Nghiệm thu cấp Nhà nước đề tài CMCN 4.0 tới ngành Dệt May Việt Nam


Sáng 10/01 tại Trụ sở Bộ Khoa học & Công nghệ, Nhóm thực hiện Đề tài “Nghiên cứu, đánh giá tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với ngành DMVN nhằm đề xuất định hướng chiến lược, chính sách và các giải pháp phát triển trong giai đoạn 2019 – 2030” do ông Lê Tiến Trường – TV HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam làm Chủ nhiệm Đề tài đã tiến hành nghiệm thu cấp Nhà nước.

Toàn cảnh buổi Nghiệm thu cấp Quốc gia tại trụ sở Bộ Khoa học & Công nghệ

Đây là Đề tài nghiên cứu do Bộ Khoa học & Công nghệ giao cho Tập đoàn Dệt May Việt Nam thực hiện, bắt đầu từ cuối năm 2018. Trải qua quá trình nghiên cứu, đánh giá, phân tích, khảo sát… nhóm thực hiện đề tài đã xây dựng được một công trình nghiên cứu đồ sộ, có tính thực tiễn rất cao đối với ngành Dệt May Việt Nam và được Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở đánh giá xếp loại Xuất sắc.

Sau quá trình tiếp thu ý kiến đánh giá, chỉnh sửa của Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở, buổi nghiệm thu cấp Nhà nước là bước cuối cùng đối với một đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, với Hội đồng chuyên môn gồm 09 thành viên, theo Quyết định số 3947/QĐ-BKHCN ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Các ông bà trong Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước đều là những thầy, cô đầu ngành, có am hiểu chuyên sâu về lĩnh vực Dệt May.

PGS. TS Vũ Thị Hồng Khanh, Viện Dệt May – Da giầy và Thời trang, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội  thông báo về kế hoạch làm việc tại phiên họp nghiệm thu Đề tài

PGS. TS Vũ Thị Hồng Khanh, Viện Dệt May – Da giầy và Thời trang, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và TS. Trần Văn – Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội lần lượt là Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Công nghệ tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài Khoa học và Công nghệ độc lập cấp Quốc gia. Bên cạnh đó, Hội đồng có còn 02 đồng chí Ủy viên phản biện gồm: PGS.TS Phạm Thị Hồng Yến, Ban Hợp tác Quốc tế – Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và TS. Lê Quốc Ân, Hiệp hội Dệt May Việt Nam.

Ông Lê Tiến Trường – Chủ nhiệm đề tài đã báo cáo sơ bộ, trọng tâm những công trình Đề tài đã nghiên cứu

Thay mặt nhóm thực hiện Đề tài, ông Lê Tiến Trường đã trình bày sơ bộ về nội dung các phần của Đề tài, bao gồm các nội dung chính: (1) Khung nghiên cứu Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong lĩnh vực dệt may; (2) Thực trạng các doanh nghiệp dệt may Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; (3) Định hướng, giải pháp, chính sách thúc đẩy ứng dụng CMCN 4.0 trong lĩnh vực dệt may giai đoạn 2020 – 2030. Theo đó, ông Lê Tiến Trường cho biết, chỉ với khoảng 12 tháng, nhóm thực hiện Đề tài đã thực hiện nhiều cuộc khảo sát, đánh giá, cũng như tham dự các Hội chợ chuyên ngành Dệt May của Thế giới như ITMA 2019, cũng như gặp gỡ các DN dệt may hàng đầu tại Trung Quốc và Việt Nam… để nghiên cứu về những thay đổi, tác động của cuộc CMCN 4.0 tới ngành DMVN trong thời gian tới, để từ đó đưa ra những nhận định, định hướng cho cộng đồng các DN trong ngành hiểu rõ hơn về cuộc CMCN lần thứ 4, tầm nhìn 2030.

Thay mặt Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước, PGS. TS Vũ Thị Hồng Khanh đánh giá, đây là một trong những Đề tài nghiên cứu khoa học xuất sắc, có tính nghiên cứu, lý luận chuyên sâu. Theo PGS.TS Vũ Hồng Khanh, cách tiếp cận đề tài của Nhóm rất khoa học, chặt chẽ, có tính logic cao, phù hợp với cán bộ quản lý, những nhà nghiên cứu kinh tế về một ngành quan trọng của đất nước như ngành Dệt May. Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm Đề tài cần phải sửa lại, nhất là những đề xuất chính sách vĩ mô để phù hợp hơn với một đề tài khoa học độc lập cấp Nhà nước.

Ông Nguyễn Đức Kiên – Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Ủy viên Hội đồng đặt ra những câu hỏi cho nhóm thực hiện đề tài

Kết quả, có 9/9 phiếu hợp lệ, trong đó 7/9 thành viên trong Hội đồng nghiệm thu xếp loại Đề tài loại Xuất sắc, 2/9 phiếu xếp loại Đạt và đồng ý cho Nhóm thực hiện Đề tài nghiệm thu ở cấp Quốc gia với xếp loại chung là Xuất sắc.

Thay mặt nhóm thực hiện Đề tài, ông Lê Tiến Trường đã gửi lời cảm ơn Bộ Khoa học & Công nghệ đã tạo điều kiện cho Tập đoàn Dệt May Việt Nam thực hiện đề tài chuyên sâu về cuộc CMCN 4.0 tới một ngành tương đối quan trọng như Dệt May. Ông Lê Tiến Trường cũng bày tỏ hi vọng, trong thời gian tới Bộ Khoa học & Công nghệ sẽ tiếp tục giao thêm cho Tập đoàn những đề tài nghiên cứu mới, cũng như cho phép nhóm thực hiện có thể xuất bản sách về công trình nghiên cứu để các kết quả của Đề tài có thể tới gần hơn với các DN trong ngành.

Quang Nam


Các tin khác