TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI BỘ THÁNG 1/2024


I. CÔNG TÁC XÂY DỰNG ĐẢNG

Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”

Hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đối ngoại, ngoại giao Việt Nam đã kế thừa và phát huy bản sắc, cội nguồn văn hóa và truyền thống dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa thế giới và tư tưởng tiến bộ của thời đại, phát triển trên nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, hình thành nên trường phái đối ngoại, ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”. Đó là vừa kiên định về nguyên tắc, vừa uyển chuyển về sách lược; mềm mại, khôn khéo nhưng cũng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, can trường trước mọi khó khăn, thử thách, vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân; đoàn kết, nhân ái nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc.

Thế giới ngày nay đang trải qua những biến động to lớn, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó lường so với dự báo. Bên cạnh những thuận lợi cũng xuất hiện nhiều vấn đề mới, chưa có tiền lệ. Đại hội XIII của Đảng đã nhận định: “Cục diện thế giới tiếp tục biến đổi theo xu hướng đa cực, đa trung tâm; các nước lớn vẫn hợp tác, thỏa hiệp, nhưng đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau gay gắt hơn”.

Kế thừa tư tưởng, nghệ thuật, phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đã không ngừng đổi mới, phát triển tư duy về đối ngoại, ngoại giao, phục vụ tốt nhất lợi ích quốc gia – dân tộc. Sự đổi mới tư duy lý luận giúp chúng ta nhìn nhận, đánh giá đúng các quy luật phát triển, các xu thế lớn trong sự vận động của thế giới, các lực lượng trên trường quốc tế; nhận diện rõ các đối tác, đối tượng trong quan hệ đối ngoại; lợi ích quốc gia – dân tộc của Việt Nam; định vị Việt Nam trên trường quốc tế; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả; tăng cường đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định và tranh thủ các điều kiện bên ngoài thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đường lối đối ngoại, ngoại giao mang bản sắc “cây tre Việt Nam” đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, giúp tạo lối, mở đường, từng bước phá thế bao vây, cấm vận, khơi thông quan hệ, mở ra cục diện mới thuận lợi cho công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước, nâng cao thế và lực của Việt Nam. Đến nay, với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Trong khó khăn, thách thức, công tác đối ngoại, ngoại giao Việt Nam đã góp phần truyền tải thông điệp về một quốc gia thân thiện, sẵn sàng hợp tác, giúp đỡ và sẻ chia với cộng đồng quốc tế. Việt Nam luôn luôn lấy con người làm trung tâm, luôn sẵn lòng hỗ trợ bất cứ ai, dù mang quốc tịch nào.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở: “Nước ta là một bộ phận của thế giới, mọi việc trong thế giới đều có quan hệ với nước ta, việc gì trong nước ta cũng quan hệ với thế giới”. Việt Nam ngày nay đã là một quốc gia chủ động, tích cực hội nhập toàn diện, sâu rộng với thế giới. Do đó, việc hiểu đúng, đủ, toàn diện tình hình thế giới và vị trí của Việt Nam trong thế giới là hết sức cần thiết nhằm nhận rõ những cơ hội, thách thức, trên cơ sở đó triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại của đất nước.

Việt Nam là một quốc gia đang phát triển mạnh mẽ, có vị trí địa chiến lược quan trọng trong những chuyển dịch hiện nay của thời đại. Trong thế giới biến động và khó lường, thách thức luôn luôn đan xen với cơ hội, rủi ro luôn luôn đi kèm với thời cơ. Trong hoàn cảnh khó khăn, phức tạp, chúng ta vẫn tin tưởng vào bản lĩnh và ý chí của dân tộc, kế thừa và phát triển sáng tạo các bài học đối ngoại của ông cha ta, nhất là nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh trong việc tận dụng cơ hội, hóa giải thách thức, “biến nguy thành cơ”, phát huy tốt vai trò của nền ngoại giao mang bản sắc “cây tre Việt Nam”: gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam.

