Những tiêu điểm kinh tế 2023


Kinh tế thế giới đã và đang đi qua hai giai đoạn kinh điển: kích thích kinh tế để rồi kiềm chế lạm phát. Giai đoạn kiềm chế lạm phát, thể hiện bởi thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt của các NHTW, cũng đang đi vào giai đoạn cuối.

Bối cảnh thế giới

Tâm điểm của thế giới cho đến hiện tại vẫn xoay quanh câu chuyện lạm phát. Các nhân tố gây áp lực lên lạm phát toàn cầu đều đã hạ nhiệt hoặc trở về mức bình thường trước khi đại dịch xảy ra. Chỉ số tàu hàng khô Baltic đã trở lại mức trước đại dịch, giá dầu thô Brent loanh quanh ở mức trung bình 82 USD/thùng sau khi có thời điểm đạt mức 122 USD/thùng vào tháng 03/2022, hay chỉ số giá lương thực FAO cũng đang có tháng giảm thứ 10 liên tiếp.

Xu hướng đó gợi ý rằng lạm phát đã tạo đỉnh ở các quốc gia phát triển. Chỉ số PCE của Mỹ sau khi lập mức đỉnh 5,4% yoy vào tháng 02/2022 thì giảm dần và đạt mức 4,4%yoy trong tháng 12/2022. Tương tự, tốc độ tăng lạm phát của khu vực Châu Âu đạt mức 8,5% yoy vào tháng 1/2023 sau khi thiết lập mức đỉnh vào tháng 10/2022 (10,6% yoy).

Số liệu lạm phát tạo ra sự kỳ vọng có sự thay đổi trong chính sách tiền tệ của các Ngân hàng Trung ương (NHTW) trên toàn cầu. Câu hỏi được thị trường quan tâm lúc này là lãi suất cao sẽ được giữ nguyên trong bao lâu? NHTW Mỹ (Fed) trong cuộc họp của Ủy ban thị trường mở (FOMC) tháng 02/2023 đã tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, đưa lãi suất mua bán dự trữ lên vùng 4,5%-4,75%, đồng thời phát tín hiệu về việc lãi suất vẫn sẽ được giữ ở mức cao (trung vị khoảng 5,0%) trong năm 2023.

Ngoài ra, Chủ tịch Fed Jay Powell trong phát biểu ngày 7/2 đưa ra một chỉ dẫn đáng chú ý là lạm phát mặc đù đã bắt đầu giảm nhưng vẫn cần thời gian để đánh giá, đặc biệt là số liệu việc làm và rất có thể sẽ vẫn còn một đợt tăng lãi suất vào tháng 05/2023 tới đây. Nghĩa là, việc Fed tăng lãi suất thêm một lần nữa 25 điểm vào tháng Ba tới là gần như chắc chắn, giờ chỉ là sự cân nhắc liệu tháng Năm có tăng nữa hay là không.

Bối cảnh Việt Nam

Kinh tế Việt Nam có nhiều vấn đề cần quan tâm trong năm 2023 như áp lực tỷ giá, phản ứng chính sách tiền tệ, lạm phát, nút thắt trái phiếu doanh nghiệp và ổn định hệ thống ngân hàng.

Áp lực tỷ giá USD/VND dần hạ nhiệt nhờ những hành động can thiệp của NHNN Việt Nam (SBV) thông qua sử dụng dự trữ ngoại tệ để cung ứng USD cho nền kinh tế, nâng biên độ tỷ giá từ +/-3% lên mức +/-5% và tăng tỉ giá trung tâm. Biện pháp nâng biên độ tỷ giá có ý nghĩa quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nhập khẩu và người dân có nhu cầu dễ dàng mua USD hơn (với giá cao hơn) và tránh tình trạng găm giữ, đầu cơ USD, đóng băng thanh khoản.

Sự ổn định của tỷ giá còn được hỗ trợ bởi việc Fed giảm dần tốc độ nâng lãi suất trong khi đó SBV thu hẹp chênh lệch lãi suất khi đã 02 lần tăng lãi suất điều hành với tổng mức 2% trong năm 2022. Việc này có ý nghĩa quan trọng trong việc thu hút dòng vốn giao dịch dựa trên sự chênh lệch lãi suất  carry trading) quay trở lại Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam còn thu hút được dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài khi các công ty đa quốc gia thực hiện chiến lược đa dạng hoá chuỗi sản xuất của mình khi Trung Quốc vẫn duy trì chiến lược zero Covid và nhằm tránh những xung đột địa chính trị tiềm ẩn trong tương lai.

Với tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đến hạn giai đoạn 2023-2024 là 600,900 tỷ đồng, nút thắt TPDN thực sự là bài toán khó cần được giải quyết trong năm 2023. Vấn đề lớn nhất của thị trường TPDN trước mắt là dòng tiền. Các doanh nghiệp không thiếu tài sản nhưng các tài sản đó đang không hoạt động khiến thanh khoản của các doanh nghiệp này bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, làn sóng yêu cầu tất toán trước hạn của nhà đầu tư thứ cấp trên thị trường mà chủ yếu là người dân nếu không được đáp ứng có thể gây ra hiện tượng tương tự “tháo chạy khỏi ngân hàng (bank run)” với hệ thống tài chính ngân hàng.

