Tài liệu sinh hoạt chi bộ tháng 8/2023


I. CÔNG TÁC XÂY DỰNG ĐẢNG

Nâng cao chất lượng xây dựng Đảng về tư tưởng trong thời kỳ mới

Trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN), Đảng ta xác định xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện là nhiệm vụ then chốt, là vấn đề quyết định đến vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Theo đó, xây dựng Đảng về tư tưởng giữ vai trò trọng yếu trong quá trình hoạt động của Đảng. Nội hàm xây dựng Đảng về tư tưởng trong thời kỳ mới là:

Thứ nhất, theo Hồ Chí Minh, Đảng muốn vững mạnh về tư tưởng chính trị thì phải “có chủ nghĩa làm cốt”, trong Đảng ai cũng phải hiểu, phải theo chủ nghĩa ấy. Đại hội VII của Đảng đã xác định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho cách mạng. Do đó, nội hàm xây dựng Đảng vững mạnh về tư tưởng trong thời kỳ mới là phải làm cho chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như thế giới quan, phương pháp luận Mác – Lênin, Hồ Chí Minh thấm nhuần trong toàn Đảng và giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội. Mỗi cán bộ, đảng viên không những thấm nhuần mà còn biết vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong quá trình xây dựng, xác định, hiện thực hóa đường lối, chủ trương, chính sách.

Thứ hai, phải tiếp tục xây dựng, triển khai thực chất, hiệu quả, sâu, rộng những giải pháp, biện pháp làm cho toàn Đảng thực sự là một ý chí vững mạnh, đoàn kết, thống nhất, đồng lòng cùng toàn dân thực hiện thắng lợi Cương lĩnh, chủ trương, đường lối của Đảng. Phải tăng cường về “chất” công tác giáo dục, hướng dẫn đảng viên thường xuyên tu dưỡng rèn luyện, trau dồi tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống; thực sự nghiêm túc, tự giác trong tự phê bình và phê bình; thực sự làm gương, nêu gương trước quần chúng.

Thứ ba, trong hệ thống 4 nhiệm vụ giải pháp xây dựng Đảng về tư tưởng, phần giải pháp còn định tính. Vì vậy, cần định lượng từng biện pháp, xác định rõ tổ chức, cơ quan nào phải thực hiện, thời hạn hoàn thành. Muốn xây dựng Đảng vững mạnh về tư tưởng thì phải có giải pháp đột phá trong củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan tham mưu về công tác tư tưởng từ Trung ương đến cơ sở; có giải pháp khả thi về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tham mưu công tác tư tưởng; chú trọng giải pháp tổng thể trong quy hoạch, đào tạo đội ngũ cán bộ lý luận, giảng viên lý luận, báo cáo viên, phóng viên – biên tập viên báo chí, văn nghệ sĩ…

Thứ tư, đề nghị Ban Bí thư xem xét, có quyết định về việc: các cấp ủy thực hiện giao ban tư tưởng định kỳ và đột xuất để nắm tư tưởng, phối hợp chỉ đạo các “binh chủng” tiến hành các hoạt động tư tưởng phục vụ nhiệm vụ chính trị; đồng thời chỉ đạo xử lý các tình huống, điểm nóng tư tưởng… Định kỳ, các đồng chí thường trực cấp ủy phải xuống cơ sở để nắm tư tưởng và đối thoại với nhân dân.

Thứ năm, trong đổi mới nội dung, phương thức nâng cao chất lượng công tác tư tưởng cần bổ sung nguyên tắc: Toàn Đảng làm công tác tư tưởng, trước hết là bí thư cấp ủy, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.

Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ mà Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao, công tác tuyên giáo trong thời gian tới tập trung vào các nhiệm vụ và giải pháp căn bản sau đây:

Một là, tiếp tục tuyên truyền khát vọng vươn lên và quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta sẽ lập nên những kỳ tích phát triển mới vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng để thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng từ hàng ngàn năm của dân tộc ta, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Hai là, năm 2023 được xác định là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII nên cần đẩy mạnh tuyên truyền những nhiệm vụ trọng tâm, các đột phá chiến lược do Đại hội XIII đề ra.