Đại hội XIII đã xác định đối ngoại, ngoại giao là giữ vai trò tiên phong trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước. Tiên phong trước hết cần thể hiện trong tư duy, nhận thức; tiên phong trong bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; tiên phong trong kiến tạo cơ hội để thúc đẩy lợi ích quốc gia – dân tộc; tiên phong trong kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, huy động sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nhất là gắn kết sức mạnh cộng đồng người Việt Nam trong và ngoài nước.

Nguyên tắc nhất quán của đối ngoại là bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc. Lợi ích cao nhất của quốc gia – dân tộc chính là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực bên ngoài để phát triển, không ngừng nâng cao tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế của đất nước.

Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt là thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa. Độc lập, tự chủ đồng nghĩa với việc mọi quyết định phải trên cơ sở lợi ích quốc gia – dân tộc và các nguyên tắc chung của cộng đồng quốc tế. Cần kết hợp sức mạnh đất nước và điều kiện quốc tế thuận lợi để tạo cục diện có lợi cho môi trường an ninh, phát triển của đất nước, xác định nguồn lực bên trong là cơ bản, quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, cần thiết. Độc lập, tự chủ là cơ sở để huy động ngoại lực, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để tạo sức mạnh tổng hợp, qua đó giúp củng cố độc lập, tự chủ. Độc lập, tự chủ được hiểu một cách biện chứng, linh hoạt, trong đó hội nhập quốc tế là chấp nhận có nghĩa vụ, ràng buộc nhất định, nhưng luôn bảo đảm sự độc lập, tự chủ của quốc gia trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, văn hóa – xã hội,…

Phương châm triển khai công tác đối ngoại, ngoại giao là vận dụng nhuần nhuyễn và khéo léo bài học “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, kiên định về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược. Đó là sự kết hợp chặt chẽ giữa mục tiêu chiến lược với tính linh hoạt, uyển chuyển của sách lược tùy theo vấn đề, tùy từng thời điểm và đối tượng hay đối tác. Kiên trì mục tiêu “bất biến” là độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; kiên định mục tiêu xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng. “Vạn biến” trong phương cách thực hiện mục tiêu; đồng thời linh hoạt, năng động thích ứng với môi trường khu vực và quốc tế, với các xu thế toàn cầu mới và trong tìm kiếm biện pháp hóa giải các thách thức từ bên ngoài. Theo đó, đối ngoại cần liên tục theo sát những biến đổi của tình hình trong nước và quốc tế; kiên định lập trường, nguyên tắc, song cũng linh hoạt thích ứng, chủ động kiến tạo cơ hội trước sự thay đổi của tình hình.

Phương thức thực hiện công tác đối ngoại, ngoại giao là sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, đồng bộ của nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân. Đối ngoại là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, quản lý tập trung của Nhà nước; sự gắn kết chặt chẽ, nhịp nhàng giữa đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân. Nền ngoại giao Việt Nam toàn diện có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, tổ chức xã hội, địa phương, doanh nghiệp và nhân dân, triển khai trên tất cả các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa – xã hội… với các đối tác, địa bàn, khu vực.

Hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cơ sở vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, kế thừa và phát huy truyền thống, bản sắc ngoại giao và văn hóa dân tộc, tiếp thu chọn lọc tinh hoa tư tưởng của thời đại, chúng ta đã xây dựng nên một nền ngoại giao độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”: gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam.

