Hộ chiếu sản phẩm kỹ thuật số: Kể câu chuyện của thương hiệu thời trang


Bao giờ bạn từng nhìn thấy một chiếc áo khoác hoặc váy đẹp trên kệ và muốn đặt câu hỏi như: Nó đến từ đâu? Ai đã làm ra nó? Tại sao nó có giá này? Câu chuyện của nó là gì? Chắc chắn bạn không phải là người duy nhất! Và sớm thôi, Hộ chiếu Sản phẩm kỹ thuật số (Digital Product Passport – DPP) sẽ giúp bạn – người tiêu dùng giải đáp cho tất cả các câu hỏi này và nhiều câu hỏi khác về mỗi sản phẩm bạn mua. DPP đang trở thành một công cụ quan trọng cho ngành công nghiệp thời trang toàn cầu để giải quyết các thách thức chính về sự minh bạch, sự truy xuất và bền vững trong chuỗi cung ứng. Chúng nhằm mục đích giúp các thương hiệu thời trang giải quyết yêu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng về tuân thủ đạo đức sản xuất kinh doanh và hiểu rõ về hành trình của một sản phẩm.

DPP là gì?

DPP có thể được hiểu là danh tính kỹ thuật số cho mỗi sản phẩm, được thiết kế để cung cấp thông tin chi tiết về vòng đời của sản phẩm – có thể được truy cập thông qua các phương tiện kỹ thuật số, như quét mã QR hoặc qua giao diện kỹ thuật số. DPP đôi khi cũng được gọi là các Mã định danh (ID) kỹ thuật số hoặc được xem như “công cụ vận chuyển dữ liệu”.

Mới đây, thương hiệu thời trang cao cấp TOD’s đã trang bị cho các túi Di của họ một “Hộ Chiếu TOD’s” (thông qua Hiệp Hội Blockchain Aura) bao gồm chứng chỉ sở hữu và thông tin chi tiết về sản phẩm. Trong tương lai, TOD’s cho biết hộ chiếu cũng có thể tích hợp các lợi ích như quyền truy cập sớm vào các sự kiện và giảm giá đặc biệt, dịch vụ bảo dưỡng và một phiên bản số NFT của sản phẩm.

Các yêu cầu dữ liệu chung cho DPP vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu và có thể sẽ thay đổi tùy thuộc vào ngành công nghiệp, địa lý và quy định. Tuy nhiên, một số danh mục dữ liệu chính cần được thu thập và tích hợp trong một DPP bao gồm:

  • Dữ liệu tổng quát về sản phẩm: Thông tin như ID sản phẩm, số lô sản xuất, chi tiết về quá trình sản xuất và ID nhà sản xuất.
  • Dữ liệu nguồn gốc nguyên liệu và thành phần: Chi tiết về nguyên liệu và thành phần nguyên liệu, bao gồm nguồn gốc và tính bền vững của quá trình sản xuất.
  • Dữ liệu dấu chân carbon: Thông tin về dấu chân carbon của sản phẩm và tác động môi trường trong quá trình sản xuất và sử dụng.
  • Dữ liệu sở hữu: Thông tin về chủ sở hữu trước đây và hiện tại, thời gian sở hữu, và các sự kiện thay đổi việc sở hữu.
  • Dữ liệu bảo dưỡng: Chi tiết về khả năng sửa chữa và lịch sử sửa chữa của sản phẩm.
  • Tài liệu: Phiên bản kỹ thuật số của tài liệu bảo hành, dịch vụ và bảo hiểm.
  • Hướng dẫn: Hướng dẫn về tháo rời, tái chế, sửa chữa, nâng cấp, tái sử dụng hoặc quản lý chất thải của sản phẩm.

DPP được tạo ra như thế nào?

Việc tạo ra một DPP bắt đầu ngay từ giai đoạn đầu vòng đời sản phẩm, thường là trong quá trình sản xuất, nơi các dữ liệu cần thiết như vật liệu, nguồn gốc và chi tiết sản xuất được mã hóa. Khi sản phẩm di chuyển qua các giai đoạn khác trong vòng đời của nó, DPP sẽ được cập nhật thông tin mới, có thể bao gồm thay đổi chủ sở hữu, hồ sơ bảo dưỡng và thông tin tái chế ở cuối vòng đời, đảm bảo rằng DPP vẫn là một tài liệu sống động phản ánh tình trạng của sản phẩm.

