Quan điểm chỉ đạo của Vinatex trong nỗ lực vượt qua khủng hoảng Covid-19


Trong 4 tháng vừa qua, ngành Dệt May Việt Nam và Tập đoàn Dệt May Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn trong SXKD, nhất là sự đứt gãy toàn thị trường từ cung cấp đến tiêu thụ. Để vượt qua giai đoạn cam go này cần rất nhiều sự sáng tạo mới, nhưng quan trọng hơn hết là những định hướng, chỉ đạo từ Lãnh đạo Tập đoàn tới các đơn vị về phương hướng hành động. PV Tạp chí Dệt May & Thời trang đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Tiến Trường – TGĐ Tập đoàn để làm rõ hơn về các quan điểm mang tính định hướng này.

Xin ông cho biết các đặc điểm của cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 gây ra?

Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra bắt nguồn từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc và đã lan rộng ra hầu hết các quốc gia trên toàn thế giới, với số người nhiễm bệnh hiện đã vượt qua mốc 4 triệu người. Với mức độ lây lan khủng khiếp và những nguy hại đối với sức khỏe và tính mạng con người, dịch bệnh đã gây ra cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về cả y tế và kinh tế, khi hàng loạt các quốc gia trên thế giới buộc phải đóng băng nhiều lĩnh vực hoạt động và dựng lên các hàng rào phong tỏa để ngăn ngừa dịch bệnh đi xa hơn. Cuộc khủng hoảng này được đánh giá là chưa từng có, hoàn toàn không dự đoán trước được và thế giới chưa có kinh nghiệm nào trong việc xử lý. Khi số ca nhiễm bệnh vẫn tăng chóng mặt và loài người chưa tìm được vacxin để phòng ngừa, thì những dự báo và tín hiệu về sự chấm dứt của dịch bệnh và cuộc khủng hoảng nó gây ra vẫn khá mờ mịt. Sau khủng hoảng, có khả năng mọi hoạt động sẽ quay trở lại trạng thái bình thường, nhưng cũng có thể nó sẽ biến đổi thành những sự “bình thường mới”, khi mà tâm lý và hành vi tiêu dùng được điều chỉnh và thay đổi trong 1 thời gian dài, đặc biệt đối với các mặt hàng tiêu dùng, khiến người ta dần thích nghi và làm quen với những cách chi tiêu trong thời đại dịch. Điều này chưa thể kiểm chứng và xác định rõ ràng, vì vậy những ảnh hưởng của nó đối với tổng cầu trong tương lai vẫn là điều các doanh nghiệp cần quan tâm.

Từ các đặc điểm và các khó khăn của khủng hoảng, theo ông, các doanh nghiệp cần có nhận thức như thế nào về thách thức, cơ hội và phương pháp nhằm “bảo vệ” tối đa các tài sản của mình vượt qua khó khăn?

Các doanh nghiệp ngành Dệt May đã sớm xác định, khó khăn do cuộc khủng hoảng này gây ra là chưa từng có, nó sẽ tác động tiêu cực và mạnh mẽ đến tất cả các nền kinh tế trên thế giới, đặc biệt với những ngành có mức độ hội nhập sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu như ngành Dệt May thì ảnh hưởng lại càng nghiêm trọng. Doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ chắc chắn đều phải chịu “tổn thương” ở các mức độ khác nhau. Điều quan trọng là mỗi doanh nghiệp cần xác định được đúng mục tiêu ưu tiên và các tài sản cần bảo toàn, để từ đó đề ra chiến lược và kế hoạch hoạt động trong thời điểm khó khăn hiện tại.

Đồng thời, doanh nghiệp cũng nhận thức được rằng, nguồn lực của mọi Chính phủ đều hữu hạn, do vậy không thể đáp ứng và thỏa mãn tất cả kiến nghị và đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội. Bản thân các doanh nghiệp cần nâng cao tính chủ động, sáng tạo, liên kết hỗ trợ lẫn nhau để cùng vượt qua khủng hoảng với mức độ tổn thương thấp nhất có thể.