Quyết tâm thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng

Tiếp tục phát huy thế và lực mới của đất nước, bám sát đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, đúng đắn của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các hoạt động đối ngoại trong năm 2023, nhất là đối ngoại cấp cao, đã diễn ra sôi động, rộng khắp các châu lục và tại nhiều diễn đàn, cơ chế đa phương quan trọng. Trong năm qua, Việt Nam đã tổ chức thành công 22 chuyến thăm của lãnh đạo chủ chốt tới các nước láng giềng, các đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống và 28 chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao các nước đến Việt Nam cùng với hàng trăm cuộc gặp cấp cao tại các diễn đàn, hội nghị đa phương; trong đó, có những chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử như chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden, v.v… Thành công của các chuyến thăm, hoạt động đối ngoại này đã tạo nên bước phát triển mới về chất trong đối ngoại và hội nhập quốc tế của nước ta. Từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay, nước ta đã có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia, trong đó có 6 nước đối tác chiến lược toàn diện, 12 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện

Ngoại giao kinh tế tiếp tục được đẩy mạnh trên cơ sở quán triệt Chỉ thị 15 của Ban Bí thư, lấy địa phương, doanh nghiệp và người dân là trung tâm phục vụ. Hợp tác kinh tế, mở rộng thị trường và thu hút các nguồn vốn đầu tư có chất lượng là nội dung trọng tâm trong các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao. Bên cạnh tranh thủ các hiệp định thương mại tự do đã ký, chúng ta đã chủ động, tích cực tham gia các liên kết kinh tế mới, thúc đẩy hợp tác với nhiều đối tác tiềm năng. Kết quả là, các hoạt động ngoại giao kinh tế đã đóng góp quan trọng vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xuất nhập khẩu năm 2023 đạt trên 680 tỷ USD, thu hút FDI đạt 36,6 tỷ USD, tăng 32,8%, nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đã cam kết đầu tư lâu dài ở Việt Nam…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá, công tác đối ngoại và ngoại giao từ sau Đại hội XIII đến nay, trong đó nổi bật là năm 2023, đã “đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, trở thành một điểm sáng đầy ấn tượng trong toàn bộ những kết quả, thành tựu chung của đất nước”. Những thành tựu to lớn đó minh chứng sinh động cho đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng, gắn liền với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát và những quyết sách sáng suốt, kịp thời của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Những kết quả to lớn đó cũng khẳng định nền đối ngoại và ngoại giao mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bản sắc văn hóa và truyền thống ngoại giao hòa hiếu, nhân văn nhưng quật cường của dân tộc, đồng thời tiếp thu tinh hoa tư tưởng của thế giới, hoàn toàn phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đối ngoại, một trong những điều cốt yếu là xây dựng nền ngoại giao Việt Nam vững mạnh, toàn diện, hiện đại. Cần tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; nỗ lực xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao trung thành, tận tụy, tin cậy về phẩm chất, nhạy bén về thời thế, sâu sắc về chiến lược, sáng tạo về sách lược, tinh thông về nghiệp vụ, ngoại ngữ và chuyên nghiệp về phong cách; từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất, hoàn thiện cơ chế chính sách cho công tác đối ngoại và ngoại giao; đổi mới tư duy quản trị, phương thức, lề lối làm việc theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại…

II. TIẾN TRÌNH XÂY DỰNG TẦM NHÌN VÀ SỨ MỆNH VINATEX

Đảng ủy Vinatex tổng kết công tác xây dựng Đảng năm 2023

Ngày 29/12, Đảng ủy Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành mở rộng, tổng kết công tác xây dựng Đảng năm 2023, triển khai nhiệm vụ, giải pháp năm 2024.

Báo cáo kết quả thực hiện công tác xây dựng Đảng năm 2023, đồng chí Cao Hữu Hiếu – Phó Bí thư Đảng ủy, Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc Vinatex cho biết, năm 2023, Đảng ủy Tập đoàn luôn quan tâm sát sao các đơn vị nhằm vượt qua khó khăn, thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng và hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.

Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, Đảng ủy Tập đoàn ban hành 14 nghị quyết, 21 thông báo kết luận, 11 chương trình, 12 kế hoạch, 04 hướng dẫn cùng nhiều văn bản chỉ đạo khác; nghiêm túc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quyết định của Bộ Chính trị, Chính phủ, Đảng ủy Khối DNTW; tổ chức hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tập đoàn Dệt May Việt Nam lần thứ III nhiệm kỳ 2020-2025.

