Nghiên cứu phát triển sản phẩm mới ngành Dệt giai đoạn 2022-2025: Đón đầu xu thế của thời đại mới


Từ xa xưa, quần áo không thể thiếu là vật che thân của con người với nhiều vật liệu được dùng chủ yếu là từ thiên nhiên, không ngoài mục đích là mặc ấm. Xã hội càng phát triển, nhu cầu càng tăng, “con đường tơ lụa” đã đưa những tấm vải lụa là, rực rỡ, quí phái đến khắp các nước đông, tây, là món quà thiên nhiên ban tặng cho con người thỏa mãn như một món trang sức, tài sản và thể hiện đẳng cấp trong xã hội. Cuộc cách mạng vải sợi cotton từ Anh và Mỹ giúp thế giới phát triển sản xuất dệt may, đáp ứng một phần về nhu cầu mong mỏi quần áo của con người trên khắp thế gian.

Tinh tế nghề dệt vải

Từ xa xưa ấy, con người Việt Nam đã trồng dâu nuôi tằm – kéo kén- ươm tơ – dệt vải; trồng bông – se sợi – nhuộm sợi – dệt vải đáp ứng nhu cầu thiết yếu của xã hội. Nhiều làng, vùng đã lưu truyền nghề đến đời nay như: Làng Lụa Vạn Phúc, Chăn Chiên Hà Nội, thổ Cẩm làng Chăm… Mỗi năm đến ngày 12 tháng Chạp âm lịch, mọi người thợ đều nhớ đến những người Tổ đã sáng lập, phát triển và lưu truyền nghề này.

Trải qua bao thăng trầm, ngành Dệt May Việt Nam tiếp tục thực hiện sứ mạng của mình từ mặc ấm đến mặc đẹp, mặc sang; từ một quốc gia tiêu thụ sản phẩm nhập khẩu đã tiến đến xuất khẩu. Đặc biệt, trong 10 năm trở lại đây, Dệt May Việt Nam đã ghi tên mình vào bản đồ xuất khẩu hàng dệt may của thế giới, vươn lên top 5 trong các nước hàng đầu về may mặc. Việc trở thành đất nước xuất khẩu sản phẩm dệt may hàng đầu của thế giới đã đưa kim ngạch xuất khẩu hàng năm tăng trên 10% đạt mức gần 40 tỉ USD năm 2021, giải quyết hàng triệu lao động có việc làm từ thành thị đến nông thôn, đặc biệt là làm nền tảng để thu hút hàng tỉ USD của các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam

Để có được truyền thống và niềm tự hào này, hàng triệu lao động Việt Nam qua bao thế hệ đã vun đắp, giữ gìn, xây dựng ngành nghề của mình bằng sức lực và trí óc, từ không ngừng ngày đêm miệt mài bên bàn may, khung cửi đến đổi mới sáng tạo, cải tiến và tìm tòi để chuyển giao và ứng dụng công nghệ, thiết bị mới và tiến bộ khoa học kỹ thuật của thế giới vào ngành nghề của mình.

Nhìn lại lịch sử phát triển của dệt may, đúng nghĩa lao động là sáng tạo, từ những khung cửi bằng gỗ thô sơ, chân đạp để nâng go dệt, tay đập sợi ngang để dệt thành vải; từ những con xa, tay quay tay vê để tạo ra sợi, từ những mũi kim được may bằng tay để kết áo rồi đến các cuộc cách mạng công nghệ từ 1.0 đến nay. Trải qua hàng trăm năm, ngành dệt may đã có máy móc hiện đại thay thế sức lao động của con người và với kỹ thuật hiện nay dệt may được xem là ngành tự động hóa cao, kỹ thuật cao trong kéo sợi, dệt vải, nhuộm vải và may mặc.

Với sự tìm kiếm vật liệu để đáp ứng thỏa mãn nhu cầu của con người, sự tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhiều loại sợi có nguồn gốc từ thiên nhiên và nhân tạo được ứng dụng, những chiếc áo ấm từ lông thú toát lên vẻ dũng mãnh, anh hùng của chủ nhân trong mùa đông lạnh giá, những chiếc áo lụa mượt mà, thướt tha, yểu điệu làm mềm mại dáng vóc đài các của các tiểu thư.

