Gần 242 tỷ USD hàng xuất khẩu của Việt Nam đi những thị trường nào?


Theo Tổng cục Hải quan, hết tháng 11 trị giá hàng hóa xuất khẩu cả nước đạt 241,65 tỷ USD, tăng 7,9%, tương ứng tăng 17,74 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Cơ cấu thị phần kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tới 5 châu lục. Biểu đồ: T.Bình.

Máy vi tính tăng mạnh nhất

Trong các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện có kim ngạch tăng cao nhất đạt 5,24 tỷ USD, tương ứng 19,3%.

Tiếp theo là điện thoại các loại và linh kiện tăng 2,31 tỷ USD, tương ứng tăng 5%; dệt may tăng 2,16 tỷ USD, tương ứng 7,8%; giày dép các loại tăng 1,89 tỷ USD, tương ứng 12,9%…

Xét về quy mô kim ngạch, điện thoại các loại và linh kiện vẫn là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất với trị giá đạt 48,53 tỷ USD.

EU (28 nước) là thị trường xuất khẩu lớn nhất đạt 11,82 tỷ USD, giảm 7,1%. Tiếp theo là Hoa Kỳ đạt trị giá 8,45 tỷ USD, tăng 62,5%; Trung Quốc đạt 7,36 tỷ USD, giảm 12,4%; Hàn Quốc đạt 4,89 tỷ USD, tăng 17,6%…

Máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện đứng vị trí thứ hai với 32,4 tỷ USD. Các thị trường xuất khẩu chủ yếu là: Trung Quốc đạt 8,47 tỷ USD, tăng 10,5%; Hoa Kỳ đạt 5,37 tỷ USD, tăng mạnh 103,4%; EU đạt 4,68 tỷ USD, giảm 8,6%; Hồng Kông đạt 2,72 tỷ USD, tăng 30,8%; Hàn Quốc đạt 2,66 tỷ USD, tương ứng tăng 15,6%…

Hàng dệt may vốn nhiều năm đứng thứ hai nay bị đẩy xuống thứ ba với kim ngạch 29,9 tỷ USD.

Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất từ Việt Nam với trị giá đạt 13,46 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 45% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước.

Ngoài ra, thị trường EU đạt 3,94 tỷ USD, tăng 4,2%; Nhật Bản đạt 3,62 tỷ USD, tăng 4,1%; Hàn Quốc đạt 3,12 tỷ USD, tăng 2,3%; Trung Quốc đạt 1,46 tỷ USD, tăng 5%…

Cùng với ba nhóm hàng lớn nêu trên, hết tháng 11 còn hai nhóm hàng đạt kim ngạch từ 10 tỷ USD trở lên gồm: Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng và giày dép.

Trong đó, máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 16,55 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường xuất khẩu chủ yếu gồm: Hoa Kỳ với 4,53 tỷ USD, tăng 47,2%; EU đạt 2,45 tỷ USD, tăng 21,8%; Nhật Bản với 1,76 tỷ USD, tăng 4%; Hàn Quốc với 1,46 USD, tăng 29,9%…

Giày dép các loại cũng đạt 16,55 tỷ USD, tăng 12,9%. Hoa Kỳ và EU tiếp tục là 2 thị trường chính nhập khẩu nhóm hàng giày dép các loại của Việt Nam với kim ngạch và tốc độ tăng lần lượt là 5,96 tỷ USD (tăng 13,3%) và 4,59 tỷ USD (tăng 8,1%). Riêng 2 thị trường chính đạt 10,55 tỷ USD, chiếm 63,8% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.

Một tổ hợp nhóm hàng xuất khẩu đáng chú ý khác là nông sản (bao gồm hàng rau quả, hạt điều, hạt tiêu, chè, cà phê, gạo, sắn và sản phẩm sắn, cao su) với tổng kim ngạch đạt 15,28 tỷ USD, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước (tương ứng giảm 1,1 tỷ USD).

Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất nhập khẩu mặt hàng nông sản của Việt Nam với 5,33 tỷ USD, giảm 9,4%; tiếp theo là EU đạt 2,29 tỷ USD, giảm 8,5%; khối ASEAN đạt 2,03 tỷ USD, tăng nhẹ 0,7%; Hoa Kỳ đạt 1,49 tỷ USD, giảm 16,1%…

Châu Á chiếm 51,2% thị phần kim ngạch xuất khẩu

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, kết thúc 11 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt 472,36 tỷ USD, tăng 7,3% (tương ứng tăng 32,13 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, thặng dư thương mại đạt con số kỷ lục 10,94 tỷ USD.

Trong tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm 297,87 tỷ USD, tăng 3,2%, tương ứng tăng 9,2 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2018.

Trong đó, xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI đạt 165,03 tỷ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu đạt 132,84 tỷ USD, tăng 2,1%.

Như vậy, cán cân thương mại của khối doanh nghiệp FDI trong 11 đầu năm 2019 đạt tới 32,18 tỷ USD.

Trong 11 tháng qua, trao đổi thương mại giữa Việt Nam với châu Mỹ đạt 87,62 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm 2018, liên tục là châu lục đạt mức tăng trưởng cao nhất trong năm nay.

Tuy nhiên, xét về quy mô kim ngạch, châu Á tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất đạt 65,4% tương đương 308,73 tỷ USD, tăng 4,8%.

Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các châu lục khác lần lượt là: Châu Âu đạt 60,59 tỷ USD, tăng 2,5%; châu Đại Dương đạt 8,88 tỷ USD, tăng 5,7% và châu Phi đạt 6,55 tỷ USD, tăng nhẹ 0,3%.

Xét về thị trường xuất khẩu, châu Á đạt 123,63 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ 2018, chiếm 51,2% tổng kim ngạch của cả nước.

Châu Mỹ đạt 67,19 tỷ USD, tăng 26,5%, chiếm 27,8%; châu Âu đạt 43,84 tỷ USD, tăng 2,1%, chiếm 18,1%; %; châu Đại Dương đạt 4,12 tỷ USD, giảm 7,4%, chiếm 1,7%; châu Phi đạt 2,88 tỷ USD, tăng nhẹ 8,3%, chiếm 1,2%.

Theo Báo Hải quan


Các tin khác