Ba là, tiếp tục tuyên truyền có hệ thống, sâu rộng hai cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” và để toàn Đảng, toàn dân nâng cao nhận thức sâu sắc hơn nữa và tiếp tục kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực mà Đảng ta đang tiến hành, góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trước những đòi hỏi của tình hình mới.

Bốn là, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nội dung, phương thức và chất lượng của công tác tuyên giáo trong tình hình mới.

Năm là, tiếp tục triển khai có hiệu quả nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” và thực hiện tốt việc ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta. Thực hiện tốt phương châm: “Ta hiểu đúng ta cũng chính là chống lại kẻ thù” để giữ vững đoàn kết, thống nhất trong nội bộ trước các cuộc “xâm lăng về văn hóa” từ bên ngoài vào.

Sáu là, thực hiện tốt phương châm kết hợp giữa “xây” và “chống”, trong đó “xây” là chính, đẩy mạnh tuyên truyền các nhân tố mới, điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội theo tinh thần: “Lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “Lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”. Thực hiện có hiệu quả quy định số 08-QĐi/TW của Ban Chấp hành Trung ương về vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên trên tinh thần người có chức trách càng cao thì càng phải gương mẫu nêu gương.

Bảy là, công tác tuyên giáo góp phần đắc lực vào công tác xây dựng tổ chức Đảng, trong đó có một số nội dung mới gần đây, như: Công tác cán bộ thực hiện nguyên tắc: “Có vào, có ra. Có lên, có xuống”; “Tự xin thôi chức nếu thấy mình không thể hoàn thành nhiệm vụ”… Trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực “nếu tay mình nhúng chàm thì tự giác xin thôi” như Tổng Bí thư phát biểu.

Tám là, ngoài 4 nguy cơ: chệch hướng xã hội chủ nghĩa, tụt hậu xa hơn về kinh tế, tệ nạn tham nhũng, lãng phí và “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch mà Đảng ta đã xác định cho đến nay vẫn còn hiện hữu thì hiện nay có 5 bức xúc trong xã hội là: An toàn thông tin mạng; An toàn thông tin dịch bệnh; An toàn giao thông; An toàn môi trường và An toàn vệ sinh thực phẩm. Có thể nói, năm vấn đề bức xúc này đang hằng ngày, hằng giờ tác động, ảnh hưởng đến tư tưởng, tính mạng và sức khỏe của cán bộ, nhân dân. Do vậy, ngành Tuyên giáo góp phần đắc lực giải quyết ngăn chặn 4 nguy cơ trên và 5 bức xúc trong xã hội hiện nay thì sẽ giúp đất nước phát triển nhanh, bền vững và góp phần khẳng định vai trò, vị thế của ngành Tuyên giáo của Đảng trong giai đoạn cách mạng mới.

Chín là, ngành Tuyên giáo giữ vai trò tiên phong và nòng cốt trong việc chuẩn bị nguồn nhân lực để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cách mạng số, chuyển đổi số. Đây là một đòi hỏi cấp thiết cả trước mắt và lâu dài để hiện thực hóa các mục tiêu Đại hội XIII của Đảng.

* Nhân dịp kỷ niệm 93 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (01/8/1930 – 01/8/2023), Đảng ủy Tập đoàn Dệt May Việt Nam gửi lời chúc tốt đẹp tới đội ngũ làm công tác tuyên giáo của Đảng bộ Tập đoàn. Năm 2023 là năm đặc biệt khó khăn, trong thời gian tới, Đảng ủy Tập đoàn mong muốn đội ngũ làm công tác tuyên giáo phối hợp với bộ phận truyền thông của Tập đoàn và các doanh nghiệp, đơn vị thành viên tiếp tục tuyên truyền các chủ trương, giải pháp, mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ Tập đoàn nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra. Đồng thời, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người lao động, tích cực tuyên truyền với tinh thần: “Lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “Lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”, bảo đảm tinh thần đoàn kết cao, người lao động luôn đồng hành với doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn như hiện nay.

