Tài liệu sinh hoạt chi bộ tháng 11/2023


I. CÔNG TÁC XÂY DỰNG ĐẢNG

Đấu tranh, phản bác luận điệu sai trái về việc lấy phiếu tín nhiệm trong công tác cán bộ của Đảng

Đầu năm 2023, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 96-QĐ/TW về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Quy định này không chỉ có ý nghĩa tham khảo, góp phần vào đánh giá cán bộ mà kết quả có giá trị trực tiếp vào công tác đánh giá, bố trí, điều động và thực hiện chính sách đối với cán bộ. Đồng thời, đây cũng là cơ sở trực tiếp cho quá trình chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ tới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc… huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”. Do đó, công tác cán bộ luôn có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, từ khâu phát hiện, tuyển chọn, bố trí, phân công, phân cấp quản lý cán bộ; đánh giá cán bộ, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng; bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, điều động, luân chuyển, miễn nhiệm; khen thưởng, kỷ luật; kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo và thực hiện chính sách đối với cán bộ. Những vi phạm trong công tác cán bộ của cấp ủy, tổ chức đảng, chi bộ và cán bộ, đảng viên rất đa dạng, phức tạp, với phạm vi, tính chất, quy mô, mức độ khác nhau ở từng cấp, từng loại hình tổ chức đảng. Xuất phát từ vị trí “then chốt của then chốt”, công tác cán bộ ngày càng được coi trọng hơn, đúng mức hơn với vị trí, vai trò, có nhiều cách làm, quy định mới, hiệu quả cao hơn, gắn kết chặt chẽ với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi và xử lý nghiêm minh những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, bất kể người đó là ai; không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư là một trong những nội dung đổi mới rất quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng ta, bắt đầu được tiến hành từ nhiệm kỳ khóa XI đến nay. Mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm là để thực hiện tốt hơn các chủ trương, nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng có đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ; giúp các đồng chí được lấy phiếu tín nhiệm “tự soi”, “tự sửa”, tiếp tục phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống và không ngừng nâng cao trách nhiệm nêu gương, trình độ, năng lực công tác để hoàn thiện bản thân, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng. Việc lấy phiếu tín nhiệm đã đánh giá đúng phẩm chất, năng lực, kết quả cụ thể thực hiện chức trách được giao và uy tín của người được lấy phiếu tín nhiệm bảo đảm tính dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch theo đúng Quy định số 96-QĐ/TW và Kế hoạch số 16-KH/TW của Bộ Chính trị, đồng thời là sự cụ thể hóa nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình của Đảng.

Trong công cuộc đổi mới hiện nay, Đảng ta chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhưng điều này không có nghĩa là sẽ dẫn đến đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập trên thực tế không chỉ phụ thuộc vào kinh tế, mà còn phụ thuộc vào một loạt các yếu tố khác như tương quan so sánh lực lượng giai cấp, vị thế, vai trò của đảng cầm quyền, hoàn cảnh lịch sử cụ thể, truyền thống lịch sử… Chế độ một đảng hay đa đảng không phải là dấu hiệu của dân chủ hay không dân chủ. Trước những luận điệu phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng từ các thế lực phản động, thù địch, chúng ta đấu tranh bác bỏ bằng những luận cứ thật sự khoa học để làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” của chúng; đồng thời, để không phụ lòng của Nhân dân đã trao trọn, gửi gắm niềm tin vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam. Việc đấu tranh bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch trước hết phải xuất phát từ luận điểm khách quan, khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò lãnh đạo của chính đảng vô sản trong tiến trình cách mạng.

“Cả nước đồng lòng, tranh thủ mọi thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”

Cuốn sách “Cả nước đồng lòng, tranh thủ mọi thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng do Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì, phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức biên soạn, xuất bản. Cuốn sách được hoàn thành và ra mắt bạn đọc vào thời điểm diễn ra những hoạt động đối ngoại quan trọng của Đảng và Nhà nước, được dư luận trong nước và quốc tế rất quan tâm, cũng như Đảng ta vừa tổ chức thành công Hội nghị Trung ương 8 khoá XIII, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.

