Đón đọc Đặc san Dệt May và Thời trang Việt Nam số Chào Xuân Giáp Thìn 2024


Đặc san Dệt May và Thời trang Việt Nam số Chào Xuân Giáp Thìn 2024, ấn phẩm đặc biệt dày 140 trang (gộp 2 tháng 1+2/2024), phản ánh bức tranh toàn cảnh, cập nhật và dự báo tình hình sản xuất kinh doanh của ngành Dệt May nói chung, Tập đoàn Dệt May Việt Nam nói riêng trong năm 2024, xoay quanh chủ đề chính “Vượt khó với tổn thất tối thiểu- tồn tại để tìm cơ hội trở lại- tranh thủ tái cấu trúc- đổi mới theo hướng xanh”. Khí thế chào đón xuân mới, tìm cơ hội mới trong năm con Rồng cũng được khắc họa rõ nét trong ấn phẩm Tết.

Mở đầu Đặc san là Thông điệp 2024: “Đáp ứng nhanh nhất mọi diễn biến của thị trường” của ông Lê Tiến Trường – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vinatex phân tích và nêu bật sự quyết tâm của toàn hệ thống Vinatex với tinh thần kiên cường, dũng cảm, sáng tạo, đoàn kết, tận dụng mọi cơ hội quay trở lại thị trường một cách bền vững.

Nền kinh tế thế giới và trong nước càng ngày càng bộc lộ những yếu tố bất định, doanh nghiệp trụ vững hay không trước sóng gió thị trường dựa vào nhiều nguồn lực. Tuy nhiên, năng lực của đơn vị hay bản lĩnh của đội ngũ lãnh đạo đều không còn là những yếu tố “cứng” để giữ vững hoạt động sản xuất kinh doanh mà trong sự bất định còn rất cần cả những yếu tố “mềm” từ công tác quản trị, trong đó đòi hỏi doanh nghiệp phải tập trung cao độ cho quản trị rủi ro và sớm lấy lại tốc độ để chớp thời cơ khi thị trường trở về với quy luật phát triển ổn định hơn trong thời gian tới. Đây chính là nội dung bài viết “Quản trị rủi ro phòng bất định – Bảo toàn nguồn lực đón thời cơ” của ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Vinatex mà Đặc san muốn gửi đến quý độc giả.

Năm 2023 đã đi qua với nhiều biến động và bất định, tuy nhiên kinh tế Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng 5,05%. Năm 2024 mở ra nhiều cơ hội, nhất là khi thế giới đang chuyển qua bước ngoặt từng bước nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều công ăn việc làm. Nhưng ở một góc nhìn khác vẫn còn nhiều khó khăn thách thức: Chiến tranh, cạnh tranh chiến lược, bảo hộ thương mại… tạo ra một môi trường bất ổn định, khó dự báo. Để biết được những dự báo về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024, chúng ta cùng nhau đi tìm câu trả lời qua bài viết “Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024” của TS. Trương Văn Phước – Nguyên Quyền Chủ tịch UB Giám sát Tài chính Quốc gia.

Trước những đòi hỏi mới của thị trường toàn cầu, một trong những định hướng mới trong những năm gần đây của Tập đoàn Dệt May Việt Nam là tìm cách chuyển hóa sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn như ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới, thị trường ngách, sản phẩm gắn với xanh hóa môi trường cùng với các giải pháp để đổi mới thiết bị nâng cao năng suất lao động. Đây chính là nội dung bài “Vinatex gia tăng giá trị sản phẩm với vải chống cháy từ sợi” mà Đặc san muốn giới thiệu đến quý độc giả.

Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và sẽ làm thay đổi cơ bản khái niệm đổi mới công nghệ, trang thiết bị trong các dây chuyền sản xuất. Từ đó, năng suất lao động, chất lượng sản phẩm sẽ được cải thiện, thu nhập của người lao động theo đó cũng tăng cao hơn. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức với ngành sử dụng đông lao động như dệt may. Vai trò của Công đoàn trước những thuận lợi cũng như nguy cơ với nguồn nhân lực thế nào? Xin mời quý độc giả cùng tìm câu trả lời qua bài viết “Người lao động dệt may vững tâm – thế bắt nhịp với cách mạng công nghiệp 4.0”.

Trải qua một năm 2023 đầy khó khăn sóng gió đã làm cho nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may đuối sức. Năm 2024 đang đến với những cơ hội và thách thức đan xen, song song với sự phục hồi kinh tế là những rủi ro tiềm ẩn từ xung đột địa chính trị và những quy định, yêu cầu khắt khe hơn đối với hàng dệt may. Đồng thời xu hướng đổi mới và phát triển công nghệ cũng sẽ là bài toán cần chúng ta đưa ra lời giải. Cùng soi chiếu thị trường dệt may 2023 từ cả phía cung và cầu, nhận định cho năm 2024 và rút ra bài học cho năm con Rồng qua bài viết “Soi chiếu thị trường dệt may năm 2023- tìm xung lực cho năm 2024”.

Những ngày đầu năm mới 2024, trong các nhà máy, dây chuyền sản xuất, người lao động dệt may vẫn miệt mài cho ra đời những sản phẩm chất lượng. Tiếng máy kéo sợi, máy may, máy dệt cộng hưởng với khí thế thi đua lao động sáng tạo của mỗi người thợ tạo nên bản hòa ca rộn vang khí thế chào đón một mùa xuân mới với nhiều ước vọng mới… Trong khí thế thi đua sôi nổi, tưng bừng và rộn vang, người lao động dệt may đều chung quyết tâm vượt qua những khó khăn thách thức của năm 2024, phát huy trí tuệ, sức sáng tạo, nỗ lực thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Không khí sôi nổi này được phản ánh rõ nét trong bài viết “Khơi sức xuân, vươn sáng tạo”.

Bên cạnh đó, Đặc san số tháng 12 cung cấp cho bạn đọc những bài viết về: Nhìn lại năm 2023: Vững bước trên con đường thực hiện kế hoạch 5 năm 2021-2025; Nguồn năng lượng mới trong năm con Rồng; Chỉ dầu nào cho hồi phục nền kinh tế trong năm 2024; Bước chuyển trong công tác đào tạo nội bộ – Từ sự vào cuộc của doanh nghiệp; Thị trường dệt may nội địa cạnh tranh ngày càng khốc liệt; Thời trang chậm lựa chọn bền vững hơn với môi trường so với thời trang nhanh; Rồng trên mũ áo các vua triều đại Việt; Khai niên rộn ràng cùng thời trang Vinatex; truyện ngắn Mùa Mai trổ nắng? …

Trân trọng kính mời độc giả đón đọc qua Đặc san in và qua đường link: https://vinatex.com.vn/wp-content/uploads/2024/01/TCDM_2024.01.pdf

Mọi chi tiết xin liên hệ: Đặc san Dệt May và Thời trang Việt Nam – Địa chỉ: 25 Bà Triệu, Hoàn Kiếm, Hà Nội. ĐT: Ban Truyền thông: 024.38251252; Email: bantt@vinatex.com.vn.


Các tin khác