Nhâm Dần: “Lửa thử vàng, gian nan thử thách… ngành dệt may”


Thời khắc năm mới Nhâm Dần 2022 đang tới. Con hổ được coi là chúa tể của muôn thú, dũng mãnh, uy vũ nên chắc chắn sẽ kiến tạo những chuyển động  mạnh mẽ, năng động trong đời sống kinh tế, xã hội của đất nước. Thực tế, cuộc sống càng khó khăn, nguy hiểm bao nhiêu thì thành tựu lại càng vang dội, hãnh diện bấy nhiêu. Hai năm chống đại dịch Covid-19, cho dù cũng phải trả giá không ít cho những bài học kinh nghiệm, nhưng đã chứng tỏ Việt Nam có thể mạnh mẽ vươn lên trong muôn vàn khó khăn như thể “lửa thử vàng, gian nan thử sức”.

Trong những ngày cuối năm, tôi nhận được cuốn sách “Hệ thống thẻ điểm cân bằng – BSC và các chỉ số quản lý chủ chốt cho các doanh nghiệp may Việt Nam” do Chủ tịch Vinatex Lê Tiến Trường là chủ biên gửi tặng. Tôi thật sự tâm đắc với những giải pháp quản trị doanh nghiệp tiên tiến, dựa trên hệ thống đo lường định lượng phản ánh chân thực hoạt động của doanh nghiệp, khởi đầu của quá trình chuyển đổi số, cung cấp đầy đủ thông tin để nhà quản lý ra quyết định chính xác, hợp lý nhất, được trình bày trong nghiên cứu có giá trị thực tiễn sâu sắc này.

Chủ tịch Vinatex Lê Tiến Trường cho biết, mặc dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng sâu rộng, để lại hậu quả nặng nề đối với nền kinh tế khi tốc độ tăng truởng kinh tế của cả nước chỉ đạt khoảng 3%, nhưng nhờ những cải tiến, đổi mới liên tục, kết quả sản xuất kinh doanh của Tập đoàn năm 2021 vẫn khả quan. Có vẻ như các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương (FTA) mà Việt Nam tham gia đang phát huy kết quả đối với nền kinh tế, trong đó có công nghiệp dệt may, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, tạo cơ hội cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào các thị trường tiêu chuẩn cao. Các FTA đã góp phần đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường truyền thống, góp phần tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng hơn, thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn với công nghệ hiện đại, phương thức quản trị tiên tiến. Các FTA cũng tạo áp lực thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, thay đổi văn hóa kinh doanh để hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao đời sống của người lao động. Các giá trị này của các FTA thể hiện rõ nét trong thành công của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam và là một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào sự thành công của ngành dệt may trong đại dịch Covid-19.

Với tốc độ tiêm và tỷ lệ bao phủ vaccine tương đối rộng khắp, bước vào năm 2022, các hoạt động kinh tế toàn cầu bắt nhịp trở lại. Mordorintelligence.com cho thấy tốc độ tăng trưởng hàng năm kép CAGR (Compounded  Annual Growth Rate) ngành dệt toàn cầu được dự báo hơn 4,2%, trong đó thị trường tăng trưởng cao nhất là Bắc Mỹ, thị trường có thị phần lớn nhất là Châu Á-Thái Bình Dương. Theo expomap.ru, trong năm 2022, ngành dệt may thế giới lại nhộn nhịp trở lại với lịch trình phong phú của các triển lãm, hội chợ quốc tế lớn ngành dệt may, từ The London Textile Fair Winter, Innatex Winter ở Đức, Apparel Sourcing New York, Munich Fabric Start Spring-Summer, Milano Unica Milan, Jitac European Textile Fair Spring, Techtextil Frankfurt,… rồi Saigon Tex 2022 tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 6-9 tháng 4.

Trong năm 2022 và thời gian tới, các doanh nghiệp dệt may cần chú ý tới xu hướng chuyển dịch kinh tế trên thế giới dưới tác động của Covid-19. Các chính sách kích thích kinh tế đã triển khai tại các nước lớn đang tạo ra các áp lực về lạm phát và những thay đổi chính sách kinh tế của các nước lớn khi dịch bệnh được kiểm soát được cho là sẽ tác động mạnh tới thị trường tài chính – tiền tệ toàn cầu, đặc biệt là các nền kinh tế đang phát triển. Những bất ổn và bất định này đặt ra yêu cầu các doanh nghiệp phải chú ý hơn đến khả năng chống chịu không chỉ của doanh nghiệp mình mà cả nền kinh tế trước các biến động bên ngoài.

Toàn cầu hóa và hội nhập có bước thay đổi về tốc độ, bản chất, phạm vi và quy mô, chuyển từ đa phương quốc tế sang khu vực, nhóm đối tác và hợp tác song phương. Nhiều nước phát triển có xu hướng thu hút doanh nghiệp chuyển đầu tư về thị trường nội địa, cơ cấu lại chuỗi cung ứng nhằm đa dạng hóa nguồn cung, tránh rủi ro khi phụ thuộc vào một nước khác, nhất là phụ thuộc vào Trung Quốc khi cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ-Trung Quốc trở nên ngày càng gay gắt và tiếp tục kéo dài. Xu hướng số hóa và xanh hóa ngày càng mạnh mẽ hơn, trở thành trọng tâm trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế của nhiều nước trên nền phát triển như vũ bão của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025, theo đó mục tiêu tổng quát của cả giai đoạn được xác định là: hình thành cơ cấu hợp lý, hiệu quả trong từng ngành, lĩnh vực; giữa các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế; phát triển được nhiều sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao; tạo bứt phá về năng lực cạnh tranh của một số ngành kinh tế chủ lực và chuyển biến thực chất, rõ nét về mô hình tăng trưởng, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế. Nghị quyết cũng chỉ ra

Với kinh nghiệm thương trường dày dạn, kiến thức và linh cảm nghề nghiệp sâu sắc, tầm nhìn xa trông rộng, chắc chắn các doanh nghiệp dệt may Việt Nam và Tập đoàn Dệt May Việt Nam sẽ tận dụng các cơ chế, chính sách, các gói hỗ trợ doanh nghiệp trong chương trình phục hồi kinh tế 2 năm 2022-2023 do Quốc hội thông qua tại phiên họp bất thường tháng 12 này, nhất là các chính sách giãn, hoãn, miễn giảm thuế, phí và gói hỗ trợ lãi suất để hình thành các quyết sách đúng đắn, chiến lược, kế hoạch, chiến thuật hợp lý để phát triển doanh nghiệp, làm giàu cho mình và cho đất nước trong năm Nhâm Dần đầy những thách thức và triển vọng đan xen.

Bài: TS Trần Văn, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội


Các tin khác