Dự báo tình hình và một số nhiệm vụ trọng tâm trong nửa cuối nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng

1. Dự báo tình hình

Tình hình thế giới, khu vực, trong nước từ nay đến hết nhiệm kỳ bên cạnh những thời cơ, thuận lợi sẽ có nhiều khó khăn, thách thức phức tạp phát sinh, kinh tế thế giới giảm sút; cạnh tranh chiến lược, cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại tiếp tục diễn ra gay gắt; tranh chấp chủ quyền biển, đảo diễn biến phức tạp; cuộc xung đột quân sự giữa Nga – Ukraine và các lệnh trừng phạt của Mỹ, Phương Tây đối với Nga có thể còn kéo dài, tác động đến địa chính trị, địa kinh tế, an ninh năng lượng và chuỗi cung ứng toàn cầu; khoa học – công nghệ và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và các vấn đề an ninh truyền thống, phi truyền thống ngày càng tác động mạnh, nhiều mặt, có thể đe dọa nghiêm trọng đến sự ổn định, bền vững của thế giới, khu vực và đất nước ta… Đây là giai đoạn có ý nghĩa hết sức quan trọng, quyết định việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

2. Một số nhiệm vụ trọng tâm

2.1. Bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy đảng các cấp, tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt sâu sắc tổ chức thực hiện nghiêm, quyết liệt, khẩn trương, đồng bộ, kịp thời, có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Thành lập và triển khai hoạt động của các tiểu ban chuẩn bị cho đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

2.2. Lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức tốt việc lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị; Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIV nhiệm kỳ 2026 – 2031; chuẩn bị đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 – 2030 và Đại hội XIV của Đảng; công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 – 2031. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII và Kết luận số 21-KL/TW khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện tốt quy định về nêu gương và những điều đảng viên không được làm. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các quy định, quy chế về công tác xây dựng Đảng, công tác kiểm tra, giám sát, tập trung vào các cơ chế phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên; cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, việc thực thi quyền lực của cán bộ lãnh đạo, quản lý; cơ chế về kiểm soát tài sản, thu nhập…

2.3. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược, nhất là đột phá về nguồn nhân lực, quan tâm đầu tư cho các lĩnh vực văn hóa – xã hội, con người; sớm ban hành chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, con người. Cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững, triển khai hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế trong mọi tình huống; thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; thực hiện chuyển đổi nguồn nhân lực, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, phát triển mạnh khoa học và công nghệ, các trung tâm đổi mới sáng tạo.

Tập trung tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách, tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền, nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ của các cấp, các ngành nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cho doanh nghiệp và người dân; thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả; đẩy mạnh tiến độ xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, các dự án thua lỗ kéo dài; tiếp tục rà soát, sắp xếp lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước; kiên quyết khắc phục tình trạng chậm giải ngân đầu tư công, thúc đẩy khai thác các công trình trọng điểm quốc gia; thực hiện hiệu quả các chính sách xã hội, công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Khẩn trương xây dựng ban hành các quy hoạch quốc gia, quy hoạch không gian biển, quy hoạch ngành, lĩnh vực và quy hoạch sử dụng đất của các tỉnh, thành phố. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Các cấp ủy, tổ chức đảng tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và sơ kết, tổng kết việc triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận và chỉ thị của Đảng về phát triển kinh tế – xã hội, trong đó chú trọng xây dựng chỉ tiêu, tiêu chí đánh giá việc thể chế hóa và tổ chức triển khai thực hiện gắn với trách nhiệm tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu.

