PHIẾM ĐÀM: Suy nghĩ về sự tương đồng trong quan hệ Nhạc sỹ – Nhạc trưởng và Chủ tịch – Tổng Giám đốc


Trong gần 25 năm công tác tại các doanh nghiệp dệt may, tôi có hơn 20 năm làm điều hành từ cơ sở lên đến Tổng giám đốc Tập đoàn, bắt đầu từ tháng 1/2000 đến tháng 8/2020 và mới có 18 tháng làm việc trên cương vị Chủ tịch HĐQT tập đoàn. Trong nhận thức tôi luôn hiểu rõ vai trò của Chủ tịch là chuẩn bị và tham gia cùng tập thể HĐQT hoạch định chiến lược, chuẩn bị nguồn lực dài hạn, xây dựng triết lý và văn hoá doanh nghiệp. Trong khi Tổng giám đốc và Cơ quan điều hành là người tổ chức triển khai, phản hồi để điều chỉnh chiến lược nếu cần thiết. Suy nghĩ là vậy, nhưng thực hành nó thật thuần thục rất cần một sự kiên trì và luôn không xa rời mục tiêu của công việc được giao. Có vậy bản “giao hưởng” chung của toàn tập đoàn mới được đánh lên đúng nhịp và truyền tải hết ý nghĩa, thậm chí nâng tầm bản nhạc.

Là người yêu thích nhạc giao hưởng, tôi có suy nghĩ nhiều về sự tương đồng một cách tương đối giữa vai trò nhà soạn nhạc với nhạc trưởng dàn nhạc và Chủ tịch HĐQT với Tổng giám đốc doanh nghiệp quy mô lớn, có nhiều đơn vị thành viên độc lập.

Giới thiệu về dàn nhạc giao hưởng

Dàn nhạc giao hưởng lớn xuất hiện cùng các bản giao hưởng cuối của Beethoven. Qua các tác phẩm của Richard WagnerJohannes BrahmsTchaikovsky… dàn nhạc mang thêm những màu sắc mới. Các nhạc cụ hơi và gõ được tăng thêm, cũng dẫn đến việc tăng cường nhạc cụ dây. Giữa thế kỷ 19, nhạc giao hưởng đã phát triển đến đỉnh cao. Các nhạc cụ cũng được thử nghiệm, cải tiến theo nhu cầu diễn đạt nội dung tác phẩm với những tương phản về cường độ, sắc thái.

Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, hai nhạc sĩ người Pháp Maurice Ravel và Claude Debussy lại mở ra một trang mới trong lịch sử phát triển của dàn nhạc giao hưởng. Tổng phổ của Ravel và Debussy đã làm mọi người ngạc nhiên về nghệ thuật phối màu, về sự kết hợp sáng tạo âm sắc và sự tận dụng những kỹ thuật, kỹ xảo của các nhạc cụ. Thế kỷ 20 là thế kỷ đánh dấu thời kỳ phát triển rực rỡ của âm nhạc viết cho dàn nhạc và cũng là thời kỳ mà dàn nhạc giao hưởng đạt đến những đỉnh cao mới về cấu trúc cũng như về nghệ thuật biểu diễn.

Biên chế của dàn nhạc

Biên chế của dàn nhạc tức số lượng nhạc cụ, tương ứng với nhạc công của dàn nhạc. Số lượng và chủng loại nhạc cụ trong dàn nhạc giao hưởng có thể thay đổi, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo bốn bộ nhạc khí chính: bộ gỗbộ đồngbộ gõ và bộ dây. Ngoài ra còn một số nhạc cụ có thể bổ sung như pianođàn Harpghi-tasaxophone

Ngày nay, một dàn nhạc giao hưởng đầy đủ là dàn nhạc hai quản, tức mỗi nhóm nhạc cụ hơi – bộ gỗ và bộ đồng – gồm hai cây kèn. Tương tự có dàn nhạc ba quản và dàn nhạc bốn quản. Biên chế dàn nhạc được cần bằng theo nguyên tắc về âm lượng các nhạc cụ: nếu số lượng kèn hơi tăng lên thì số lượng nhạc cụ dây và trống định âm cũng tăng theo tỷ lệ tương ứng. Trong dàn nhạc giao hưởng, vĩ cầm được chia làm hai bè: violon I và violon II.

Nhạc trưởng

Nhạc trưởng là người chỉ huy toàn bộ dàn nhạc. Nhạc trưởng cần hiểu rõ hòa âm, bản chất âm nhạc của tác phẩm. Ở giai đoạn chuẩn bị, công việc của nhạc trưởng mang tính cá nhân. Sau đó, nhạc trưởng chỉ huy việc tập luyện cùng các nhạc công. Cuối cùng, khi biểu diễn, nhạc trưởng qua các động tác, chỉ huy dàn nhạc về nhịp độ, giúp các nhạc cụ vào đúng thứ tự, chỉ dẫn về sắc thái…

Trong một dàn nhạc nhỏ thính phòng, một nhạc công có thể kiêm nhiệm vai trò nhạc trưởng. Nhưng điều này không xảy ra với dàn nhạc giao hưởng lớn.

