Công đoàn tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ người lao động thực hiện mục tiêu “kép”


Sáng 13/7, đồng chí Lê Tiến Trường- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) chủ trì buổi làm việc của Ban thường vụ Đảng uỷ Tập đoàn với thường trực CĐ Dệt May VN, chi ủy chi bộ VP Công đoàn Dệt May Việt Nam về công tác công đoàn 6 tháng đầu năm và kế hoạch triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Đặc biệt, nhấn mạnh đến công tác chăm lo đời sống, việc làm, điều kiện làm việc, lưu trú cho công nhân lao động đang vừa chống dịch, vừa sản xuất.

Nhiều hoạt động thiết thực hướng về cơ sở, chăm lo NLĐ

Báo cáo tại buổi làm việc, đồng chí Lê Nho Thướng- Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2021, Công đoàn ngành đã tổ chức nhiều hoạt động hướng về cơ sở, chăm lo người lao động (NLĐ). Tiêu biểu là các hoạt động: “Tết sum vầy – Ngày hội công nhân – Phiên chợ nghĩa tình”; hoàn tất thủ tục cho việc ký kết Thỏa ước LĐTT ngành lần thứ V; phát động Tháng Công nhân – Tháng ATVSLĐ với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa; duy trì hiệu quả các phong trào thi đua; thực hiện tốt trách nhiệm xã hội với cộng đồng: tặng khẩu trang, quần áo cho các lực lượng nơi tuyến đầu, các địa phương bị ảnh hưởng nặng vì dịch bệnh; ủng hộ vào quỹ phòng chống Vaccine, nhắn tin ủng hộ quỹ qua Tổng đài 1408, và nhiều hoạt động xã hội từ thiện khác vì cộng đồng; chú trọng đào tạo nâng cao năng lực thích ứng cho NLĐ, phối hợp với các trường trong hệ thống tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho NLĐ… Đặc biệt, CĐ các cấp phối hợp cùng DN kiên cường vượt khó, duy trì SXKD, tăng cường phòng chống dịch bệnh, có nhiều mô hình chăm lo thiết thực, hiệu quả cho NLĐ.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Theo báo cáo của các đơn vị tính đến ngày 12/7/2021, toàn ngành đã có 86 ca F0 nằm rải rác ở các DN… Đến nay, tại các tỉnh phía Nam, đặc biệt thành phố Hồ Chí Minh rất nhiều đơn vị phải dừng sản xuất hoặc cho NLĐ làm việc giãn cách do nằm trong khu vực bị phong tỏa và có ca F0.

Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch, tại cấp cơ sở, CĐCS đã phối hợp với chuyên môn triển khai nhiều hoạt động: Tổ chức đo thân nhiệt, phun khử khuẩn hàng ngày và khi ra vào đơn vị, yêu cầu 100% CNLĐ đeo khẩu trang và thường xuyên rửa tay bằng xà bông hoặc gel kháng khuẩn; tổ chức cho NLĐ ăn ca giãn cách theo giờ, bàn ăn có vách ngăn; hướng dẫn và giám sát việc thực hiện nguyên tắc “7K” (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế- Khu cách ly an toàn- Kiểm soát biên giớitrong DN; tổ chức “đi chợ hộ công nhân” để hạn chế việc NLĐ phải tiếp xúc với bên ngoài cộng đồng… Đối với khối gián tiếp, nhiều đơn vị bố trí cho CBNV làm việc online song vẫn đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ.

Cấp bách phòng chống dịch, đồng hành thực hiện mục tiêu “kép”

Công đoàn Dệt May Việt Nam thông tin: Thời gian qua, các DN cố gắng đảm bảo thu nhập cho NLĐ trong những ngày dịch bệnh, hỗ trợ NLĐ trong diện bị cách ly, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn. Một số đơn vị đã sớm tiếp cận nguồn vaccine tiêm phòng cho NLĐ như TCT May Đáp Cầu, Công ty TNHH may và TM Việt Thành, TCT May Nhà Bè, Công ty CP Dệt May Đầu tư TM Thành Công, Công ty CP May Quốc tế Thắng Lợi,…. Ủng hộ bằng tiền và hiện vật nhằm chung tay cùng cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh như: TCT May 10, TCT May Đức Giang, Công ty May Liên Phương, TCT May Đồng Nai, CTCP Quốc tế Phong Phú, CTCP DMĐT Thành Công, TCT May Nhà Bè, Công ty CP DM Nha Trang, TCT Việt Thắng, CT TNHH Dệt Việt Phú, TCT CP May Việt Tiến, CTCP May Việt Thắng,…

Cán bộ công đoàn Dệt May Thành Công sắp xếp, đóng gói thực phẩm cho NLĐ.

Các đơn vị đã tích cực đóng góp vào quỹ từ thiện xã hội để hỗ trợ DN và NLĐ là các đối tượng F0, F1, F2 phải nghỉ việc để điều trị bệnh và cách ly theo yêu cầu của cơ quan chức năng. Tổng số NLĐ được hỗ trợ là 7.835 người với số tiền gần 11 tỷ đồng. Hỗ trợ gần 200 triệu đồng may trang phục tặng đội ngũ y bác sỹ.

Cửa hàng công đoàn của Tổng Công ty Việt Thắng tăng cường thêm các mặt hàng nhu yếu phẩm phục vụ CNLĐ với giá rẻ trong bối cảnh dịch.