2.4. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; bố trí đầu tư phù hợp với nguồn lực của đất nước và có cơ chế, chính sách đặc thù để đến năm 2025 cơ bản xây dựng Quân đội, Công an tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước. Kết hợp chặt chẽ giữa đối ngoại với quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa – xã hội; chủ động, kịp thời phát hiện ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, xung đột, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; khai thác, tranh thủ và sử dụng hiệu quả từ nguồn lực bên ngoài kết hợp với nguồn lực bên trong để tiếp tục phát triển bền vững đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và các lợi ích chính đáng của ta tại Biển Đông, tranh thủ tối đa sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.

2.5. Tập trung triển khai chủ trương của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; tiếp tục xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Thực hiện có kết quả cao các nhiệm vụ cải cách tư pháp. Tập trung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, tháo gỡ vướng mắc theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền, phân bổ nguồn lực xác định rõ trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương; giữa Chính phủ với các bộ, ngành, chính quyền địa phương. Lãnh đạo triển khai thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật, rà soát, tháo gỡ vướng mắc pháp luật, bổ sung kịp thời nhiệm vụ lập pháp mới. Đổi mới tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, phát huy dân chủ, pháp quyền, tăng tính chuyên nghiệp. Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ theo hướng tinh gọn, hiệu lực, 15 hiệu quả. Khẩn trương ban hành cơ chế, chính sách, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.

2.6. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị, về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; xây dựng cơ chế bảo vệ các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực thi công vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; tăng cường phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh. Tăng cường, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng văn hóa liêm chính.

2.7. Tiếp tục triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo. Tập trung chỉ đạo thể chế hóa, cụ thể hóa phương châm “Dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận của hệ thống chính trị, góp phần mở rộng dân chủ cơ sở, tạo sự đồng thuận của Nhân dân; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội thực sự là nòng cốt để Nhân dân làm chủ.

2.8. Nâng cao chất lượng tham mưu, nghiên cứu, dự báo công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tổ chức triển khai thực hiện. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, những chủ trương, quyết định quan trọng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Quốc hội; các sự kiện lịch sử quan trọng, ngày lễ kỷ niệm lớn từ nay đến Đại hội XIV của Đảng; tăng cường công tác thông tin đối ngoại; kiên quyết đấu tranh, phản bác thông tin sai trai, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ.

Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ của Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương

Ngày 14/7, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Khối lần thứ 12 (mở rộng) sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 – 2025 và 6 tháng đầu năm 2023.

Báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ nêu rõ: Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 – 2025, diễn ra tại Hà Nội từ ngày 19 – 21/10/2020. Gần 3 năm qua, Đảng bộ Khối đã triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội trong bối cảnh đan xen nhiều thuận lợi và khó khăn. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Đảng ủy Khối và các cấp uỷ, tổ chức đảng trong toàn Đảng bộ đã phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, lãnh đạo thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ giải pháp nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Tính đến ngày 30/6/2023, 100% chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra đều đạt và vượt.

Các cấp ủy đảng trong Đảng bộ Khối đã lãnh đạo, chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đơn vị đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp. Theo đó, các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh toàn Khối tiếp tục tăng trưởng cao. Thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ với nhà nước, đóng góp quan trọng vào ngân sách quốc gia; tham gia điều tiết vĩ mô nền kinh tế; góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh. Thực hiện tốt các hoạt động an sinh xã hội, đặc biệt là chủ động, đi đầu, đồng hành chia sẻ khó khăn, triển khai nhiều giải pháp khắc phục ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19; bảo đảm việc làm, duy trì và nâng cao thu nhập, chế độ, chính sách cho người lao động. Theo đó, tổng doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty trong Khối tăng từ 1.426.134 tỷ đồng lên 2.083.788 tỷ đồng (tăng 46,1%); lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp và ngân hàng trong Khối từ 122.275 tỷ đồng lên 213.836 tỷ đồng (tăng 73,5%); nộp ngân sách từ 217.828 tỷ đồng lên 242.744 tỷ đồng (tăng 11,4%); vốn chủ sở hữu từ 1.566.544 tỷ đồng lên 1.766.512 tỷ đồng (tăng 12,8%). Tổng tài sản của các tập đoàn, tổng công ty trong Khối tăng từ 2.762.548 tỷ đồng lên 2.937.467 tỷ đồng (tăng 6,3%), tổng tài sản của các ngân hàng trong Khối tăng từ 6.263.074 tỷ đồng lên 8.037.605 tỷ đồng (tăng 30,2%).