Hiện nay trong lĩnh vực thời trang, ứng dụng DPP đã bắt đầu được triển khai, nhất là trong phân khúc xa xỉ. Thương hiệu thời trang Mugler đã hợp tác với Arianee để nhúng DPP vào các túi Spiral Curve của mình. Hãng đồng hồ Thụy Sỹ IWC Schaffhausen đang sử dụng DPP cho các đồng hồ xa xỉ của họ, cung cấp một bằng chứng an toàn về sự chính xác và tính sở hữu.

Lịch sử của DPP – Thời kỳ bắt buộc của DPP sắp tới

Lịch sử của DPP liên quan chặt chẽ đến các phong trào toàn cầu lớn hướng tới bền vững và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn. Một trong những ứng dụng sớm nhất của DPP là trong lĩnh vực pin, được biết đến với tên gọi là “hộ chiếu pin”, mục tiêu là cung cấp thông tin chi tiết về thành phần, nguồn gốc và khả năng tái chế của pin.

Ủy ban Châu Âu đóng vai trò then chốt trong việc đẩy mạnh sáng kiến này. Là một phần của Thỏa thuận Xanh Châu Âu (EU Green Deal), Ủy ban đã đề ra kế hoạch triển khai DPP trong nhiều lĩnh vực khác nhau vào năm 2026. Sáng kiến này nhằm mục tiêu thúc đẩy sự minh bạch trong chuỗi cung ứng và khuyến khích thực hành sản xuất bền vững. Các ngành như dệt may và điện tử đang được quan sát chặt chẽ để chuẩn bị cho áp dụng quy định này. Hiện nay, các ngoại lệ được áp dụng cho các ngành thực phẩm, thức ăn chăn nuôi và dược phẩm.

Quy định về DPP không chỉ ảnh hưởng đến các công ty có trụ sở tại EU mà còn bao gồm các doanh nghiệp không thuộc EU bán hàng trên thị trường EU, khiến việc tuân thủ DPP trở thành một vấn đề toàn cầu. Ngành công nghiệp thời trang sẽ chịu ảnh hưởng đáng kể khi DPP yêu cầu thông tin chi tiết về sản phẩm. Chúng cũng sẽ là một công cụ then chốt trong việc giúp ngành thời trang tiến xa hơn trong lộ trình hướng tới kinh tế tuần hoàn.

Cách thức hoạt động của DPP – Những công nghệ đằng sau

DPP kết hợp công nghệ blockchain, mã QR và RFID (công nghệ nhận dạng qua tần số vô tuyến) để cung cấp một danh tính kỹ thuật số an toàn và minh bạch cho các sản phẩm. Tính phân tán của công nghệ blockchain đảm bảo tính toàn vẹn và không thể sửa đổi của dữ liệu sản phẩm, khiến cho nó đáng tin cậy và khó thay đổi. Mã QR và thẻ RFID đóng vai trò như các giao diện truy cập, cho phép người tiêu dùng và các bên liên quan dễ dàng truy cập vào DPP để biết thông tin về sản phẩm.

Sự tương tác tiềm năng giữa DPP với các công nghệ mới nổi khác như Trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT) mở ra những khả năng thú vị. AI có thể phân tích lượng lớn dữ liệu tích lũy trong DPP, cung cấp thông tin về các mẫu sử dụng sản phẩm, các chỉ số bền vững, phục vụ quá trình quản lý sản phẩm và nhu cầu bảo trì dự đoán (Predictive maintenance). Các thiết bị IoT giúp cập nhật thời gian thực về tình trạng và cách sử dụng của sản phẩm.

Lợi ích tiềm năng của DPP đối với ngành thời trang

DPP hứa hẹn mang lại một loạt các lợi ích tiềm năng cho ngành công nghiệp thời trang, thay đổi cách các thương hiệu tương tác với người tiêu dùng và quản lý hệ thống tra truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng của họ.