Công đoàn ngành cũng kịp thời hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng cho 27 CĐCS khu vực phía nam để đồng hành cùng DN phòng chống dịch tại nơi làm việc; hỗ trợ 100 triệu đồng cho lực lượng sinh viên tình nguyện của trường Đại học Nguyễn Tất Thành tham gia chi viện cho lực lượng tuyến đầu chống dịch; hỗ trợ cho 10 NLĐ là F0, hơn 200 F1 và gần 400 F2 tại các CĐCS phải nghỉ cách ly, tổng số tiền chi hỗ trợ NLĐ (tính đến ngày 7/7/2021) là 500 triệu đồng; hỗ trợ 30 triệu đồng may trang phục tặng đội ngũ y bác sỹ; tặng 250.000 khẩu trang kháng khuẩn cho các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh, Nghệ An và hỗ trợ các chiến sỹ bộ đội làm nhiệm vụ canh gác đường mòn, lối mở; tặng 6.000 sản phẩm áo dệt kim trị giá hơn 300 triệu đồng cho NLĐ phải cách ly y tế tập trung…

Trong 6 tháng cuối năm, CĐ Dệt May Việt Nam tiếp tục triển khai các chương trình trọng tâm công tác năm, trong đó tập trung các giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp thực hiện mục tiêu “kép” vừa phòng, chống dịch, vừa sản xuất kinh doanh; tiếp tục đẩy mạnh chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đoàn viên công đoàn, NLĐ…

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Lê Tiến Trường ghi nhận, đánh giá cao hoạt động CĐ Dệt May trong 6 tháng đầu năm. Công đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động chất lượng, không hình thức, đem lại hiệu quả rõ nét, qua đó động viên đoàn viên công đoàn, NLĐ yên tâm lao động sản xuất.

Trên cơ sở kết quả hoạt động đạt được trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, lãnh đạo Đảng ủy Tập đoàn đề nghị, trong 6 tháng cuối năm, với nhiều nguy cơ và thách thức nặng nề với các DN trong toàn Tập đoàn trước sự bùng phát và diễn biến khó lường của dịch Covid-19, CĐ Dệt May Việt Nam cần tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm: Tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền qua các kênh thông tin của hệ thống công đoàn để siết chặt hơn nữa nguyên tắc 5K và tuân thủ nghiêm ngặt các qui định phòng, chống dịch Covid-19 trong CNLĐ; Tổ chức CĐ phát huy vai trò và trách nhiệm trong đồng hành cùng DN và NLĐ vừa phòng chống dịch, vừa sản xuất.

Các CĐCS tham gia vận động, tuyên truyền NLĐ vừa sản xuất, vừa lưu trú tại doanh nghiệp khi có yêu cầu. Với những CNLĐ lưu trú tại nơi sản xuất, tổ chức CĐ cần kịp thời phối hợp CQ điều hành DN, hỗ trợ, chăm lo điều kiện sinh hoạt, ăn ở để đảm bảo công tác phòng, chống dịch cũng như ổn định tư tưởng, đời sống cho NLĐ.

Với những DN chưa nằm trong vùng dịch, CĐ cũng cần chủ động làm việc với CQ điều hành và chính quyền địa phương chuẩn bị sẵn nơi lưu trú để sẵn sàng phương án ứng phó khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Khuyến khích công đoàn phối hợp với doanh nghiệp chăm lo thực phẩm, nhu yếu phẩm, bữa ăn cho NLĐ. Kịp thời khen thưởng những sáng kiến, việc làm hay, có giá trị với NLĐ trong thời điểm cấp bách vừa phòng dịch, vừa sản xuất.

Đống chí Lê Tiến Trường nhấn mạnh: 6 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận hợp nhất của Tập đoàn hoàn thành trên 70% kế hoạch cả năm trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng khoảng 190% so với cùng kỳ, đồng thời bằng 140% cùng kỳ 2019 trước đại dịch, với đóng góp lớn từ ngành Sợi và sự ổn định ở mức gần tương đương trước dịch của ngành May. Tuy nhiên, những thành quả này hoàn toàn có thể mất đi nếu các giải pháp sáng tạo về sản xuất kinh doanh trong điều kiện có dịch không được triển khai quyết liệt. Đồng thời còn có thể có hệ lụy nghiêm trọng với chuỗi cung ứng và trên hết là đời sống của người lao động tại các DN.

Thời điểm tháng 7,8,9 là quãng thời gian quyết định kết quả sản xuất kinh doanh năm 2021 của toàn Tập đoàn. Vì vậy, ngay từ bây giờ thường trực CĐ ngành, chi ủy, chi bộ VP CĐ ngành cần bám sát thực tiễn, chỉ đạo kịp thời các giải pháp đồng hành cùng DN và NLĐ vượt qua thách thức của dịch bệnh để hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021. Đội ngũ cán bộ CĐ bám sát cơ sở, nắm bắt thông tin, tâm tư, nguyện vọng của NLĐ để kịp thời có giải pháp tuyên truyền, khích lệ, hỗ trợ trong điều kiện khó khăn hiện nay. Chính quyền và công đoàn cần tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho CNLĐ vừa phòng dịch, vừa tham gia sản xuất cũng như NLĐ đang phải điều trị, cách ly theo qui định…

Giang Nguyễn


Các tin khác