Doanh nghiệp, người lao động được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ


Đợt dịch Covid – 19 lần thứ 4 bùng phát đã khiến các doanh nghiệp vốn đã bị tổn thương do các đợt dịch trước lại càng trở nên lao đao, khó khăn. Việc giãn cách xã hội kéo dài tại nhiều địa phương đã khiến các doanh nghiệp đang cạn dần nguồn lực dự trữ, sức chống chịu ngày càng suy giảm. Việc được tiếp cận với các gói hỗ trợ đã giúp doanh nghiệp không bị phá sản, tiếp tục duy trì sản xuất còn người lao động (NLĐ) thì yên tâm làm việc.

Doanh nghiệp bớt khó khăn

Để kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19, nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực từ miễn, giảm, giãn các khoản thuế, tiền thuê đất; cắt giảm thủ tục hành chính; hỗ trợ lãi suất; dừng đóng bảo hiểm xã hội và phí công đoàn, hỗ trợ NLĐ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp… liên tục được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành ban hành để giúp cho các doanh nghiệp, người dân vượt qua những khó khăn như Nghị định số 52, Nghị định số 75, các Nghị quyết số 84/NQ-CP, Nghị quyết số 42/NQ-CP, Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết số 116/NQ-CP…

Là một trong những doanh nghiệp phải dừng sản xuất 35 ngày do có người lao động mắc Covid -19, Công ty cổ phần May Đáp Cầu đã gặp phải rất nhiều khó khăn. Sản xuất bị đứt gãy, nhưng các chi phí về tiền thuế, tiền đất, lãi ngân hàng… Công ty vẫn phải thanh toán, cùng với đó là các chi phí phát sinh về test Covid, mua trang thiết bị phòng dịch, chi phí xuất nhập khẩu, vận chuyển tăng cao.

Mặc dù phải dừng sản xuất nhưng Công ty vẫn trả lương hỗ trợ cho 100% công nhân, người lao động với khoảng trên 1.800 người, số tiền trung bình khoảng 5 triệu đồng/người/tháng từ nguồn quỹ dự phòng tiền lương, quỹ phúc lợi xã hội, quỹ dự phòng tài chính của Công ty. Sự hỗ trợ này đã giúp công nhân lao động vơi bớt khó khăn, bảo đảm an sinh xã hội nhưng lại làm cho Công ty rơi vào hoàn cảnh khó khăn.

Ông Lương Văn Thư, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần May Đáp Cầu chia sẻ: “Do có mối quan hệ truyền thống, thân thiết với một số ngân hàng nên Công ty không gặp nhiều khó khăn trong việc giãn nợ và tiếp cận nguồn vốn. Bên cạnh đó, Công ty đã được vay 21 tỷ đồng với lãi suất 0% trong thời gian 11 tháng để trả lương và mỗi người lao động cũng được hưởng 1 triệu đồng từ ngân sách, được hỗ trợ của quỹ bảo hiểm theo năm đóng bảo hiểm. Trong điều kiện không được sản xuất và không có doanh thu thì số tiền này thực sự hữu ích, hỗ trợ Công ty trong giai đoạn khó khăn và là nguồn động lực to lớn giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khủng hoảng”.

Người lao động có thêm thu nhập

Ngày 24/9/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ BHTN. Đây là chính sách chưa có tiền lệ từ trước đến nay, thể hiện sự quan tâm tới đời sống của NLĐ, đặc biệt là những người đã từng tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

Nhận xét về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 từ Quỹ BHTN, Tổng Thư ký Quốc hội – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết: “Đây là chính sách rất nhân văn và cấp thiết trong tình hình hiện nay để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động; Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định theo đúng thẩm quyền được Quốc hội ủy quyền tại Nghị quyết số 30/2021/QH15; hồ sơ, thủ tục đầy đủ, bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật”.

Theo BHXH Việt Nam, tính đến hết ngày 1/11, BHXH các địa phương đã giải quyết hưởng hỗ trợ từ Quỹ BHTN theo Nghị quyết 116 cho 8,34 triệu lao động (trong đó đang tham gia BHTN là 7,79 triệu người; đã dừng tham gia BHTN 0,55 triệu lao động) với tổng số tiền hỗ trợ là 19.832 tỷ đồng.