Ngành Dệt May đã xác định được 2 tài sản lớn nhất cần bảo vệ bằng mọi biện pháp, đó là lao động và vị trí của ngành Dệt May Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Về lao động, ngành Dệt May là ngành thâm dụng lao động, tuy nhiên lao động dệt may có kỹ năng giản đơn, thu nhập luôn ở mức trung bình, kể cả trong điều kiện có đầy đủ việc làm nên không có tích lũy. Trong trường hợp bị cho nghỉ chờ việc, dù được hỗ trợ 1,8 triệu VND/tháng từ Chính phủ thì họ cũng sẽ phải nhanh chóng tìm việc khác để duy trì cuộc sống. Do vậy, khả năng mất trên 50% lao động sau thời gian tạm nghỉ chờ việc rất có thể xảy ra. Khi đó, các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với khó khăn rất lớn khi không còn lực lượng để phục hồi SXKD và vực dậy doanh nghiệp, bù đắp những tổn thất do dịch bệnh, ngay cả khi thị trường và nhu cầu quay trở lại. Vì những lý do này, các doanh nghiệp dệt may hầu như không chọn giải pháp cho lao động ngừng việc để hưởng hỗ trợ của Nhà nước, mà chọn một hướng đi khác, tôi sẽ chia sẻ sâu hơn vào phần sau.

Về chuỗi cung ứng, dự đoán khi khủng hoảng kết thúc, cầu thị trường sẽ được phục hồi dần dần, và những mắt xích có vị thế tốt hơn trong chuỗi sẽ được ưu tiên phục hồi trước. Do vậy, cần có các hoạt động liên tục mang tính chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau giữa các doanh nghiệp trong ngành, để ngành Dệt May Việt Nam duy trì được vị thế và mức độ ưu tiên khi thị trường từng bước phục hồi nhưng vẫn thấp hơn thời điểm trước khủng hoảng.

Từ nhận thức đó, Tập đoàn đã chỉ đạo các doanh nghiệp triển khai hành động cụ thể như thế nào và kết quả bước đầu của nó sau 4 tháng?

Nhằm bảo đảm quyền lợi và giữ chân NLĐ ở lại với doanh nghiệp, Tập đoàn và các đơn vị thành viên đã vận dụng sự sáng tạo và nỗ lực vượt bậc để triển khai sản xuất mọi mặt hàng có thể làm được trên cơ sở trang thiết bị, công nghệ hiện có, dù việc này gặp phải rất nhiều khó khăn, đòi hỏi khả năng sáng tạo và ứng biến, trong khi lợi nhuận doanh nghiệp thu được rất thấp so với mặt hàng truyền thống. Ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp là đủ chi phí trả lương trên mức tối thiểu cho toàn bộ NLĐ, đổi lại các doanh nghiệp chấp nhận khấu hao không đầy đủ và thiếu nhiều chi phí quản lý chung.

Tập đoàn đã chủ động là đầu mối tổ chức sản xuất nhanh các mặt hàng mới như khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế… với tất cả các doanh nghiệp của mình, và đi đầu trong việc đưa những mặt hàng này ra thị trường nội địa và thế giới. Tính tới đầu tháng 5, Tập đoàn đã sản xuất hơn 100 triệu sản phẩm tiêu thụ tại thị trường nội địa và xuất khẩu trên 50 triệu chiếc cho các thị trường nước ngoài. Bằng việc tận dụng cơ sở vật chất, kỹ thuật và lao động hiện có để lấn sân sang sản xuất các mặt hàng bảo hộ cá nhân PPE giàu tiềm năng, Tập đoàn đã giải quyết được khoảng 20% nhu cầu công việc cho NLĐ. Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng đóng vai trò đầu mối tập hợp các khó khăn, vướng mắc, chủ động báo cáo đề xuất với Chính phủ, mặt khác vẫn tập trung tự giải quyết những khó khăn đó ngay từ những ngày đầu sau kì nghỉ Tết âm lịch, khi diễn biến dịch bệnh ở Việt Nam và thế giới bắt đầu có nhiều chuyển biến phức tạp.

Do tình hình thiếu hụt đơn hàng và những diễn biến bất thường của dịch bệnh, Tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị thành viên tổ chức kế hoạch sản xuất một cách linh hoạt, có thể bố trí người lao động làm 3 ca khi có nhu cầu và nghỉ bù khi thiếu đơn hàng. Tổ chức sản xuất 40h/tuần thay vì 54h/tuần như trước, kêu gọi người lao động thấu hiểu và chia sẻ khối lượng công việc để đảm bảo 100% người lao động có việc làm mặc dù thu nhập có thể thấp hơn so với trước đây.

Bên cạnh đó, toàn hệ thống Vinatex cũng chú trọng tuyên truyền, vận động NLĐ thấu hiểu và cùng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Công khai, minh bạch hoá các chỉ số về doanh thu và chi phí khi tổ chức sản xuất các mặt hàng mới. Hệ thống phát thanh của Công đoàn và các kênh mạng xã hội (như Youtube, Facebook…) tại các doanh nghiệp cũng được cập nhật thường xuyên về các chủ trương, hướng đi, giải pháp và sáng kiến mới của doanh nghiệp, giúp NLĐ hiểu đúng, hiểu đủ và yên tâm công tác.