Chỉ đạo Tập đoàn chú trọng, nâng cao việc dự báo nắm bắt tình hình, truyền thông đúng và phù hợp tới người lao động trong hệ thống về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh. Các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Đảng bộ Tập đoàn và toàn thể người lao động trong hệ thống luôn tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, sự chỉ đạo của Đảng ủy và HĐQT, CQĐH Tập đoàn.

Công tác tổ chức và cán bộ được Đảng ủy Tập đoàn đổi mới, sắp xếp với bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thành lập 04 cơ quan tham mưu công tác Đảng theo Quy định 87-QĐ/TW. Đảng ủy Tập đoàn cũng chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ cấp uỷ, lãnh đạo quản lý các cấp. Tổng số cán bộ đang học nâng cao trình độ lý luận chính trị là 44 người, trong đó số lượng cử đi học trong năm 2023 là 35 người; tổ chức lớp bồi dưỡng đảng viên mới cho 64 học viên, bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho 174 quần chúng ưu tú.

Đảng ủy Tập đoàn đã kết nạp 86 đảng viên mới (đạt 108% kế hoạch), công nhận 78 đảng viên chính thức. Trong đó, đơn vị không chi phối đã kết nạp được 12 đảng viên mới (so với năm 2022 không có đảng viên mới được kết nạp).

Công tác kiểm tra giám sát hoàn thành kế hoạch của năm. Đảng ủy Tập đoàn Kiểm tra 13 tổ chức đảng và 151 đảng viên; Cấp ủy cơ sở kiểm tra 12 tổ chức đảng và 150 đảng viên. Về giám sát chuyên đề, Đảng bộ giám sát 08 tổ chức đảng và 30 đảng viên. Kết quả, các tổ chức đảng thực hiện đạt yêu cầu các nội dung, duy trì tốt công tác xây dựng Đảng phù hợp với điều kiện; các đảng viên cơ bản thực hiện tốt các nội dung kiểm tra giám sát, không phát hiện đảng viên vi phạm nội dung giám sát. Không có tổ chức đảng, đảng viên có khuyết điểm vi phạm đến mức phải chuyển sang kiểm tra có dấu hiệu vi phạm.

Mặc dù trong năm 2023, tình hình sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhưng công tác chăm lo cho người lao động luôn được quan tâm ở cả 3 miền. Tập đoàn và các đơn vị thành viên tích cực thực hiện các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, ủng hộ trang thiết bị nhân dịp năm học mới cho trường tiểu học Nguyễn Tất Thành, TP Nam Định… Phối hợp với Bệnh viện Việt Đức; Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức nhiều chương trình từ thiện ý nghĩa với tổng kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng

Kết quả, doanh thu của Tập đoàn ước đạt 17.225 tỷ đồng, bằng 104,4% so với kế hoạch, lợi nhuận trước thuế ước đạt 377 tỷ đồng, bằng 101,9% so với kế hoạch; Với tổng số lao động toàn Tập đoàn là 61.956 người, thu nhập bình quân đạt 9,45 triệu đồng/người/tháng (bằng 98% so với cùng kỳ năm 2022, bằng 95% so với kế hoạch).

Thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, Đảng ủy chỉ đạo Tập đoàn tiếp tục triển khai công tác tái cơ cấu theo Đề án “Tái cơ cấu Tập đoàn giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”; phấn đấu doanh thu năm 2024 đạt 17.500 tỷ đồng, bằng 101,6% so với năm 2023, lợi nhuận trước thuế đạt 390 tỷ đồng, bằng 103,5% so với năm 2023.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Lê Tiến Trường – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vinatex nhấn mạnh, năm 2023 ngành dệt may và Tập đoàn Dệt May Việt Nam trải qua muôn vàn khó khăn chưa từng có trong tiền lệ. Bất ổn địa chính trị, lạm phát gia tăng trên toàn cầu khiến tổng cầu dệt may thế giới suy giảm, nhiều thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như: Mỹ, EU… đều suy giảm.