Cuốn sách có dung lượng hơn 500 trang, tuyển chọn 40 bài viết, bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thể hiện những tư tưởng, quan điểm và định hướng quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược và toàn diện của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư, nhằm triển khai và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị của đất nước nói chung, cũng như của các lĩnh vực, các khu vực và các địa phương nói riêng.

Các bài viết, bài phát biểu cho thấy tinh thần trách nhiệm, những tư tưởng sâu sắc và cái nhìn rất sâu sát thực tiễn của người đứng đầu Đảng ta đối với từng ngành, từng vùng, đồng thời thể hiện quyết tâm khơi dậy khát vọng phát triển, sức mạnh đoàn kết của cả nước nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, không ngừng cải thiện đời sống mọi mặt cho nhân dân, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Các bài viết, bài phát biểu của Tổng Bí thư cũng cho thấy sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết nhất trí, quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã tạo được sự lan tỏa và hưởng ứng rộng khắp, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Nhờ đó, đường lối, chủ trương của Đảng nhanh chóng được cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch hành động của các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị, địa phương, được khẩn trương quán triệt trong thực tiễn, mang lại hiệu quả tích cực và thiết thực. Đồng thời, các bài viết cũng chỉ ra một số hạn chế, khuyết điểm cần phải kiên quyết khắc phục, một số khó khăn, thách thức cần phải nỗ lực vượt qua, nhằm xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, nâng cao vị thế, uy tín đất nước trên trường quốc tế.

Cuốn sách có ý nghĩa đặc biệt to lớn, đó là cẩm nang với những định hướng chiến lược, những chỉ đạo hoạt động thực tiễn sâu sát, những gợi mở quan trọng để các cấp, ngành, địa phương, các lực lượng, cơ quan, đơn vị, tổ chức và từng cấp ủy, cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân quán triệt, nâng cao nhận thức và quyết tâm hành động với tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, cả nước chung sức đồng lòng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tạo thế và lực mới cho sự phát triển đất nước nhanh, và bền vững.

Cuốn sách sẽ góp phần quan trọng tạo niềm tin mới, khí thế mới, động lực mới, là niềm khích lệ, cổ vũ, động viên to lớn đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục đoàn kết, phấn đấu với quyết tâm và nỗ lực cao hơn nữa, tranh thủ mọi thời cơ, thuận lợi, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

II. TIẾN TRÌNH XÂY DỰNG TẦM NHÌN VÀ SỨ MỆNH VINATEX

Đảng ủy Vinatex sơ kết hoạt động công tác Đảng 9 tháng năm 2023

Ngày 13/10, Đảng bộ Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) tổ chức Hội nghị Ban chấp hành nhằm sơ kết hoạt động công tác đảng 9 tháng năm 2023; công bố quyết định chỉ định bổ sung Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ và bầu bổ sung Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy nhiệm kỳ 2020-2025.

Từ đầu năm đến nay, Đảng ủy Tập đoàn đã ban hành 09 nghị quyết; cùng nhiều văn bản chỉ đạo khác cụ thể hóa các nội dung chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Đảng ủy Khối để lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng và thực hiện nhiệm vụ chính trị các đảng bộ, chi bộ trực thuộc; phối hợp với Hội đồng quản trị chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho Cơ quan điều hành các đơn vị thuộc Tập đoàn triển khai thực hiện nhiệm vụ SXKD theo kế hoạch Tập đoàn giao và Nghị quyết Đại hội cổ đông của các đơn vị.

Công tác chính trị, tư tưởng tiếp tục được triển khai, thực hiện nghiêm túc hiệu quả đến các đảng bộ, chi bộ trực thuộc. Các đảng bộ, chi bộ trực thuộc đã kịp thời xây dựng, ban hành các chương trình, kế hoạch công tác chính trị, tư tưởng theo hướng đổi mới nội dung, phương thức triển khai, thực hiện. Đảng ủy Tập đoàn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức đảng trong công tác thông tin, tuyên truyền.

Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, Hội đồng quản trị, sự nỗ lực, quyết tâm cao của Cơ quan điều hành và sự phối hợp hiệu quả với các đơn vị thành viên, Tập đoàn vẫn đảm bảo công tác SXKD diễn ra thông suốt, ổn định việc làm, chăm lo đời sống, duy trì các chế độ chính sách cho người lao động và hoàn thành trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng. Thu nhập của người lao động có giảm nhẹ so với thực hiện cùng kỳ năm trước và so với kế hoạch. Thu nhập bình quân 9 tháng năm 2023 của Tập đoàn là 9,32 triệu đồng/người/tháng (bằng 98,37% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 93,6% so với kế hoạch).

Căn cứ quyết định của Đảng ủy Khối DNTW chỉ định bổ sung Ủy viên BCH Đảng bộ Tập đoàn và văn bản cho ý kiến đối với nhân sự được giới thiệu bổ sung Ủy viên UBKT và Phó Chủ nhiệm UBKT Đảng ủy Tập đoàn nhiệm kỳ 2020-2025, Hội nghị đã tiến hành công bố các Quyết định của Đảng ủy Khối DNTW và triển khai bầu 02 Ủy viên UBKT Đảng ủy Tập đoàn nhiệm kỳ 2020-2025.

Bí thư Đảng ủy Vinatex Lê Tiến Trường cho biết, sau khi trải qua quy trình 5 bước và được sự chuẩn y của Đảng ủy Khối DNTW, đồng chí Ngô Cao Kỳ – Bí thư Đoàn thanh niên Vinatex, đồng chí Nguyễn Diệp Linh – Phó trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy, đồng chí Đoàn Thị Thu Hương – chuyên viên Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy đã được chỉ định vào Ban chấp hành Đảng bộ Tập đoàn. Sau khi bầu bổ sung 3 đồng chí, Ban chấp hành Đảng bộ Tập đoàn sẽ có 26 đồng chí (đề án Đại hội Đảng bộ Tập đoàn nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra là 27 đồng chí). Tại Hội nghị Ban chấp hành quý II/2023, Ban chấp hành Đảng bộ Tập đoàn đã đồng ý bầu bổ sung 02 đồng chí vào Ủy viên Ủy ban Kiểm tra nhiệm kỳ 2020-2025 và nâng số thành viên Ủy ban Kiểm tra lên 6 đồng chí (đề án Đại hội Đảng bộ Tập đoàn nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra là 7 đồng chí).

Tại Hội nghị, Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn đã bỏ phiếu bầu bổ sung đồng chí Nguyễn Diệp Linh – Phó trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy, đồng chí Đoàn Thị Thu Hương – chuyên viên Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy vào Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Đảng bộ Tập đoàn với kết quả tín nhiệm cao.

Ngay sau đó, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Tập đoàn tiến hành Hội nghị bầu bổ sung chức danh Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng uỷ Tập đoàn. Đồng chí Đoàn Thị Thu Hương, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Tập đoàn được bầu giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng uỷ Tập đoàn.

Đại hội Công đoàn Dệt May Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2023 – 2028 thành công tốt đẹp

Trong 2 ngày (12-13/10), tại Hà Nội, Đại hội đại biểu Công đoàn Dệt May Việt Nam (Công đoàn DMVN) lần thứ VI, nhiệm kỳ 2023 – 2028 diễn ra với sự tham gia của 317 đại biểu chính thức – đại diện cho ý chí, tiếng nói của hơn 116 nghìn đoàn viên công đoàn, công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) tại 116 công đoàn cơ sở trên cả nước.