Cuối cùng, Vinatex cũng đã phối hợp với các hiệp hội, các nhà sản xuất nhằm vận động, thuyết phục các nhà mua hàng lớn trên thế giới có sự chia sẻ với các doanh nghiệp sản xuất, nhất là với NLĐ. Hành động này bước đầu đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Phần lớn các nhà mua hàng lớn như H&M, Zara,… đã chấp nhận chia sẻ chi phí, tối thiểu là chi phí lao động cho các đơn hàng đã hoàn thành nhưng chưa được xuất đi. Động thái này giúp giảm áp lực rất lớn cho người quản lý doanh nghiệp.

Bằng những hành động cụ thể nêu trên, toàn Tập đoàn đã đạt được nhiều kết quả bước đầu đáng ghi nhận:

Thứ nhất, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, dịch bệnh đã được kiểm soát tốt. Một thành công bước đầu đối với Tập đoàn, đó là toàn bộ hệ thống Vinatex chưa phải ngừng sản xuất và vẫn duy trì được việc làm cho toàn bộ NLĐ. Tuy KNXK quý 1/2020 giảm xấp xỉ 2%, KNXK tính đến hết tháng 4 đã giảm 6% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên so với mức giảm 12-15% của các quốc gia khác trên thế giới thì đây vẫn là tín hiệu khả quan. So với những dự báo được đưa ra trong tháng 3, cho rằng KNXK tháng 4 sẽ giảm tới 40-50% so với tháng cuối cùng của quý 1, thì mức giảm thực tế chỉ 20% đã cho thấy những chỉ đạo của Chính phủ và nỗ lực tự thân của DN đã mang lại hiệu quả, khắc phục được trên 50% mức suy giảm so với dự kiến.

Thứ hai, KNNK nguyên phụ liệu 4 tháng đầu năm giảm hơn 7,6% cho thấy các nỗ lực tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước, nhất là cho mặt hàng khẩu trang, quần áo y tế… đã mang lại kết quả tích cực, bù đắp được 1 phần thiệt hại do sự gián đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong cái nhìn toàn cảnh, mức độ suy giảm của ngành Dệt May Việt Nam chỉ xấp xỉ bằng 50% so với các quốc gia cạnh tranh như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh… Đây là minh chứng cho thấy việc Chính phủ kiểm soát tốt dịch bệnh và nỗ lực sáng tạo của doanh nghiệp cũng đã hạn chế được phần nào ảnh hưởng tiêu cực chung của thị trường. Mặc dù vậy, tình hình trước mắt còn vô vàn khó khăn, những nỗ lực của toàn ngành có thể làm giảm thiểu tổn thất, tuy nhiên không thể duy trì được hiệu quả như năm 2019. Dự báo lợi nhuận sẽ giảm khoảng 50%, doanh thu và KNXK giảm 25% so với cùng kỳ.

Thứ ba, tính đến hết tháng 4, Vinatex chưa áp dụng biện pháp cho NLĐ nghỉ việc để hưởng trợ cấp 1,8 triệu của Chính phủ tại bất cứ đơn vị thành viên nào. Dự báo ban đầu cho rằng đến hết tháng 4-5/2020, số lượng lao động thiếu việc làm có thể lên tới 40.000 người (trong đó khoảng 30% là NLĐ của Vinatex), nhưng trong tình hình hiện tại, con số này có thể giảm được một nửa nhờ những nỗ lực xoay xở của ngành.

Thứ tư, tinh thần gắn kết giữa người lao động với doanh nghiệp, giữa các thành phần của chuỗi cung ứng, đặc biệt là mối quan hệ khăng khít giữa các doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu trong nước được nâng cao. Người lao động yên tâm công tác và tin tưởng vào chiến lược vượt qua khủng hoảng của doanh nghiệp; các doanh nghiệp trong ngành liên kết chặt chẽ, nâng cao tỷ lệ khai thác nguồn lực sẵn có trong nước, khắc phục những tổn thất do phụ thuộc vào các thị trường bên ngoài.

Ngoại lực và các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ sẽ có vai trò quan trọng trong bảo vệ và giúp đỡ doanh nghiệp phục hồi nhanh sau dịch bệnh. Ông đánh giá thế nào về các chính sách đã có, cũng như có tiếp tục kiến nghị các chính sách mới cho doanh nghiệp trong thời gian tới không?

