Linh hoạt lãi suất điều hành


Hiện nay, ở Việt Nam, trong số các biện pháp tài chính, tiền tệ nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh hiện nay, thì giảm lãi suất cho vay đang trở thành nhu cầu khẩn thiết từ phía cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời, các điều kiện giảm lãi suất cũng đang hội tụ, chín muồi: Trên thế giới xu hướng tăng lãi suất và lạm phát đã giảm dần; tốc độ tăng trưởng kinh tế và hoạt động thương mại, tổng cầu có khả năng thanh toán chung chậm hẳn…

Ở trong nước cầu tín dụng đang rất thấp trước lãi suất thực tế vay tín dụng ngân hàng thương mại đã và đang trở lên quá cao, bào mòn lợi nhuận và vượt quá sức chịu đựng của cộng đồng doanh  nghiệp; tốc độ tăng trưởng chung nền kinh tế và nhiều ngành, nhiều địa phương sụt giảm mạnh; cầu và dư nợ tín dụng tăng trưởng chậm trong khi thanh khoản của cả hệ thống ngân hàng dồi dào và lượng tiền gửi tiết kiệm tăng mạnh; số lượng doanh nghiệp dừng hoạt động và phá sản cao hơn hoặc xấp xỉ số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, nợ xấu tăng nhanh, tạo nguy cơ  tiềm ẩn cho cả nền kinh tế, cũng như cho khả năng thu hồi nợ của các ngân hàng…

Theo Điều 12 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 46/2010/QH122010 ban hành ngày 16 tháng 6 năm 2010, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cơ bản và các loại lãi suất khác để điều hành chính sách tiền tệ, chống cho vay nặng lãi. Trong trường hợp thị trường tiền tệ có diễn biến bất thường, NHNN quy định cơ chế điều hành lãi suất áp dụng trong quan hệ giữa các tổ chức tín dụng với nhau và với khách hàng, các quan hệ tín dụng khác.

Lãi suất là giá của đồng tiền quốc gia. Việc tăng lãi suất được sử dụng phổ biến như một công cụ mạnh trong kiểm soát lạm phát và để bảo vệ bản tệ trước sự biến động nhanh chóng của các luồng vốn trên thị trường quốc tế và trước những thiếu hụt trong cán cân thanh toán quốc tế; đồng thời, kích thích hạn chế tiêu dùng, tăng tích trữ hàng hoá và vàng, làm tăng tiền gửi và sử dụng tiết kiệm các khoản vay, làm giảm cầu tín dụng, thu hẹp nhập khẩu. Mức lãi suất thực dương càng cao hơn mức lạm phát thì tác động tức thời của nó đến việc giảm phát càng rõ rệt. Nhiệm vụ của nhà nước là lựa chọn mức “trần” lãi suất sao cho phù hợp điều kiện cụ thể và mục tiêu vĩ mô kinh tế-xã hội của mình. Đồng thời, phải có những biện pháp khắc phục hậu quả của nâng cao lãi suất.

Việc tăng lãi suất để chống lạm phát luôn là tất yếu, là công cụ quan trọng nhất và xu hướng chung hiện nay trên thế giới nhằm đối phó với lạm phát tiền tệ như là hệ luỵ của các gói kích thích kinh tế đã và đang được triển khai trong thời gian đại dịch Covid-19 vừa qua ở hầu hết các quốc gia. Tuy nhiên, cần linh hoạt trong điều hành lãi suất vì nếu tăng lãi suất quá mức sẽ làm doanh nghiệp không dám tiếp cận vốn vay, gây thu hẹp sản xuất, phá sản doanh nghiệp và đình trệ nền kinh tế, gia tăng thất nghiệp, giảm thu nhập của doanh nghiệp, người lao động và giảm thu NSNN; thậm chí, việc gia tăng lãi suất cho vay nhanh còn làm tăng chi phí cơ hội đầu vào và tăng áp lực lạm phát chi phí đẩy, tức ngược với mục tiêu kiểm soát lạm phát tiền tệ khi thực thi chính sách tăng lãi suất.