Quan hệ giữa nhà soạn nhạc và nhạc trưởng

          Rõ ràng tác phẩm âm nhạc là của nhà soạn nhạc, sự nổi tiếng có lẽ cũng phần lớn ở các nhạc sĩ. Tuy vậy thực sự tác phẩm đến được với công chúng, trở nên bất hủ là nhờ sự biểu diễn của dàn nhạc với sự điều khiển của nhạc trưởng và sự đóng góp của từng nhạc công, từng nhạc cụ trong dàn nhạc. Cả 100 nhạc công và nhạc cụ, dưới bàn tay điều khiển của nhạc trưởng phối hợp với nhau nhuần nhuyễn, chính xác theo tổng phổ, không chỉ đúng thứ tự, cao độ, trường độ mà còn đúng cả về sắc thái. Một cây đàn sai nốt, một nhạc công vào không đúng nhịp, một điều khiển sai của nhạc trưởng đều sẽ phá hỏng sự toàn mỹ của bản nhạc. Khó để nói ai là người có vai trò lớn hơn giữa nhạc sỹ sáng tác và nhạc trưởng, nhưng có lẽ là công bằng nếu coi cả hai đều là người sáng tạo nên sản phẩm đến tay công chúng yêu nhạc, thiếu nhạc sỹ chắc chắn không có tác phẩm trên giấy, nhưng thiếu nhạc trưởng sẽ không có tác phẩm âm nhạc để người nghe được hưởng thụ

Tập đoàn và vai trò của Chủ tịch, Tổng giám đốc

          Thực ra, việc so sánh rất tương đối, nó chỉ tạo sự liên tưởng nhanh về vai trò của 2 người đứng đầu quan trọng nhất của một doanh nghiệp. Đồng thời khái niệm “dàn nhạc” là biểu diễn chung 1 bản nhạc chỉ gần gũi với các doanh nghiệp cùng làm trong một chuỗi cung ứng thực hiện mục tiêu chiến lược “một điểm đến cung ứng giải pháp trọn gói cho ngành dệt may thời trang” của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex). Đối với các đơn vị khác, còn đang hoạt độc độc lập, nó gần hơn với 1 bản độc tấu, mà ở đó nhạc cụ này càng đánh hay – tối đa hoá lợi ích càng tốt.

Có lẽ điểm tương đồng đầu tiên giữa Tập đoàn với dàn nhạc giao hưởng là nhiều đơn vị thành viên, nếu dàn nhạc có 4 bộ dây, đồng, gỗ, gõ thì ta có 4 phân ngành sợi, dệt, nhuộm, may. Như thế mỗi đơn vị thành viên sẽ như 1 nhạc cụ, mỗi người đứng đầu đơn vị thành viên như 1 nhạc công. Mỗi đơn vị sẽ làm những việc như những phần nhạc trong tổng phổ được viết cho một nhạc cụ, ngoài việc hoàn thành kết quả SXKD tương ứng như đánh đúng cao độ, trường độ thì quan trọng nhất là phối hợp nhịp nhàng với các đơn vị khác (nhạc cụ khác), ra vào đúng lúc, âm lượng hài hoà dưới bàn tay điều khiển của nhạc trưởng. Như thế TGĐ – nhạc trưởng là người vừa phải hiểu sâu sắc chiến lược (bản tổng phổ), lại phải nắm vững đặc điểm từng doanh nghiệp (nhạc cụ), nắm vững khả năng từng lãnh đạo đơn vị (nhạc công). Quan trọng nhất là có khả năng điều khiển nhịp nhàng cả dàn nhạc hơn 70 thành viên. Biết cách huấn luyện và tập với từng đơn vị (nhạc cụ) để họ hoà được nhịp chung, cũng phải ra quyết định đầu tư (mua nhạc cụ mới), mời nhạc công mới (lãnh đạo đơn vị), thậm chí phải loại cả nhạc cụ- nhạc công không thể hoà nhịp ra khỏi dàn nhạc. TGĐ – Nhạc trưởng cần biết cân bằng năng lực từng thành viên (âm lượng) các khối để tạo thanh âm hài hoà, không lấn lướt nhau…

Một nhạc trưởng sẽ thuận lợi hơn nếu được chính nhạc sỹ giải thích cặn kẽ từng ý đồ, từng đoạn nhạc truyền tải nội dung gì, nên trình diễn ra sao. Tương tự với nó là vai trò giải thích chiến lược, cân nhắc bước đi của Chủ tịch với TGĐ.

Cũng như một dàn nhạc lớn, Tập đoàn không thể dùng 1 nhạc công làm nhạc trưởng mà cần có một nhạc trưởng – TGĐ chuyên nghiệp.

Cũng giống như âm nhạc, tinh thần và cảm hứng của nhạc công, nhạc trưởng góp phần quan trọng vào thành công của buổi diễn, kỹ thuật và sự chính xác chỉ là điều kiện cần để có được 1 tác phẩm “tròn trịa”, còn muốn đạt mức xuất sắc chắc chắn phải có sự đồng điệu và tâm hồn của nhạc công. Trong Tập đoàn cũng vậy, làm tròn vai, đúng nhiệm vụ chưa đủ để tạo ra một kết quả vượt trội mà muốn đạt phải cần cả sự quyết tâm, tinh thần dấn thân, cống hiến của từng lãnh đạo doanh nghiệp.

Vài suy nghĩ, liên tưởng chỉ để tự rút ra bài học, nhận thức đúng nhiệm vụ của mình là điều kiện cần nhưng phối hợp nhuần nhuyễn, đồng điệu, đồng bộ cả hệ thống với một tinh thần chung mới là điều kiện đủ để có một Tập đoàn gắn kết, phát triển bền vững.

Bài: ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Vinatex


Các tin khác