Tham vọng và hiện thực hóa mục tiêu bền vững của H&M
“Tất cả các sản phẩm của H&M được sản xuất bằng vật liệu tái chế hoặc các vật liệu được sản xuất bền vững vào năm 2030”.
Khi nói đến thời trang bền vững thì không thể không nhắc đến H&M – Tập đoàn thời trang đa quốc gia của Thụy Điển được thành lập từ năm 1947. H&M và các nhãn hiệu trực thuộc hiện đang hoạt động tại 75 quốc gia và vùng lãnh thổ với khoảng 4.800 cửa hàng, tuyển dụng hơn 155.000 nhân viên trong năm 2021. Các thương hiệu của Tập đoàn H&M gồm có H&M, H&M HOME, COS, Weekday, Monki & Other Stories, ARKET, Afound và Singular Society.
Một số con số ấn tượng của H&M năm 2021: Doanh thu thuần đạt 199 tỷ SEK (tương đương 21 tỷ USD); Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh đạt 45 tỷ SEK (tương đương 4,7 tỷ USD); Tỷ trọng vật liệu tái chế được sử dụng trong hàng may mặc của H&M tăng 3 lần từ 5,8% lên 17,9% hướng tới mục tiêu 30% vật liệu tái chế vào năm 2025; ngoài ra H&M cũng đã giảm 27,8% việc sử dụng bao bì nhựa.
Phải khẳng định rằng H&M là một trong số ít doanh nghiệp đi đầu trong việc sản xuất bền vững, bảo vệ môi trường. H&M không chỉ tích cực tham gia vào các dự án toàn cầu về bảo vệ môi trường mà còn hợp tác với nhiều tổ chức, tham gia nhiều dự án. Như việc hợp tác với Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới – WWF trong dự án tiết kiệm nước với mục tiêu cải thiện và quản lý tài nguyên nước trong quá trình sản xuất dệt may.
Với tham vọng dẫn đầu sự thay đổi trong ngành thời trang, cùng với tiềm lực tài chính và chiến lược mang tính dài hạn cho phép H&M đầu tư đổi mới công nghệ, nghiên cứu sáng tạo các loại nguyên vật liệu mới có tính bền vững. Hiện H&M có khoảng 20 khoản đầu tư vào các công ty mới đang phát triển các kỹ thuật mới trong tái chế hàng dệt may như Newcell, Amber cycle, Infinited Fiber…
Nguyên vật liệu tái chế và bền vững hơn
Ngay từ năm 2010, H&M đã giới thiệu những bộ sưu tập được làm từ bông hữu cơ và polyeste tái chế. Điển hình như bộ sưu tập Conscious Exclusive là phong cách thời trang kết hợp tính đổi mới cùng 100% chất liệu thân thiện với môi trường nhằm hướng đến tương lai bền vững hơn cho thời trang. Đây là phong cách được H&M sáng tạo ra nhằm thúc đẩy việc sử dụng vật liệu tái chế trong ngành thời trang. Các sản phẩm được làm từ 100% những chất liệu tái chế hoặc có nguồn gốc thân thiện với môi trường như cotton hữu cơ, lụa tencel hay polyester tái chế.
Vào năm 2021, H&M tiếp tục tăng tỷ trọng tái chế hoặc các vật liệu được sản xuất bền vững hơn trong các bộ sưu tập; H&M đã cải thiện hơn nữa tính minh bạch của sản phẩm cho khách hàng bằng cách sử dụng công cụ Higg Index[1]; cùng với đó là sự ra mắt công cụ thiết kế sáng tạo “Circulator” với tham vọng thiết kế các sản phẩm mang tính tuần hoàn vào năm 2025. Công cụ này không chỉ nhằm mục đích tạo ra các sản phẩm phù hợp với xu hướng kinh tế tuần hoàn mà về lâu dài còn khuyến khích các đối tượng khác cũng thực hiện như vậy.
Để có nguồn nguyên liệu cho việc tái chế, sáng kiến thu gom các sản phẩm may mặc và hàng dệt gia dụng của bất cứ thương hiệu nào đã qua sử dụng tại các cửa hàng của H&M để sử dụng tái chế trên phạm vi toàn cầu. Sáng kiến này được khách hàng đánh giá cao và hưởng ứng ngày càng nhiều. Đại dịch Covid-19 xảy ra hai năm vừa qua đã ảnh hưởng và làm giảm số lượng quần áo cũ thu được nhưng số lượng quần áo cũ mà H&M thu về được từ các khách hàng ở khắp nơi trong năm 2021 vẫn rất ấn tượng với 15.944 tấn.
Sử dụng năng lượng tái tạo
H&M đang nỗ lực để tạo sử dụng nguồn năng lượng có thể tái tạo 100% trong các hoạt động chính của họ. Năm 2021, 95% nguồn điện cung cấp cho các hoạt động chính được cung cấp bằng năng lượng tái tạo. Việc sử dụng năng lượng tái tạo được kỳ vọng là sẽ giảm 56% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu này, H&M và các đối tác của mình tăng cường các dự án với quy mô lớn sử dụng điện mặt trời áp mái.
H&M tuyên bố kể từ ngày 01/01/2022 sẽ không đưa bất kỳ nhà cung cấp mới nào vào chuỗi cung ứng của mình nếu họ có sử dụng lò hơi đốt than trong quá trình sản xuất.
