Tài liệu sinh hoạt chi bộ tháng 8/2022


I. CÔNG TÁC XÂY DỰNG ĐẢNG

Hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Trong thời gian 1,5 ngày (21-22/7/2022), tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, các đảng viên được nghe bốn chuyên đề: Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030 và thầm nhìn đến năm 2045; Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới.

Trong đó, chuyên đề về Nghị quyết số 21-NQ/TW nêu quan điểm: Xây dựng tổ chức cơ sở đảng phải gắn với xây dựng hệ thống chính trị. Xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài, liên tục…

Năm 2021, cấp ủy các cấp đã thi hành kỷ luật 223 tổ chức đảng (khiển trách 159 tổ chức; cảnh cáo 64 tổ chức). Một bộ phận đảng viên năng lực, trình độ, trách nhiệm chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; phai nhạt lý tưởng cách mạng, thiếu bản lĩnh chính trị, đấu tranh tự phê bình và phê bình yếu; ý chí phấn đấu giảm sút; chưa gương mẫu, sống thực dụng; suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vi phạm nguyên tắc, kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật. Nhận thức về Đảng, động cơ phấn đấu vào Đảng của không ít ĐV chưa đúng, không trong sáng…

Phân tích về nguyên nhân của hạn chế, yếu kém, đồng chí Trương Thị Mai, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nêu rõ: Nhận thức của một số cấp ủy, một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa sâu sắc, toàn diện về vai trò, vị trí, yêu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên; năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Một số tổ chức cơ sở đảng buông lỏng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, chưa nắm chắc diễn biến tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đảng viên. Từ năm 2016- 2020, có 25.104 đảng viên suy thoái hoặc có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” bị xử lý kỷ luật (0,5% tổng số đảng viên). Công tác phát triển đảng viên ở một số nơi còn hạn chế, nặng về số lượng, chưa quan tâm giáo dục lý tưởng cách mạng và rèn luyện, thử thách đối với quần chúng phấn đấu vào Đảng…

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nêu quan điểm trong Nghị quyết 21 đó là: Tổ chức cơ sở đảng là nền tảng của Đảng, hạt nhân chính trị, cầu nối giữa Ðảng với nhân dân, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng ở cơ sở. Xây dựng tổ chức cơ sở đảng phải gắn với xây dựng hệ thống chính trị. Xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài, liên tục, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng phải gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; đổi mới phương thức lãnh đạo; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng.

Đội ngũ đảng viên là nhân tố quyết định năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Tạo môi trường để đảng viên rèn luyện, phấn đấu, tự ý thức học tập, rèn luyện nhân cách, đạo đức, phong cách, không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, tiên phong, gương mẫu, thực hiện nghiêm các nguyên tắc của Đảng và lời thề khi vào Đảng; tăng cường mối quan hệ mật thiết với nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân. Coi trọng chất lượng phát triển đảng viên. Thường xuyên rà soát, sàng lọc, kiên quyết đưa đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng.

Mục tiêu tổng quát trong Nghị quyết 21 là tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Xây dựng đội ngũ cấp ủy viên, nhất là bí thư cấp ủy đủ phẩm chất, năng lực, uy tín lãnh đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của tổ chức cơ sở đảng. Nâng cao chất lượng phát triển đảng viên đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.

Nghị quyết nhấn mạnh củng cố, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, trong đó đổi mới, hoàn thiện tổ chức các loại hình tổ chức cơ sở đảng; kiện toàn tổ chức cơ sở đảng đồng bộ với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Nghiên cứu, xây dựng mô hình tổ chức cơ sở đảng đặc thù. Triển khai thực hiện hiệu quả mô hình “chi bộ bốn tốt”, “đảng bộ cơ sở bốn tốt”. Tổng kết các mô hình thí điểm.

Về một số nhiệm vụ trọng tâm triển khai Nghị quyết 21, đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh nghiên cứu, cụ thể hóa nghị quyết phù hợp với điều kiện thực tiễn của đơn vị, gắn với thực hiện Kết luận 21 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tổng kết thực tiễn; đẩy mạnh củng cố, sắp xếp tổ chức cơ sở đảng đồng bộ với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và công tác cán bộ. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng ở cơ sở. Nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ. Nâng cao chất lượng phát triển đảng viên. Tập trung chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quản lý đảng viên; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên không chấp hành nghiêm quy định của Đảng.

