Người kiến trúc sư táo bạo của Ngành DMVN


Sau 9 năm gan dạ chiến đấu trên mặt trận bom đạn ác liệt giải phóng miền Nam, người lính Bùi Xuân Khu trở về nguyên vẹn, cất đi tấm áo người lính trận còn ám mùi khói súng, khoác lên mình tấm áo công nhân bình dị. Nhưng sự nghiệp mà ông tạo ra sau đó, chẳng hề bình dị như thế. Người cựu binh ấy đã trở thành vị kiến trúc sư táo bạo của cả Ngành Dệt May Việt Nam (DMVN).

Quyết sách táo bạo, phù hợp

Ông Bùi Xuân Khu từng có 9 năm “đi B”*, chiến đấu dũng cảm, can trường tại chiến trường miền Nam. Ông đã trực tiếp đóng góp sức trẻ, những năm tháng đẹp đẽ của cuộc đời mình vào công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Những năm ở chiến trường đã rèn cho ông tính cách quyết liệt, đặt mục đích cao và không bao giờ lùi bước trước mọi cản trở, luôn phải tìm giải pháp hữu hiệu nhất trong điều kiện hạn chế nhất để giành thắng lợi.

Cho tới năm 1977, ông Khu được về làm việc tại Công ty May Việt Tiến (Việt Tiến) – thuộc Bộ Công nghiệp nhẹ. Vốn quen với tác phong nhanh nhẹn, không nề hà trước bất cứ việc gì, nên ông Khu được trải qua nhiều công việc khác nhau tại Việt Tiến, từ việc tiếp phẩm, quản lý nhà ăn, quản lý cung tiêu và sau này, trở thành Phó Giám đốc, rồi Giám đốc của Công ty. Qua 18 năm làm việc tại Việt Tiến, ông nắm rõ được các khâu tỉ mỉ trong một công ty may, các công đoạn sản xuất, kinh doanh, đó là một vốn kinh nghiệm quý để ông có thể quản lý một cách toàn diện, đưa ra những quyết sách phù hợp, đem lại hiệu quả thiết thực nhất cho Công ty.

“Khi làm thợ, tôi không phải là người quá giỏi về kỹ thuật. Tuy nhiên, ưu điểm của việc này là cho tôi sự hiểu biết thấu đáo về nghề may. Khi làm quản lý, nhờ những hiểu biết về nghề may nên đã giúp tôi ra những quyết định hợp lý, thay đổi được tình thế và đưa sự phát triển của Công ty lên một tầng mức khác hẳn.” – Ông Bùi Xuân Khu cho biết.

Quả vậy, từ năm 1987 khi ông đảm nhiệm cương vị là Phó Tổng giám đốc Công ty May Việt Tiến, ông đã có những bước chuẩn bị kỹ càng cho sự bứt phá của doanh nghiệp. Và từ năm 1990-1995, khi trở thành Tổng Giám đốc của Việt Tiến, ông Bùi Xuân Khu đã cùng đội ngũ của mình mở ra một thời kỳ mới, trước đó chưa từng có, đó là liên doanh liên kết với các đối tác bên ngoài; đầu tư nhà máy may ở các địa phương; tận dụng đất đai, nhà xưởng, con người ở địa phương đó; chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương từ nông nghiệp sang công nghiệp. Quả là một bước chuyển ấn tượng, thay đổi hẳn con người, kinh tế, bộ mặt địa phương. Trong vòng gần 6 năm ông làm Tổng Giám đốc Việt Tiến, 25 đơn vị may mới đã được hình thành, trong đó có 05 đơn vị liên doanh với nước ngoài: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hongkong,… Không chỉ ở ngành may, Việt Tiến còn mở rộng sản xuất – thương mại các sản phẩm nguyên phụ liệu (cúc áo, nhãn mác quần áo,…). Một không khí hào hứng lan tỏa khắp Công ty, ai nấy đều nhận rõ sức phát triển của doanh nghiệp, của chính mình. Một thời kỳ huy hoàng đã đến với Việt Tiến, trở thành cánh chim đầu đàn của ngành May và có sức động viên lớn lao đối với các doanh nghiệp toàn ngành.

Những thay đổi hoàn toàn khác biệt

Năm 1995, ông Bùi Xuân Khu được bổ nhiệm vị trí Tổng Giám đốc Tổng công ty Dệt May Việt Nam (nay là Tập đoàn Dệt May Việt Nam). Với những thay đổi hoàn toàn khác biệt mà ông cùng đội ngũ tạo dựng nên cho Việt Tiến trong gần 6 năm, ông Khu được kỳ vọng cũng sẽ mang lại luồng gió mới cho Tổng công ty Dệt May Việt Nam. Tình hình tại Tổng công ty lúc đó khá khó khăn về thị trường, thiếu công ăn việc làm cho người lao động, ông Khu quyết tâm thúc đẩy sự phát triển của Tổng công ty theo mô hình ông đã thành công với Việt Tiến. Từng doanh nghiệp một bắt đầu mở rộng, như May 10 mở rộng nhà máy tại Thái Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình; May Đức Giang mở rộng nhà máy tại Thái Bình, Nam Định,… Ông Khu chỉ đạo trực tiếp, trình bày phương pháp cụ thể cho các công ty may phát triển lực lượng sản xuất lên từ 5-15 lần. Đơn cử như May Thái Nguyên, từ 500 công nhân đã phát triển lên tới gần 16.000 công nhân, với nhà máy phân bố ở các huyện tại tỉnh Thái Nguyên.

