Ngành Sợi tìm điểm cân bằng mới trong năm 2022


Năm 2021 được xem là một năm thắng lợi của ngành sợi Việt Nam khi có sự tăng trưởng đột biến cả về khối lượng và kim ngạch xuất khẩu. 8 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu xơ sợi của Việt Nam đạt 1,32 triệu tấn, trị giá 3,6 tỷ USD, tăng 26,9% về lượng và 62,1% về trị giá so với cùng kỳ 2020.

Tồn kho sợi ở Trung Quốc và các nước sản xuất dệt may đã cạn kiệt, cùng với lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm có nguồn gốc từ bông Tân Cương của Mỹ tác động mạnh đến chuỗi cung cầu sợi, khiến nhu cầu sợi tăng cao. Cùng với đó, các gói kích cầu phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19 của các nước phát triển và việc tiêm chủng vắc xin rộng rãi cũng khiến kinh tế thế giới bắt đầu phục hồi, cầu dệt may khởi sắc trở lại sau chuỗi đứt đoạn của năm 2020.

So sánh mức độ chênh lệch giữa giá bông và giá sợi cùng kỳ của các năm 2019, 2020, 2021 để thấy được phần nào hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp sợi. Với đầu vào là giá bông nhập khẩu của 3 tháng trước đó thì mức chênh lệch giữa giá sợi và giá bông khoảng 1 USD/kg là doanh nghiệp đã có lãi. Như vậy, nhìn vào biểu đồ có thể thấy mức chênh lệch năm 2019 khoảng 0,6 – 0,7 USD/kg, nếu doanh nghiệp nào mua được nguyên liệu bông giá tốt, quản lý tốt chi phí sản xuất và bán hàng thì may ra mới có lãi. Năm 2020, mức chênh lệch là 0,3 – 0,6/kg USD, hầu hết các doanh nghiệp đều thua lỗ. Năm 2021, mức chênh lệch là 1,1 – 1,25 USD/kg, các doanh nghiệp sợi đều có lãi và lãi cao.

Ngành sợi Việt Nam với hơn 70% sản lượng dùng để xuất khẩu, trong đó xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 55 -70% tuỳ từng giai đoạn. Mặt khác, nguồn nguyên liệu đầu vào chính của ngành sợi là bông lại hoàn toàn nhập khẩu với hơn 50% đến từ Mỹ, còn lại từ các nước khác như Brazil, Ấn Độ, Úc, Tây Phi…. Rõ ràng, điều này cho thấy ngành sợi Việt Nam dễ bị ảnh hưởng trước các biến động về kinh tế, chính trị, quan hệ thương mại giữa các nước. Vì vậy, để đánh giá được mức độ tăng trưởng của ngành sợi Việt Nam trong năm 2022, cần xem xét một số nhân tố tác động sau:

(i) Sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến chuỗi giá trị dệt may nói chung và ngành sợi nói riêng. Đại dịch Covid-19 cùng với các biến chủng nguy hiểm hơn vẫn đang lan rộng khắp các quốc gia và gây ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất, kinh doanh. Đến năm 2022, chưa có gì chắc chắn thế giới có thể kiểm soát được đại dịch. Hiện nay, các nước phát triển đang ráo riết thực hiện tiêm chủng mở rộng cho toàn dân, đồng thời viện trợ vắc xin cho các nước đang và kém phát triển nhằm nỗ lực đạt được mức độ miễn dịch cộng đồng cao nhất có thể. Vì vậy, chúng ta có thể kỳ vọng năm 2022, hoạt động sản xuất, kinh doanh, giao thương quốc tế cùng với chuỗi giá trị toàn cầu có thể được kết nối trở lại, tạo động lực cho sự phục hồi của ngành dệt may nói chung, ngành sợi nói riêng.

(ii) Các tổ chức kinh tế quốc tế đều đưa ra dự báo lạc quan về sự phục hồi kinh tế của các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc và các quốc gia EU. Đây đều là các thị trường tiêu thụ dệt may lớn của Việt Nam. Theo báo cáo mới nhất vào tháng 10/2021 của Quỹ Tiền tệ quốc tế (gọi tắt là IMF) tăng trưởng của Mỹ, Trung Quốc, EU lần lượt là 5,2%, 5,6%, 4,3% trong năm 2022. Sự phục hồi kinh tế của các nước này là động lực cho cầu dệt may tăng trưởng, kéo theo cầu về sợi cũng tăng cao. Ngược lại, phục hồi kinh tế của các nước đang phát triển, bao gồm nhiều nước sản xuất dệt may sẽ chậm hơn. Như vậy, nhu cầu dệt may có thể sẽ tăng trưởng nhanh hơn nguồn cung dệt may.

(iii) Trung Quốc hiện vẫn là thị trường nhập khẩu sợi lớn nhất của Việt Nam, chiếm đến 55% kim ngạch xuất khẩu sợi. Ngược lại, Việt Nam cũng là nhà cung ứng sợi lớn nhất cho Trung Quốc, chiếm 37% kim ngạch nhập khẩu sợi trong năm 2021 của nước này. Trong kế hoạch phát triển dệt may 5 năm tới, Trung Quốc sẽ không chú trọng vào “tăng trưởng về lượng” mà tập trung vào “phát triển về chất” để tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn trong chuỗi cung ứng, ưu tiên phát triển “xanh” và “bền vững” bằng cách sử dụng các nguyên liệu tái chế và “organic”, giảm tối đa lượng phát thải ra môi trường. Vì vậy, Trung Quốc sẽ có xu hướng tập trung vào sản xuất các loại sợi cao cấp với chỉ số cao. Đồng thời, nước này sẽ tăng cường nhập khẩu các loại sợi có chỉ số thấp và trung bình hoặc dịch chuyển việc sản xuất các loại sợi này sang các nước khác. Trong ngắn hạn, việc dịch chuyển sản xuất chưa thể thực hiện ngay, mà khả năng cao hơn là Trung Quốc sẽ tăng cường nhập khẩu sợi từ các nước khác trong năm 2022.

(iv) Mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, hai quốc gia cung và cầu dệt may lớn nhất thế giới. Năm 2021, Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận Giai đoạn Một, theo đó Trung Quốc đã cam kết mua một lượng lớn bông Mỹ. Vì vậy, rất có thể Thỏa thuận giai đoạn Hai sẽ được ký kết vào cuối năm nay, tạo ra cục diện hòa bình tạm thời, khơi thông dòng chảy thương mại giữa hai nước để tránh tổn thương nền kinh tế. Điều này cũng sẽ tạo ra môi trường thuận lợi cho sự tăng trưởng của dệt may toàn cầu.

Thị trường sợi sau khi tăng trưởng vượt bậc trong năm 2021 sẽ dần tìm lại điểm cân bằng trong năm 2022. Với đầu vào giá bông dự kiến ở mức cao, giá sợi sẽ có sự điều chỉnh để phân phối lại lợi nhuận giữa người mua và người bán. Hoạt động sản xuất kinh doanh sợi 2022 dự kiến vẫn tăng trưởng và hiệu quả biên lợi nhuận ước chỉ bằng khoảng 30-50% so với năm 2021.

 


Các tin khác