Hanosimex tổ chức Đại hội đồng cổ đông và Hội nghị người lao động năm 2022


Ngày 25/4 tại Hà Nam, Tổng Công ty CP Dệt May Hà Nội đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông năm và Hội nghị người lao động năm 2022. Tới dự Đại hội có ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Vinatex; Ông Nguyễn Song Hải – Phó TGĐ Vinatex, Chủ tịch HĐQT Hanosimex; ông Hồ Lê Hùng – TGĐ Hanosimex, cùng lãnh đạo Cơ quan điều hành và các cổ đông của Hanosimex.

Toàn cảnh Đại hội đồng cổ đông năm 2022 của Hanosimex

Tại Đại hội, ông Hồ Lê Hùng – Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc Hanosimex đã trình bày về kết quả sản xuất kinh doanh (SXKD) năm 2021 của Tổng Công ty, bao gồm công ty mẹ và các đơn vị thành viên của Hanosimex. Trong đó, năm qua, Hanosimex đã có những kết quả ấn tượng về SXKD Sợi, đóng góp 49,7% tổng doanh thu. Với ngành May, Dệt nhuộm và Dệt khăn, đơn vị còn gặp một số khó khăn do đơn hàng bị giảm, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao…

Trải qua 2021 với nhiều khó khăn, Hanosimex đã có một năm vượt khó với doanh thu hợp nhất đạt 1.668,9 tỷ đồng (công ty mẹ là 1.243,5 tỷ đồng) bằng 111% Nghị quyết của ĐHĐCĐ 2021; Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 72,5 tỷ đồng (công ty mẹ 65,6 tỷ đồng) bằng 241,79% so với Nghị quyết của ĐHĐCĐ 2021; Thu nhập bình quân NLĐ gần 7,7 triệu đồng/người/tháng, tăng 4,9% so với 2021; Chia cổ tức 10% bằng tiền mặt.

Ông Hồ Lê Hùng – TV HĐQT, TGĐ Hanosimex trình bày về kết quả SXKD năm 2021, mục tiêu 2022

Năm 2022, Hanosimex đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 1.789,5 tỷ đồng (công ty mẹ 1.213 tỷ); Lợi nhuận trước thuế hợp nhất 67 tỷ đồng; Thu nhập bình quân NLĐ đạt 8 triệu/người/tháng; Chi cổ tức bằng cổ phiếu 10%.

Ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Vinatex phát biểu chỉ đạo

Ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Vinatex cho biết, mặc dù năm 2021 có nhiều khó khăn, nhưng HĐQT, Cơ quan điều hành của Hanosimex đã vận dụng linh hoạt hoạt động SXKD cũng như bám sát diễn biến thị trường để có được sự tăng trưởng ấn tượng. Tuy nhiên, về cơ cấu các ngành của Hanosimex vẫn chưa có sự tăng trưởng đồng đều, nếu như ngành Sợi có tăng trưởng tốt thì ngành May, ngành Dệt kim và Dệt khăn vẫn còn những khó khăn cần khắc phục. Lãnh đạo Vinatex yêu cầu, trong thời gian tới Hanosimex cần cải thiện các lĩnh vực hoạt động nhằm trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất dệt kim của Tập đoàn. Mục tiêu và tầm nhìn của Hanosimex đến 2025 -2030 sẽ là nhà sản xuất dệt kim trọn gói từ sợi đến may. Cụ thể, từ nay đến 2025: Hanosimex cần xây dựng kế hoạch đầu tư, nguồn vốn, thị trường, nhân lực đáp ứng các yêu cầu sau: Đầu tư thêm 01 nhà máy sợi tại Đồng Văn; Đầu tư thêm 02 nhà máy may tại Nghệ An; Toà nhà Văn phòng, đồng thời xây dựng hệ thống quản trị số cho việc quản trị các đơn vị trong hệ thống trong bối cảnh các Nhà máy của Hanosimex đặt tại nhiều địa phương khác nhau.

Đến năm 2030, Hanosimex là nhà sản xuất sợi để cung ứng cho sản phẩm dệt kim nội bộ, dệt kim trong chuỗi của Tập đoàn và bán ra ngoài với quy mô khoảng 30.000 tấn/năm; Năng lực sản xuất ngành may dệt kim đạt 70-80 triệu sản phẩm/năm; Hệ thống dệt nhuộm dệt kim tham gia cùng các đơn vị dưới sự điều hành của Tập đoàn, mục tiêu đáp ứng 40-50% cho quy mô ngành may dệt kim nói trên từ nguồn vải dệt kim của Tập đoàn khoảng 7000 – 8000 tấn/năm. Xây dựng 2 trung tâm sản xuất: Trung tâm sản xuất ngành sợi tại Đồng Văn với quy mô 12-14 vạn cọc; Trung tâm sản xuất ngành may tại Nghệ An từ 5-7 nhà máy.