Để tổng kết lại, những thành công bước đầu này có được nhờ vào 2 nguyên nhân chính. Một là, chính sách kiểm soát dịch bệnh hiệu quả của Chính phủ đã giúp cho các doanh nghiệp vẫn có thể duy trì tổ chức sản xuất một cách an toàn. Hai là, hệ thống chính sách hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ban, ngành đã tạo nhiều thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp. Trong đó đặc biệt phải kể đến Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho phép các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19. Riêng đối với Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Tập đoàn ghi nhận và đánh giá cao sự hỗ trợ và đồng hành của hệ thống Ngân hàng Vietcombank đã có các hành động thiết thực và kịp thời như: giảm lãi suất trực tiếp 10% cho tất cả các khoản vay; tiến hành khảo sát và đánh giá từng doanh nghiệp về vị trí, tính chất và khả năng phục hồi của họ trong chuỗi cung ứng để sắp xếp mức độ ưu tiên hỗ trợ. Đây là phương pháp tỉ mỉ, tốn kém thời gian nhưng mang lại hiệu quả tối ưu và hỗ trợ được nhiều doanh nghiệp trong ngành trong thời khắc sống còn như hiện tại.

Trong tình hình hiện nay, Tập đoàn Dệt May Việt Nam tiếp tục đề xuất, kiến nghị các biện pháp như sau:

– Phương pháp hỗ trợ của các cấp nên nhanh và gọn, rút bớt các bước xét duyệt thủ công, căn cứ nhiều hơn vào cơ sở dữ liệu tin cậy đang có. Đề xuất cho miễn BHXH và Công đoàn phí từ tháng 5 đến hết tháng 12 năm 2020, vì đây là khoản chi phí rất lớn đối với các doanh nghiệp trong thời điểm căng thẳng hiện tại. Quy trình xét duyệt có thể đơn giản hóa bằng cách yêu cầu doanh nghiệp trình bảng lương thể hiện việc vẫn duy trì việc làm và thu nhập trên mức tối thiểu cho NLĐ là đủ tiêu chuẩn được miễn.

– Phương pháp đánh giá của ngân hàng với doanh nghiệp lúc này cũng cần hết sức linh hoạt. Cho giãn các khoản nợ đầu tư đến hạn trả gốc là yêu cầu rất cấp thiết đối với doanh nghiệp. Các dự án dở dang, các tham số của dự án có thay đổi xấu đi do dịch bệnh nhưng cần duy trì giải ngân đúng tiến độ.

– Với Hiệp định EVFTA, đề nghị các Bộ, ngành chuẩn bị các hướng dẫn và thông tư nhanh nhất để khi Hiệp định được Quốc hội phê duyệt thì có thể triển khai được ngay, doanh nghiệp mới thu được lợi ích vàng.

Ông có dự báo thế nào về diễn biến thị trường trong thời gian tới?

Trong thời gian tới đây, dịch bệnh có thể kết thúc nhưng hành vi tiêu dùng của thế giới sẽ có nhiều biến chuyển. Tập đoàn Dệt May Việt Nam xác định, khả năng cầu thị trường quay về mức trước đại dịch là khó có thể xảy ra. Trước mắt, khi dịch bệnh được kiểm soát và nhu cầu về các sản phẩm y tế không còn, thì ngành dệt may sẽ tiếp tục rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng. Dự kiến KNXK cả năm 2020 có thể giảm tới 20% so với năm 2019. Vì vậy, việc cần làm ngay tại thời điểm này là tập trung đàm phán với các nhà cung cấp để chuyển nguồn cung nguyên phụ liệu về Việt Nam như Uniqlo, H&M, Zara… đáp ứng được yêu cầu xuất xứ và hưởng lợi thuế quan từ Hiệp định EVFTA; bắt đầu làm các đơn hàng thử nghiệm với quy mô nhỏ nhưng đòi hỏi yêu cầu cao hơn về chất lượng. Tập đoàn chủ trương tiếp tục sản xuất các mặt hàng khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế trong quý 2 để tận dụng nhu cầu tại các thị trường nước ngoài hiện đang được dự báo vẫn ở mức cao. Điều quan trọng nhất, đó là toàn bộ hệ thống Vinatex phải duy trì trạng thái sẵn sàng hoạt động bình thường với công suất cao ngay khi thị trường có dấu hiệu phục hồi.

Xin cảm ơn ông.

Bài: Mạc Dung (thực hiện)

Xem đầy đủ Tạp chí Dệt May & Thời trang số tháng 5/2020 tại đây!


Các tin khác