Nhấn mạnh tinh thần của Đảng bộ Tập đoàn Dệt May Việt Nam trong năm 2023, đồng chí Lê Tiến Trường khẳng định: năm 2023 là năm KIÊN CƯỜNG – DŨNG CẢM – SÁNG TẠO – ĐOÀN KẾT, Vinatex đã tập trung nguồn lực, đưa ra các phương án kịp thời trong điều hành để duy trì đơn hàng, có được khách hàng mới, đồng thời linh hoạt trong sản xuất kinh doanh, đa dạng hóa mặt hàng và khách hàng, cùng với đó là sự đồng lòng, đoàn kết trong toàn Tập đoàn đã giúp cho Vinatex đạt các kế hoạch về SXKD do đại hội đồng cổ đông phê duyệt.

Đặc biệt, Tập đoàn và các doanh nghiệp thành viên đã nỗ lực đảm bảo việc làm và thu nhập cho gần 62.000 người lao động, duy trì lực lượng lao động với thu nhập bình quân của người lao động ước đạt 9,45 triệu đồng/người/tháng, đạt 96% so với năm 2022, nhưng số giờ làm giảm xuống 15%.

Năm 2024, dự báo thị trường vẫn bất định, nhiều thay đổi trên nền một số tín hiệu khả quan hơn ở kinh tế của Mỹ, châu Âu; khó khăn về giá còn tiếp diễn, đơn hàng có thể số lượng khá hơn, trong nước tình hình vĩ mô ổn định, lãi suất có thể giảm, tiền lương của người lao động tăng,…

Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, năm 2024, Đảng ủy Tập đoàn tiếp tục nâng cao công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, thực hiện tốt công tác dân vận, đặc biệt là phong trào dân vận khéo trong tổ chức chính trị – xã hội; đảm bảo thực hiện đúng, đủ các quy định của Trung ương và Đảng ủy Khối DNTW, triển khai Quy định số 48-QĐ/TW, ngày 20/12/2021 về chức năng, nhiệm vụ của Đảng bộ, chi bộ cơ sở trong doanh nghiệp nhà nước; thực hiện bàn giao tổ chức cơ sở đảng theo đề án khi được các cấp phê duyệt, nghiêm túc thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát theo chương trình công tác, nhất là ở cơ sở. Đảng ủy Tập đoàn tổ chức phát động phong trào thi đua “chi bộ bốn tốt” “đảng bộ cơ sở bốn tốt” theo chương trình của Trung ương và của Đảng ủy Khối DNTW. Để chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ Tập đoàn Dệt May Việt Nam nhiệm kỳ 2025-2030, năm 2024, Đảng ủy Tập đoàn sẽ thành lập các tiểu ban xây dựng các dự thảo văn kiện Đại hội, rà soát quy hoạch và bổ sung cấp ủy.

Về nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, do tính chất biến động cao, nhanh của thị trường, Tập đoàn vẫn tiếp tục phấn đấu đạt kết quả cao nhất, phù hợp với bối cảnh thị trường. Đảng ủy Tập đoàn xác định sẽ tiếp tục (1) kiên định gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu vững chắc hơn, (2) kiên định thực hiện công tác chuyển đổi số trong hệ thống quản lý ở khu vực Tập đoàn, (3) kiên định xây dựng trong nội tại Tập đoàn mục tiêu chiến lược: Một điểm đến cung ứng giải pháp trọn gói về dệt may và thời trang Xanh, (4) kiên định thực hiện các cam kết và sáng kiến về môi trường, xã hội, quản trị công ty, (5) kiên định công tác đào tạo đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu mới của thị trường.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về xây dựng và thực hiện văn hóa doanh nghiệp trong tình hình mới

