Doanh nghiệp dệt may vẫn… “ngóng” Hiệp định với châu Âu


Hiệp định đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức có hiệu lực. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) cũng kỳ vọng được ký kết trong năm nay.

Nhưng 2019 vẫn được đánh giá là một năm đầy thách thức với ngành dệt may Việt Nam, nhất là trong bối cảnh, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 2 của các nước xuất khẩu (XK) dệt may lớn nhất thế giới.

Lần đầu tiên xuất khẩu dệt may lớn thứ 2 thế giới

Theo báo cáo của Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex), chưa có năm nào, giá trị tuyệt đối tăng trưởng của dệt may Việt Nam lại tăng cao như năm 2018. Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Vinatex cho biết, các năm trước đây, khi tốc độ tăng trưởng đạt 12-15% thì giá trị tuyệt đối tăng trưởng chỉ khoảng 3 tỷ USD nhưng năm 2018, khi tốc độ tăng trưởng nhỉnh hơn 1-2%, lên 16% thì giá trị tuyệt đối tăng trưởng lại tăng 5 tỷ USD.

Điều này càng được đánh giá cao trong điều kiện tổng cầu thế giới chỉ tăng trưởng 3%. 10 nước XK dệt may chỉ dừng ở mức độ tăng trưởng 5%. 2 nước nằm trong danh sách top 5 quốc gia XK dệt may lớn nhất đều suy giảm giá trị tăng tưởng (gồm Ấn Độ và Bangladesh), do đó Việt Nam vươn lên vị trí thứ 2, chỉ sau Trung Quốc.

Theo ông Trường, năm 2018 là năm đánh dấu nhiều mốc quan trọng với dệt may Việt Nam khi lần đầu tiên vươn lên đứng thứ hai thế giới về kim ngạch dệt may. Và lợi nhuận của Vinatex cũng tăng tới 35%, đặc biệt, tăng trưởng hiệu quả sản xuất kinh doanh gấp đôi giá trị XK. Đây sẽ là thách thức lớn cho dệt may Việt Nam trong năm 2019 dù năm 2019 có nhiều hứa hẹn khi CPTPP đã chính thức có hiệu lực và chờ đợi EVFTA sẽ hoàn thành ký kết trong năm nay.

Ông Trường đánh giá, dù đã có một năm tăng trưởng vượt bậc nhưng dệt may sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm 2019 vì chính sách tiền tệ thế giới sẽ tiếp tục thay đổi, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung cũng chưa có hồi kết. Do đó ngành dệt may bị ảnh hưởng là nhìn thấy rất rõ, chưa kể đến việc sẽ gặp rủi ro khi Mỹ áp thuế chống lẩn tránh thuế.

Tuy nhiên, ông Trường cũng khẳng định, trong thách thức lớn vẫn nhìn thấy cơ hội. Và dệt may Việt Nam đặt quyết tâm, tập trung cơ hội vào CPTPP và EVFTA. Hiện nay, trong tổng số kim ngạch XK, có 5,3 tỷ USD xuất vào các nước thành viên CPTPP. Trong số đó, kim ngạch vào Nhật Bản đã chiếm 4 tỷ USD, 2 thị trường khác có quy mô tương đối lớn là Úc (200 triệu USD)  và Canada (650 triệu USD) chỉ bằng khoảng 1,3% thị phần XK nên ngay trong năm 2019, dệt may Việt Nam đặt mục tiêu tăng thị phần tại 2 thị trường Úc và Canada lên thêm 1 tỷ USD. Đưa tổng kim ngạch XK dệt may lên 40 tỷ USD (trong điều kiện đã ký kết được EVFTA), tăng 4 tỷ USD so với 2018. Nếu chưa EVFTA chưa hoàn thành ký kết, dự kiến mức tăng trưởng của dệt may Việt Nam sẽ tăng khoảng 2,5 tỷ USD.

Đợi chờ EVFTA sẽ được ký kết trong năm 2019

Ông Thân Đức Việt, Phó Tổng Giám đốc May 10 cho biết, CPTPP là một trong các hiệp định tác động khá lớn đến các doanh nghiệp (DN) dệt may, là cơ hội để mở ra các thị trường lớn mới như Canada, Úc, New Zealand, Peru, Chile. Đây  đều là những thị trường mới, đặc biệt để tìm kiếm những khách hàng trực tiếp vì thực tế hàng Việt Nam đã xuất sang các quốc gia này vẫn đang thông qua các đối tác thứ 3. Và EVFTA là hiệp định mà May 10 kỳ vọng hơn cả và rất mong muốn Hiệp định này được ký kết sớm.

May 10 đã chuẩn bị khá sớm để đón các hiệp định này. Hiện nay, doanh số phân phối XK chiếm 80% tổng doanh thu của May 10, trong đó, 45% vào thị trường Mỹ, 35% vào châu Âu, 10% là XK vào Nhật Bản. Thị phần này chắc chắn sẽ tăng lên khi các hiệp định được thực thi vì khách hàng sẽ tăng số lượng đặt hàng. Và để tận dụng được các hiệp định này, May 10 đã lên kế hoạch liên kết các chuỗi cung ứng trong nước để sản xuất từ sợi trở đi để có thể tận dụng tất cả các lợi thế trong các hiệp định, đặc biệt là chứng minh quy tắc xuất xứ.

Ông Việt cũng cho biết, quy tắc xuất xứ trong CPTPP sẽ khó đáp ứng hơn so với các điều khoản trong EVFTA vì hiện nay, DN may và sợi ở Việt Nam phát triển tương đối đều nhưng khâu dệt nhuộm lại chưa phát triển tương xứng. Ngoài ra, bộ chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ cũng khá phức tạp, mất nhiều thời gian khi vừa phải trình ở nước XK lại phải trình ở nước nhập khẩu để chứng minh được mã hàng đó đúng là loại được áp mức thuế giảm.

Ông Phí Ngọc Trịnh, Tổng Giám đốc May Hồ Gươm cũng cho biết, Tập đoàn May Hồ Gươm đang rất kỳ vọng vào EVFTA vì hiện nay khách hàng của May Hồ Gươm đa phần là ở các nước châu Âu (lượng hàng xuất đi châu Âu chiếm tới 60% số lượng XK của May Hồ Gươm). Ông Trịnh khẳng định, nếu EVFTA được ký kết sớm thì May Hồ Gươm sẽ tăng trưởng thêm khoảng 20% vì tìm thêm được nhiều khách hàng mới, đồng thời lượng khách hàng cũ cũng sẽ tăng số lượng đặt hàng vì hiện nay, số khách hàng cũ vẫn đang phải “san sẻ” bớt đi các nước khác có mức thuế ưu đãi hơn.

Và để đón đợi EVFTA, May Hồ Gươm đã khai trương thêm 1 nhà máy đặt ở huyện Tân Lạc, Hòa Bình với 700 lao động, tăng năng lực sản xuất với công suất 1 triệu sản phẩm/năm. Ông Trịnh khẳng định, nếu EVFTA đi vào thực thi thì sẽ tăng ngay lượng hàng xuất khẩu sang châu Âu vì EVFTA không có nhiều rào cản như CPTPP. Còn các thị trường mới ở CPTPP, với nhiều DN dệt may, đó là câu chuyện của những năm sau năm 2020, không thể bắt đầu ngay từ năm nay – 2019.

Theo http://baophapluat.vn


Các tin khác