Nhiệm kỳ 2018 – 2023 là một nhiệm kỳ trải qua nhiều thời khắc “lịch sử” chưa từng có trong tiền lệ, từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung; đại dịch Covid-19 toàn cầu dẫn tới giãn cách, đóng cửa nhà máy; tình trạng thị trường bùng nổ và quá mua năm 2022 dẫn đến suy giảm và thiếu đơn hàng trầm trọng vào năm 2023… Trong bối cảnh ấy, các doanh nghiệp và tổ chức Công đoàn các cấp đã có những kinh nghiệm, sự trưởng thành, sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) và phong trào công nhân lao động. Một nhiệm kỳ với những khó khăn, thách thức nhưng ngành dệt may vẫn có sự tăng trưởng, mối quan hệ giữa doanh nghiệp – công đoàn và người lao động (NLĐ) trở nên gắn bó sâu sắc để cùng nhau vượt qua những sóng gió.

Dù điều kiện khó khăn, trở ngại nhưng doanh nghiệp vẫn đảm bảo duy trì những hoạt động cốt lõi của phong trào công nhân đó là thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể; đối thoại định kỳ giữa người sử dụng lao động và NLĐ; hoạt động quản lý và cải thiện môi trường làm việc; các hoạt động chăm sóc đời sống vật chất – tinh thần hàng ngày; tổ chức Tết sum vầy hàng năm với quy mô càng lớn, độ phủ cho NLĐ ngày càng rộng; tổ chức thi thợ giỏi toàn ngành cùng các phong trào thi đua thường xuyên tại cơ sở; hoạt động truyền thông đa dạng, nhiều cơ hội tiếp cận cho NLĐ; hoạt động đào tào tay nghề và văn hóa doanh nghiệp cho NLĐ diễn ra liên tục trong cả nhiệm kỳ.

Với những hoạt động thực chất, đem lại quyền lợi thiết thực cho đoàn viên, sức hấp dẫn của Công đoàn DMVN với các doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, các doanh nghiệp mới được thành lập đều tập trung đăng ký cho tổ chức công đoàn cơ sở sinh hoạt với Công đoàn DMVN; công tác phát triển đoàn viên mới thu được kết quả tích cực. Vì vậy, trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp, áp dụng tự động hóa và cả thiếu hụt đơn hàng nhưng số lượng đoàn viên, CNVCLĐ của Công đoàn DMVN vẫn được duy trì.

Phát biểu tại Đại hội, đồng chí Lê Tiến Trường – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đặt ra nhiệm vụ cho Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Công đoàn DMVN khóa VI, nhiệm kỳ 2023 – 2028, đó là: Công đoàn cần đổi mới phương thức hoạt động, giảm hội họp, tăng sinh hoạt trực tuyến, lắng nghe ý kiến từ cơ sở thông qua các kênh truyền thông hiện đại, tổ chức đối thoại với người lao động ở nhiều cấp độ, kể cả ở công đoàn ngành; đào tạo đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là cán bộ tại cơ quan văn phòng Công đoàn thật tinh nhuệ, gắn bó với cơ sở, được nuôi dưỡng trong phong trào công nhân, sẵn sàng luân chuyển về cơ sở khó khăn để gây dựng phong trào một cách thực chất… Nhiệm kỳ mới cũng là giai đoạn thị trường có nhiều thay đổi về hành vi tiêu dùng, việc khuyến khích sử dụng sản phẩm tuần hoàn, chế tài bằng thuế phí với các sản phẩm thông thường cũng sẽ là áp lực làm giảm số lượng sản phẩm, đồng thời đòi hỏi sản phẩm chất lượng cao, khó sản xuất hơn. Sự thay đổi đó gây áp lực trực tiếp lên NLĐ trong ngành phải liên tục học tập, nâng cao tay nghề. Tự động hóa, CMCN 4.0 cũng làm giảm đi mức độ thâm dụng lao động, cơ hội việc làm mới có nhiều nhưng với nội hàm chất lượng khác đi sẽ là những nội dung cả hệ thống chúng ta phải nỗ lực vượt qua…

Đại hội đã tập trung thảo luận, phân tích việc thực hiện nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ; thúc đẩy hiệu quả các phong trào thi đua; xây dựng, bồi đắp văn hóa dệt may; nâng cao chất lượng đội ngũ, năng lực thích ứng; đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành và tổ chức công đoàn trong giai đoạn mới.