Nhằm mục tiêu đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng xuyên suốt, kịp thời trong xây dựng, phát triển văn hóa doanh nghiệp, ngày 12/12/2023, Đảng ủy Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 42-NQ/ĐUTĐ. Nghị quyết xác định đảm bảo đáp ứng được chuẩn mực tổng quát của toàn chuỗi cung ứng nội bộ, cung ứng ra thị trường thế giới với một hình ảnh nhận diện chung nhất, hiệu qủa nhất về Vinatex; nâng cao văn hóa doanh nghiệp, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực, đảm bảo tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Nghị quyết thống nhất nhận thức từ lãnh đạo đến toàn thể người lao động về 6 giá trị cốt lõi văn hóa Vinatex: hiểu việc mình làm, giỏi việc mình làm, yêu việc mình làm, cải tiến liên tục, không đổ lỗi, tự hào về thành quả tập thể (riêng Công ty mẹ Tập đoàn bổ sung thêm 02 giá trị là đổi mới sáng tạo và chấp nhận rủi ro có cân nhắc).

Các cấp ủy đảng trong Đảng bộ Tập đoàn tổ chức quán triệt, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động và triển khai thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/ĐUTĐ tại chị bộ và các đảng viên; căn cứ vào đặc điểm, tình hình của doanh nghiệp, đơn vị phát động phong trào thi đua xây dựng doanh nghiệp, đơn vị văn hóa. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ tham mưu của từng ban chuyên môn, giúp việc doanh nghiệp, đơn vị chủ động triển khai thực hiện hiệu quả nội dung của Nghị quyết đến lĩnh vực mình phụ trách.

Triển khai mô hình “chi bộ bốn tốt”, “đảng bộ cơ sở bốn tốt”

Tổ chức cơ sở đảng là nền tảng của Đảng, hạt nhân chính trị, cầu nối giữa Ðảng với nhân dân, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng ở cơ sở. Xây dựng tổ chức cơ sở đảng phải gắn với xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài, liên tục, là trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, đảng viên, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Đảng ủy Khối DNTW đã ban hành Kế hoạch số 110-KH/ĐUK, ngày 22/12/2023 triển khai thực hiện mô hình “chi bộ bốn tốt”, “đảng bộ cơ sở bốn tốt”. Để nâng cao nhận thức và hành động của ác cấp ủy, tổ chức đảng trong Đảng bộ Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Đảng ủy Tập đoàn đã quán triệt, triển khai thực hiện mô hình “chi bộ bốn tốt”, “đảng bộ cơ sở bốn tốt” vào ngày 29/12/2023, nội dung tài liệu quán triệt tại đây.

Chương trình “Tết sum vầy – Ngày hội công nhân – Phiên chợ nghĩa tình” năm 2024

Nhằm chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho toàn thể đoàn viên công đoàn, người lao động nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Tập đoàn và Công đoàn Dệt May Việt Nam ban hành Kế hoạch số 05/KHLT/TĐ-CĐDM, ngày 07/12/2023 tổ chức các hoạt động chăm lo cho người lao động, chương trình “Tết sum vầy – Ngày hội công nhân – Phiên chợ nghĩa tình” ở 3 miền Bắc, Trung, Nam. Chương trình không chỉ mang lại lợi ích về mặt vật chất mà còn mang lại lợi ích tinh thần cho người lao động, nhất là người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình chính sách, tạo điều kiện để người lao động được thụ hưởng nhiều hơn sản phẩm, dịch vụ ưu đãi của các đối tác trong và ngoài ngành dệt may.

Đồng thời chương trình cũng vận động các doanh nghiệp, đơn vị trong và ngoài ngành dệt may tiếp tục quan tâm, chăm lo và thể hiện trách nhiệm với người lao động.

Tại cơ cở, khuyến khích tổ chức các hoạt động cho người lao động vui Tết, bán hàng giảm giá và các hoạt động khác nhằm gia tăng phúc lợi cho người lao động.

Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý của doanh nghiệp

Nhằm phát triển đội ngũ cán bộ vừa có kỹ năng tốt, vừa có kiến thức quản trị hiện đại, chuẩn bị cho nguồn quy hoạch cán bộ quản lý cấp cao trong giai đoạn tới, trong 3 năm liền Vinatex đã tổ chức các khóa đào tạo nội bộ. Trong năm 2023, trải qua hơn 20 buổi học của khóa “Đào tạo nội bộ khóa II năm 2023”, các học viên được trau dồi các kỹ năng về phương pháp tư duy, phân tích dữ liệu, kỹ năng giải quyết vấn đề, kiến thức chuyên môn, kiến thức quản lý,…

Chương trình đào tạo chủ yếu thiên về lĩnh vực dệt, sợi phù hợp với đặc thù sản xuất của đơn vị. Chương trình càng sát với thực tiễn sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, yêu cầu vị trí việc làm của học viên thì càng áp lực đối với giảng viên. Giảng viên phải điều chỉnh cho phù hợp giữa lý luận và thực tiễn, trình độ giảng viên cũng phải tương xứng để truyền đạt kiến thức, kỹ năng đến học viên một cách hiệu quả nhất.

Nội dung chuyên đề đã tổng hợp xâu chuỗi lại tất cả các kiến thức, giống như kể lại một câu chuyện về kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp. Đặc biệt, điểm nhấn tạo ấn tượng với học viên là tại buổi học tổng kết chương trình có bài tập thực hành, phần mềm ứng dụng và tổng hợp lại tất cả các kiến thức đã học nhằm cung cấp tốt nhất các công cụ cho học viên khi về làm việc tại đơn vị.

Ông Lê Tiến Trường – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vinatex, giảng viên khóa đào tạo cho biết, đây là lần đầu tiên Tập đoàn phối hợp với đơn vị thực hiện chương trình đào tạo. Việc thực hiện thành công khóa học cũng là tiền đề để thực hiện các khóa đào tạo tiếp theo trên cơ sở bài giảng đảm bảo yêu cầu chất lượng, đạt được kết quả truyền đạt cao, nhằm từng bước nâng cao năng lực quản lý, điều hành cho đội ngũ cán bộ các cấp, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ phát triển, nâng cao trình độ, kỹ năng thực hiện tốt công việc được giao.

Để kiến thức đi vào thực tế, Chủ tịch Lê Tiến Trường đề nghị, lãnh đạo đơn vị tiếp tục tạo điều kiện, ủng hộ những sáng kiến mới mà các học viên đã lĩnh hội được từ khóa học muốn triển khai, áp dụng vào thực tế sản xuất tại đơn vị. Đối với các học viên sau khi hoàn thành khóa học vận dụng những kiến thức đã được học vào công việc của mình. Đặc biệt, cần chủ động, mạnh dạn đề xuất về những cải tiến, sáng kiến của mình kịp thời để có những tư vấn và tạo điều kiện từ phía lãnh đạo, đồng nghiệp giúp cho công việc của mình đạt được kết quả cao.

Cơ hội nào cho dệt may Việt Nam trong năm 2024?

Tận dụng những cơ hội nhỏ nhất từ thị trường, mở rộng tệp khách hàng, đa dạng hóa mặt hàng… là một trong những giải pháp được các DN dệt may thực hiện để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Năm 2024, kỳ vọng khi sức mua của người tiêu dùng tăng lên trong dịp nghỉ lễ, kéo lượng hàng tồn kho giảm thì sẽ có những “điểm sáng”. Tuy nhiên, vẫn còn rất khó khăn khi tình hình xung đột địa chính trị, lạm phát trên toàn cầu vẫn còn ở mức cao, đồng thời dệt may vẫn luôn là mặt hàng không nằm trong thứ tự ưu tiên của người tiêu dùng tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Châu Âu…