Trong nửa cuối nhiệm kỳ 2020 – 2025, ngoài các nghị quyết về nhiệm vụ công tác hằng năm, Đảng ủy Khối sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và ban hành các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác xây dựng Đảng và lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị. Theo dõi, đôn đốc tiến độ triển khai, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết chuyên đề đã ban hành. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối nhiệm kỳ 2020 – 2025 và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm, 4 đột phá phát triển. Tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề, phát huy trí tuệ tập thể của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học để giải quyết những vấn đề cấp bách, hệ trọng trong hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời, kịp thời tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, các đề xuất, kiến nghị của các tập đoàn, tổng công ty, đơn vị trong Khối để báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban cán sự đảng Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương để có phương án tháo gỡ cho các doanh nghiệp trong Khối.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Long Hải, Bí thư Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương cho biết, Hội nghị đã thống nhất rất cao những đánh giá của Ban Chấp hành Đảng bộ Khối về kết quả thực hiện nhiệm vụ từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Các chỉ tiêu thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối lần thứ III đều vượt, nhiều chỉ tiêu vượt cao so với mức đề ra. Các doanh nghiệp, đơn vị trong Khối đã đi đầu, nghiêm túc thực hiện các nghĩa vụ với nhà nước, đóng góp quan trọng vào ngân sách quốc gia; tham gia điều tiết vĩ mô nền kinh tế; góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh. Thực hiện tốt các hoạt động an sinh xã hội, đảm bảo việc làm, duy trì và nâng cao thu nhập, bảo đảm chế độ, chính sách cho người lao động. Bên cạnh những kết quả đạt được, trong công tác của Đảng ủy Khối và các đảng bộ trực thuộc vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục.

Đồng chí lưu ý, giai đoạn 2023 – 2025 có ý nghĩa quan trọng đối với việc hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối lần thứ III, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Trong khi đó, các cấp ủy đảng trong Khối đang đối diện với thách thức rất lớn về khối lượng công việc, mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng Đảng, nhất là với một số nơi có số lượng tổ chức đảng, đảng viên tăng mạnh sau bước đầu thực hiện nghiêm túc Quy định số 60-QĐ/TW, ngày 08/3/2022 của Ban Bí thư. Các cấp ủy đảng trong Khối xác định phải nỗ lực cao nhất, kiên quyết, kiên trì đẩy mạnh xây dựng chỉnh đốn Đảng và nghiêm túc, kịp thời quán triệt, triển khai các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Trung ương; sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và sự hướng dẫn, giám sát của các Ban Đảng Trung ương; tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, tích cực triển khai hiệu quả các mặt công tác, hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo nghị quyết đại hội đảng các cấp đã đề ra.

II. TIẾN TRÌNH XÂY DỰNG TẦM NHÌN VÀ SỨ MỆNH VINATEX

Vinatex tìm giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh các đơn vị trọng yếu

Ngày 28/7, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) tổ chức hội nghị thúc đẩy sản xuất kinh doanh các đơn vị trọng yếu.

Hội nghị xác định những tháng cuối năm 2023, tổng quát thị trường vẫn tiếp tục khó khăn, nhu cầu thấp, cạnh tranh gay gắt. Khách hàng có nhiều yêu cầu mới, cao hơn, thời gian giao hàng gấp, đơn hàng nhỏ lẻ, kéo dài thời gian thanh toán…

Tình hình mới cho thấy các đơn vị trung bình (về năng suất, chất lượng, giá thành) sẽ không có khả năng cạnh tranh và tồn tại. Do vậy, phải tập trung mọi giải pháp nhanh chóng vượt qua bẫy trung bình tại các DN.