  • Truy xuất nguồn gốc và niềm tin của người tiêu dùng: DPP thúc đẩy sự minh bạch trong chuỗi cung ứng trong ngành công nghiệp thời trang, buộc các thương hiệu tuân thủ cam kết về môi trường. Chúng giúp người tiêu dùng đưa ra quyết định thông minh phù hợp với giá trị của họ. Trong khi đó, đối với các thương hiệu, việc đón nhận DPP sớm có thể định vị họ là những đơn vị có trách nhiệm và bền vững, từ đó củng cố uy tín, nâng cao danh tiếng.
  • Kể câu chuyện của thương hiệu: Việc tích hợp DPP vào các sản phẩm thời trang có thể nâng cao trải nghiệm của khách hàng bằng cách cho phép các thương hiệu chia sẻ một câu chuyện độc đáo về lịch sử của mỗi sản phẩm, đặc tả hành trình từ quá trình sản xuất đến việc mua hàng. Khía cạnh kể chuyện này không chỉ tạo ra giá trị đối với các dòng các sản phẩm cao cấp mà còn tạo ra một mối liên kết sâu sắc giữa người tiêu dùng và sản phẩm.
  • Dữ liệu thông tin khách hàng tốt hơn: Trong thời đại mà quy định về bảo vệ dữ liệu riêng tư ngày càng chặt chẽ, DPP cung cấp cho các thương hiệu một con đường mới để thu thập thông tin khách hàng. Khi người tiêu dùng tương tác với DPP, thông qua ứng dụng hoặc quét mã, các thương hiệu có thể thu được thông tin quý báu về sở thích, hành vi và vị trí của khách hàng. Dữ liệu này có thể đóng vai trò quan trọng trong việc cá nhân hóa chiến lược tiếp thị và cải thiện trải nghiệm của khách hàng.
  • Chứng nhận sở hữu khi mua lại: DPP có thể làm mới lại thị trường hàng hóa đã qua sử dụng bằng cách cung cấp thông tin rõ ràng và dễ tiếp cận về nguồn gốc và lịch sử của sản phẩm, tương tự như việc quản lý sở hữu các tác phẩm nghệ thuật. Các thương hiệu như Chloé Vertical, với bộ sưu tập Xuân – Hè gần đây của họ có chứa ID kỹ thuật số, là ví dụ điển hình cho xu hướng này. Các ID này giúp truy cập thông tin sản phẩm, dịch vụ sửa chữa và lựa chọn bán lại, tuy nhiên vẫn còn quá sớm để đánh giá toàn bộ tác động lên hành vi của khách hàng trong thị trường mua lại.
  • Giảm thiểu hàng giả: Các ID kỹ thuật số có thể rất hữu ích trong việc xác thực các sản phẩm thời trang, giúp các thương hiệu chống lại việc sao chép, làm giả sản phẩm. Mặc dù những kẻ làm giả có thể thích nghi với các đổi mới công nghệ, DPP vẫn có thể cung cấp một hệ thống thông tin mạnh mẽ để xác minh tính xác thực của sản phẩm (kết hợp xác thực từ con người).
  • Các dịch vụ bổ sung: DPP cho phép các thương hiệu liên tục cập nhật thông tin sản phẩm và thêm các tính năng mới. Ví dụ, các sản phẩm Coach’s Coachtopia đi kèm với các ID kỹ thuật số độc đáo để truy cập vào dịch vụ sửa chữa. Tương tự, BOSS đã tích hợp các ID kỹ thuật số vào áo khoác trượt tuyết để có thêm các tính năng bổ sung (trong giai đoạn thử nghiệm) như truy cập đường trượt và thanh toán không chạm (Contactless payment).
  • Mô hình kinh doanh mới: DPP mở ra cơ hội cho các mô hình kinh doanh mới tập trung vào việc sửa chữa, bảo dưỡng và tuần hoàn sản phẩm. Những chuyển đổi này có thể giúp lan tỏa thời trang chậm và kéo dài vòng đời sản phẩm như một yếu tố phân biệt thương hiệu, tạo mối quan hệ mạnh mẽ hơn giữa thương hiệu và khách hàng và thúc đẩy các thực hành tiêu dùng bền vững.

Doanh nghiệp thời trang làm gì để sẵn sàng cho các quy định bắt buộc về DPP?