Việc xử lý thị trường TPDN đã được dọn đường nhưng dường như chưa có một giải pháp triệt để cụ thể. Dự thảo sửa đổi Nghị định 65 đã được đề xuất nhưng đây chỉ là một biện pháp trì hoãn thực trạng khó khăn – tức là điều kiện cần. Điều kiện đủ thực sự vẫn là dòng tiền hoạt động trở lại. Nói cách khác, nguồn tín dụng dành cho bất động sản phải được khơi thông trong bối cảnh thị trường TPDN đang bị đóng băng. Điều này rõ ràng không hề dễ dàng cho NHNN cũng như xã hội bởi nó liên quan tới yếu tố “sự công bằng”: tại sao phải cứu BĐS?

Tín dụng cho bất động sản có được khơi thông hay không, phụ thuộc vào 2 yếu tố:  room tín dụng và lãi suất cho vay. Tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế cho năm 2023 đã được SBV thông báo vào khoảng 14-15%, tương đương năm ngoái và đây cũng không phải vấn đề lo ngại. Trong khi đó, lãi suất cho vay danh nghĩa của nền kinh tế đang vào khoảng 12-13%/năm, tức là mức lãi suất thực vào khoảng 8-9%/năm. Đây là mức lãi suất khá cao khiến cho doanh nghiệp hạn chế đi vay còn các NHTM lại hạn chế cho vay bởi vì rủi ro quá hạn rất cao.

Trong khi đó thì mặt bằng lãi suất trên thị trường lại phụ thuộc rất lớn vào ẩn số lạm phát, cũng là ẩn số quan trọng nhất của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023. Áp lực lạm phát của Việt Nam nhiều khả năng đến từ cả phía cung và phía cầu. Ở phía cung là giá cả nguyên vật liệu, hàng hoá đầu vào tăng cao khi các chính sách miễn giảm thuế nhập khẩu, đặc biệt là xăng dầu hết hiệu lực.

Đối với phía cầu, thì sức mua người tiêu dùng thể hiện qua Tổng mức bán lẻ doanh thu hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng ( chỉ số RSI- đại diện cho phía cầu) mặc dù có suy giảm nhưng vẫn ở trên mức trung bình (11-12%) trước khi đại dịch xảy ra và độ lệch giữa chỉ số RSI và IIP (chỉ số sản xuất công nghiệp- đại diện cho phía cung) ngày càng được mở rộng gây sức ép tăng giá. Điều này thể hiện rõ qua việc lạm phát cơ bản (loại trừ sự biến động của yếu tố thực phẩm và năng lượng) tăng rất vững.

Nếu lạm phát được kiểm soát tốt, thì ít nhất, áp lực phải tăng lãi suất điều hành của SBV trong năm 2023 sẽ giảm bớt. Còn câu hỏi mức lãi suất cao sẽ được giữ trong bao lâu hay bao giờ SBV giảm lãi suất, như đã đề cập, phụ thuộc vào biến số lạm phát sau thời điểm giữa năm 2023.

Và chứng khoán

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam có lẽ sẽ đi theo con đường mà TTCK Mỹ đã đi nhưng chậm hơn khoảng 06 tháng. Mặc dù đã có những thông tin dọn đường chính sách về việc tháo gỡ nút thắt TPDN và tín dụng cho lĩnh vực Bất động sản nhưng thực tế là những vấn đề cơ bản này vẫn chưa được giải quyết mà người làm chính sách chỉ đang trì hoãn, mua thêm thời gian, giữ mọi thứ tạm ở trong trật tự vốn có.

Người làm chính sách cũng đang cố gắng cân bằng các mục tiêu, nhưng chỉ có thể chọn một mục tiêu ưu tiên tại một giai đoạn và ở giai đoạn này – đó phải là lạm phát chứ không phải các yếu tố kể trên. Điều này gợi ý rằng thị trường chứng khoán chưa có nền tảng cơ bản hỗ trợ tốt để tăng trưởng.

Với nền tảng hiện tại, khả năng thị trường đang tạo ra vùng dao động bước sóng lớn để tìm vùng giá trị hợp lý. Điều này chủ yếu là do nguồn tiền mới trong thị trường chưa có, kết hợp với sự luân chuyển dòng tiền từ nhóm cổ phiếu có kết quả kinh doanh sụt giảm sang nhóm có tăng trưởng tốt. Quá trình tạo vùng trũng nhất sẽ kéo dài đến thời điểm quý 2/2023- là thời điểm nhiều khả năng ẩn số lạm phát trở nên rõ ràng hơn.

Bài: TS Quách Mạnh Hào, Giảng viên ĐH Lincoln, Vương quốc Anh; sáng lập QMV Group – Võ Minh Chiến, Kinh tế trưởng QMV Group.


Các tin khác