiếp từ cắt giảm thuế suất về 0%. Đây là cú hích tốt cho ngành phát triển.

Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc May 10 cảm ơn Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra những quyết sách kịp thời, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Ông Nguyễn Đức Trị – Phó TGĐ Tập đoàn DMVN kiêm Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Dệt May Hòa Thọ đã đại diện cho các doanh nghiệp của Tập đoàn tại khu vực miền Trung báo cáo nhanh về hoạt động SXKD của các đơn vị. Mặc dù nằm ở tâm điểm của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ hai tại Việt Nam và thường xuyên bị ảnh hưởng bởi bão lũ, nhưng với ý chí chiến đấu quật cường, vượt qua mọi khó khăn gian khó, các doanh nghiệp DM của Tập đoàn tại miền Trung đều hoạt động hiệu quả, đảm bảo công ăn việc làm ổn định cho gần 20.000 người lao động. Ông Nguyễn Đức Trị kiến nghị Chính phủ quan tâm phát triển các KCN có hệ thống xử lý nước thải, đảm bảo vệ sinh môi trường tại miền Trung để các DN dệt nhuộm, công nghiệp phụ trợ sẽ tập trung phát triển, thu hút được lao động tại các khu vực lân cận như TP. HCM, Biên Hòa, Đồng Nai, …  Ông Nguyễn Đức Trị cho rằng, đây là một chủ trương vô cùng nhân văn, giúp người lao động có cơ hội để trở về quê hương cống hiến, đồng thời phát triển khu vực miền Trung – vốn đã gặp rất nhiều khốn khó.

Ông Nguyễn Đức Trị – Phó TGĐ Vinatex kiêm Chủ tịch HĐQT Dệt May Hòa Thọ kiến nghị Chính phủ quan tâm phát triển KCN Dệt May tại miền Trung

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong ý kiến kết luận cuộc làm việc, Ngành Dệt May, Da Giày đã sử dụng lượng lao động rất lớn kể cả trực tiếp và gián tiếp lên đến hơn 4,3 triệu người. Đây là thế mạnh của nước ta. Ngành cũng chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, khoảng 24%, góp phần phát triển công nghiệp nhẹ. Thế giới vẫn coi Việt Nam là một trong những “vương quốc dệt may”. Không chỉ năm nay mà cả năm sau, thậm chí ngành đặt mục tiêu năm 2022 cao hơn năm 2019, quyết tâm lấy lại đà tăng trưởng. Đây là quyết tâm lớn của tập thể lãnh đạo, CBCNV toàn Ngành.

Đặc biệt với Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã duy trì được toàn bộ lực lượng lao động trên 150.000 người nếu kể cả doanh nghiệp cháu, trên 85.000 người trực tiếp của các công ty thành viên. Tìm kiếm và tổ chức sản xuất những mặt hàng khác biệt để duy trì sản xuất, kể cả nhiều mặt hàng chưa từng làm. Ra quyết định nhanh, triển khai quyết liệt nên tận dụng được các cơ hội mang tính thời vụ trong thời kỳ dịch bệnh. Nhờ đó vẫn tiếp tục có hiệu quả trong năm 2020 với mức suy giảm hiệu quả khoảng 20% so với 2019, hạn chế được rất nhiều nếu so với dự báo tháng 3/2020 là có khả năng thua lỗ, hoặc tối đa là bình toán. Việc ổn định được lực lượng lao động, vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu là điều kiện căn bản để có thể phục hồi tốt trong năm 2021 khi thị trường dần trở lại với nhịp điệu bình thường.

Thủ tướng Chính phủ cũng biểu dương tinh thần chủ động, sáng tạo của ngành DMVN và Tập đoàn DMVN, nhất là trong giai đoạn mới phát sinh dịch bệnh, đã tiên phong sản xuất các mặt hàng phòng dịch, đảm bảo nhu cầu trong nước, với giá cả hợp lý, thể hiện trách nhiệm xã hội của ngành. Sau đó đã trở thành mặt hàng xuất khẩu chính yếu trong quý 2, góp phần quan trọng trong đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động, cũng như nâng cao uy tín quốc tế của Việt Nam. Bước đầu trong giai đoạn đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu toàn cầu đã chứng minh được năng lực sản xuất trọn gói của ngành Dệt May Việt Nam, tạo niềm tin cho xã hội và cả sự tự tin cho chính các DN dệt may về khả năng cung ứng trong nước. Đây là bài học quý với ngành, cần tiếp tục phát huy để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm dệt may thời gian tới.