Tại Đại hội, ông Nguyễn Song Hải – Chủ tịch HĐQT Hanosimex đã trình bày báo cáo hoạt động của HĐQT năm 2021 và phương hướng hoạt động năm 2022; Đồng thời đưa ra biểu quyết về phương án phân phối lợi nhuận 2021; Phương hướng SXKD và đầu tư năm 2022; Phương án thoái vốn tại các đơn vị không năm trong mục tiêu “Một điểm đến dệt kim” của Hanosimex; Phê duyệt, quyết toán thù lao HĐQT, BKS; Lựa chọn đơn vị kiểm toán; Chủ trương chi cổ tức bằng cổ phiếu giai đoạn 2022 – 2025… để các cổ đông thông qua. Kết quả, 100% các cổ đông có mặt tại Đại hội đã biểu quyết thông qua các nội dung trên.

*Chiều cùng ngày, Hanosimex đã tổ chức Hội nghị người lao động năm 2021. Tới dự Hội nghị có ông Lê Nho Thướng – Phó Bí thư Đảng ủy Vinatex, Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam.

Hội nghị đã nghe: bà Lê Thị Thu Hường – Giám đốc điều hành Hanosimex trình bày về kết quả thực hiện Nghị quyết Hội nghị năm 2021, mục tiêu nhiệm vụ năm 2022; Bà Nguyễn An Hải – Phó Chủ tịch Công đoàn Hanosimex trình bày về kết quả Hội nghị Người lao động cấp đơn vị, thực hiện chế độ chính sách người lao động năm 2021; Bà Phạm Thị Quỳnh Trang – Trưởng Ban Thanh tra nhân dân trình bày về hoạt động của Ban năm 2021.

Tại Hội nghị, các đơn vị trong hệ thống của Hanosimex cũng đã trình bày tham luận của các đơn vị trong hệ thống của Hanosimex. Trước khi giải đáp những kiến nghị đại diện cho NLĐ, ông Hồ Lê Hùng đã chia sẻ về những khó khăn của ngành Dệt và May trong năm qua. Cụ thể, dịch covid-19 đã làm hoạt động sản xuất tại Hà Nam, Nghệ An bị gián đoạn trong nhiều tháng. Nhiều kế hoạch bị đình trệ, đơn hàng bị lùi do giãn cách. Tuy nhiên, do công tác điều hành linh hoạt, bám sát thực tế, cùng với sự hỗ trợ của các giám đốc nhà máy, chi nhánh, chủ tịch công đoàn… đã lăn xả, bám việc để giải quyết các khó khăn cho NLĐ khi thực hiện “3 tại chỗ”, cùng với đó là sự hỗ trợ rất lớn của Công đoàn Dệt May Việt Nam với các chính sách, hoạt động hỗ trợ NLĐ thiết thực, giúp NLĐ yên tâm sản xuất, giữ vững nhịp độ, hoàn thành kế hoạch đã giao. Với những kiến nghị của NLĐ, ông Hồ Lê Hùng cho biết sẽ nghiên cứu, chỉ đạo các đơn vị rà soát và khắc phục trong thời gian sớm nhất.

Ông Lê Nho Thướng – Phó Bí thư Đảng ủy Vinatex, Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam yêu cầu các hoạt động vì NLĐ của Hanosimex cần đi sâu hơn vào tâm tư của NLĐ

Đánh giá cao các hoạt động, phong trào cho NLĐ năm 2021 của Hanosimex, ông Lê Nho Thướng – Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam cho biết, trong mục tiêu kép vừa chống dịch vừa hoàn thành SXKD, Hanosimex là một điểm sáng. Trong đó, thu nhập NLĐ được đảm bảo và tăng gần 5% so với cùng kỳ. Các phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo tiếp tục được đẩy mạnh, triển khai tới các đơn vị trong hệ thống. NLĐ được trang bị các kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng sống, văn hóa ứng xử.

 “Ở góc độ lao động và công đoàn, tôi đề nghị Công đoàn Tổng Công ty cần tích cực và chủ động hơn trong nắm bắt thực trạng tay nghề, tâm tư, nguyện vọng của NLĐ; xem NLĐ còn yếu ở đâu, tay nghề, thái độ hay kỹ năng làm việc, kỹ năng hòa nhập? Năng suất lao động còn thấp chủ yếu ở những đơn vị nào, bộ phận nào? Người lao động thật sự mong muốn điều gì, hay những hoạt động Công đoàn triển khai đã thực sự khỏa lấp hết những vấn đề mà NLĐ mong muốn cho cuộc sống của mình hay chưa? Nắm bắt, phân tích và giải đáp được hết các câu hỏi đó thì Công đoàn mới có thể đưa ra được các nội dung và phương pháp phù hợp cho tuyên truyền, giáo dục, vận động NLĐ. Từ đó đưa ra những ý kiến xác đáng để tham gia có hiệu quả vào quá trình quản lý, để cải thiện hơn nữa việc làm và đời sống của NLĐ, từng bước nâng cao năng suất lao động”- Ông Lê Nho Thướng nhấn mạnh.

Kết thúc Hội nghị, 108 đại biểu đại diện hơn hơn 4000 lao động của Hanosimex đã biểu quyết thông qua một số chế độ, chính sách mới của Tổng Công ty. Hưởng ứng phát động thi đua sản xuất của đại diện May Nam Đàn 2.

Quang Nam


Các tin khác