Trong bối cảnh các quốc gia sản xuất dệt may có cạnh tranh gay gắt khi tổng cầu suy giảm, Việt Nam vẫn nổi lên là điểm sáng trong khu vực với sự ổn định về chính trị, năng lực sản xuất cao, tay nghề người lao động khéo léo, đồng thời các chính sách đãi ngộ cho NLĐ của Việt Nam đang tốt hơn với các quốc gia cạnh tranh như Bangladesh hay Campuchia. Các DN dệt may trong nước cần nâng cao hơn nữa năng lực, tay nghề NLĐ, linh hoạt trong sản xuất, chấp nhận các đơn hàng khó, có tính kỹ thật phức tạp nhưng có giá trị gia tăng cao…

Dự báo thị trường năm 2024 sẽ còn có nhiều biến động, do đó các DN cần chủ động xây dựng các biện pháp thích ứng để giảm mức độ tác động khi thị trường xấu đi; Theo dự báo của Wood Mackenzie thì GDP toàn cầu sẽ giảm so với năm 2023 và 2022, tình hình xung đột địa chính trị còn kéo dài… dẫn tới áp lực cho người tiêu dùng toàn cầu, giảm mua sắm các hàng hóa không thiết yếu trong đó có dệt may, điều này sẽ tác động trực tiếp tới tình hình đơn hàng của các DN dệt may; DN dệt may sẽ có cơ hội tăng trưởng ở thị trường Mỹ và Nhật Bản khi Việt Nam thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 2 quốc gia này; Hành vi tiêu dùng của khách hàng đang dần thay đổi theo hướng chuyển sang bền vững với thời trang tuần hoàn, các sản phẩm sẽ mang tính đặc thù rõ nét hơn từ chất liệu cho tới giá thành; Người tiêu dùng và các nước nhập khẩu ngày càng quan tâm hơn tới trách nhiệm của nhà nhập khẩu, các thành viên trong chuỗi cung ứng… điều này đặt ra những yêu cầu mới về năng lượng sạch, tái chế sản phẩm, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất hay cơ chế điều chỉnh thuế carbon… và chắc chắn trong thời gian tới sẽ có thêm các tiêu chuẩn khác để hướng nhà sản xuất có trách nhiệm hơn đối với môi trường và người lao động.

Với những đặc điểm cơ bản của thị trường trong giai đoạn tới, DN cần xây dựng một số phương án để ứng phó, linh hoạt trong sản xuất và điều hành. Những cán bộ làm công tác thị trường cần bám sát thị trường, đối tác để có những dự báo, xây dựng phương án cho sản xuất, duy trì hoạt động của doanh nghiệp; Với thị trường Mỹ và Nhật Bản cần nghiên cứu sâu về tệp khách hàng, nguồn hàng để tận dụng tối đa cơ hội tại 2 thị trường này, đồng thời tiếp tục mở rộng, xúc tiến thương mại tại các thị trường khác như: EU, Hàn Quốc, Thái Lan…; Với dự báo biến động liên tục về thị trường, tại các nhà máy cũng phải linh hoạt trong chuyển đổi mặt hàng theo năng lực tìm kiếm đơn hàng. Với xu hướng thời trang bền vững, sẽ cần có sự thay đổi về mặt chất liệu, cơ cấu mặt hàng sản xuất, DN cần nghiên cứu phát triển sản phẩm, dịch chuyển dần sang phân khúc trung và cao cấp. Trong trung và dài hạn, DN cần có sự đầu tư nghiêm túc, đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu, thì DN mới có cơ hội tiếp cận nguồn hàng, duy trì hoạt động SXKD.

III. VĂN BẢN VÀ CHÍNH SÁCH

  • Chỉ thị số 26-CT/TW, ngày 23/11/2023 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Giáp Thìn năm 2024
  • Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới
  • Công văn số 1469-CV/ĐUTĐ, ngày 22/12/2023 của Đảng ủy Tập đoàn Dệt May Việt Nam về việc thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư về tổ chức Tết Giáp thìn năm 2024

BAN TUYÊN GIÁO ĐẢNG ỦY TẬP ĐOÀN DỆT MAY VIỆT NAM


Các tin khác