Để hoàn thành kế hoạch SXKD năm 2023 với kết quả cao nhất, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam yêu cầu các doanh nghiệp, đơn vị tập trung toàn bộ nguồn lực để thực hiện các giải pháp trọng tâm.

Theo đó, đối với ngành May: Tập trung xóa các đơn vị có năng suất thấp bằng cách nghiên cứu, đề ra các giải pháp cải thiện để tăng năng suất từ học tập và chuyển giao của các đơn vị mạnh. Thu hẹp khu vực không có khả năng cải thiện một cách có tính toán, chấp nhận rủi ro có cân nhắc. Tăng cường các giải pháp đa dạng thị trường, đặc biệt các thị trường ngách, không phụ thuộc quá lớn vào một vài thị trường, một vài khách hàng. Khái niệm chuyền và cách thức tổ chức chuyền may truyền thống cơ bản sẽ không còn phù hợp, cần có nhiều sáng tạo trong hoạt động quản trị sản xuất một cách linh hoạt nhất để có thể đáp ứng các đơn hàng nhỏ lẻ, yêu cầu giao hàng nhanh, giá thấp. Rà soát, nghiên cứu để tái cấu trúc nhân lực, trên cơ sở xác định đối tượng nhân lực ưu tiên làm nòng cốt tại từng nhà máy để có giải pháp đãi ngộ phù hợp. Triển khai mạnh hơn nữa công tác số hóa hoạt động quản trị sản xuất để có cơ sở dữ liệu đáng tin cậy, hỗ trợ việc ra quyết định nhanh cũng như cung cấp được thông tin cho khách hàng. Nghiên cứu tổ chức sản xuất sản phẩm chất lượng cao nếu có đủ năng lực. Ngành May cần kiên định mục tiêu gia nhập chuỗi cung ứng dệt may quốc tế, trong giai đoạn đầu có thể tham gia với vai trò đối tác của một đơn vị thành viên thuộc một khâu thành phần trong chuỗi. Chủ động nghiên cứu, xây dựng mô hình nhà máy thông minh có khả năng sản xuất linh hoạt, chuyên sản xuất các đơn hàng thời trang số lượng ít, đòi hỏi kỹ thuật và chất lượng cao, giá cao nhằm tăng năng lực canh tranh và giữ khách hàng. Đẩy mạnh đầu tư chiều sâu và thiết bị tự động hóa, công cụ quản trị số để giảm dần sự phụ thuộc vào lao động.

Đối với ngành Sợi – Dệt – Nhuộm, các doanh nghiệp cần tập trung: Tăng cường các biện pháp kiểm soát và tối ưu hóa chi phí sản xuất, đặc biệt là kiểm soát hoạt động mua bông. Giao Ban SXKD Sợi nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật để hỗ trợ việc xác định thời điểm mua bông hợp lý. Phát huy hệ thống quản trị số đã có, thu thập dữ liệu để có cơ sở đối sánh giữa các đơn vị. Tiếp tục áp dụng kinh nghiệm, chỉ số của các đơn vị tốt nhất cho các đơn vị còn thấp hơn trong hệ thống. Nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu thị trường trên nền cơ sở vật chất thiết bị, công nghệ sẵn có tại doanh nghiệp. Đẩy mạnh tìm kiếm một số đối tác chiến lược có thể đồng hành lâu dài cùng doanh nghiệp; Phát triển các trung tâm, các giải pháp quản trị dùng chung giữa các đơn vị thuộc cùng một địa bàn; Nghiên cứu, phát triển các sản phẩm đặc thù, sản phẩm khác biệt; Nghiên cứu phương thức sản xuất và mặt hàng có tính linh hoạt cao theo hướng áp dụng thiết bị, công nghệ mới.

Đối với công ty Mẹ Tập đoàn, Chủ tịch HĐQT lưu ý cần thực hiện tốt các nhóm giải pháp về công tác quản trị, công tác tài chính, công tác nghiên cứu và công tác phát triển nguồn nhân lực..