Bước vào nhiệm kỳ 2023 – 2028, Công đoàn DMVN đặt ra chương trình trọng tâm tập trung triển khai 3 khâu đột phá: (1) Cải thiện chất lượng cán bộ, đoàn viên, NLĐ, nâng cao năng lực thích ứng; (2)  Tăng cường đối thoại, thương lượng, mang lại lợi ích thiết thực cho NLĐ; (3) Chuyển đổi số trong hoạt động công đoàn.

Để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm kỳ, Công đoàn xây dựng và triển khai đồng bộ 5 chương trình trọng tâm: Thúc đẩy cải thiện điều kiện làm việc, tăng cường chăm lo lợi ích thiết thực cho NLĐ; nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực thích ứng cho cán bộ, đoàn viên, người lao động; đồng hành cùng lao động nữ trong phát huy năng lực bản thân và xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong hoạt động công đoàn.

Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Công đoàn DMVN khóa VI, nhiệm kỳ 2023 – 2028 với 37 đồng chí. Tại Hội nghị BCH lần thứ nhất đã bầu ra 12 đồng chí vào Ban Thường vụ Công đoàn DMVN khóa VI, tiếp tục tín nhiệm bầu đồng chí Phạm Thị Thanh Tâm tái đắc cử Chủ tịch Công đoàn DMVN khóa VI. Hội nghị cũng bầu 9 đồng chí vào Ủy ban Kiểm tra, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hằng tiếp tục giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Công đoàn DMVN nhiệm kỳ 2023 – 2028.

Nhiều doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam được vinh danh Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động năm 2023

Ngày 29/10, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Lễ vinh danh Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động năm 2023. Trong 64 doanh nghiệp được vinh danh và tặng Bằng khen có 12 doanh nghiệp dệt may trong đó 10 doanh nghiệp thuộc hệ thống của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex).

Trong bối cảnh hầu hết các doanh nghiệp đang phải vật lộn, chống đỡ với muôn vàn khó khăn, đáng mừng là phần lớn các doanh nghiệp vẫn tìm mọi cách để duy trì việc làm, đảm bảo thu nhập, không ngừng nâng cao đời sống của người lao động. Các doanh nghiệp được vinh danh hôm nay là những doanh nghiệp điển hình trong các doanh nghiệp đáng biểu dương đó. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm thêm nguồn công việc, thị trường ngoài những công việc, thị trường truyền thống; đã đào tạo, đào tạo lại cho người lao động để họ có kiến thức, kỹ năng đáp ứng được yêu cầu mới về công việc. Đây là sự cố gắng rất đáng trân trọng trong bối cảnh doanh nghiệp còn đang gặp quá nhiều những khó khăn, số lượng đơn hàng giảm sút giảm, một bộ phận người lao động bị mất việc, giãn việc làm, nhiều doanh nghiệp phải giải thể, phá sản…

Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cùng lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã trao Bằng khen cho 64 doanh nghiệp tiêu biểu. Trong đó có 12 doanh nghiệp dệt may với 10 doanh nghiệp thuộc hệ thống Vinatex.

08 doanh nghiệp được trao Kỷ niệm chương và Chứng nhận Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động 2023 là: Tổng Công ty CP Dệt May Hòa Thọ; Tổng Công ty CP Phong Phú; Tổng Công ty Đức Giang – CTCP; Tổng Công ty May 10 – CTCP;  Tổng Công ty Việt Thắng – CTCP; Công ty CP Quốc tế Phong Phú; Tổng Công ty May Hưng Yên – CTCP; Công ty CP Tiên Hưng.