Những chiếc áo, chăn bông làng nghề Hà Nội, một sản phẩm tinh tế, ba lớp áo được kết nối với nhau bằng một sợi chỉ mong manh (ở giữa có lớp tơ tằm giữ ấm mùa đông) mãi là ký ức đẹp một thời. Nhiều thế hệ 6X, 7X hẳn còn nhớ khi còn thơ bé được mẹ mặc cho chiếc áo bông, mặc suốt qua ba mùa đông liền, quí và nâng niu giữ gìn để nỗi nhớ mùa hạ lá sen xanh ào ạt đung đưa qua gió, mùa thu lá bay, mái phố dội nghiêng dội đỏ, mùa đông cành khô gió bấc, chiếc áo có gì vô hình như mùi hương, cuốn hút bao người vào một thời ăm ắp kỷ niệm…

Con người không cần phải trải qua một thời gian dài để thích nghi với hoàn cảnh thay đổi của tự nhiên mà đã có quá nhiều sự lựa chọn từ vải vóc. Những bộ đồ trượt tuyết trong mùa đông lạnh giá; những quân phục trong sa mạc ngày nóng đêm lạnh sẽ tự điều chỉnh nhiệt độ, những quần áo thông minh sẽ biết được tình trạng sức khỏe của cơ thể, những tấm vải, tấm khăn kháng khuẩn, kháng virus hay những vật liệu bảo vệ con người ở nơi hầm mỏ, điều kiện dễ cháy, điều kiện bị ma sát nhiều hay những trò chơi mạo hiểm…

Sự kết hợp tinh tế giữa vật liệu, kiểu dệt, công nghệ nhuộm, may tạo nên sự đa dạng phức hợp, tạo cảm giác gợi cảm, quyến rũ như bị thôi miên. Nhìn ở một góc độ khác như siêu thực, kỳ lạ, long lanh trong ánh sáng như tô điểm thêm cho cuộc đời này.

Giai đoạn 2022 – 2025: Định hình sản phẩm mới của ngành dệt

Ngành Dệt May Việt Nam đã gặt hái được những thành tựu trong một thời gian dài, khẳng định vai trò là chuỗi cung ứng toàn cầu, đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của khách hàng trong và ngoài nước, có khả năng tiếp cận công nghệ hiện đại cũng như vật liệu mới với đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng như an toàn, thoải mái, tiện ích, đẹp… Việc sản xuất sản phẩm đòi hỏi phải gắn liền với môi trường xanh, sạch và bền vững, yêu cầu chúng ta luôn vận động để đáp ứng trong từng sản phẩm của mình, ngoài duy trì sản xuất các mặt hàng thông dụng cần có các giải pháp để tạo ra các sản phẩm mới nhằm tạo thêm giá trị gia tăng và phong phú sản phẩm. Đó là:

*Phát triển sản phẩm mới trên nền tảng thế mạnh sản phẩm đang có bằng cách thay đổi, thêm bớt nguyên liệu, công nghệ, kỹ thuật từ phương pháp kéo sợi, nguyên liệu sợi đến hiệu ứng dệt, công nghệ nhuộm, may mặc, đóng gói.

Chẳng hạn: trộn xơ visco vào cotton để kéo sợi cellulo sẽ cho màu sắc rất tươi và đậm khi nhuộm. Trộn xơ PVA vào cotton để tạo sợi sẽ tạo nên sản phẩm rất xốp, mềm, thấm nước cao… lúc xử lý hoàn tất nhuộm. Tạo nên sợi Fancy và kiểu dệt chéo nổi gân sẽ tạo hiệu ứng mạnh mẽ sau khi wash của quần áo denim.

Phối hợp hai loại nguyên liệu khác nhau tạo hiệu ứng khác nhau trong cùng một điều kiện môi trường.

Dùng xơ cotton để bao bọc quanh lõi filament tạo nên sợi để dệt vải nhằm tăng cường lực, độ ma sát, mài mòn, tăng khả năng hút ẩm, giặt mau khô, tạo cảm giác thoải mái trong đồng phục bảo hộ lao động… và rất nhiều cách thức để tạo nên sản phẩm khác lạ từ phương pháp này. Nói tóm lại, tạo ra sản phẩm bằng cách thay đổi trên toàn chuyền, thay đổi ở công đoạn trước sẽ tạo ra những thay đổi ở công đoạn sau.