Nâng cao năng lực hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước

Ngày 12/7, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương về lãnh đạo, chỉ đạo công tác cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, khu vực DNNN là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, an sinh xã hội, thực hiện các nhiệm vụ chính trị do Đảng và Nhà nước giao, thể hiện vai trò nòng cốt trong một số ngành, lĩnh vực và tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước, góp phần dẫn dắt, tạo điều kiện cho khu vực kinh tế ngoài nhà nước phát triển.

Trong giai đoạn nước ta chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 vừa qua, vai trò của khu vực DNNN đã được phát huy và thể hiện rất rõ nét, tích cực triển khai và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và tham gia phòng, chống dịch. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của khu vực DNNN vẫn còn chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ.

Những kết quả chung của cả nước đạt được thời gian qua có sự đóng góp quan trọng của các DNNN và Đảng ủy Khối. Thủ tướng đánh giá cao sự chủ động, trách nhiệm và phối hợp chặt chẽ của Đảng ủy Khối với các cơ quan của Chính phủ, nổi bật là trong xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, từng bước nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ, ý chí phấn đấu của tổ chức đảng, cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt.

Thủ tướng nêu rõ, vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, sản xuất kinh doanh, quản lý cán bộ có nơi, có lúc còn mờ nhạt, kết quả chưa cao.

Vai trò dẫn dắt, tạo động lực, mở đường, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác chưa được phát huy rõ nét. Năng lực đổi mới sáng tạo còn hạn chế, đặc biệt trong các ngành có khả năng dẫn dắt chuyển đổi cơ cấu kinh tế.

Hiệu quả hoạt động của khu vực DNNN chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ. Các DNNN chưa liên kết chặt chẽ với nhau, chưa tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp tư nhân, trong đó có các doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị.

Công tác cổ phần hóa, thoái vốn còn chậm so với tiến độ đề ra. Công tác đổi mới quản trị doanh nghiệp chưa xứng tầm, chưa theo kịp yêu cầu của thị trường. Chế độ đãi ngộ và xử lý trách nhiệm người quản lý doanh nghiệp chưa tạo được động lực gắn với trách nhiệm theo cơ chế thị trường.

Thủ tướng nêu rõ mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu cơ bản hoàn thành việc sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu khối DNNN; xử lý cơ bản xong những yếu kém, thất thoát, những dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, DNNN. Vừa phải nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, vừa khắc phục, xử lý các công việc, nhiệm vụ tồn đọng, vừa giải quyết các vấn đề đột xuất, phát sinh, Thủ tướng phát biểu.

Thủ tướng nhấn mạnh, trong bất cứ hoàn cảnh nào, các DNNN cũng phải góp phần quan trọng xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách hiện nay là ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, trong đó, thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, an toàn, thận trọng, chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, bảo đảm hiệu quả, quản lý chặt chẽ giá cả, thị trường; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Thủ tướng yêu cầu cần thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quản lý, sản xuất, kinh doanh, tăng cường kiểm tra giám sát; thực hiện nghiêm các nguyên tắc lãnh đạo của Đảng để thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao; đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, góp phần giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong Đảng.

Thủ tướng đề nghị các cấp ủy, tổ chức Đảng trong khối DNNN và Đảng ủy Khối cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách. Tiếp tục cơ cấu lại DNNN, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, thực chất, hiệu quả. Tăng cường đầu tư, nâng cao năng lực của DNNN về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật sản xuất hiện đại, sử dụng tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường để nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, phù hợp tình hình và điều kiện mới, ngang tầm nguồn lực đang nắm giữ. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tham gia tích cực, hiệu quả vào phát triển bền vững, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, thích ứng biến đổi khí hậu.

Các cấp ủy, tổ chức Đảng phối hợp chặt chẽ dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Khối, cùng với Chính phủ và các cơ quan để giao các nhiệm vụ cụ thể cho các DNNN, cùng cơ chế, chính sách, nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực cán bộ thực thi, trong tổng thể nhiệm vụ đẩy mạnh sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và tiếp tục xử lý các doanh nghiệp, dự án yếu kém, thua lỗ, kéo dài.

II. TIẾN TRÌNH XÂY DỰNG TẦM NHÌN VÀ SỨ MỆNH VINATEX

Vinatex sơ kết công tác Đảng và SXKD 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022

Chiều 22/7, Đảng ủy Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành mở rộng nhằm sơ kết công tác Đảng và sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2022. Hội nghị tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tại 30 điểm cầu.