Thủ tướng Chính phủ và các đại biểu tại buổi làm việc 

Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao vai trò của Đảng bộ Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Hội đồng quản trị Tập đoàn, Công đoàn ngành DMVN trong kết nối, điều phối, chia sẻ đơn hàng không chỉ trong Tập đoàn mà còn với cả các doanh nghiệp khác trong ngành trong giai đoạn khó khăn. Đặc biệt là các đơn vị thành viên của Vinatex đều là các công ty cổ phần, phần lớn Vinatex không giữ vốn chi phối mà chỉ giữ từ 30-45% vốn, nhưng Tập đoàn thông qua người đại diện của mình ở các doanh nghiệp đã triển khai đồng loạt một cách hiệu quả các giải pháp ở tất cả các doanh nghiệp, không để doanh nghiệp vừa và nhỏ bị tụt lại sau. Vai trò của Vinatex trong Hiệp hội Dệt May Việt Nam cũng mang tính đầu tầu, dẫn dắt hoạt động, bằng hàng loạt hình thức sáng tạo như làm video tuyên truyền nội bộ; họp trực tuyến với các Hiệp hội dệt may trên thế giới để đồng kiến nghị các nhà mua hàng thanh toán tiền cho người lao động… giảm áp lực lên doanh nghiệp đồng thời kiểm soát tốt an sinh xã hội. Đây cũng là một bài học tốt trong điều hành doanh nghiệp cổ phần không chỉ dựa vào tỷ lệ vốn mà dựa vào tài sản trí tuệ, khả năng định hướng thị trường. Nâng cao giá trị tài sản vô hình của Tập đoàn Dệt May Việt Nam.

Thủ tướng nêu rõ, Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành ngăn chặn hiệu quả đại dịch Covid-19, được thế giới hết sức ca ngợi Việt Nam có cách làm phù hợp. Chúng ta đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh với những phương thức phù hợp, là cách làm vận dụng sáng tạo với tình hình. Chúng ta áp dụng các đề phòng tốt nhất, nhưng vẫn giữ mức độ phát triển. Nhờ đó, toàn Ngành vẫn bảo đảm việc làm cho người lao động.

Thủ tướng nêu rõ, Ngành Dệt May, Da Giày cũng đang hưởng lợi nhờ các Hiệp định FTA, cùng với đó thị trường trong nước được chú trọng hơn. Chất lượng, mẫu mã hàng dệt may, da giày ngày càng được nâng cao. Chính trị xã hội trong nước ổn định, là lợi thế của Việt Nam. Một điểm nữa là tinh thần đoàn kết, chia sẻ của Ngành, giảm chi phí, giữ được quyền lợi của người lao động. Chúng ta có lợi thế là lao động Việt Nam trẻ khoẻ, nhanh nhẹn, yêu nghề, kỷ luật lao động.

Thủ tướng đánh giá cao việc Lãnh đạo, cán bộ Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Hiệp hội Dệt May Việt Nam, Hiệp hội Da – Giày và Túi xách Việt Nam đoàn kết, năng động, sáng tạo, tìm việc làm cho người lao động. Tinh thần năng động, tự cường đó đáng được trân trọng. Điều đó thể hiện truyền thống vượt mọi khó khăn của dân tộc. Trong lúc đại dịch Covid-19, phẩm chất đó càng được thể hiện rõ hơn. Các Tập đoàn, Hiệp hội kết nối được các doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn. Bên cạnh đó, cũng còn một số tồn tại, hạn chế mà Ngành cần nhận thức rõ và tìm cách khắc phục.

Thủ tướng yêu cầu Ngành chú trọng thị trường trong nước, nhất là đồng phục công sở, học sinh. “Chúng ta cần chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, chú ý sản xuất những sản phẩm chất lượng cao hơn. Chúng ta cần chú trọng thương hiệu Việt Nam, liên kết chuỗi cung ứng của Ngành, trong đó có vấn đề công nghiệp phụ trợ, quản trị, chiếm lĩnh thị trường để phát triển.” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng đề nghị Ngành lưu ý, tăng cường áp dụng kinh tế số, công nghệ số, tiếp cận ngành thời trang thế giới. Tận dụng hiệu quả hơn nữa các Hiệp định FTA, phát triển mở rộng ngành nguyên liệu, tăng giá trị gia tăng. Chú trọng mô hình khu công nghiệp dệt may nhuộm, da giày. Tham khảo các mô hình khu công nghiệp dệt may nhuộm thành công của tập đoàn nước ngoài tại Việt Nam.

Các địa phương cũng phải chú trọng để có các khu công nghiệp dệt may hiện đại, thân thiện môi trường. Nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm để nâng cao thu nhập cho người lao động, áp dụng thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Chú trọng tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn…

Cuối cùng, Thủ tướng biểu dương tinh thần chủ động sáng tạo của Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Hiệp hội Dệt May Việt Nam, Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp thành viên. Thủ tướng đánh giá cao và tin tưởng công nhân, người lao động của Ngành sẽ tiếp tục phấn đấu, vượt qua khó khăn, đóng góp xây dựng đất nước. Đây là cố gắng lớn cần phát huy.

 


Các tin khác