Thông thường, NHNN sẽ tăng lãi suất điều hành khi muốn kiềm chế lạm phát hoặc sự phát triển quá nóng các hoạt động kinh tế-tài chính có tính đầu cơ cao. Ngược lại, việc giảm lãi suất điều hành được dùng để giảm chi phí vay, tăng cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp và cá nhân, tăng chi tiêu và kích thích tăng trưởng nền kinh tế hoặc giảm thiểu tác động của sự suy giảm kinh tế. Việc tăng hoặc giảm lãi suất điều hành được NHNN cân nhắc và xử lý linh hoạt để đáp ứng mục tiêu phù hợp bối cảnh thực tế.

Thực tế đòi hỏi NHNN đang phải giải bài toán mục tiêu kép, mà công cụ lãi suất sử dụng để giải quyết có thể gây tác động không cùng hướng, thậm chí ngược nhau: Vừa phải tăng lãi suất điều hành để kiểm soát lạm phát, kiểm soát dư nợ xấu và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, vừa phải giảm lãi suất cho vay và ổn định tỷ giá để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh thế giới hiện tại nhiều biến động, khó khăn…

Thực tế cũng cho thấy, NHNN đã khá linh hoạt trong điều chỉnh lãi suất điều hành phù hợp với xu hướng lạm phát và lãi suất trên thế giới. Thậm chí, ngay cả  khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và nhiều hàng trung ương của các nước phát triển trên thế giới vẫn tiếp tục tăng lãi suất nội tệ, thì NHNN đã sớm chủ động hạ lãi suất điều hành…

Cụ thể, trước áp lực lạm phát và tăng lãi suất của thế giới (năm 2022 thế giới đã có ít nhất khoảng 300 đợt tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương, cao hơn gần 3 lần so với năm 2021, trong đó FED đã 07 lần điều chỉnh tăng lãi suất mục tiêu lên mức 4 – 4,5%/năm), NHNN đã có 2 lần tăng các mức lãi suất điều hành, với tổng mức tăng 2% và 02 lần lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND kỳ hạn dưới 6 tháng tại tổ chức tín dụng (ngày 23/9 và ngày 25/10/2022) với mức tăng tăng 0,8 – 2%/năm;  Tăng 1%/năm lãi suất cho vay tối đa bằng VND đối với một số lĩnh vực ưu tiên (vào ngày 25/10/2022). Theo đó, lãi suất tái cấp vốn tăng từ 4%/năm lên 5%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 2,5%/năm lên 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng từ 5%/năm lên 6%/năm. Lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam (VND) của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng từ mức 0,2%/năm lên 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 4%/năm lên 5%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô từ 4,5%/năm lên 5,5%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung – cầu vốn thị trường.

Dù muốn hay không, tác động hai mặt của việc tăng lãi suất điều hành, huy động và cho vay nêu trên ngày càng đậm dần. Theo đó, lãi suất cao sẽ có lợi cho người gửi tiền, song hạn chế đầu tư xã hội, dẫn đến tăng đình trệ suy thoái, thất nghiệp và phá sản, gây áp lực lạm phát tương lai bởi gánh nặng nợ lãi huy động cho ngân hàng và ngân sách nhà nước. Đồng thời, mức lãi suất cho vay cao “ở đầu vào” sẽ được doanh nghiệp-người vay tự động chuyển vào giá cả “ở đầu ra”, làm tăng mức và mặt bằng giá xã hội chung, tức làm tăng lạm phát chi phí đẩy.

Hơn nữa, lãi suất tăng sẽ tạo gánh nặng bổ sung cho người vay thực hiện các nghĩa vụ trả nợ cũ mà họ vay với lãi suất thả nổi, nhất là với người mua nhà, kinh doanh bất động sản; điều dó dễ kéo theo gia tăng gánh nặng nợ xấu, khó đòi của ngân hàng.

Ngoài ra, lãi suất cao còn có thể làm gia tăng lượng cung tiền từ nước ngoài đổ vào gửi hoặc cho vay trong nước càng cao nhằm hưởng chênh lệch lãi suất so với thị trường lãi suất khu vực và quốc tế…, từ đó làm tăng áp lực lạm phát tiền tệ.

Trước các hệ luỵ tiêu cực đó và khi các áp lực lạm phát và tăng lãi suất thế giới giảm tải, từ ngày 14/3/2023, NHNN đã điều chỉnh giảm mức lãi suất điều hành, bao gồm lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm và lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng giảm từ 7%/năm xuống 6%/năm. Lãi suất tối đa đã giảm từ 6,0%/năm xuống còn 5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng và từ 6,5%/năm xuống còn 6,0%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng. Đây là lần đầu tiên NHNN giảm trần lãi suất huy động trong gần 3 năm gần đây. Còn hai lần điều chỉnh gần nhất vào tháng 9 và 10 năm 2022 thì trần lãi suất huy động đã tăng 0,3 đến 1%/năm.