* Ứng dụng vật liệu mới vào việc phát triển sản phẩm: ngày nay với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, nhiều loại sợi mới được ra đời và ứng dụng vào việc tạo ra sản phẩm được chế biến từ vỏ trấu, vỏ dừa, bắp, chất nhờn từ cat fish, vỏ cua, sữa chua, chai nhựa, than hoạt tính, carbon….

-Tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu về chống cháy như dùng sợi aramid kết hợp với nano chống cháy được làm từ vỏ trấu.

-Dùng sợi micro, nano để tạo ra sản phẩm làm sạch bề mặt đòi hỏi độ bóng cao như màn hình điện thoại, vi tính, kính xe hơi.

-Đưa hoạt chất kháng virus vào vải, sản phẩm gia dụng…

-Ứng dụng một số loại sợi vào dệt vải thông minh như biết được tình trạng sức khỏe hoặc có khả năng làm mát khi nhiệt độ cao và làm ấm khi nhiệt độ thấp…

* Kết hợp các làng nghề truyền thống để phát triển sản phẩm ngay cả việc đầu tư để vực dậy những làng nghề danh tiếng như Lụa Vạn Phúc, Áo Chần Bông Hà Nội, Thổ Cẩm Làng Chăm…

-Phát triển sản phẩm tơ tằm trên máy dệt kim, nhằm đơn giản hóa qui trình sản xuất, tạo ra trang phục mặc trong nhà rất quí phái và thoải mái trong mùa hè cũng như mùa đông cho thị phần cao cấp với mọi lứa tuổi. Nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ kéo kén cũng là nghề truyền thống có thể phát triển ở nước ta .

-Áo chần bông được may bằng tay với một sợi chỉ khác gì nghệ thuật vải quilt được ưa chuộng tại các nước Trung đông và châu Âu. Một chiếc caracat đũi tơ tằm được thêu bằng tay của các nghệ nhân cũng xứng tầm thương hiệu quốc gia và chủ nhân sở hữu, một chiếc khăn mùi xoa tơ tằm dành cho quí cô tẩy trang có thể để trong giỏ xách vài ngày hoặc cả tuần không mùi và có khả năng kháng khuẩn, chiếc khăn quàng cổ bằng tơ tằm, thổ cẩm là một kỉ niệm khó quên sau kỳ du lịch…

* Sản phẩm gắn liền với môi trường, xanh, sạch là xu thế của thế giới ngày nay: các sản phẩm có xơ sợi từ xơ dừa, chuối, đay hoặc cellulo hữu cơ kết hợp với các phương pháp chế biến tiết kiệm năng lượng, dùng năng lượng sạch, có nguồn gốc hữu cơ như thuốc nhuộm từ cây lá, củ quả (mạc nưa, nghệ, chàm…) chủ yếu dùng nước sôi và thời gian hoặc sản phẩm tái tạo như xơ PE recycle, công nghệ nhuộm Clean dye  không nước

*Những mặt hàng tiềm năng tại thị trường Việt Nam chưa có nhà sản xuất lớn như ga chăn áo gối, thảm lót sàn theo công nghệ dệt thoi hoặc cấy, vải không dệt 100% cotton để làm khăn ăn hoặc dụng cụ tẩy trang …

* Kết hợp giữa doanh nghiệp, viện, trường với đối tác khách hàng, nghiên cứu thị trường để luôn tìm kiếm nguyên liệu mới, công nghệ mới, thiết bị mới; việc nghiên cứu gắn với thực hành để tạo ra sản phẩm tại đơn vị sản xuất.

Để đưa đến thành công, một đội ngũ có năng lực xuyên suốt từ sợi- dệt-nhuộm-may là yếu tố then chốt .

Năm Nhâm Dần sắp đến – năm sư tử mặc Áo Lụa Hà Đông. Hãy chuẩn bị những trang phục lay động lòng người, thôi miên quyến rũ, long lanh để nghênh Xuân và làm đẹp thêm cuộc đời.

Bài: Ông Phạm Xuân Trình- Giám đốc điều hành Vinatex


Các tin khác