 02 doanh nghiệp được nhận Bằng khen của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: Công ty CP Dệt May Huế; Tổng Công ty May Nhà Bè – CTCP.

HTU khai giảng năm học 2023-2024 và đón nhận chứng nhận kiểm định chất lượng chương trình đào tạo

Ngày 9/10 tại Hà Nội, trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội (HTU) long trọng tổ chức Lễ khai giảng năm học 2023-2024 và Công bố quyết định trao chứng nhận kiểm định chất lượng chương trình đào tạo đại học ngành Công nghệ May và Quản lý công nghiệp.

HTU hiện có trên 83% giảng viên có trình độ Tiến sĩ, Thạc sĩ; 30% giảng viên đã có kinh nghiệm công tác tại doanh nghiệp từ 3-5 năm. Hai ngành đào tạo đại học chủ chốt của trường là Công nghệ May và Quản lý công nghiệp có từ 88-100% giảng viên có trình độ Tiến sĩ, Thạc sĩ. Nhà trường hiện có tổng số 319 phòng học lý thuyết, thực hành, thí nghiệm, xưởng thực tập sản xuất, được trang bị trên 3000 thiết bị hiện đại; Hệ thống chuyển đổi số đã được đầu tư để đồng bộ hóa các hoạt động quản trị trong nhà trường từ khâu tuyển sinh, tổ chức đào tạo; cải tiến 8 chương trình đào tạo đại học theo phương pháp CDIO; Trung tâm sản xuất dịch vụ với quy mô 500 nhân lực, nhiều thiết bị CAD/CAM, CNC, tự động hóa, kỹ thuật số, chuyên tổ chức sản xuất hàng xuất khẩu cho thị trường Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc… là hình mẫu cho đào tạo và nghiên cứu theo định hướng ứng dụng, góp phần đẩy mạnh công tác đào tạo sinh viên trong môi trường làm việc đạt chuẩn quốc tế…

Tính đến tháng 9/2023, HTU đã có 22% chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng, cao hơn 2% so với hệ thống giáo dục đại học cả nước. Toàn quốc hiện có 7/11 trường đại học đào tạo ngành Công nghệ May đạt chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo, trong đó có 5/7 trường đạt chuẩn của Bộ GD&ĐT thì trường HTU đứng thứ hai về số tiêu chí đạt chuẩn là 92%. Cả nước có 6/14 trường đại học đào tạo ngành Quản lý Công nghiệp đạt chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo, trong đó có 3/6 trường đạt chuẩn của Bộ GD&ĐT thì HTU đứng thứ nhất về số tiêu chí đạt chuẩn là 92%.

Tại buổi lễ, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam đã trao chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục cho 2 ngành Công nghệ May và Quản lý công nghiệp của HTU.

Chúc mừng thầy, trò nhà trường, ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex, Chủ tịch Hội đồng trường cho biết, năm học mới 2023 – 2024 được khai giảng trong bối cảnh ngành dệt may gặp nhiều khó khăn. Nhưng đây chỉ là khó khăn trong ngắn hạn, bởi xét về 12 tiêu chí căn bản nhất để đánh giá năng lực cạnh tranh của các quốc gia sản xuất – xuất khẩu dệt may thì Việt Nam vẫn đứng cao nhất trong top 5 các nước xuất khẩu dệt may. Do đó, về trung và dài hạn, Việt Nam vẫn là một cường quốc về dệt may bởi nhiều yếu tố như: chất lượng, kỹ thuật cao là thế mạnh của Việt Nam; ưu đãi thuế quan với EU sẽ về 0% vào năm 2026; Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi, là khu vực phát triển nhanh, tiền đề cho chuỗi cung ứng đặt tại Việt Nam để sản xuất; Chất lượng giáo dục, nguồn nhân lực cao hơn các quốc gia cạnh tranh như Bangladesh, Myanmar, Campuchia…

Đối với Việt Nam, trong thời gian tới, một trong những yếu tố cốt lõi là cần tăng nhanh nguồn nhân lực chất lượng Đại học, Cao đẳng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong nền kinh tế số, trong đó tập trung phát triển mô hình sản xuất từ thiết kế thời trang đến sau bán hàng, làm việc từ xa trên nền tảng số. Ngoài ra, nguồn nhân lực cũng cần có kỹ năng tiếng Anh, làm việc trên môi trường số và quốc tế.