Đối với các doanh nghiệp thời trang chuẩn bị cho việc triển khai bắt buộc của DPP, có một số bước quan trọng và yêu cầu cơ sở hạ tầng cần quan tâm như:

  • Dữ liệu sản phẩm tập trung, dễ truy cập và chính xác: Yêu cầu tiên quyết quan trọng nhất cho việc triển khai DPP là có dữ liệu sản phẩm tập trung, dễ truy cập và chính xác. Điều này bao gồm việc thu thập thông tin toàn diện về các sản phẩm, bao gồm thành phần, nguồn gốc và tác động môi trường. Các doanh nghiệp cần đảm bảo rằng dữ liệu này được cập nhật đều đặn và chính xác phản ánh đúng tình trạng hiện tại của sản phẩm của họ.
  • Định dạng mở, an toàn, tiêu chuẩn hóa và có thể tương tác: Dữ liệu cho DPP cần ở định dạng mở, an toàn, theo tiêu chuẩn và có thể tương tác. Quan trọng là dữ liệu phải có thể đọc được bằng các thiết bị điện tử, được cấu trúc và thuận tiện truy cập và phân tích. Cách tiếp cận này đảm bảo thông tin được chia sẻ và hiểu được dễ dàng trên các nền tảng khác nhau và bởi các bên liên quan khác nhau.
  • Hợp tác chức năng chéo: Việc triển khai thành công của DPP đòi hỏi sự hợp tác chức năng chéo trong tổ chức. Các phòng ban/bộ phận khác nhau như sản xuất, chuỗi cung ứng, tiếp thị và công nghệ thông tin, cần phải làm việc cùng nhau để đảm bảo rằng dữ liệu được thu thập, đăng nhập và tích hợp một cách đồng nhất. Tránh các tình huống mà mỗi phòng ban đăng nhập dữ liệu thủ công vào nhiều hệ thống khác nhau là rất quan trọng cho hiệu suất và độ chính xác.
  • Tối ưu hóa hoạt động với các giải pháp hiện đại: Các doanh nghiệp thời trang nên xem xét việc tối ưu hóa hoạt động của họ với các giải pháp quản lý vòng đời sản phẩm và dữ liệu tập trung, dựa trên đám mây. Các giải pháp này nên có các kết nối tích hợp cho Phần mềm Quản lý Doanh nghiệp (ERP) và các hệ thống phần mềm khác để đồng bộ dữ liệu trực tiếp từ các đối tác sản xuất. Cách tiếp cận tích hợp này đảm bảo rằng dữ liệu được cung cấp một cách liên tục và chính xác vào DPP.
  • Chuẩn bị cho các quy định trong tương lai: Khi khung dữ liệu cần trong DPP được xác định, các hệ thống hiện có nên có khả năng đẩy dữ liệu đến các giải pháp về truy xuất nguồn gốc/Hộ chiếu kỹ thuật số. Các doanh nghiệp cần luôn cập nhật thông tin về các quy định và tiêu chuẩn sắp tới liên quan đến DPP và điều chỉnh hệ thống và quy trình của họ tương ứng.

Những thách thức khi áp dụng DPP

Việc triển khai DPP trong ngành thời trang đặt ra một số thách thức mà các doanh nghiệp cần chuẩn bị:

  • Rào cản công nghệ: Tích hợp DPP đòi hỏi một cơ sở hạ tầng CNTT mạnh mẽ phục vụ quản lý dữ liệu, chuyên môn về blockchain và đảm bảo tính tương thích với các hệ thống hiện có như phần mềm ERP.
  • Chi phí: Các khoản đầu tư ban đầu cho phát triển phần mềm, hệ thống quản lý dữ liệu và đào tạo nhân viên tương đối lớn.
  • Bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu: Bảo vệ thông tin bí mật/độc quyền là rất quan trọng. Sử dụng các phương pháp mã hóa dữ liệu như RSA hoặc công nghệ Zero-knowledge Proof là cần thiết để bảo vệ dữ liệu nhạy cảm trong khi vẫn duy trì sự minh bạch.
  • Đường cong học tập (Learning curve) và quản lý thay đổi: Chuyển đổi sang DPP đòi hỏi một quá tình học hỏi đáng kể của nhân viên. Quản lý thay đổi hiệu quả và sự hợp tác giữa các bộ phận là rất quan trọng để thực hiện một cách trôi chảy.
  • Tiêu chuẩn hóa trên các thị trường thị khác: Đồng nhất và hài hòa hệ thống ID kỹ thuật số với các tiêu chuẩn và quy định quốc tế đa dạng, đặc biệt là đối với các thương hiệu toàn cầu, có thể là một thách thức.

Bài: Hoàng Mạnh Cầm

(Nguồn: https://www.worldfashionexchange.com/blog/digital-product-passports/)


Các tin khác