Đặc biệt, từ ngày 3/4/2023 NHNN tiếp tục giảm lãi suất tái cấp vốn từ mức 6%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tái chiết khấu giữ nguyên ở mức 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD giữ nguyên ở mức 6,0%/năm. Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ mức 1,0%/năm xuống 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do TCTD ấn định trên cơ sở cung-cầu vốn thị trường. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ 5,0%/năm xuống 4,5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm. Lãi suất đối với tiền gửi bằng VND của Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam giảm từ 0,8%/năm xuống 0,5%/năm; lãi suất đối với tiền gửi bằng ngoại tệ của Kho bạc Nhà nước giữ ở mức 0%/năm. Lãi suất đối với tiền gửi bằng VND của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô giảm từ 0,8%/năm xuống 0,5%/năm.

Mới đây, NHNN vừa thông báo 2 Quyết định có hiệu lực từ ngày 25/5/2023. Theo đó, Quyết định số 950/QĐ-NHNN ngày 23 tháng 5 năm 2023 NHNN tiếp tục giảm lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng giảm từ mức 6%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5%/năm; riêng lãi suất tái chiết khấu giữ nguyên ở mức 3,5%/năm. Còn theo Quyết định số 951/QĐ-NHNN ngày 23 tháng 5 năm 2023, NHNN điều chỉnh giảm mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam (VND) của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng như: lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,5%/năm xuống 5%/năm; lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô giảm từ 6%/năm xuống 5,5%/năm với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng tự ấn định trên cơ sở cung – cầu vốn thị trường.

Việc NHNN linh hoạt nâng hoặc giảm biên độ và lãi suất điều đã và đang mang lại kết quả tích cực, góp phần củng cố niềm tin của thị trường vào sự ổn định VND và hoạt động điều hành của NHNN.  

Để giảm lãi suất cho vay của NHTM, cần giảm lãi suất điều hành của NHNN và lãi suất huy động từ các NHTM, cũng như giảm chi phí hoạt động và lợi nhuận kỳ vọng của các NHTM. Nói cách khác, lợi ích từ việc giảm lãi suất điều hành của NHNN sẽ không tự động thể hiện trong giảm lãi suất cho vay nếu NHNN không gắn việc giảm lãi suất điều hành này với việc tạo áp lực và động lực buộc các NHTM giảm lãi suất huy động và cho vay thương mại của họ. Thực tế cho thấy, trong khi lãi suất điều hành của NHNN và lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại giảm mạnh so với thời đỉnh điểm hồi tháng 1/2023 thì lãi suất cho vay tín dụng thương mại vẫn giảm chậm.Đồng thời, cần lưu ý rằng, mặc dù FED đã tạm dừng tăng lãi suất, nhưng lạm phát cơ bản, lạm phát tiềm ẩn trong nước và thế giới, cũng như mặt bằng lãi suất của FED và các ngân hàng trung ương thế giới vẫn ở mức cao. Bởi vậy, trong khi điều chỉnh giảm lãi suất điều hành để hỗ trợ giảm mạnh lãi suất cho vay tín dụng trên thị trường xuống mục tiêu cộng đồng doanh nghiệp mong đợi là không quá 10% trong thời gian tới, thì NHNN vẫn phải thận trọng và chủ động cập nhật tình hình, bám sát và dự báo tốt các động thái lãi suất và lạm phát thế giới để chủ động kịch bản và có phản ứng chính sách phù hợp nhất ứng phó với tình hình theo nguyên tắc “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”…

Linh hoạt lãi suất điều hành trong sự phối hợp hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để phấn đấu giảm lãi suất và duy trì động lực vay đối với doanh nghiệp, người dân, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế…đã, đang và sẽ tiếp tục là yêu cầu, thước đo và cách thức quan trọng nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ, nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, sự ổn định và tăng trưởng lành mạnh thị trường tài chính- tiền tệ và toàn bộ đời sống kinh tế-xã hội đất nước trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam…/.

Bài TS.Nguyễn Minh Phong


Các tin khác