Gần 300 doanh nghiệp tham gia triển lãm SaigonFabric Summer 2023

 Ngày 26/7, tại TP.HCM diễn ra Lễ khai mạc Triển lãm Quốc tế Vải, Nguyên phụ liệu và Máy móc thiết bị ngành May 2023 (SaigonFabric Summer 2023). Triển lãm là cơ hội cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước gặp gỡ hợp tác, quảng bá thương hiệu, tìm kiếm đối tác và mở rộng thị trường.

Phát biểu khai mạc Triển lãm, ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Vinatex nêu rõ: “Triển lãm Quốc tế Vải, Nguyên phụ liệu và Máy móc thiết bị ngành May 2023 (SaigonFabric Summer 2023) là Triển lãm đầu tiên về Vải và nguyên phụ liệu, tiếp nối thành công của Triển lãm quốc tế chuyên ngành dệt may – thiết bị và nguyên phụ liệu 2023. Hy vọng trong suốt thời gian diễn ra triển lãm, các doanh nghiệp Dệt May Việt Nam sẽ tìm kiếm được nhiều cơ hội, kết nối giao thương được nhiều đối tác uy tín giúp cho các doanh nghiệp có nhiều giải pháp, tìm kiếm nguồn nguyên phụ liệu nhằm bắt kịp sự phát triển xu hướng thời trang thế giới, đồng thời cũng bắt kịp xu hướng của ngành dệt may toàn cầu”.

Triển lãm SaigonFabric Summer 2023 với sự góp mặt của gần 300 nhà cung cấp đến từ 8 quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Đức, Hongkong, Pakistan, Ấn Độ, Đài Loan, Thái Lan, Việt Nam với những sản phẩm và dịch vụ mới sẽ được giới thiệu đến các doanh nghiệp trong ngành. Đặc biệt, tại triển lãm SaigonFabric Summer 2023, lần đầu tiên sẽ có khu “Made in Vietnam” riêng biệt với hơn 100 công ty giới thiệu những nguồn sợi, vải, nguyên phụ liệu của Việt Nam. Khu “Business Matching” với 60 gian hàng để kết nối giao thương giữa các nhà cung ứng, các nhãn hàng và người mua hàng tiềm năng tại Việt Nam như Gap, Puma, Nike, Adidas, Decathlon, PVH (Tommy Hilfiger, Calvin Klein…), Colombia, H&M, Li & Fung, Asmara, Centric…

Triển lãm SaigonFabric Summer 2023 được bảo trợ và đồng tổ chức của Bộ Công Thương Việt Nam, Hiệp hội Dệt May Việt Nam, Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Hiệp hội Dệt May Thêu Đan Tp. HCM, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Phòng Giao dịch quốc tế CP Exhibition (Hongkong) và Công ty TNHH tổ chức Triển lãm CP Việt Nam. Trong khuôn khổ triển lãm diễn ra các buổi hội thảo chuyên đề cập nhật thông tin thị trường và công nghệ mới nhất trong ngành Dệt May.

Lãnh đạo Vinatex chúc mừng Công đoàn Dệt May Việt Nam nhân ngày thành lập Công đoàn Việt Nam

Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 -28/7/2023), ngày 28/7, lãnh đạo Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã đến thăm, tặng hoa và chúc mừng Công đoàn Dệt May Việt Nam.

Thay mặt lãnh đạo Tập đoàn Dệt May Việt Nam, đồng chí Cao Hữu Hiếu – Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Tập đoàn đánh giá cao và cảm ơn Công đoàn các cấp trong hệ thống luôn đồng hành cùng doanh nghiệp và người lao động (NLĐ) vượt qua những giai đoạn khó khăn, đặc biệt là thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và tình hình thị trường khó khăn từ 6 tháng cuối năm 2022 đến nay. Công đoàn với vai trò chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho NLĐ đã và đang là điểm tựa vững chắc cho NLĐ, giúp NLĐ yên tâm, tin tưởng và trách nhiệm trong sản xuất, ổn định việc làm và thu nhập. Điểm sáng trong những năm gần đây là tuy tình hình sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp trong hệ thống đã không để công nhân lao động nào phải mất việc, nghỉ việc. Tập đoàn và Công đoàn đã tích cực phối hợp ổn định tư tưởng và đảm bảo việc làm, chăm lo đời sống cho người lao động để họ yên tâm gắn bó với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Công đoàn đã tích cực phát động, triển khai hiệu quả các đợt thi đua, phong trào lao động sáng tạo, đóng góp vào kết quả, thành tích chung của Tập đoàn trong những năm qua.