Anh Mai Văn Cường, Tổ trưởng Tổ Công đoàn Ống B1 Nhà máy Sợi Đồng Văn  – Hanosimex cho biết, thật may mắn trong đợt dịch vừa qua Nhà máy không bị ảnh hưởng nhiều nên việc làm và thu nhập vẫn ổn định. Để đảm bảo tiến độ sản xuất và yêu cầu phòng chống dịch Nhà máy đã bố trí cho người lao động “3 tại chỗ” từ ngày 1/8 đến 21/10. Vừa qua, Nhà máy yêu cầu mọi người khai báo để hoàn thiện hồ sơ hưởng hỗ trợ, khoảng 1 tuần sau, tài khoản của chúng tôi đã nhận được tiền.

“Chúng tôi khá bất ngờ khi được nhận tiền hỗ trợ sớm như thế. Với số tiền 2,4 triệu đồng, cộng cả của vợ tôi là được gần 5 triệu đồng. Đây là nguồn động viên lớn cho bản thân tôi cũng như anh chị em trong Nhà máy, giúp tôi có thêm một khoản tiền để tiết kiệm phòng khi khó khăn” – anh Mai Văn Cường phấn khởi chia sẻ.

Vinatex tiếp cận chính sách hỗ trợ của Nhà nước

Là ngành thâm dụng lao động, thu nhập không cao nên khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, các địa phương phải thực hiện các biện pháp cách ly, phong toả, giãn cách xã hội để phòng, chống dịch thì đời sống người lao động lại vô cùng khó khăn, vất vả. Do vậy, bên cạnh chủ động hỗ trợ cho người lao động từ nguồn lực hiện có, lãnh đạo Tập đoàn đã chỉ đạo các ban chức năng, lãnh đạo các doanh nghiệp nghiên cứu nhanh, tiếp cận, hướng dẫn doanh nghiệp, người lao động thực hiện các thủ tục để thụ hưởng các chính sách được ban hành. Cùng với đó, trong quá trình thực hiện cũng thường xuyên nghiên cứu, kiến nghị với các bộ, ngành, trong đó có Bộ LĐ-TB&XH để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc. Các bộ, ngành đã nhanh chóng tiếp nhận và khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các chính sách này. Qua đó, giúp người lao động được thụ hưởng chính sách nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Theo đó, tính đến thời điểm 15/10/2021, dự kiến số tiền Nhà nước hỗ trợ đối với các đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn ước tính là 678 tỷ đồng (doanh nghiệp được hỗ trợ là 200 tỷ đồng, chiếm 30% tổng số tiền được hỗ trợ; hỗ trợ cho người lao động là 478 tỷ đồng, chiếm 70% tổng số tiền được hỗ trợ). Trong đó, số tiền các doanh nghiệp và người lao động đang làm thủ tục và được thụ hưởng là 241,1 tỷ đồng (Đang làm thủ tục là 125,8 tỷ đồng; số thực thụ hưởng tính đến nay là 67 tỷ đồng).

Ngoài ra, Tập đoàn cũng nhận được sự hỗ trợ từ Công đoàn Dệt May theo các chính sách của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Tính đến hết 15/10/2021 số tiền được hỗ trợ là 14,8 tỷ đồng, trong đó:

* 33 doanh nghiệp được hỗ trợ là: 1,4 tỷ đồng.

* 15.826 người lao động được hỗ trợ là: 8,5 tỷ đồng.

* 6.641 đoàn viên, người lao động của 16 Công đoàn cơ sở làm việc theo mô hình “3 tại chỗ” được hỗ trợ tiền ăn ca với số tiền là: 4,9 tỷ đồng.