Với HTU, mục tiêu của Nhà trường là sinh viên tốt nghiệp có việc làm, có thu nhập cao và có thể làm chủ các doanh nghiệp trong ngành may mặc. Do đó, ngay từ bây giờ, các em sinh viên cần trang bị 7 thói quen: (1) Liên tục học cái mới, làm mới mình; (2) Chủ động; (3) Bắt đầu bất cứ công việc nào để có mục đích cụ thể; (4) Biết sắp xếp thứ tự ưu tiên; (5) Suy nghĩ win – win/ Lợi người – Lợi ta; (6) Hiểu mình – hiểu người – được mọi người hiểu; (7) Hòa đồng, hoạt động nhóm, tập thể. Những yếu tố này cần được rèn luyện và duy trì để các em trở thành những người làm việc hiệu quả trong môi trường doanh nghiệp.

HTU là mô hình trường công lập tự chủ, một mô hình tương đối “đặc biệt”, hoạt động theo các quy chuẩn của trường công lập nhưng tự chủ hoàn toàn về tài chính. Do đó, việc liên tục đổi mới, nhất là chương trình và nội dung đào tạo là một trong những yếu tố then chốt để thu hút người học. Việc 2 chương trình đào tạo được công nhận chất lượng giáo dục là sự khẳng định cam kết của nhà trường với người học và xã hội, là sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, giảng viên nhà trường ngay sau khi nhà trường được trao chứng nhận về kiểm định chất lượng trong năm học 2022-2023. Bên cạnh đó, HTU cần xây dựng cho sinh viên được trải nghiệm thật mô hình sản xuất thông qua trung tâm sản xuất dịch vụ của Nhà trường để các em được trải nghiệm thực tiễn đang diễn ra tại DN chứ không chỉ là “cầu nối” giữa nhà trường và doanh nghiệp.

Hơn 200 gian hàng quy tụ tại triển lãm HanoiTex & Hanoi Farbic 2023

Ngày 25/10 tại Hà Nội, Triển lãm Quốc tế ngành Công nghiệp Dệt & May – Thiết bị & Nguyên phụ liệu (HanoiTex & Hanoi Farbic 2023) đã chính thức khai mạc.

Phát biểu khai mạc triển lãm, ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex nhận định, triển lãm HanoiTex & HanoiFabric tổ chức định kỳ hàng năm vào tháng 10 tại Hà Nội là chương trình thuộc chuỗi sự kiện lớn nhất về triển lãm trong ngành công nghiệp dệt may, vải và nguyên phụ liệu tại Việt Nam. Năm nay, triển lãm có quy mô xấp xỉ 6.000m², tăng 30% so với năm 2022, với trên 200 gian hàng đến từ 9 quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Hồng Kông, Ấn Độ, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pakistan, Đài Loan và Việt Nam. Điều này khẳng định hơn sức hấp dẫn, thu hút của ngành Dệt May Việt Nam trong tiến trình phát triển, cũng như sự nỗ lực của các đơn vị tổ chức giàu kinh nghiệm và có uy tín trên thị trường, sự hợp tác, tin tưởng, ủng hộ của các đơn vị sản xuất, cung cấp sản phẩm, dịch vụ dệt may trong nước và quốc tế.