Một thay đổi căn bản nữa trong thời kỳ ông Bùi Xuân Khu làm Tổng Giám đốc Tổng công ty Dệt May Việt Nam, đó là mở rộng thành phần cơ cấu doanh nghiệp: các công ty may phát triển theo hình thức công ty cổ phần, trong đó các công ty con có tư cách pháp nhân, hoạt động độc lập, tự chịu trách nhiệm về sự tồn tại và phát triển của mình. Hình thức này lập tức phát huy hiệu quả, lượng vốn phình lên nhanh chóng, hàng chục công ty mới được hình thành, từ đó lại “đẻ” tiếp ra hàng trăm công ty con. Lực lượng sản xuất tăng lên gấp bội. Một làn sóng phát triển mạnh mẽ đã dâng trào.

Ngay khi thành lập Tổng công ty Dệt May Việt Nam, ông cùng đội ngũ lãnh đạo Tổng công ty đã đề xuất lên Bộ Công nghiệp nhẹ Chiến lược tăng tốc phát triển Ngành Dệt May Việt Nam khi có WTO. Trong chiến lược đó, ngành Sợi được phát triển, nhiều nhà máy sợi đã ra đời, tận dụng sự hỗ trợ vốn của Nhà nước. Tuy ngành Dệt chưa phát triển được như kỳ vọng, nhưng dẫu sao từ chiến lược đó, đã tạo nên cả ngành công nghiệp sợi có đóng góp đáng kể cho toàn Ngành Dệt May Việt Nam.

Từ năm 2000, ông Bùi Xuân Khu rời Tập đoàn Dệt May Việt Nam để làm Thứ trưởng Thường trực Bộ Công nghiệp, rồi Thứ trưởng Thường trực Bộ Công Thương, nhưng ông vẫn có sự quan tâm sâu sát tới Ngành DMVN. Ông chỉ đạo Tập đoàn, hỗ trợ khi cần thiết để thúc đẩy các doanh nghiệp dệt may của Tập đoàn cũng như tại nhiều địa phương trong cả nước tiến lên quá trình hội nhập thị trường toàn cầu, gia nhập chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu. Ngành DMVN trong những năm qua, do có chuẩn bị lực lượng đầy đủ, đã hội nhập suôn sẻ, phát triển vượt bậc, kim ngạch xuất khẩu đứng thứ hai trong cả nước, chỉ sau điện tử. Ông cũng góp phần đáng kể thúc đẩy quá trình cổ phần hóa Công ty mẹ Tập đoàn DMVN để thu hút vốn bên ngoài, thoái dần vốn nhà nước, mở rộng sản xuất, phương pháp quản lý đổi mới thông thoáng, hội nhập xu hướng đa sở hữu, liên kết, liên doanh quốc tế, hợp tác quốc tế và quản trị theo mô hình công nghệ 4.0.

Trong suốt quá trình hoạt động trong ngành May, ông Bùi Xuân Khu đã có những đóng góp vô cùng quan trọng, mang đến luồng gió mới cho sự phát triển của Ngành. Những giải pháp chiến lược ông Khu đưa ra, đã góp phần thay đổi diện mạo của toàn Ngành DMVN. Với tư chất của người lính trận, ông gây ấn tượng với phong cách hành động táo bạo, quyết liệt, chiến thắng.  Trong quản trị, quản lý sản xuất, phương pháp sáng tạo, táo bạo và quyết liệt của ông đã truyền được cảm hứng cho những người lãnh đạo doanh nghiệp và tiếp tục phát huy hiệu quả đến nay.

Box: Những dấu mốc sự nghiệp của ông Bùi Xuân Khu:

+ Sinh ngày 04/02/1950 tại Bắc Ninh

+ Cử nhân Kinh tế – Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh

+ 1987-1990: Phó Tổng Giám đốc Công ty May Việt Tiến-Bộ Công nghiệp nhẹ
+ 1990-1995: Tổng
Giám đốc Công ty May Việt Tiến-Bộ Công nghiệp
+ 1995-2000: Tổng giám đốc Tổng công ty
Dệt May Việt Nam
+ 2000-2007: Thứ trưởng Bộ
Công nghiệp
+ 2007-2010: Thứ trưởng Thường trực Bộ
Công thương
+ 2010-2012: Ủy viên Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Kiên Long; Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Đầu tư Dầu khí Toàn Cầu; Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Bông Sợi Việt
+ 6/2012 đến nay: Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín

Bài: Kiều Bích Hậu

*“Đi B” bắt đầu xuất hiện từ cuối năm 1959, người “đi B” là hàng trăm đoàn cán bộ đang ở miền Bắc với tinh thần tự nguyện, bí mật vượt Trường Sơn vào Nam để chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu.


Các tin khác