Sau dịch bệnh, kết quả SXKD của doanh nghiệp bị giảm sút, các nguồn lực tích lũy được qua nhiều năm đã sử dụng hết, nên việc đảm bảo tiền lương – thu nhập ổn định để giữ người lao động là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp trong Tập đoàn. Do vậy, nguy cơ thiếu nguồn lao động trong cuối năm 2021 và năm 2022 vẫn hiện hữu. Các doanh nghiệp rất cần được Nhà nước tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn. Cụ thể:

* Nghiên cứu, sớm triển khai gói hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi 0% để phục hồi sản xuất.

* Tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN và tiền thuê đất ít nhất đến giữa hoặc cuối năm 2022 để doanh nghiệp có nguồn lực tài chính để phục hồi sản xuất kinh doanh. Đồng thời cho phép doanh nghiệp dệt may được giảm tiền thuế GTGT, thuế TNDN theo một tỷ lệ hợp lý (do dự thảo giảm 30% thuế TNDN và thuế GTGT năm 2021 hiện chưa có dệt may) để doanh nghiệp vừa có lực phục hồi sản xuất, vừa có điều kiện giảm giá bán sản phẩm dệt may trên chính thị trường trong nước, từ đó gián tiếp giảm gánh nặng chi tiêu của người dân.

* Cho phép doanh nghiệp được giảm 30% tiền thuế đất phải nộp năm 2021 dựa trên thông báo nộp tiền thuê đất hàng năm của Cơ quan Thuế mà không bắt buộc phải có quyết định cho thuê đất hoặc hợp đồng thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền như quy định tại Quyết định số 27/2021/QĐ-TTg. Vì nhiều doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh trên các cơ sở, địa điểm cũ từ nhiều năm nay, đều thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế đất, tiền thuê đất theo thông báo nộp tiền thuê đất của Cơ quan Thuế nhưng do vướng mắc về thủ tục mà chưa hoàn thành được việc ký lại hợp đồng thuê đất mới.

*Ngành ngân hàng xem xét đẩy nhanh việc xét duyệt gia hạn nợ, giảm lãi cho doanh nghiệp theo Thông tư 14/2021/TT-NHNN (hiện mỗi ngân hàng lại có quy định riêng về xét duyệt gia hạn); hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động tốt trước dịch được gia tăng hạn mức vay và được vay mới với thời hạn vay tăng thêm 3-6 tháng mà vẫn được hưởng chế độ ưu đãi lãi suất, thủ tục và điều kiện vay đơn giản hơn để doanh nghiệp phục hồi kinh doanh và tạo dòng tiền trả nợ.

Tình hình tiêm vắc xin cho người lao động

–        Tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ người lao động được tiêm vắc xin đủ 2 mũi đạt 100%.

–        Tại các địa phương khác ở miền Bắc, tỷ lệ người lao động được tiêm vắc xin mũi 1 đạt 90%, mũi 2 đạt 60%.

–        Tại các địa phương ở miền Trung, tỷ lệ người lao động được tiêm vắc xin mũi 1 đạt 80%, mũi 2 đạt 50%.

–        Tại các địa phương ở miền Nam, tỷ lệ người lao động được tiêm vắc xin mũi 1 đạt 50%, mũi 2 đạt 30%.

Đây là yếu tố thuận lợi giúp cho người lao động có đủ điều kiện để trở lại làm việc và tự tin, yên tâm làm việc khi doanh nghiệp trở lại sản xuất sau thời gian giãn cách. Tập đoàn kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế, các địa phương, nhất là các địa phương miền Nam: Cần đẩy nhanh việc tiêm vắc xin cho 100% lao động, thực hiện thống nhất chính sách đi lại giữa các địa phương, tạo điều kiện cho người tiêm ít nhất 1 mũi và PCR âm tính được tự do đi lại, không bị cách ly ở nơi đến. Đồng thời Tập đoàn kiến nghị Chính phủ và các Bộ ngành, địa phương tiếp tục quan tâm bố trí vắc xin cho các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may – da giầy để hoàn tất việc tiêm chủng cũng như tổ chức tiêm “nhắc lại” để củng cố lòng tin của người lao động, của khách hàng…, góp phần đảm bảo việc phục hồi sản xuất được ổn định, bền vững hơn và thực hiện tốt công tác an sinh xã hội.

 


Các tin khác