Là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, nhưng sự đa dạng của các nguồn nguyên vật liệu trong nước còn hạn chế, làm giảm năng lực cạnh tranh của ngành. Ở góc độ quốc gia, để phát triển ngành dệt may bắt kịp nhu cầu cao của thế giới đòi hỏi ngành phải có sự chuyển đổi mạnh mẽ. Để đáp ứng và tháo gỡ được điểm nghẽn ngày, cần tập trung phát triển nguồn nguyên phụ liệu trong nước nhưng theo xu thế xanh và tuần hoàn, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe hơn về xác định nguồn gốc xuất xứ, cũng như các sắc thuế bổ sung có thể áp dụng trong thời gian tới như ERP, CBAM. Hiện nay, năng lực sản xuất vải nội địa chỉ mới đáp ứng được 36% nhu cầu, thị phần vải nhập khẩu đang chiếm đến 64%. Như vậy, bên cạnh câu chuyện chuyển đổi số, Việt Nam cần có một chiến lược bài bản để đa dạng hóa nguồn cung nhằm đảm bảo duy trì chuỗi cung ứng dệt may bền vững.

Tư duy, chiến lược phát triển ngành dệt may Việt Nam tập trung vào việc phát triển chuỗi sản xuất dệt may hoàn chỉnh với quy mô lớn, đầu tư vào thiết bị hiện đại, tự động hóa cao, quản trị tự động theo thời gian thực, sản xuất xanh, sạch, thân thiện môi trường… Đồng thời, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, tập trung vào những công đoạn mang lại giá trị gia tăng cao như: thiết kế, sản xuất nguyên phụ liệu đầu vào, phân phối để từng bước chuyển mình lên vị trí cao hơn trong chuỗi sản xuất. Bên cạnh đó, theo yêu cầu của khách hàng, bản thân các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng chủ động hướng lên các phương thức sản xuất mang lại giá trị gia tăng cao hơn, trong đó, việc chủ động hoạt động thiết kế, tự chủ nguồn nguyên liệu là yếu tố then chốt.

Lãnh đạo Tập đoàn Dệt May Việt Nam cho biết, là đơn vị dẫn đầu của ngành dệt may Việt Nam, thu hút hơn 150 nghìn lao động trong toàn hệ thống, đóng góp giá trị sản xuất kinh doanh lớn cho nền kinh tế, Tập đoàn Dệt May Việt Nam xây dựng chiến lược phát triển bền vững, dài hạn, mang tính định hướng ngành công nghiệp, theo chiến lược phát triển ngành cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường. Với vai trò như vậy, Tập đoàn Dệt May Việt Nam không ngừng kết nối các đối tác, các nhà sản xuất, các nhà cung cấp trên toàn thế giới để cập nhật các thông tin công nghệ mới nhất, dự báo tình hình thị trường, các xu hướng phát triển của ngành dệt may toàn cầu… cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam.

Triển lãm Hanoitex & HanoiFabric 2023 lần này sẽ là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tìm kiếm các đối tác uy tín, tìm hiểu và lựa chọn các vật liệu, nguyên phụ liệu mới, phù hợp với định hướng phát triển, đồng thời cũng bắt kịp xu hướng của ngành dệt may toàn cầu, đặc biệt đáp ứng các quy định về minh bạch nguồn gốc xuất xứ và xanh hóa nguồn nguyên liệu.

HanoiTex & Hanoi Farbic 2023 do Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), Công ty Triển lãm CP (Hồng Kông), Công ty TNHH Triển lãm CP Việt Nam phối hợp tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ Công Thương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) và Hội Dệt May Thêu Đan TP. HCM (Agtex). Sự kiện tổ chức tại Trung tâm triển lãm Quốc tế I.C.E Hà Nội (91 Trần Hưng Đạo, TP. Hà Nội) từ ngày 25/10 – 27/10, với quy mô diện tích gian hàng 6.000 m2, có sự tham gia của hơn 200 gian hàng đến từ 9 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

III. VĂN BẢN VÀ CHÍNH SÁCH

Quy định số 96-QĐ/TW, ngày 02/02/2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.

Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới

Thông báo nhanh kết quả Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Đề cương truyên truyền Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023-2028

BAN TUYÊN GIÁO ĐẢNG ỦY TẬP ĐOÀN DỆT MAY VIỆT NAM


Các tin khác