Báo cáo về công tác xây dựng Đảng nêu rõ, 6 tháng đầu năm 2022, Đảng ủy Vinatex ban hành 10 hướng dẫn, 03 chương trình hành động của tập thể và cá nhân, 16 công văn chỉ đạo, 01 kế hoạch, 01 chỉ thị, 04 quyết định nhằm quán triệt, triển khai, thực hiện các nghị quyết, quyết định, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đến các đảng bộ, chi bộ trực thuộc; Kiện toàn các Ban Chỉ đạo (BCĐ): BCĐ 35, BCĐ thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, BCĐ thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Đặc biệt, những tháng đầu năm, khi số ca mắc Covid-19 tăng cao kỷ lục, BTV Đảng ủy Tập đoàn khẩn trương phối hợp với HĐQT chỉ đạo Cơ quan điều hành về các giải pháp ổn định sản xuất kinh doanh, tăng cường phòng, chống dịch, đẩy mạnh chăm lo, hỗ trợ người lao động bị mắc Covid-19…

Đảng ủy chỉ đạo các Ban chức năng triển khai Kế hoạch số 50-KH/ĐUK, ngày 31/05/2022 của Đảng ủy Khối DNTW về việc thực hiện Quy định số 60-QĐ/TW, ngày 08/3/2022 của Ban Bí thư về tổ chức đảng trong các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước. Thống nhất về lựa chọn mô hình tổ chức Đảng của Đảng bộ Tập đoàn là “Đảng bộ Công ty mẹ Tập đoàn”; rà soát tiếp nhận và đưa ra khỏi Đảng bộ Tập đoàn các cơ sở đảng trực thuộc; Thành lập “Tổ xây dựng đề án thành lập Đảng bộ công ty mẹ Tập đoàn” (theo Nội dung Nghị quyết số 22-NQ/ĐUTĐ, ngày 03/06/2022 của Đảng ủy Vinatex).

Trong công tác tổ chức, cán bộ, Đảng ủy Vinatex hoàn tất thủ tục, hồ sơ rà soát, bổ sung quy hoạch cấp ủy Đảng bộ Tập đoàn nhiệm kỳ 2020-2025; xây dựng quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2025-2030; kết nạp 29 đảng viên mới và công nhận đảng viên chính thức cho 16 đảng viên dự bị; cử 48 học viên học lớp sơ cấp chính trị; tổ chức khóa bồi dưỡng nhận thức về đảng cho 84 quần chúng ưu tú; lớp bồi dưỡng đảng viên mới cho 32 đảng viên.

Thực hiện công tác an sinh xã hội, Đảng ủy Tập đoàn chỉ đạo Công đoàn Dệt May Việt Nam thực hiện nhiều hoạt động thiết thực: ủng hộ các quỹ vì người nghèo, quỹ nạn nhân chất độc hóa học, quỹ khuyến học; tặng học bổng cho trẻ em nghèo vượt khó; thăm hỏi, tặng quà các bệnh nhân ung thư. Tổng số tiền chi cho công tác từ thiện xã hội trong toàn hệ thống Công đoàn Dệt May Việt Nam 06 tháng đầu năm 2022 là 3,25 tỷ đồng.

Trong 6 tháng cuối năm 2022, Đảng ủy tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả việc Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đưa việc học tập và làm theo Người trở thành công việc thường xuyên, thiết thực gắn việc thực hiện văn hóa doanh nghiệp và các phong trào thi đua, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh; xây dựng nếp sống văn hóa tại doanh nghiệp, đơn vị. Tăng cường công tác giáo dục đảng viên về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…

Về kết quả sản xuất kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp trong Tập đoàn đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo đó, doanh thu hợp nhất của Vinatex đạt 10.295 tỷ đồng, bằng 138,1% so với cùng kỳ, đạt 57% kế hoạch năm. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 980 tỷ đồng, bằng 155,6% cùng kỳ, đạt 103% kế hoạch năm. Đây cũng là năm tiếp theo các doanh nghiệp Vinatex có vốn chi phí đóng góp 68,4% vào lợi nhuận, còn lại 31,6% đến từ các doanh nghiệp liên kết của Vinatex. Nếu so với lợi nhuận 6 tháng năm 2021, các doanh nghiệp Vinatex có vốn chi phối đóng góp 55,6% thì bước sang 6 tháng đầu năm 2022 con số này đã có sự tăng trưởng 12,8%.