Chính sách đãi ngộ và phúc lợi xã hội
Chỉ tính riêng chuỗi cung ứng sản xuất cấp 1 và 2 của H&M đã góp phần tạo ra việc làm cho khoảng 1,5 triệu người. Chính sách nhân quyền và các điều kiện làm việc luôn được H&M đề cao và quan tâm. Cụ thể, H&M đảm bảo đối xử công bằng với mức lương và các điều kiện làm việc an toàn, không phân biệt đối xử, tất cả đều có cơ hội phát triển. H&M thực hiện đánh giá các vấn đề liên quan đến nhân quyền hàng năm, những rủi ro và tác động lâu dài của vấn đề như việc chuyển đổi số, tuần hoàn…
Kênh phân phối và vận chuyển
H&M xây dựng một hệ thống vận chuyển thông minh cho các chuyến hàng trực tiếp, tránh sử dụng các kho bãi trung gian. Để giảm thiểu chất thải, từ năm 2011 H&M đã sử dụng hệ thống phần mềm quản lý tài nguyên và năng lượng. Điều này mang lại những tiến bộ lớn trong việc thu thập và phân tích dữ liệu chính xác về môi trường.
Trong vận tải biển: Luôn tối ưu hóa vận chuyển bằng cách lựa chọn trang thiết bị và lấp đầy tối đa các chuyến hàng vận chuyển để giảm số lần vận chuyển, từ đó giảm lượng khí thải CO2e. Đặc biệt chỉ làm việc với các hãng vận tải biển trong nhóm Clean Cargo Working Group. Trong hai năm vừa qua, H&M đã thực hiện mua nguyên liệu sinh học (ECO Delivery) để phục vụ cho hoạt động vận tải đường biển và trở thành khách hàng lớn nhất mua ECO Delivery của Công ty vận tải quốc tế Maersk. Trong vận tải hàng không, H&M là thành viên tích cực của Liên minh vận tải hàng không bền vững (SAFA).
Ngoài ra, H&M còn đầu tư các trung tâm hậu cần tự động hóa cho hệ thống kênh phân phối trên toàn cầu để tăng tính linh hoạt và tốc độ xử lý và tính sẵn có của các loại hàng hóa.
Đóng gói/bao bì tái chế
H&M luôn cố gắng giảm bao bì nhựa trong chuỗi cung ứng của mình, hướng tới năm 2030 sử dụng 100% bảo bì có thể tái sử dụng/hoặc tái chế. H&M có hệ thống sản xuất túi tái sử dụng được chứng nhận bởi FSC[2].
Bán lẻ xanh – Tăng vòng đời các sản phẩm của H&M
H&M cung cấp và hỗ trợ cho khách hàng trong suốt vòng đời của sản phẩm từ bán hàng mới, sửa chữa làm mới sản phẩm, cho thuê hàng thời trang, thu gom sản phẩm cũ để tái chế… Bằng cách kéo dài vòng đời của sản phẩm, H&M nâng cao giá trị cho khách hàng và làm cho nhiều người có thể tiếp cận với lối sống bền vững do đó giảm sự phụ thuộc vào việc sử dụng tài nguyên.
Frist hand: Các thương hiệu của H&M cung cấp cho khách hàng những sản phẩm được làm từ nguyên liệu tại chế và có nguồn gốc bền vững, được thiết kế theo quy trình tuần hoàn và phát triển sản phẩm.
Second life: Nếu quần áo đã quá cũ để có thể sửa chữa hoặc bán lại thì khách hàng sẽ được đưa đến điểm thu mua tại các cửa hàng của H&M. Các sản phẩm sẽ được tái chế để tạo ra sợi và hàng may mặc mới.
Second hand: Các đồ quần áo đã cũ, nếu khách hàng không còn muốn dùng có thể bán nó thông qua Sellpy-một nền tảng kỹ thuật số dành cho thời trang đã qua sử dụng (Tập đoàn H&M là cổ đông lớn của Sellpy từ năm 2019)
Second Chance: Khách hàng có thể sửa chữa quần áo của họ tại các cửa hàng của H&M.
H&M khẳng định trong Báo cáo thường niên và phát triển bền vững năm 2021 rằng tính bền vững là một phần không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh của mình và cũng là một phần trong ý tưởng kinh doanh trong dài hạn. Với chiến lược này, H&M tiếp tục là một thương hiệu tiêu biểu cho chuỗi cung ứng phát triển bền vững toàn cầu. Bằng chứng được thể hiện qua các con số đạt được đầy ấn tượng qua các năm và sẽ vẫn là thương hiệu thời trang bền vững được người tiêu dùng lựa chọn.
Bài: Đặng Thanh Huyền
Nguồn: https://hmgroup.com
[1] Higg Index là một bộ công cụ cho phép các thương hiệu, nhà bán lẻ và cơ sở thuộc mọi quy mô – ở mọi giai đoạn trong hành trình bền vững – đo lường và chấm điểm chính xác hiệu suất bền vững của công ty hoặc sản phẩm may mặc và giày dép.
[2] FSC: Forest Stewardship Council – là Tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập năm 1993 với mục tiêu phát triển & quản lý rừng bền vững trên toàn thế giới.