Đồng chí Cao Hữu Hiếu mong rằng, Công đoàn Dệt May Việt Nam tiếp tục triển khai tốt các phong trào thi đua, trong đó tổ chức thành công phong trào thi thợ giỏi ngành may dệt kim và đặc biệt tổ chức thành công Đại hội Công đoàn ngành Dệt May lần thứ VI, nhiệm kỳ 2023-2028; đồng thời các cấp công đoàn tiếp tục là điểm tựa, là nguồn động viên để NLĐ yên tâm lao động, sản xuất, sẵn sàng gắn bó, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Tập đoàn luôn ủng hộ và hỗ trợ điều kiện tốt nhất để Công đoàn thực hiện đầy đủ, hiệu quả vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình.

Cảm ơn sự quan tâm, ủng hộ và tạo điều kiện của Lãnh đạo Tập đoàn trong những năm qua, đồng chí Phạm Thị Thanh Tâm- Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam cho biết, Công đoàn các cấp luôn quan tâm chăm lo đời sống của NLĐ, đồng hành cùng doanh nghiệp tuyên truyền vận động NLĐ gắn bó, đoàn kết, chia sẻ cùng doanh nghiệp vượt qua các giai đoạn khó khăn. Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam chia sẻ, với các phong trào thi đua lao động giỏi, NLĐ các doanh nghiệp, đơn vị tham gia rất nhiệt tình, trách nhiệm, đóng góp hiệu quả vào hoạt động sản xuất kinh doanh; đối với phong trào thi sáng tác ca khúc về ngành Dệt May, ban tổ chức đã nhận được 40 tác phẩm phản ánh sâu sắc hình ảnh của công đoàn và giai cấp công nhân lao động dệt may… Năm 2023 là năm đặc biệt khó khăn, trong thời gian tới, Công đoàn các cấp tiếp tục đẩy mạnh, lan tỏa các phong trào thi đua theo hướng thiết thực, bám sát hoạt động SXKD của doanh nghiệp nhằm khích lệ, động viên tinh thần NLĐ yên tâm lao động sản xuất và tin tưởng vào sự lãnh đạo của người đứng đầu các doanh nghiệp, đơn vị.

III. VĂN BẢN VÀ CHÍNH SÁCH

Kết luận số 57-KL/TW, ngày 15/6/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới

Công văn số 1301- CV/ĐUTĐ, ngày 31/7/2023 về việc triển khai Kết luận số 57-KL/TW

Công văn số 1262-CV/ĐUTĐ, ngày 10/7/2023 v/v triển khai Chương trình phối hợp đẩy mạnh khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2022-2026

Công văn số 1302-CV/ĐUTĐ, ngày 31/7/2023 v/v tuyên truyền và hưởng ứng Giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” lần thứ XVI, năm 2023-2024 và Thể lệ

– Ban Tuyên giáo Đảng ủy Tập đoàn tiếp tục nhận những tác phẩm tham dự Giải Búa liềm vàng Khối DNTW năm 2023 của các tổ chức đảng, đảng viên và người lao động từ các doanh nghiệp, đơn vị. Ban Tuyên giáo Đảng ủy Tập đoàn kính gửi lại Kế hoạch số 1156 KH/ĐUTĐ, ngày 27/4/2023 hưởng ứng Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2023 và Thể lệ Giải Búa liềm vàng Khối DNTW năm 2023.

BAN TUYÊN GIÁO ĐẢNG ỦY TẬP ĐOÀN DỆT MAY VIỆT NAM


Các tin khác