Trong những tháng cuối năm 2022, trước những dự báo xấu về thị trường do: kinh tế thế giới đình trệ- lạm phát; lãi suất tăng mạnh; hàng tồn kho cao, sức mua thấp, dòng tiền hạn chế…, Vinatex đề ra nhiều giải pháp trọng tâm, trong đó tập trung giữ ổn định hệ thống sản xuất, việc làm trong điều kiện đơn hàng biến động; Linh hoạt trong điều hành sản xuất, duy trì và ổn định chất lượng sản phẩm; Xây dựng kế hoạch đầu tư đáp ứng mô hình kinh tế tuần hoàn trong doanh nghiệp dệt may.

Về hoạt động SXKD, tiếp tục giữ vững kết quả 6 tháng đầu năm đối với ngành Sợi, tăng cường các đơn hàng của ngành May, tập trung chủ lực vào quý 4 – thời điểm cao điểm trong sản xuất đối với ngành May. Ngành Dệt vải tiếp tục tổ chức theo hướng quy củ, có định hướng và mục tiêu rõ ràng, đồng thời liên kết với ngành May trong chuỗi để tạo ra lợi thế từ các hiệp định tự do thương mại đã ký kết. Đặc biệt, Vinatex đẩy mạnh hoạt động của các ban sản xuất kinh doanh đồng hành cùng DN trong việc đưa ra các giải pháp cải thiện kết quả SXKD. Chú trọng đánh giá khả năng hoàn thành kết hoạch năm 2022 với các kịch bản thị trường tốt, trung bình hoặc xấu. Mục tiêu hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh theo kế hoạch của đại hội đồng cổ đông.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Lê Tiến Trường- Ủy viên BCH Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vinatex đánh giá: Đảng bộ Vinatex đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ xây dựng Đảng; duy trì sinh hoạt định kỳ, tổ chức được 4 buổi sinh hoạt chuyên đề; hoàn thành các đề án quan trọng như đề án tổ chức Đảng bộ Tập đoàn, quy hoạch và bổ sung quy hoạch các nhiệm kỳ; lãnh đạo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị; chỉ đạo Đại hội Đoàn Thanh niên Tập đoàn nhiệm kỳ IV thành công tốt đẹp; hình thành nhiều trụ cột vững chắc trong Đảng bộ Tập đoàn.

Chủ tịch HĐQT Vinatex nhận định tình hình 6 tháng cuối năm còn nhiều khó khăn do: kinh tế thế giới đình – lạm; hàng tồn kho cao, sức mua thấp, dòng tiền hạn chế; chỉ số giá nguyên liệu nhập khẩu tăng 11,2%, giá trị sản xuất công nghiệp chỉ tăng 4,5%, biên lợi nhuận của DN sản xuất bào mòn đáng kể; nguy cơ giãn, hoãn, hủy đơn hàng dù đã ký kết; lãi suất tăng mạnh, áp lực lên các đơn vị dùng nhiều vốn…

Bên cạnh những biến động của thị trường, đồng chí Lê Tiến Trường cũng chỉ ra những cơ hội trong 6 tháng cuối năm như: Trung Quốc sớm có hành động mới để phục hồi tăng trưởng khi vẫn duy trì mục tiêu 5,5% tăng trưởng thì 6 tháng cuối năm cần tăng trên 7,5%; khả năng sẽ mở lại sản xuất trong quý 3, tạo cầu tăng đột biến về sợi; bông sẽ trở về giá hợp lý; tỷ giá thay đổi theo hướng có lợi hơn cho DN may xuất khẩu; truy vết nguồn gốc sản phẩm là lợi thế của hàng Việt Nam…

Đồng chí Lê Tiến Trường đề nghị, trong những tháng cuối năm, cán bộ đảng viên, người lao động Vinatex cần thực hiện đầy đủ, chất lượng các hoạt động xây dựng Đảng theo yêu cầu của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp TW và Đảng ủy Tập đoàn; Thực hiện đề án tổ chức Đảng bộ Tập đoàn sau khi được phê duyệt; Tập trung phát triển đảng viên mới, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kết nạp đảng viên năm 2022; tập trung lãnh đạo công tác tác chính trị tư tưởng, giữ ổn định hệ thống sản xuất, việc làm trong điều kiện đơn hàng biến động; nỗ lực bảo toàn kết cấu khách hàng, lao động và hiệu quả 6 tháng đầu năm; xây dựng kế hoạch đầu tư đáp ứng mô hình kinh tế tuần hoàn trong DN dệt may; duy trì và tiếp tục cải thiện Z Score tại các doanh nghiệp thông qua liên kết giảm rủi ro…

Triển lãm Quốc tế ngành công nghiệp Dệt May-Thiết bị & Nguyên phụ liệu 2022

Từ ngày 27 – 30/7/2022, Triển lãm Quốc tế ngành công nghiệp Dệt May – Thiết bị và Nguyên phụ liệu 2022 (SaigonTex & SaigonFabric 2022) được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh.

Triển lãm là sự kiện quốc tế lớn nhất và có ưu thế nhất về ngành dệt may được tổ chức lại kể từ năm 2019. Triển lãm do Tập đoàn Dệt May Việt Nam (VINATEX), Công ty Triển lãm CP (Hồng Kông), Công ty TNHH Triển lãm CP Việt Nam phối hợp tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ Công Thương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP. HCM (VCCI HCM), Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) và Hội Dệt May Thêu Đan TP. HCM (AGTEK). Đây là sự kiện thường niên được tổ chức tại Việt Nam, quy tụ nhiều doanh nghiệp trong nước và quốc tế, đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ có nền công nghiệp dệt may phát triển.

Triển lãm được tổ chức tại Trung tâm Triển lãm Sài Gòn (SECC) – 799 Nguyễn Văn Linh, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh với sự tham gia của 278 đơn vị đến từ 16 quốc gia & vùng lãnh thổ trên thế giới gồm: Trung Quốc, Đức, Hồng Kông, Ấn Độ, Indonesia, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Pakistan, Singapore, Đài Loan, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Vương quốc Anh, USA và Việt Nam. Các doanh nghiệp tham gia triển lãm sẽ giới thiệu các thiết bị và nguyên phụ liệu với công nghệ tiên tiến nhất thế giới hiện nay cho thị trường dệt may tại Việt Nam.

Trong khuôn khổ triển lãm, các Hội thảo do Vinatex, Vitas, Agtex, Cục phòng vệ Thương mại – Bộ Công thương tổ chức, dưới sự tài trợ của Hiệp hội Bông Quốc tế Mỹ – CCI, với sự tham gia của các diễn giả giàu kinh nghiệm, tập trung thông tin vào các chủ đề được đông đảo doanh nghiệp dệt may quan tâm như: “Đánh giá tác động của chính sách kiểm soát phát thải khí carbon trên thế giới đến sản xuất và kinh doanh hàng dệt may”; “Giải pháp chuyển đổi số cho thách thức về nguồn nhân lực ngành dệt may”; “Truy xuất nguồn gốc nguyên liệu trước tác động của tình hình địa chính trị mới”; “Các biện pháp phòng vệ thương mại dệt may – da giày trong hiệp định thương mại tự do”; “Kết nối cung – cầu chuỗi cung ứng dệt may Việt Nam sau dịch bình thường mới & phát triển thương hiệu các nguyên phụ liệu dệt may”.

Trong đó, Tập đoàn Dệt May Việt Nam chủ trì Hội thảo với chủ đề “Đánh giá tác động của Chính sách kiểm soát phát thải khí các-bon trên thế giới đến sản xuất và kinh doanh hàng dệt may”. Tại Hội thảo, đại biểu được nghe các nội dung về chính sách của Việt Nam liên quan đến tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn và giảm phát thải khí các-bon; Chính sách của EU, Mỹ và một số quốc gia khác đối với việc giảm phát thải các-bon liên quan đến hàng dệt may; Hướng dẫn tính toán kiểm kê khí nhà kính đối với hàng dệt may… do các chuyên gia đến từ Bộ Công thương và Tập đoàn Dệt May Việt Nam trình bày.

III. VĂN BẢN VÀ CHÍNH SÁCH

Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022, “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”; Nghị quyết số 19-NQ/TWngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; Nghị quyết số 21-NQ/TWngày 16/6/2022 về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới.

Kế hoạch số 51-KH/ĐUK học tập chuyên đề năm 2022

Ngày 07/6/2022, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã ban hành Kế hoạch số 51-KH/ĐUK về học tập Chuyên đề năm 2022: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên tiên phong, gương mẫu, có đạo đức cách mạng trong sáng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ”.

Kế hoạch tổ chức Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2022

Hưởng ứng Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng – Giải Búa liềm vàng lần thứ VII, năm 2022 (theo Kế hoạch số 59-KH/BTCTW, ngày 28/02/2022 của Ban Tổ chức Trung ương), Ban Thường vụ Đảng ủy Khối ban hành Kế hoạch số 49-KH/ĐUK ngày 27/5/2022 về tổ chức Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2022và Thể lệ Giải Búa liềm vàng.

BAN TUYÊN GIÁO – TRUYỀN THÔNG VINATEX


Các tin khác